Đề bài: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ.

Đề bài: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ - đạt điểm cao môn Toán

Dàn bài

1. Mở bài: Kỉ niệm là kỉ niệm gì?

2. Thân bài:

  • Tập trung kể về kỉ niệm ấy.
  • Nó xảy ra ở đâu, lúc nào (những buổi đầu cắp sách đến trường) với ai (cô giáo, Hà).
  • Chuyện xảy ra như thế nào? (mở đầu, diễn biến, kết quả).
    • Những lời cô giảng dạy em không hiểu hết. 
    • Hà thấy vậy liền viết viết ra một tờ nháp. 
    • Em cầm tờ giấy đã vo nhét vào học bàn.
    • Cô giáo trả bài kiểm tra và em được điểm 8.
  • Điều gì khiến em xúc động? Xúc động như thế nào?

3. Kết bài: Em có suy nghĩ gì về kỉ niệm đó.

Bài văn

Ai cũng đầy ắp những kỉ niệm của một thời thơ ấu. Đặc biệt, những buổi đầu cắp sách đến trường, được gặp gỡ và làm quen với biết bao thầy cô, bạn bè sẽ luôn là những kỉ niệm mãi mãi không bao giờ quên.

Những ngày đầu đi học, tôi luôn được cô giáo khen viết chữ đẹp và đều. Em học rất khá môn tập viết tuy nhiên lại không giỏi môn toán. Đây là môn học mà em sợ nhất. Cô giáo mặc dù đã giảng dạy, hướng dẫn em làm bài rất cẩn thận và tỉ mỉ tuy nhiên do bản thân sợ môn học này nên những lời cô giảng dạy em không hiểu hết. Biết vậy, nên cô đã đổi chỗ cho em ngồi cạnh Hà – một trong những bạn học giỏi toán nhất lớp – để học tập cùng nhau. Cùng nhau làm bài tập nhóm đã giúp cho em tiến bộ hơn rất nhiều. Em đã học được phương pháp học toán của bạn. Thậm chí, trong những bài toán khó, bạn còn hướng dẫn em cách tiếp cận vấn đề và phương pháp giải phù hợp. Từ một học sinh yếu môn toán, em đã bắt đầu có niềm đam mê và yêu thích với môn học này.

Có một lần trong một bài kiểm tra toán, em không làm được bài. Em ngồi loay hoay gần như cả buổi để giải. Hà thấy vậy liền viết viết ra một tờ nháp. Sau đó, bạn vo vo lại rồi nhẹ nhàng đưa cho em. Em cảm thấy rất vui khi được bạn giúp đỡ nhưng đồng thời cũng thấy bứt rứt trong lòng. Rồi em cầm tờ giấy đã vo nhét vào học bàn. Em chợt nhớ lời cô giáo dạy: “Thất bại là mẹ thành công”. Em không muốn bản thân mình cứ mãi yếu kém môn toán. Hà cũng thúc giục em giở tờ giấy ra chép. Nhưng bản thân em kiên quyết từ chối và tiếp tục ngồi suy nghĩ cách làm. Khi chỉ còn khoảng năm phút thì hết giờ làm bài, tự dưng những lời cô giáo giảng như hiện về trong tâm trí em. Một hồi viết nháp các công thức đã học, em chợt phát hiện ra mình đã bỏ quên mất một phép tính. Em vội vàng sửa lại bài làm. Khi trống báo hiệu kết thúc giờ kiểm tra cũng là lúc em hoàn thành bài thi.

Cô giáo trả bài kiểm tra và em được điểm 8 – một kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của bản thân, Hà cũng rất vui khi thấy em đã học khá hơn trước. Đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, tôi lại thấy hân hoan trong lòng.

Bài mẫu 2: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ - bị điểm kém

Dàn bài

1. Mở bài:

 Kỉ niệm là kỉ niệm gì?,

2. Thân bài:

  • Tập trung kể về kỉ niệm ấy.
  • Nó xảy ra ở đâu, lúc nào (tiết trả bài môn văn) với ai (cô Hường).
  • Chuyện xảy ra như thế nào? (mở đầu, diễn biến, kết quả).
    • Hôm nay cô Hường trả bài kiểm tra cho lớp. 
    • Được 3 điểm.
  • Điều gì khiến em xúc động? Xúc động như thế nào (miêu tả các biểu hiện của sự xúc động).

