Bài văn mẫu lớp 6: Kể về người ông của em

Bài văn mẫu lớp 6: Kể về người ông của em. Đề này là đề 3 trong bài viết số 1 của chương trình ngữ văn lớp 6. Đề yêu cầu: "Kể về một người thân của em". Bài viết này sẽ chọn người thân là Ông. Mời các em học sinh và bạn đọc tham khảo. Bài văn tham khảo này không trùng bất cứ nơi nào

[toc:ul]

Kể về người ông của em - bài mẫu 1

Ông tôi nhiều con cho nên cũng lắm cháu. Tôi chưa thấy ai yêu và quyến luyến với lũ cháu như ông. Ông thường thẳng thắn bộc bạch: Khi có cháu, lại thấy yêu cháu hơn con rất nhiều!”. Lũ chúng tôi cũng yêu quý và gắn bó với ông lắm. Nhất là tôi, thằng cháu “đích tôn” như ông vẫn trìu mến gọi vậy.

Bài văn tham khảo

Trong gia đình, tôi yêu quý tất cả mọi người, nhưng người mà tôi yêu mến nhất, kính trọng nhất vẫn là ông nội. Bất cứ lúc nào, hình ảnh của ông cũng thật ngọt ngào trong trái tim tôi.

Nội tôi nam nay đã ngoài sáu mươi. Khuôn mặt ông vuông vuông chữ điền trông thật hiền từ phúc hậu. Dòng chảy của thời gian đã làm nước da ông sạm lại với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt lại đầy những vết chân chim. Trong mắt tôi, mặc ông vẫn còn trẻ trung lắm. Mái tóc nội đã điểm bạc rất nhiều. Có lẽ với tôi, hạnh phúc nhất là được nằm trong lòng ông, tay vuốt ve chòm râu điểm bạc, ngước nhìn đôi mắt ấm áp, hiền từ của ông. Lúc đó tôi có cảm giác như đang ở trong truyện cổ tích, như có ông Bụt ở bên với bao phép màu tốt lành và đẹp đẽ.

Tôi rất thích nắm tay ông, được thấy hơi ấm nóng từ tay ông truyền sang, thật là khoan khoái. Bố mẹ đi làm suốt ngày, ông với tôi sao mà thân thiết thế. Giọng nói của ông trầm trầm và rất truyền cảm, bởi hồi trẻ ông đã là một cây” kịch nói nghiệp dư nổi tiếng của trung đoàn. Chính vì thế, ông ru hoặc kể chuyện, lũ cháu chúng tôi nghe, chỉ được một lúc là dip cả mắt lại. Ông tôi nhiều con cho nên cũng lắm cháu. Tôi chưa thấy ai yêu và quyến luyến với lũ cháu như ông. Ông thường thẳng thắn bộc bạch: Khi có cháu, lại thấy yêu cháu hơn con rất nhiều!”. Lũ chúng tôi cũng yêu quý và gắn bó với ông lắm. Nhất là tôi, thằng cháu “đích tôn” như ông vẫn trìu mến gọi vậy.

