Đề bài: Kể về một lần em mắc lỗi lầm.

Đề bài: Kể về một lần em mắc lỗi lầm. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể về một lần em mắc lỗi lầm - cướp truyện bạn khiến bạn bị té ngã.

Đề bài: Kể về một lần em mắc lỗi lầm.

Dàn bài 

1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh thời gian xảy ra lỗi lầm.

2. Thân bài:

  • Cô xếp chỗ cho Hà ngồi cạnh tôi.
  • Tôi  không ưa cô bạn này.
  • Tôi rất khoái trá vì những trò mình bày ra.
  • Rồi một lần, trong giờ ra chơi thấy Hà đang cầm trên tay cuốn truyện tranh.
  • Tôi cố tình cầm cuốn truyện đưa lên cao để Hà không lấy được.
  • Hà không đứng vững cậu ấy trượt chân ngã nhào.
  • Mẹ đưa tôi đến nhà Hà để  xin lỗi.
  • Cứ thế, tôi với Hà thân nhau lúc nào không hay.

3. Kết bài: bài học rút ra sau lỗi lầm ấy.

Bài văn

Tôi có cô bạn thân từ hồi tiểu học, chúng tôi chơi với nhau được 4 năm từ khi còn là học sinh lớp 2. Giờ tôi đã lớn, có đôi lần nhìn vào mắt Hà tôi lại nhớ đến lỗi lầm của mình khi còn là còn là cậu bé  ngốc nghếch, dại dột.

Hồi ấy tôi học lớp hai. Hầu hết các bạn trong lớp đã quen nhau từ hồi mới vào lớp một. Tôi vốn là cậu bé thông minh, nhưng vô cùng hiếu động. Giữa năm học lớp hai, chúng tôi có thêm một thành viên mới là Hà. Cô bé nhỏ nhắn, đáng yêu lắm. Cô xếp chỗ cho Hà ngồi cạnh tôi. Vì là học sinh mới đến nên Hà chưa quen các bạn trong lớp, cậu ấy có vẻ rụt rè, có khi tôi hỏi chuyện Hà cũng im lặng, không trả lời tôi. Vì thế tôi  không ưa cô bạn này,  nên nhiều lần tôi tìm cách trêu trọc bạn ấy trên lớp. Tôi  bỏ bút chì của Hà vào ngăn bàn, tôi giấu tẩy của bạn ấy vào trong hộp giẻ lau mặc cho Hà cứ loay hoay tìm mãi. Tôi rất khoái trá vì những trò mình bày ra. Rồi một lần, trong giờ ra chơi thấy Hà đang cầm trên tay cuốn truyện tranh, tôi chẳng ngần ngại chạy đến cướp luôn cuốn truyện của bạn. Lúc ấy tôi thấy Hà bực bội lắm, nhưng tôi thì mặc kệ có bao giờ quan tâm đến cảm xúc của bạn ấy đâu. Tôi cố tình cầm cuốn truyện đưa lên cao để Hà không lấy được, ấy vậy mà cô bạn của tôi nào có bỏ cuộc. Hà trèo lên ghế, cố với lấy cánh tay tôi để đòi lại truyện. Nhưng lúc ấy Hà không đứng vững cậu ấy trượt chân ngã nhào, đầu Hà đập xuống nền lớp học. Tôi chẳng biết lúc ấy, trong đầu mình nghĩ gì chỉ vội vứt quyển truyện xuống đất , sợ hãi tôi vừa lay Hà dậy: “Mình xin lỗi, mình xin lỗi…. cậu có làm sao không?”. Cũng may cậu ấy không bị chảy máu, Hà mở mắt nhìn tôi nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy cô giáo tôi đã đến, cô nhanh chóng đưa Hà lên phòng y tế. Tôi vừa chạy theo cô vùa khóc nức nở vì biết mình vừa làm một việc vô cùng ngu ngốc. Nhìn cô  bạn, nằm im trên giường, tôi sợ hãi vô cùng.  Tôi như thế, cô chủ nhiệm lớp tôi đến dỗ tôi nói là Hà không sao, lần sau không được nghịch ngợm như thế nữa, bảo tôi về lớp đi cô đã gọi bố mẹ Hà đến đưa bạn ấy về.