3. Kết bài: Em có suy nghĩ gì về kỉ niệm đó.

Bài văn

Chuyện là thế này các bạn ạ. Mình nhớ mãi tiết trả bài môn văn hôm ấy, có lẽ đó là giây phút bẽ bàng đau khổ nhất đối với tôi từ trước đến nay. Một điểm 3 to tướng trong bài làm văn của tôi. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về kỉ niệm đáng buồn mà cũng là đáng nhớ nhất của tôi.

Hôm nay cô Hường trả bài kiểm tra cho lớp. Cô đến chỗ tôi đặt bài của tôi xuống bàn, nét mặt cô có vẻ không vui. Tôi cúi xuống nhìn bài kiểm tra. Trời ơi! một điểm 3 to tướng, tôi choáng váng, tim như ngừng đập, không thể tin nổi nữa. Tôi lắp bắp, không, không thể như vậy được!

Tôi cố lấy bình tĩnh nhìn lại, con số 3 in rõ trong khung điểm màu đỏ rất rõ ràng như trêu ngươi, như giễu cợt tôi. Tô vội vàng gập bài vào, bần thần quay sang nhìn các bạn xung quanh như để tìm một người cùng cảnh với mình. Hình như bạn nào cũng hớn hở với kết quả của mình, chẳng ai để ý đến nỗi buồn của tôi. Chắc các bạn nghĩ rằng tôi cũng như mọi lần thường được điểm 8 điểm 9 vì tôi là cây Văn của lớp cơ mà! Càng nghĩ tôi thấy càng xấu hổ, tôi cúi gầm mặt xuống bàn nhìn bài mình một lần nữa. Dòng chữ cô Hường phê như hiện lên rõ ràng trước mắt tôi: Bài văn lạc đề!

Tôi đọc lại bài thật kĩ và nhận ra là mình đã sai đề thật. Đề bài cô Hường yêu cầu tả một dòng sông vậy mà tôi lại đi kể về một kỉ niệm sâu sắc thời thơ ấu của mình. Đề bài thì không khó, chỉ tại tôi quá chủ quan, chẳng chịu đọc kĩ đến nỗi nhìn gà hóa cuốc và cuối cùng là nhầm đề. Tại sao tôi lại có thể nhầm lẫn một cách ngu ngốc như thế, tôi tự trách mình. Nhớ lại giờ làm bài hôm ấy, tôi đã nộp bài đầu tiên trước bao cặp mắt thán phục của bạn bè, quên mất lời cô Hường nhắc nhở: “Các em hãy kiểm tra bài viết trước khi nộp”. Có lẽ quá ỷ vào sức học của mình, quá thỏa mãn trước lời khen của cô giáo và bè bạn nên tôi đã thành một cô bé hợm hĩnh từ lúc nào chẳng biết. Đáng đời cho tôi thật – Tôi tự nhủ.

Đúng lúc ấy, bạn Liên nói thầm bên tai em, giọng vui mừng:

– Hương ơi! Hôm nay tớ được 8 điểm nhé! Tớ đã rất cố gắng từ lâu nay. Bây giờ mới thấy kết quả đó. Tớ vui quá. Chắc bố mẹ tớ cũng rất vui cho mà xem. Mà sao trông cậu buồn thế, cậu được mấy vậy?

Nghe Liên nói, tôi lại càng buồn bã và xấu hổ. Liên đang sung sướng với điểm 8 đầu tiên của môn Làm văn. Còn tôi, kẻ vẫn coi điểm 8 là xoàng xĩnh thì hôm nay lại bị điểm 3! Không thể hào diễn tả hết nỗi đau khổ của tôi lúc ấy. Tôi cảm thấy ánh mắt cô giáo vừa buồn rầu, vừa ngạc nhiên, thất vọng về tôi cái cảm giác đó thật sự khó chịu được

Bài mẫu 3: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ - chơi gấp thuyền

Dàn bài

1. Mở bài:

 Kỉ niệm khiến mình xúc động là kỉ niệm gì?( được khen).