Ông tôi thương bà tôi lắm. Thế nên ông vẫn thường phụ bà nấu ăn hay dọn dẹp. Tôi thấy ông tôi nấu ăn còn giỏi hơn cả bà tôi nấu. Đứng cạnh ông, bà tôi trờ nên vụng về, lúng túng. Bà thường tự nhận “Bà của cháu mồ côi sớm nên việc bếp núc, nội trợ đi làm đoảng vị quá!”. Cứ sáng sớm, sau khi tập thể dục, luyện vài bài dưỡng sinh là ông lại xách giỏ đi chợ. Ông đâm nghiện những tiếng chào mời, lời kì kèo qua lại của cái chợ nhỏ nằm tại khu chung cư của chúng tôi. Những thứ ông mua đều tươi rói, vừa ngon lại vừa đẹp mắt bởi nhiều màu sắc. Ông nấu nướng ngon lắm, mời các bạn đến nhà tôi mà xem, ông tôi sẽ trổ tài nghệ tuyệt vời của mình để các bạn thưởng thức. Đố có mà chê nổi. Tôi còn quên chưa nói tới sự quan tâm đặc biệt nữa của ông mình về tình hình thời sự trong và ngoài nước. Không có chương trình thời sự nào của Truyền hình, của Đài Tiếng nói Việt Nam, của báo chí nào mà ông bỏ qua. Đã thế ông còn năng trao đổi với bạn bè, không gặp gỡ, không họp hành thì ông lại gọi điện thoại. Có lẽ, điện thoại của ông tôi chỉ để làm hai việc, hỏi thăm con cháu và bàn bạc về thời sự nóng hổi. Khi nói, ông tỏ ra say sưa, nhiệt tình như có bạn mình ở trước mặt vậy. Hầu hết các thông tin về thời sự, tôi được biết qua ông mình. Mĩ đánh I-rắc cũng khiến ông tôi buồn bực, phiền muộn vô cùng, làm cả nhà xót cả ruột.

Trong nhà tôi, ông thường coi vườn cây xanh trên tầng thượng là tài sản của mình. Trên đó có bao nhiêu là cây, là hoa. Thứ nào ngoài tên ra cũng đều có lí lịch riêng của nó. Nào là kỉ niệm ngày ở chiến trường về, ngày thăm Điện Biên Phủ, ngày sinh đứa cháu đầu,… Công ông tưới bón, chăm chút, băt sâu, tạo nên vườn cây này. Sinh nhật vừa rồi của tôi, ông tặng một chiếc kèn nhỏ xinh. Tôi tự mày mò và bây giờ đã thổi được bài “Nhạc rừng” mà ông yêu thích. Ỏng tôi tự hào lắm, cứ khoe khắp khu nhà về tài của cháu mình. Nhưng tôi hiểu không phải vậy, chẳng qua ông yêu tôi quá thôi!

Tôi yêu quý yà kính mến ông rất nhiều và cũng biết ông yêu lại tôi như vậy. Ông là người hay là ông Bụt, tôi cũng không biết nữa.

Kể về người ông của em - bài mẫu 2

Ông ngoại không bao giờ khoe khoang chiến tích của bản thân lúc đánh giặc. Những câu chuyện ông kể chỉ là những kỉ niệm của ông về những người đồng chí, về xóm làng nơi ông hành quân rồi dừng chân nghỉ tạm. Có những người đồng chí còn sống như ông, cũng có những người đã hi sinh

Bài làm tham khảo

Mỗi chúng ta, ngay từ khi còn bé xíu đã được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người, đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình. Ngoài bố mẹ chở che, mỗi đứa trẻ còn được ông bà yêu quý. Em cũng là một đứa trẻ may mắn như thế. Với em, bên cạnh bố mẹ, ông ngoại cũng là người vô cùng quan trọng.

Ông ngoại kính yêu của em đã qua đời tròn một năm. Nhưng tất cả những kỉ niệm về ông em vẫn ghi nhớ mãi. Ông là một cựu chiến binh, nhập ngũ thời nhân dân ta đánh Mĩ, bước ra từ hiện thực cuộc chiến khốc liệt, chiến tranh đã nhẫn tâm tàn phá cơ thể khỏe mạnh của ông. Khi em lên 6 tuổi ông đã bước sang tuổi 70, mẹ bảo hồi mới đi lính ông còn trẻ và dáng người cao lớn, mạnh mẽ lắm. Vậy mà sau chiến tranh, ông gầy đi rất nhiều và lưng thì hơi còng xuống. Tuy không được nhanh nhẹn nhưng bước chân ông vẫn vững chắc, chỉ cần thêm một chiếc gậy chống dưới tay là ông có thể đi cả ngày khắp làng trên xóm dưới, gặp những người bạn của ông.