Sau buổi học hôm ấy, tôi về nhà trong trạng thái hoang mang vì biết cô đã gọi điện về cho mẹ tôi. Vừa về đến nhà, mẹ tôi đã ngồi ở phòng khách chờ tôi. Tôi thấy ánh mắt mẹ tôi buồn lắm, mẹ chỉ hỏi tôi: “Tại sao con lại trêu Hà?”. Tôi kể cho mẹ nghe ngọn nguồn câu chuyện, và giải thích với mẹ rằng, con trêu bạn ấy chỉ vì muốn bạn ấy nói chuyện với con, bạn ấy ngồi cùng con nhưng chẳng bao giờ nói với con câu nào. Lúc ấy, mẹ tôi không trách mách tôi mà ôn tồn nói: “ Hà mới chuyển đến lớp con, bạn ấy chưa quen môi trường mới chứ không phải là khó gần, mà con thì luôn tìm cách trêu trọc bạn ấy, thì bảo sao bạn ấy không muốn nói chuyện với con”. Mẹ tôi nói với tôi, con vừa gây ra một lỗi lớn, đừng xin lỗi mẹ mà hãy tự tìm cách giải quyết việc của con nhé, con hãy cho mẹ biết bây giờ con muốn làm gì. Tôi ngồi lặng im trên ghế sô pha sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với mẹ: “Mẹ dẫn con đến nhà bạn Hà nhé, để con xin lỗi bố mẹ bạn ấy, và mong Hà tha lỗi cho con. Từ giờ  con sẽ không trêu bạn ấy nữa”. Mẹ tôi đồng ý với quyết định của tôi, mẹ đưa tôi đến nhà Hà để  xin lỗi.Rất may là cú ngã ở lớp không gây ra trấn thương gì với Hà. Lời xin lỗi của tôi được chấp nhận. Tôi trở về nhà, mà trong lòng nhẹ nhõm. Nhưng cứ nhớ đến khuôn mặt của Hà khi ngã trong lớp tôi lại bị ám ảnh.Sau lần nghịch dại đó, tôi cảm thấy rất có lỗi với Hà. Tôi không bao giờ dám trêu ghẹo bạn ấy nữa. Cảm giác có lỗi vẫn cứ giày vò tôi, tôi đã tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm của mình. Tôi lấy nước giúp Hà, giặt giúp bạn ấy dẻ lau bảng, tôi thường mang kẹo đến lớp cho Hà. Cứ thế, tôi với Hà thân nhau lúc nào không hay.

Cô bạn tôi giờ đây, không còn ít nói như hồi đầu mà cởi mở nhiệt tình với tôi và tất cả mọi người.  Tôi đã có tình bạn tuyệt vời, trong hoàn cảnh vô cùng éo le. Bây giờ, thỉnh thoảng Hà vẫn trêu tôi vì cú ngã hồi lớp 2 ấy mà chúng tôi trở nên thân thiết, gần gũi nhau hơn.

Bài mẫu 2: Kể về một lần em mắc lỗi lầm - Làm mất chiếc nhẫn bố tặng mẹ nhân 15 năm ngày cưới.

Dàn bài 

1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh thời gian xảy ra lỗi lầm.

2. Thân bài:

  • Hôm đó là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của bố mẹ.
  • Bố đã mua một chiếc nhẫn thật đẹp để tặng người vợ yêu quý của mình. 
  • Chiếc nhẫn đã biến mất đi lúc nào không hay. 
  • Tôi hoảng loạn thực sự.
  • Thấy chiếc nhẫn đang nằm lăn lóc ở nhà vệ sinh.

