Giải Lịch sử 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

Giải chi tiết, cụ thể lịch sử 8 VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

- Em biết gì về những nhân vật lịch sử sau đây: Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Thiên Hoàng Minh Trị (Nhật Bản), vua Nô-rô-đôm (Cam-pu-chia), vua Tự Đức, vua Hàm Nghi (Việt Nam).

- Em biết gì về Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc), cuộc Duy tân Minh Trị (Nhật Bản), phong trào Cần vương, phong trào nông dân Yên Thế (Việt Nam)?

Trả lời:

Về các nhân vật lịch sử:

+ Tôn Trung Sơn là nhà cách mạngTrung Quốc, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc. 

+ Thiên hoàng Minh Trị là vị Thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản theo Danh sách Thiên hoàng truyền thống, trị vì từ ngày 3 tháng 2 năm 1867 tới khi qua đời. Ông được coi là một vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.

+ Nô-rô-đôm là vua Cam-pu-chia từ năm 1860 đến năm 1904. Ông là con trai của vua Ang Duong (Nặc Đôn), là anh trai cùng cha khác mẹ với hoàng tử Si Votha cũng như vua Sisowath.

+ Tự Đức là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Triều đại của ông đánh dấu nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, thực tế thì đã mất nước vào tay Pháp.

+ Hàm Nghi là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Ngày nay, lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.

Về các cuộc cách mạng, duy tân:

+ Cách mạng Tân Hợi còn được gọi là Cách mạng Trung Quốc hay Cách mạng 1911 là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước Châu Á khác.

+ Cải cách Minh Trị, hay Cách mạng Minh Trị, hay Minh Trị Duy tân là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Giang Hộ (thường gọi là Hậu Tướng quân Tokugawa) và bắt đầu thời kỳ Minh Trị.

+ Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ 19 do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vị hoàng đế trẻ tuổi vua Hàm Nghi đề xướng trước nạn xâm lược của thực dân Pháp.

+ Khởi nghĩa Yên Thế là một cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên, đứng đầu là Hoàng Hoa Thám, với quân Pháp, khi Pháp vừa kết thúc chiến tranh với Trung Quốc và bắt đầu kiểm soát toàn bộ vùng Bắc kỳ những năm cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu vài nét về châu Á trước sự xâm lược của thực dân phương Tây

Đọc thông tin kết hợp quan sát hình, hãy giải thích vì sao chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm chiếm các nước châu Á.

Trả lời:

Chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm chiếm các nước châu Á vì:

+ Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, các nước tư bản phương Tây chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Mở rộng thuộc địa để bóc lột nhân công rẻ mạt, khai thác tài nguyên,… là một nhu cầu tất yếu của các nước đế quốc phương Tây.

+ Châu Á là một châu lục giàu tài nguyên, đông dân, lại là các nước phong kiến suy yếu đã trở thành miếng mồi ngon của các nước đế quốc phương Tây.

2. Tìm hiểu về Ấn Độ thế kỉ XVIII - đầu thế kỷ XX

a) Sự xâm lược và hậu quả chính sách thống trị của Anh:

Đọc thông tin và quan sát hình ảnh, hãy cho biết: Hậu quả của chính sách thống trị của thực dân Anh đối với Ấn Độ.

b) Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Ấn Độ những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX

Đọc thông tin kết hợp quan sát hình ảnh và cho biết: Những thành phần nào trong xã hội Ấn Độ tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc? Em có nhận xét gì trước hiện tượng đó?

Trả lời:

a) Hậu quả của chính sách thống trị của thực dân Anh đối với Ấn Độ:

+ Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt cho đế quốc Anh. Nhân dân Ấn Độ sống trong nghèo đói. 25 năm cuối thế kỉ XIX, có tới 26 triệu người chết đói ở Ấn Độ.

b)

+ Cuộc đấu tranh đòi độc lập của Ấn Độ do tư sản Ấn Độ lãnh đạo với một con đường hòa bình. Tuy nhiên đường lối bất bạo động của Gandhi khi thâm nhập vào quần chúng đã được họ sử dụng một cách linh hoạt, ra khỏi sự kiểm soát của chính Gandhi. Điều đó có nghĩa là các lực lượng khác trong xã hội Ấn Độ đã sử dụng các hình thức đấu tranh khác phong phú có cả bạo lực. 

