Đề bài: Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp gỡ các thiếu niên vượt khó, gặp gỡ các chú thương thương binh nhân ngày Thương binh liệt sĩ…)

Đề bài: Bài văn mẫu lớp 6: Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp gỡ các thiếu niên vượt khó, gặp gỡ các chú thương thương binh nhân ngày Thương binh liệt sĩ…). Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể về một lần đi thăm các chú bộ đội.

Dàn ý 

1. Mở bài

  • Giới thiệu đây là một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa.

2. Thân bài

    •  Hoàn cảnh gặp gỡ

    •  Ngoại hình người gặp mặt

    •  Diễn biến cuộc gặp gỡ

    • Ý nghĩa cuộc gặp gỡ

3. Kết bài

  • Cảm nghĩ của em về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó.

Bài làm

Tuần vừa qua, lớp tôi tổ chức một cuộc giao lưu gặp gỡ những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ đang sinh sống tại tỉnh nhà. Trong buổi giao lưu, tôi đã được gặp rất nhiều những người lính trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa, đặc biệt tôi được gặp và trực tiếp nói chuyện với một người lái xe thời chiến vui tính, quả cảm. Đối với tôi, đây là một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa.

Vào buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa hè có nắng vàng như mật rót lên đường phố, gió theo màu nắng thổi tan cái oi bức, làm xáo động những âm thanh trong vòm cây kẽ lá. Lớp chúng em được hướng dẫn giao lưu với những cựu chiến binh trong chiến trường chống Mĩ năm xưa đang sinh sống và làm việc tại tỉnh nhà. Em cảm thấy mình rất may mắn khi trong buổi giao lưu, em vô tình ngồi cạnh một người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa, em mới có dịp để biết thêm nhiều điều. Ông tên An, là một thành viên trong tiểu đội 6 phụ trách lái xe tăng chở lương thực và vũ khí tiếp tế cho bộ đội ta ngày trước. Em trước đây đã từng nghe ông nội trong chiến trường kể về những người lính lái xe quả cảm tài năng nên khi biết ngày ấy em đã rất hứng thú:

- Ông ơi, cháu nghe nói, những người lính lái xe trong chiến trường xưa như ông vừa tài năng, vừa quả cảm, không sợ gì những mưa bom bão đạn, không sợ gì cái chết phải không ạ?

Khi nghe em nói rằng em muốn được biết về công việc của ông trong những năm tháng chống Mĩ năm xưa, em thấy ông như xúc động, ông kể một mạch như bị dòng hồi ức lôi kéo:

- Ừm, tài năng, quả cảm thì ông không dám nhận, không sợ bom đạn thì cũng không phải đâu cháu ơi. Chẳng qua chúng ta căm hận giặc Mĩ cướp nước, thương giống nòi đang trong cảnh lầm than nên dù phía trước mưa bom bão đạn đang giăng lối chúng ta cũng phải rẽ đường mở lối, hăng hái tiến về phía trước vì một độc lập dân tộc. Còn thực sự, chúng ta cũng sợ hãi cái chết lắm, ai mà không sợ hả cháu, nhất là khi ấy chúng ta là những trai tráng khỏa mạnh, còn gia đình, người thân ở nhà, ai mà chẳng ham cuộc sống này. Nhưng những chiến sĩ chúng ta là thế đấy, sợ thì sợ nhưng ý chí thì vẫn vững vàng, vẫn tự nhủ với lòng: “Nếu ngày mai ta phải hi sinh, ta cũng phải hi sinh cho xứng đáng”. Chiến trường mà, ác liệt lắm cháu ạ, có khi còn khỏe mạnh cười nói hôm nay thôi, ngày mai đã không còn thấy nhau nữa rồi.

Nói đến đây giọng ông rưng rưng, có lẽ ông đang nghĩ đến những đồng chí của ông đã hi sinh trên chiến trường chăng? Câu chuyện của ông kết thúc bằng một nụ cười trong những dòng nước mắt rung rưng cảm động.

Buổi giao lưu kết thúc để lại lòng em lắm dư vị. Quả thực đây là cuộc gặp rất ý nghĩa, gặp và được nghe những câu chuyện của ông mà em biết thêm về những người chiến sĩ trong chiến trường năm xưa. Họ không phải sắt đá quả cảm không sợ chết như trước kia em nghĩ mà họ cũng có những tình cảm rất đời, rất người, rất gần gũi, rất đáng trân trọng! Càng biết vậy, em càng yêu thêm những người chiến sĩ ấy.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó đã làm cho tôi hiểu thêm nhiều điều về người lính trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa. Đó là những con người quả cảm nhưng cũng giàu tình cảm, tình người. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ mà tôi không bao giờ quên.

Bài mẫu 2: Kể về một cuộc gặp gỡ các thiếu niên vượt khó.