3. Kết bài: bài học rút ra sau lỗi lầm ấy.

Bài văn

Tôi đã từng nghe rằng: "Ai trong đời rồi cũng phải cảm ơn những khiếm khuyết của mình". Mỗi chúng ta ai cũng từng ít nhất phạm sai lầm một lần trong đời. Những sai lầm ấy sẽ giúp bạn nhận ra hạn chế, khuyết điểm của bản thân, giúp ta có động lực tìm cách khắc phục, để chính mình ngày càng hoàn thiện hơn. Tôi cũng vậy, tôi đã từng mắc rất nhiều lỗi lầm khác nhau, nhưng lần mắc lỗi với mẹ khiến tôi không thể nào quên.

Tôi còn nhớ hôm đó là kỉ niệm 15 năm ngày cưới của bố mẹ, cả nhà đã rất vui mừng, hào hứng chuẩn bị cho ngày đặc biệt này. Bố đã mua một chiếc nhẫn thật đẹp để tặng người vợ yêu quý của mình. Gia đình tôi đã có một bữa tối thật đầm ấm, hạnh phúc. Nhận món quà từ tay bố và được bố cẩn thận lồng chiếc nhẫn vào tay, mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc vô hạn. Tôi cũng cảm thấy vô cùng mãn nguyện khi được chứng kiến điều đó. Chiếc nhẫn của mẹ được đính những viên đá quý lóng lánh, đẹp đẽ, ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy nó tôi đã đem lòng thích thú. Tôi hỏi xin mẹ đeo thử, sau một hồi năn nỉ cuối cùng mẹ cũng nhượng bộ cho tôi đeo một chút. Đeo chiếc nhẫn trên tay, tôi chẳng muốn rời và cứ thế đeo nó cho đến sáng hôm sau, mẹ không để ý nên tôi bèn lẻn mang chiếc nhẫn quý giá ấy đến trường.

Tôi hãnh diện khoe khoang với bạn bè, ai nhìn thấy chiếc nhẫn cũng trầm trồ ghen tị, còn tôi thì sung sướng tự hào. Cả ngày hôm đó cứ thế trôi qua cho đến tối trở về nhà, mẹ kêu tôi đưa lại nhẫn cho mẹ. Tôi tiếc nuối sờ lên tay để lấy nhẫn trả mẹ. Thì, trời ơi, trên tay tôi không có gì cả, chiếc nhẫn đã biến mất đi lúc nào không hay. Tôi tái mét mặt, tay run lên bần bật, dưới nhà mẹ lại thúc giục tôi mang xuống. Tôi hoảng loạn thực sự, ngồi thụp xuống dưới đất, chân tôi mềm đi không còn đứng vững nữa. Tôi biết phải làm sao? Nói với mẹ thế nào đây? Trời ơi, sao tôi lại hậu đậu đến thế, món quà vô giá vừa được bố trao cho mẹ ngày hôm qua mà tôi lại đánh mất?....

Tôi cố gắng trấn tĩnh, lục lọi trong mớ suy nghĩ hỗn độn, hoảng loạn của mình xem nó có thể rơi ở đâu. Nhưng đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Mẹ vì thấy quá lâu nên đã chạy lên phòng, thấy tôi ngồi dưới bệt dưới nền nhà thì mẹ vội vàng chạy đến hỏi. Tôi khóc nấc, nói không nên lời:

- Mẹ ơi, con đã làm mất chiếc nhẫn bố tặng mẹ rồi? Mẹ ơi, phải làm thế nào bây giờ hả mẹ? Con xin lỗi mẹ.

