[toc:ul]
Mỗi chúng ta, ai sinh ra cũng được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Mẹ cha trao cho ta hình hài và nuôi dưỡng ta khôn lớn. Nhưng trong hành trình khôn lớn ấy, không chỉ mẹ cha, có những người khác cũng nuôi dưỡng tâm hồn ta trở nên tốt đẹp. Với em, người đó là bà nội.
Bà nội là người vô cùng quan trọng trong tuổi thơ của em. Bà em năm nay đã bước sang tuổi bảy mươi, dáng người bà nhỏ nhắn, gầy gầy nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Mái tóc bà bạc trắng như cước, lúc nào cũng được vấn gọn gàng trong chiếc khăn màu nâu. Khuôn mặt bị thời gian lấy đi tuổi trẻ, những nếp nhăn đã không còn thẳng hàng, đôi mắt nheo nheo lại dưới hàng lông mày và miệng bà đã móm mém. Tuy vậy, nụ cười hiền hòa và ánh mắt của bà khiến em cảm thấy giống như những bà Tiên trong câu chuyện cổ tích của bà.
Bố mẹ em bận bịu làm ăn, ông nội đã qua đời từ khi bố em còn bé xíu, bà nội là người chăm sóc và nuôi nấng em suốt từ ngày em cất tiếng khóc chào đời đến tận bây giờ. Ông nội qua đời sớm để lại bố em và hai bác trai, một tay bà vất vả làm lụng chăm lo, nuôi lớn các con rồi dựng vợ, xây nhà. Vậy mà khi con cái tỏ ý đón bà về phục dưỡng, bà xua tay phản đối. Khi các cháu sinh ra lại lật đật chạy đi chạy lại giữa các nhà, chăm chút cho từng đứa.
Bà đua võng ru em những ngày còn chưa biết bò, biết lẫy. Mẹ từng bảo với em, khi em bi bô tập nói, tiếng đầu tiên em gọi là “Bà”. Trong các cháu, em là đứa nhỏ tuổi nhất và do một tay bà chăm bẵm từ nhỏ đến lớn, em thường hay quấn quýt bên bà nên bà rất yêu thương và chiều chuộng. Bà một mình sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà em. Ngày trước bố và các bác cứ khuyên ngăn bà về ở chung để con cháu được chăm sóc bà, bà đỡ vất vả. Em nhớ khi ấy bà chỉ bảo rằng: “Tao đi với chúng mày, thì bố chúng mày ở một mình à. Mẹ ở ngay đây thôi, có chuyện, chúng mày vẫn chăm nom được, chẳng vấn đề gì cả.” Từ đó, bố không nhắc lại chuyện này nữa. Mọi người sau đó thường tụ tập tại nhà bà cuối tuần và các dịp lễ, tết, bận mấy cũng không quên. Bà mừng lắm, bà thường bảo với em bà chỉ mong vậy chứ không mong gì hơn nữa.
Năm tháng qua đi, gánh nặng cuộc đời đã khiến sức khỏe bà yếu hơn nhưng bà vẫn trồng rau, nuôi gà. Khu vườn nhỏ của bà được bà tỉ mỉ chăm bón, mùa nào cũng có rau xanh, trái ngọt. Đến mùa rau trưởng thành, quả chín bà lại hái rồi đem chia cho từng nhà.
Bà chính là một phần của tuổi thơ em. Những câu chuyện cổ tích thần kỳ, những bài học ý nghĩa về lối sống, đạo đức đều được bà mang đến bên em. Bà biết nhiều món bánh, ba miền Bắc Trung Nam, thứ bánh nào ngon bà cũng biết: bánh giò, bánh gio, bánh khúc, bánh bột lọc...Trừ dịp Tết, cúng giỗ, cứ ngày nào trời đổ mưa là bà lại gọi em sang cùng bà làm bánh. Mưa ngoài trời rả rích, hai bà cháu quây quần bên nhau, tự tay làm những món bánh thơm ngon và nghe bà thủ thỉ câu chuyện ngày xưa, những câu chuyện mà bà đã gặp, đã nghe qua trong suốt bao năm tháng cuộc đời.
Bà cho em rất nhiều yêu thương và kỉ niệm đẹp, nhiều đến nỗi không thể ghi hết bằng giất bút. Những chuyện vui, chuyện buồn hàng ngày, chuyện gì em cũng kể với bà, bà lắng nghe, vỗ về và nhẹ nhàng khuyên nhủ bằng lời lẽ nhẹ nhàng, dễ hiểu. Có lần, em mắc lỗi, bố vốn nghiêm khắc nên giận dữ định dùng roi đánh em. Bà vội vàng can ngăn, quát bố không được đánh rồi khuyên bảo em, đến khi em nhận ra lỗi của mình bà mới bảo về xin lỗi bố.
Tuổi thơ của em là những năm tháng ngọt ngào, hạnh phúc trong tình yêu thương của bố mẹ và bà nội. Bà giống như bà tiên hiền hậu, biết nhiều phép thuật, phù phép cho tuổi thơ của em trọn vẹn hơn, tươi đẹp hơn.
Hai tiếng bà ngoại trong tôi là hai từ vô cùng đẹp và thiêng liêng. Cả tuổi ấu thơ của tôi đều gắn liền với những kỉ niệm về bà yêu quý. Những kỉ niệm ấy được bà vun đắp và gieo trồng tạo nên một góc đẹp trong tâm hồn tôi. Đó là những lời tự tận đáy lòng mà tôi muốn nói với bà - bà tuyệt với nhất trong trái tim tôi.
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
Nghe mẹ kể lại tôi nhỏ xíu bố mẹ đi làm xa tôi khóc suốt, bà thì cũng có tuổi thế mà ngày nào cũng phải thức để dỗ dành kể chuyện hát ru cho tôi ngủ. Cho tới tận bây giờ cái mùi trầu thơm đượm bà nhai vẫn còn mơn man trong tâm hồn tôi. Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: "Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi" luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà ẩy con lật đật và bảo: "Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui". Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém "Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào". Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi. Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn
Tôi thương bà nhiều lắm. Trong trái tim tôi trước đây, bây giờ, và mãi mãi bà sẽ luôn là bà tien đẹp nhất, hiền nhất và đáng kính nhất. Sự yêu thương niềm vui của bà sẽ mãi lan tỏa xung quanh làm rạng ngời tâm hồn tôi.