+ Công nhân và nông dân là hai lực lượng cơ bản tạo thành động lực cuộc đấu tranh. Đảng Quốc Đại đã đoàn kết các lực lượng trong xã hội vào cuộc đấu tranh chung - đó là nhân tố đảm bảo để tư sản Ấn Độ có thể đảm nhiệm sứ mệnh giải phóng dân tộc. Hiện tượng này thể hiện sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội Ấn Độ, đặt một mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.

3. Tìm hiểu về Trung Quốc giữa thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX

a) Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm chiếm

Đọc thông tin và quan sát hình ảnh, hãy miêu tả hình 4 và cho biết hình ảnh đó diễn tả điều gì.

b) Phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc

Đọc thông tin và quan sát lược đồ, hãy:

- Cho biết những thành phần nào trong xã hội Trung Quốc tham gia đấu tranh chống xâm lược. Hình thức đấu tranh như thế nào, kết quả ra sao?

- Trình bày trên lược đồ nét chính của phong trào Nghĩa Hòa đoàn và cách mạng Tân Hợi

Trả lời:

a) Bức tranh thể hiện rõ sự phân chia lãnh thổ Trung Quốc bởi các nước đế quốc phương Tây. Cái bánh ngọt mang tên “China” được chia thành nhiều miếng. Hình ảnh sáu vị nguyên thủ quốc gia ngồi xung quanh cái bánh với sáu chiếc dĩa nhọn hoắt trong tay. Kể từ trái sang phải là Hoàng đế Đức, Tổng thống Pháp, Nga hoàng, Nhật hoàng, Tổng thống Mĩ và Thủ tướng Anh đương thời.

b)

 Các thành phần tham gia đấu tranh chống xâm lược là:

+ Tư sản.

+ Nông dân.

Hình thức đấu tranh:

+ Đấu tranh chính trị: Duy Tân.

+ Đấu tranh vũ trang: Nghĩa Hòa đoàn, Tân Hợi.

Kết quả:

+ Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, thành lập chế độ cộng hòa, tác động mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do ở các nước châu Á.

Vài nét về diễn biến của phong trào Nghĩa Hòa đoàn:

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

+ Năm 1899, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn - phong trào nông dân chống đế quốc bùng nổ ở miền Bắc Trung Quốc.

+ Từ năm 1899 đến tháng 5-1900, phong trào đấu tranh chủ yếu ở vùng Sơn Đông và Bắc Kinh.

+ Từ tháng 5-1900 đến tháng 3-1901, phong trào lan rộng ra cả vùng Sơn Tây, Mãn Châu rộng lớn.

+ Tuy nhiên, liên quân 8 nước đế quốc: Anh, Nhật, Mĩ, Đức, Nga, Pháp, Áo-Hung, I-ta-li-a đã tiến hành dàn áp phong trào từ nhiều hướng.

+ Lúc đầu, nhà Thanh hợp tác với Nghĩa Hòa Đoàn chống đế quốc. Sau vì thấy liên quân 8 nước hợp lực đàn áp Nghĩa Hòa Đoàn, nhà Thanh quay sang cấu kết với đế quốc chống lại quân khởi nghĩa.

+ Tháng 9-1901, phong trào bị dập tắt.

Vài nét về diễn biến của Cách mạng Tân Hợi:

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

+ Tháng 8-1905, Tôn Trung Sơn thành lập Trung Quốc Đồng minh hội và đề ra Học thuyết Tam dân.

+ Ngày 10-10-1911, dưới sự lãnh đạo của Đồng minh hội, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ và giành thắng lợi ở Vũ Xương.

+ Phong trào cách mạng lan rộng nhanh chóng sang tất cả các tỉnh miền Nam từ Quảng Đông, Quảng Tây đến Tứ Xuyên và lên đến miền Bắc.

+ Ngày 29-12-1911, chính phủ lâm thời được thành lập ở Nam Kinh, tuyên bố thành lập Trung Hoa dân quốc.

+ Tháng 2-1912, Viên Thế Khải, vốn là một đại thần nhà Thanh, lên làm Tổng thống, thay Tôn Trung Sơn. Cách mạng coi như kết thúc.

4. Tìm hiểu các nước Đông Nam Á cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX

a) Sơ lược quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân ở các nước Đông Nam Á

Đọc thông tin kết hợp quan sát lược đồ, hãy:

- Giải thích vì sao khu vực Đông Nam Á trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây.

- Trình bày khái quát quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á của thực dân phương Tây trên lược đồ đó.

Trả lời:

Khu vực Đông Nam Á trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây, vì:

- Vị trí địa lí: Các nước Đông Nam Á có vị trí địa lí vô cùng quan trọng.