Trong dòng nước mắt nhòe trên mắt tôi vẫn đủ để thấy khuôn mặt mẹ tái đi, đôi mắt trĩu buồn và những giọt nước mắt to tướng đọng lại nơi khóe mắt chỉ chực chảy xuống. Nhìn mẹ tôi lại càng ân hận, áy náy hơn. Chỉ tại tôi, tại tính cẩu thả, hay khoe khoang mà làm mất đi món quà mẹ vô cùng yêu thích. Dù có bao nhiêu lời cầu xin tôi cũng không thể xóa hết lỗi lầm tôi đã mắc với mẹ. Mẹ nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng và động viên tôi rằng không sao đâu, rằng bố sẽ mua cho mẹ chiếc nhẫn khác. Dù nói những lời đấy nhưng tôi hiểu mẹ đã buồn biết nhường nào.

Bố biết chuyện lòng vô cùng buồn bã, bữa cơm của gia đình tôi trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhìn bố mẹ như vậy trong lòng tôi ăn năn hơn. Tôi quyết định sau khi ăn cơm xong sẽ đi tìm chiếc nhẫn ấy về. Tôi vội vàng leo lên tầng, tìm trong cặp, trong hộp bút, trong từng quyển vở,… càng tìm tôi càng tuyệt vọng, không thấy chiếc nhẫn đâu cả. Đến lúc tôi gần như buông xuôi thì bỗng tôi thấy một ánh sáng léo lên phía cửa nhà vệ sinh, tôi chạy vội vàng vào nhà vệ sinh thì thấy chiếc nhẫn đang nằm lăn lóc ở đó. Tôi vui sướng nhảy cẫng lên và cầm chặt chiếc nhẫn trong tay. Có lẽ trong lúc tắm, tay tôi bé hơn chiếc nhẫn nên nó đã bị rơi ra từ lúc nào mà tôi không hay biết. Tôi cầm nhẫn chạy vội vàng xuống trả lại mẹ. Nhìn thấy nó, cả mẹ và bố đều sung sướng vô cùng.

Tìm lại được chiếc nhẫn lại cho mẹ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, sung sướng. Đồng thời, qua lần ấy, tôi đã rút ra bài học cho bản thân. Khi mượn đồ của bất cứ ai cũng cần giữ gìn cẩn thận, trân trọng và gìn giữ nó như của chính mình.

Bài mẫu 3: Kể về một lần em mắc lỗi lầm - Em nói dối mẹ khiến mẹ buồn.

Dàn bài 

1. Mở bài: giới thiệu về hoàn cảnh thời gian xảy ra lỗi lầm.

2. Thân bài:

  • Tôi có bài kiểm tra khoa học tệ hại.
  • Tôi hối hận khi nói dối mẹ. 
  • Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ.
  • Mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

3. Kết bài: bài học rút ra sau lỗi lầm ấy.

Bài văn

Đọc sách, tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Úc: "Không có gì là hoàn hảo, có chăng chỉ là sự đề cao mà thôi". Đúng, thử hỏi trong chúng ta có ai dám tự nói mình chưa mắc lỗi dù chỉ một lần không? Tôi cũng vậy, có lẽ tôi không thể quên lỗi lầm mình gây ra hôm đó, khiến người tôi yêu quý nhất – mẹ tôi, buồn lòng...