Trong trí nhớ của em, khuôn mặt ông vuông chữ điền chất phác, tuy nhiên hai gò má hơi gầy, đôi mắt đen ấy vậy mà sáng lắm, ông có thể nhận ra từng đứa cháu dù khoảng cách xa mỗi lần các anh chị đến thăm. Mái tóc ông đã bạc trắng như cước, chỉ thấp thoáng vài sợi tóc đen. Ông lúc nào cũng cười hiền từ giống như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích ngày xưa.

Tuy vậy, xuất thân từ một chiến sĩ, mẹ bảo ông luôn nghiêm khắc trong việc dạy dỗ mẹ và các cậu trong nhà. Mẹ em là con gái duy nhất nhưng ông lúc nào cũng giám sát, yêu cầu, nhiều lúc giống hệt như phép tắc trong quân đội. Các cậu nhờ vậy đều rất chính trực, có ý chí, được mọi người kính trọng, yêu quý. Mãi sau này, khi cháu chắt lần lượt ra đời, ông ngoại dường như bớt nghiêm khắc hơn, chỉ hay ôn tồn giảng giải ý nghĩa sau mỗi câu chuyện, động viên em và các anh chị phải chăm ngoan, cố gắng trở thành người đàng hoàng, liêm khiết và nhân hậu.

Ông đặc biệt quan tâm và yêu thương cháu chắt trong nhà. Có đồ gì ngon, hiếm lạ mà bạn bè, đồng chí hay họ hàng xa biếu tặng, ông đều để phần chia cho cháu chắt. Những anh chị lớn rồi thì ông không cho, chỉ cho tiền mỗi khi các anh chị đi học xa về thăm hoặc lấy vợ, sinh con. Còn bánh kẹo, đồ ăn vặt thì cho hết mấy đám nhỏ như em. Mẹ bảo ngày em còn bé xíu, bố mẹ bận làm ăn, ông bà nội mất sớm, một mình ông nội chăm sóc em cả thời gian dài. Vì thế nên lớn hơn, em lúc nào cũng quấn quýt bên ông cả ngày, xem ông tỉ mỉ tỉa cây, theo ông đi đến nhà đồng chí cùng chiến đấu ngày xưa và đòi ông kể những câu chuyện về kháng chiến.

Ông ngoại không bao giờ khoe khoang chiến tích của bản thân lúc đánh giặc. Những câu chuyện ông kể chỉ là những kỉ niệm của ông về những người đồng chí, về xóm làng nơi ông hành quân rồi dừng chân nghỉ tạm. Có những người đồng chí còn sống như ông, cũng có những người đã hi sinh. Một lần, ông kể về nữ đồng chí duy nhất trong tiểu đội của ông, ông kể bà ấy gan dạ, dũng cảm, còn trẻ tuổi hơn ông mà giỏi lắm. Nhưng một lần giặc ném bom, bà hi sinh trong lần giải cứu đồng đội ngày ấy. Ông vừa hoài niệm vừa xót xa, em giật mình thấy khóe mắt ông rưng rưng. Mẹ bảo ông kiên cường lắm, vậy mà nhớ về đồng đội, ông đã khóc.

Nhờ có ông, em mới hiểu được phần nào những năm tháng kháng chiến gian khổ, những hi sinh, mất mát mà bao nhiêu người đã phải trả giá để đổi lấy độc lập tự do. Ông dạy em cách sống nhân hậu và ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, sống sao cho xứng đáng với công ơn của họ.

Sau Tết Nguyên Đán năm em học lớp 5, ông đổ bệnh nặng, nằm cả ngày trên giường vẫn hỏi thăm từng đứa cháu. Dặn dò đủ việc, đến hè năm ấy, ông qua đời. Ai cũng tiếc thương, hàng xóm láng giềng yêu mến kính trọng cách làm người, cách hành xử tốt bụng của ông nên đến đưa tiễn rất đông...

Dù ông ngoại đã đi xa nhưng tình yêu thương của ông dành cho con cháu em vẫn ghi nhớ mãi. Em vô cùng kính trọng và quý mến ông, sâu trong nội tâm em vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng sống như những gì ông đã dặn dò để ông ngoại tự hào về cháu gái yêu quý của ông.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com