+ Là một khu vực khá rộng, bao gồm nhiều nước trên lục địa và hải đảo.

+ Nằm trên đường hàng hải từ Tây sang Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

+ Là cửa ngõ để đi vào lục địa châu Á rộng lớn.

- Tài nguyên, thiên nhiên: là khu vực giàu tài nguyên như: lúa gạo, cây hương liệu, động vật, khoáng sản,…

- Dân cư: có nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

- Chính trị - xã hội: Chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á đang suy yếu, xã hội khủng hoảng.

Quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á của thực dân phương Tây:

+ Vào cuối thế kỉ XIX, nhân khi chế độ phong kiến ở Đông Nam Á đang suy yếu, các nước thực dân phương Tây đã đẩy mạnh các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa vào khu vực này.

+ Thực dân Anh xâm chiếm Miến Điện, Mã Lai, Xin-ga-po, Bru-nây.

+ Pháp chiếm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.

+ Tây Ban Nha, sau đó là Mĩ chiếm Phi-líp-pin.

+ Hà Lan và Bồ Đào Nha thôn tính In-đô-nê-xi-a.

=> Như vậy, vào nửa cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Xiêm (Thái Lan) dều lần lượt trở thành thuộc địa của các nước thực dân phương Tây.

b) Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước ở Đông Nam Á

Đọc thông tin, hãy:

- Chỉ ra những điểm chung nổi bật trong chính sách cai trị của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á.

- Trình bày tóm tắt các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á và giải thích tại sao các phong trào này đều thất bại.

Trả lời:

Những điểm chung nổi bật trong chính sách cai trị của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á:

+ Tùy tình hình cụ thể mà mỗi nước thực dân có chính sách cai trị, bóc lột khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung đều có những điểm nổi bật: Vơ vét tài nguyên đưa về chính quốc, không mở mang công nghiệp ở thuộc địa, tăng các loại thuế, mở đồn điền, bắt lính, đàn áp phong trào yêu nước.

+ Những nét chính về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:

  • Ngay khi thực dân phương Tây tiến hành xâm lược, nhân dân các nước Đông Nam Á đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
  • Các cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á phát triển liên tục, rộng khắp ở tất cả các nước như:

+ Ở In-đô-nê-xi-a: Phát triển với nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

+ Ở Phi-líp-pin: Cuộc cách mạng 1896-1898 bùng nổ, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Phi-lip-pin, nhưng sau đó lại bị đế quốc Mĩ thôn tính.

+ Ở Cam-pu-chia, Việt Nam, Lào: Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp đều diễn ra sôi nổi, nhưng đều thất bại.

+ Ở Miến Điện: Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Anh (1885) diễn ra rất anh dũng nhưng cuối cùng cũng thất bại.

- Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đều có chung một kết quả là thất bại.

- Tuy nhiên, những phong trào đấu tranh thời kì này đều có những ý nghĩa nhất định, trở thành tiền đề cho sự phát triển của các phong trào đấu tranh trong những giai đoạn sau.

Nguyên nhân thất bại:

+ Lực lượng của các nước thực dân phương Tây còn mạnh.

+ Chính quyền phong kiến ở các nước đầu hàng, làm tay sai.

+ Các cuộc đấu tranh của nhân dân còn diễn ra lẻ tẻ, chưa có tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ.

5. Tìm hiểu tình hình Nhật Bản giữa thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX

a) Nhật Bản trước nguy cơ trở thành thuộc địa

Đọc thông tin kết hợp quan sát hình, hãy cho biết:

- Vì sao Nhật Bản quyết định canh tân để phát triển đất nước.

- Ai là người quyết định công cuộc duy tân đất nước. Nội dung và kết quả của cuộc Duy tân Minh Trị.

Trả lời:

+ Nhật Bản quyết định canh tân phát triển đất nước để thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây.

+ Thiên hoàng Minh Trị là người quyết định duy tân đất nước.

+ Nội dung của cuộc Duy tân Minh Trị:

Về kinh tế:

+ Thống nhất tiền tệ.

+ Xóa bỏ sự độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến.

+ Tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn.

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống,… phục vụ giao thông liên lạc.

Về chính trị - xã hội: Bãi bỏ chế độ nông nô, đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm chính quyền.

Về giáo dục:

+ Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học - kĩ thuật trong chương trình giảng dạy.

+ Cử những học sinh ưu tú đi du học ở phương Tây.