2. Thân bài:

  • Tập trung kể về kỉ niệm xúc động ấy.
  • Nó xảy ra ở đâu, lúc nào (thời gian, hoàn cảnh...) với ai (nhân vật).
  • Chuyện xảy ra như thế nào? (mở đầu, diễn biến, kết quả).
  • Điều gì khiến em xúc động? Xúc động như thế nào (miêu tả các biểu hiện của sự xúc động).

3. Kết bài: Em có suy nghĩ gì về kỉ niệm đó.

Bài văn

Năm nay tôi vào lớp sáu, còn bé Nhi thì bước sang lớp bốn. Bố mẹ Nhi cũng đã về sống với nhau sau hơn một năm sống ly thân. Tôi và Nhi tuy chẳng phải họ hàng nhưng thân thiết lắm! Tất cả bắt đầu từ lần ấy...

Năm ấy, tôi học lớp bốn còn bé Nhi học lớp hai. Tội nghiệp bé Nhi! Bố nó ham mê cờ bạc, rượu chè đi suốt từ sáng đến tối mới về lại còn hay đánh vợ chửi con. Mẹ nó không chịu được, quyết định đưa nó về bà ngoại. Nhà bà ngoại nó ở cuối xóm, cạnh nhà tôi. Thế là anh em quen nhau từ đó.

Một buổi chiều hè, tôi rủ bé đi chơi vì biết bé rất buồn. Tôi hỏi:

- Bây giờ em thích cái gì để anh làm cho?

Bé Nhi nói:

- Anh biết không! Ngày xưa em mơ ước nhà em như một con thuyền lớn. Bố là cột buồm vững chãi còn mẹ là khoang thuyền che chở nắng mưa. Con thuyền nhà em sẽ chở những ước mơ của em đến đích. Vậy mà bây giờ nó chẳng bao giờ có thể thực hiện được.

- Đừng buồn em ạ! Hãy cố gắng lên! Nào, đi! Đi với anh! Tôi dắt bé Nhi đi hái những lá tre nghẹ thật to để gập thuyền lá thả trôi sông.

Tôi chọn lá to nhất gặp một con thuyền thật đẹp tặng bé Nhi. Nhưng Nhi không giữ được, bé thả ngay xuống nước. Nhưng con thuyền lại không trôi. Nó mắc cạn vào ngay đám rong đang bò lổm ngổm ở giữa dòng. Bé Nhi nói:

- Đấy! Gia đình em bây giờ cũng như con thuyền đó, chẳng thể nào nó đi được, chỉ có thể chìm thôi!

Tôi vừa tiếc, lại vừa thương Nhi, bèn cứ mang cả quần áo lội xuống sông vớt chiếc thuyền lên. Nước đến bụng rồi đến cổ. Bỗng "sụt" chân tôi trượt phải một hố bùn giữa sông ngay lúc tôi vừa với được chiếc thuyền. Tôi cố gắng chới với trong khi một tay vẫn dâng chiếc thuyền lên khỏi mặt nước. Mấy phút sau, tôi bò lên được tới bờ khi bụng đã uống no nước nhưng rất may con thuyền không nát. Bé Nhi mặt tái mét nhưng rất ngoan ngoãn nghe tôi nói:

- Em hãy giữ nó làm kỷ niệm và tin rằng có ngày nó sẽ được bơi thoả thích trên sông.

Hôm đó, vì sợ mẹ mắng, tôi và bé Nhi ngồi ở bờ sông cho đến khô quần áo mới dám về.

Đêm, tôi bị sốt cao nhưng vẫn giấu chuyện ban chiều không nói. Mẹ thì cứ tưởng tôi dãi nắng nên bị sốt. Cũng may sáng hôm sau, tôi đã đỡ nhiều.

Ngay hôm bố mẹ nó hòa giải và về sống với nhau, nó rủ tôi đem chiếc thuyền ra sông thả. Nhưng chiếc thuyền đã không còn thả được. Thế là anh em tôi mải miết gấp những chiếc thuyền tre khác. Những chiếc thuyền gấp buổi chiều hôm ấy, chiếc nào cũng trôi về tận cuối dòng sông. Điều bí mật giữa tôi và bé Nhi còn đến tận bây giờ. Đó cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất tuổi thơ tôi các bạn ạ!.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Copyright @2024 - Designed by baivan.net