Hôm ấy, đất dát vàng ánh nắng, trời mát dịu, gió khẽ hôn lên má những người đi đường. Nhưng nó sẽ là ngày tuyệt đẹp, nếu tôi không có bài kiểm tra khoa học tệ hại đến như vậy, hậu quả của việc không chịu ôn bài. Về nhà, tôi bước nhẹ lên cầu thang mà chân nặng trĩu lại. Tôi buồn và lo vô cùng, nhất là khi gặp mẹ, người tôi nói rất chắc chắn vào tối qua: "Con học bài kỹ lắm rồi". Mẹ đâu biết khi mẹ lên nhà ông bà, ba đi công tác, tôi chỉ ngồi vào bàn máy tính chứ nào có ngồi vào bàn học, bởi tôi đinh ninh rằng cô sẽ không kiểm tra, vì tôi được mười điểm bài trước, nào ngờ cô cho làm bài kiểm tra mười lăm phút. Chả lẽ bây giờ lại nói với mẹ: "Con chưa học bài hôm qua" sao? Không, nhất định không. Đứng trước cửa, tôi bỗng nảy ra một ý "Mình thử nói dối mẹ xem sao". Nghĩ như vậy, tôi mở cửa bước vào nhà. Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra. Nhìn mẹ, tôi chào lí nhí "Con chào mẹ". Như đoán biết được phần nào, mẹ tôi hỏi: "Có việc gì thế con"? Tôi đưa mẹ bài kiểm tra, nói ra vẻ ấm ức: Con bị đau tay, không tập trung làm bài được nên viết không kịp"... Mẹ tôi nhìn, tôi cố tránh hướng khác. Bỗng mẹ thở dài! "Con thay quần áo rồi tắm rửa đi!". Tôi "dạ" khẽ rồi đi nhanh vào phòng tắm và nghĩ thầm: "Ổn rồi, mọi việc thế là xong". Tôi tưởng chuyện như thế là kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cứ như người mất hồn, có lúc mẹ rửa bát chưa sạch, lại còn quên cắm nồi cơm điện. Thậm chí mẹ còn quên tắt đèn điện, điều mà lúc nào mẹ cũng nhắc tôi. Mẹ tôi ít cười và nói chuyện hơn. Đêm đêm, mẹ cứ trở mình không ngủ được. Bỗng dưng, tôi cảm thấy như mẹ đã biết tôi nói dối. Tôi hối hận khi nói dối mẹ. Nhưng tôi vẫn chưa đủ can đảm để xin lỗi mẹ. Hay nói cách khác, tôi vẫn chưa thừa nhận lỗi lầm của mình. Sáng một hôm, tôi dậy rất sớm, sớm đến nỗi ở ngoài cửa sổ sương đêm vẫn đang chảy "róc rách" trên kẽ lá.

Nhìn mẹ, mẹ vẫn đang ngủ say. Nhưng tôi đoán là mẹ mới chỉ ngủ được mà thôi. Tôi nghĩ: Quyển "Truyện về con người" chưa đọc, mình đọc thử xem". Nghĩ vậy, tôi lấy cuốn sách đó và giở trang đầu ra đọc. Phải chăng ông trời đã giúp tôi lấy cuốn sách đó để đọc câu chuyện "lỗi lầm" chăng ! "...Khi Thượng đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình, một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia đeo ở sau lưng chứa lỗi lầm của mình, nên con người thường không nhìn thấy lỗi của mình". Tôi suy ngẫm: "Mình không thấy lỗi lầm của mình sao?". Tôi nghĩ rất lâu, bất chợt mẹ tôi mở mắt, đi xuống giường. Nhìn mẹ, tự nhiên tôi đi đến một quyết định: Đợi mẹ vào phòng tắm, rồi lấy một mảnh giấy nắn nót đề vài chữ. Mẹ tôi bước ra, tôi để mảnh giấy trên bàn rồi chạy ù vào phòng tắm. Tôi đánh răng rửa mặt xong, đi ra và... chuẩn bị ăn bữa sáng ngon lành do mẹ làm. Và thật lạ, mảnh giấy ghi chữ: "Con xin lỗi mẹ" đã biến đâu mất, thay vào đó là một chiếc khăn thơm tình mẹ và cốc nước cam. Tôi cười, nụ cười mãn nguyện vì mẹ đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi.

Đến bây giờ đã ba năm trôi qua, mảnh giấy đó vẫn nằm yên trong tủ đồ của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng, và tự nhủ sẽ không bao giờ để mẹ buồn nữa. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu: Khi bạn biết xin lỗi bố mẹ, bạn sẽ có nhiều hơn một thứ bạn vẫn đang có, đó là tình thương.

"Từ thuở sinh ra tình mẫu tử
Trao con ấm áp tựa nắng chiều".

 

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com