Về quân sự:

+ Tổ chức quân đội theo kiểu phương Tây, chế độ nghĩa vụ thay cho chế độ trưng binh.

+ Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí được chú trọng.

Kết quả của cuộc Duy tân Minh Trị:

+ Đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

+ Giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa, phát triển thành một nước tư bản công nghiệp.

b) Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa

Đọc thông tin và quan sát lược đồ, hãy:

+ Trình bày sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ cuối thế kỉ XIX.

+ Cho biết việc mở rộng thuộc địa của đế quốc Nhật Bản.

Trả lời:

Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản từ cuối thế kỉ XIX:

Trong 14 năm (từ 1900 đến 1914), tỉ lệ công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã tăng từ 19% lên 42%. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng. Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, như Mít-xưi và Mít-su-bi-si, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật. Các hãng này làm chủ nhiều ngân hàng, hầm mỏ, xí nghiệp đường sắt, tàu biển... Nhật Bản đã trở thành một nước tư bản công nghiệp, thoát khỏi nguy cơ trở thành một nước thuộc địa.

Việc mở rộng thuộc địa của đế quốc Nhật Bản:

+ Từ năm 1872 - 1879, Nhật chiếm bán đảo Lưu Cầu.

+ Năm 1895, Nhật chiếm Đài Loan

+ Bước sang thế kỉ XX, giới cầm quyền Nhật Bản đẩy mạnh chính sách xâm lược bành trướng.

+ Chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) kết thúc với sự thất bại của đế quốc Nga. Nhật chiếm vùng Nam đảo Xa-kha-lin, cảng Lữ Thuận của Trung Quốc (1905).

+ Năm 1910, Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên.

+ Năm 1914, Nhật Bản dùng vũ lực để mở rộng khu vực ảnh hưởng ở Trung Quốc và chiếm Sơn Đông. Từ đây, thuộc địa của đế quốc Nhật được mở rộng rất nhiều.

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Trước nguy cơ xâm lược từ chủ nghĩa thực dân phương Tây, các nước châu Á mà em tìm hiểu đang ở tình trạng như thế nào?

Trả lời:

Châu Á - miền đất giàu tài nguyên với lượng tiêu thụ lớn cho thấy tài năng kinh tế và khai thác tài nguyên tiềm ẩn (Ấn Độ, Trung Quốc,…), đây chính là nguyên do tại sao châu Á là miếng mồi ngon của các nước tư bản phương Tây. Đồng thời, các nước châu Á do sự lạc hậu, trì trệ về vì sự thống trị phong kiến, nghèo nàn về vũ khí, chế độ phòng thủ yếu càng dễ dàng cho các nước tư bản phương Tây xâm chiếm. Sự khác biệt về trình độ và tốc độ phát triển, sự thiếu chuẩn bị của giai cấp phong kiến là một trong những những điều kiện đưa châu Á vào tình thế khó khăn.

Câu 2. Phân tích bảng thống kê sau để rút ra nhận xét về hậu quả của chính sách thống trị của Anh ở Ấn Độ.

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

Trả lời:

Chính sách thống trị của thực dân Anh:

Con số cho thấy, số lượng xuất khẩu tăng nhanh, tỉ lệ thuận với số người chết đói. Chứng tỏ chính sách thống trị của thực dân Anh hết sức tàn bạo.

+ Kinh tế: bóc lột thậm tệ nhân dân Ấn Độ, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ.

+ Chính trị: dùng chính sách chia để trị, chia rẽ tôn giáo, dân tộc.

+ Hậu quả:

  • Quần chúng nông dân bị bần cùng hóa: người dân mất ruộng đất, thủ công nghiệp suy sụp, nền văn minh lâu đời bị phá hoại, mâu thuẫn giữa các sắc tộc, tôn giáo Ấn nảy sinh.
  • Nhân dân Ấn Độ mâu thuẫn sâu sắc với thực dân Anh, vì thế những cuộc đấu tranh chống thực dân Anh tất yếu sẽ nổ ra.

Câu 3. Hoàn thành các bảng sau theo mẫu:

a) Về phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

b) Về cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

Trả lời:

a)

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

b)

Giải địa lí 8 sách VNEN bài 5: Các nước châu Á trước nguy cơ xâm lược từ các nước tư bản phương Tây

Câu 4. Vì sao từ cuối thế kỉ XIX, kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh? Những dấu hiệu nào chứng tỏ Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc.

Trả lời:

Kinh tế Nhật Bản từ cuối thế kỉ XIX phát triển mạnh, vì:

+ Nhật tiến hành hàng loạt những cải cách trên nhiều các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa...

+ Sau cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895), nhờ số tiền bồi thường và của cải cướp được ở Triều Tiên và Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản càng phát triển mạnh mẽ.

+ Vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Nhật Bản trở thành nước đế quốc, biểu hiện:

+ Kinh tế Nhật ngày càng phát triển mạnh. Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, như Mít-xưi và Mít-su-bi-si, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật.

+ Bước sang thế kỉ XX, giới cầm quyền Nhật đẩy mạnh chính sách xâm lược và bành trướng. Thuộc địa của đế quốc Nhật cũng từ đó mà mở rộng rất nhiều.

D. E. Hoạt động vận dụng và tìm tòi mở rộng

Câu 1. Theo dòng lịch sử từ cuối thế kỉ XIX đến nay, tên các nước châu Á được thay đổi hay giữ nguyên?

Trả lời:

Đa số các nước châu Á vẫn giữ nguyên tên nước, một số nước đổi tên có thể kể đến là Miến Điện (chuyển thành My-an-ma), Xiêm (chuyển thành Thái Lan), Mã Lai (chuyển thành Ma-lai-xi-a).

Câu 2. Theo em, sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây đối với các nước châu Á đã để lại những hậu quả như thế nào?

Trả lời:

Sự thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây không nhằm mục đích “khai hoá”, đem lại “văn minh” cho các nước thuộc địa nói chung và nhân dân châu Á nói riêng. Ngược lại, sự xâm lược và thống trị đó là  một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu về kinh tế và văn hoá của các nước thuộc địa trong thời kỳ cận đại.        

Kết quả của sự thống trị, bóc lột của bọn thực dân là đem lại lợi nhuận khỏng lồ cho chúng và sự khốn khổ không kể xiét của nhân dân lao động và hậu quả nghiêm trọng  đối với sự phát triển xã hội của các nước thuộc địa.       

Tội ác của chúng thật là lớn! Nguyễn Ái Quốc với “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã tố cáo tội ác không chỉ của thực dân Pháp mà của tất cả bọn thực dân: “…chế độ thực dân là ăn cướp… là hiếp dâm và giết người” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, tr. 106).       

+ Về mặt chính trị, xã hội:

  • Người châu Âu có mặt ở châu Á từ thế kỷ XVI, trước tiên là thu mua hương liệu, khai thác tài nguyên, lập các trung tâm buôn bán, rồi tiến đến xâm chiếm đất đai, lập thuộc địa, thủ tiêu nền độc lập của các dân tộc vốn đã có chủ quyền và nền văn hoá khá cao.       
  • Những cuộc xâm chiếm và thống trị như vậy, đã gây nên những vụ xung đột, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới giữa các nước với nhau. Các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng.      
  • Tình trạng mù chữ của nhân dân chiếm tỉ lệ cao ở các nước thuộc địa, như ở Inđônexia có 70 triệu dân mà chỉ có 6,5 % người biết chữ vào  những năm 1930, hoặc ở Việt Nam cũng trên 90 % dân số mù chữ trong thời kỳ thống trị của thực sân Pháp…       

+ Về kinh tế:

Chúng tiến hành vơ vét, khai thác, đầu tư đối với các thuộc địa. Các nước tư bản cũng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ở một mức độ nhất định để tận lực khai thác tài nguyên. Chính vì thế khi khủng hoảng kinh tế thì tác hại của nó khá lớn, kinh tế bị phá sản, số người thất nghiệp tăng, nạn chết đối xuất hiện nặng nề.      

+ Về công nghiệp: 

Các nước thực dân để lại cho các nước thuộc địa một di sản nghèo nàn, lạc hậu và què quặt. Đến khi giành được độc lập, khu vực công nghiệp của các nước chiếm một con số rất nhỏ, ví như ở Malaixia khu công nghiệp chiếm 6,3 dân số lao động, khoảng 50 % số này lao động ở các mỏ thiếc và đồn điền cao su, số còn lại làm trong các xí nghiệp công nghiệp nhẹ.        

+ Trong nông nghiệp:

vẫn duy trì sản xuất nhỏ, tiểu nông, kỹ thuật canh tác lạc hậu. Chính vì vậy, năng suất lao động thấp, nông dân bị mất đất phải thuê ruộng và nộp địa tô hoặc phải đi làm thuê cho địa chủ, thực dân. Đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải VNEN lịch sử 8


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com