Dàn ý

1. Mở bài

  •  Cuộc gặp gỡ với các bạn thiếu nhi diễn ra khi nào? Ở đâu? Trong dịp nào?

2. Thân bài

  •  Kể các chi tiết trong buổi gặp gỡ với các bạn thiếu niên.

           Mở đầu cuộc gặp gỡ.
           Nội dung về cuộc gặp gỡ thế nào (các sự việc, không khí, quang cảnh,…).
           Cuộc gặp gỡ kết thúc trong không khí thế nào.

  •  Hãy nêu ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa em và các bạn thiếu nhi.

3. Kết bài

  •  Cuộc gặp gỡ để lại cho em những suy nghĩ gì.
  •  Nêu cảm nghĩ về cuộc gặp gỡ đó.

Bài làm

Để tìm hiểu về những tấm gương vượt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, kì nghỉ hè năm ngoái, lớp em đã tổ chức một chuyến đi đến làng trẻ em SOS Hà Nội.

Làng trẻ SOS là nơi sinh sống và học tập của những bạn nhỏ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, sống lang thang không nơi lương tựa hoặc bị bố mẹ bỏ rơi từ khi vừa mới được sinh ra. Các bạn ở đây đều có những hoàn cảnh vô cùng đáng thương, cuộc sống thiếu thốn, không được no đủ như những bạn bè cùng trang lứa khác, cũng không được sống trong sự yên ấm, bao bọc, chở che của bố mẹ. Các bạn phải trưởng thành sớm hơn, sống trong một tập thể, mỗi nhà từ mười lăm đến hai mươi bạn dưới sự chăm sóc của một người mẹ hiền dịu, tận tâm.

Đến thăm một mái nhà, nơi có hai mươi bạn nhỏ sinh sống, có những em rất nhỏ mới chậm chững biết đi, cũng có những bạn bằng tuổi em và những anh chị lớn hơn em một, hai tuổi. Khi nghe mẹ Hiền (tên của người chăm sóc các bạn ở đây) kể về hoàn cảnh của các bạn, chúng em ai cũng xúc động, có bạn bị bố mẹ đặt trước cổng từ khi mới lọt lòng, có bạn bị bệnh, nuôi khó cũng bị bỏ rơi, lại có những bạn bố mẹ mất sớm, phải lang thang, mưu sinh ở các con phố lớn cũng được đưa về đây chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy sinh sống trong một không gian nhỏ, thiếu thốn về vật chất lại sống trong một tập thể lớn như vậy nhưng các bạn không tranh giành nhau mà rất đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau như những người anh chị em ruột thịt trong gia đình vậy. Những anh chị lớn còn rất có ý thức giúp mẹ Hiền chăm lo cho các em, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và những công việc trong gia đình.

Các bạn được học tập trong một ngôi trường được xây trên đường Phạm Văn Đồng, ở đây các bạn được học chương trình văn hóa như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Ngoài giờ học, các bạn cũng được tham gia sinh hoạt văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao rất sôi nổi.

Nhìn những gương mặt vui vẻ, tươi tắn của các bạn, thật khó để nhận ra những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống mà các bạn đã phải trải qua. Cuộc sống còn đó bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn nhưng chưa bao giờ nụ cười chợt tắt trên những gương mặt rạng rỡ ấy, các bạn không đầu hàng trước số phận bất công, nghiệt ngã với mình mà ý thức được điều đó càng làm cho các bạn thêm mạnh mẽ, thêm niềm tin vào chính bản thân mình. Điều đó thật đáng quý, thật đáng cảm phục, các bạn là những tấm gương sáng nhất về nghị lực sống và vươn lên khó khăn mà chúng em sẽ noi theo. Buổi sáng học tập trên trường nhưng chiều các bạn không vui chơi, nghỉ ngơi như các bạn đồng trang lứa mà lại tích cực tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất thủ công như: làm vòng, làm tăm, làm bút, và những đồ thủ công nhỏ đẹp mắt….

Những sản phẩm thủ công này sẽ được mang đi bán,số tiền kiếm được sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho cuộc sống của chính các bạn. Điều đặc biệt là những công việc này không ai bắt ép các bạn làm mà các bạn đều tự nguyện tham gia. Dù còn rất nhỏ tuổi nhưng các bạn cũng đã ý thức được về bản thân mình, đã có những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống so với lứa tuổi của mình. Tối về thì những anh chị lớn lại dạy học, chăm sóc cho những em nhỏ hơn để mẹ Hiền đỡ vất vả. Cuộc sống của các bạn cứ thế trôi qua, vất vả có, thiếu thốn cũng có nhưng các bạn không bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, chưa bao giờ thôi hi vọng vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Đã có rất nhiều anh chị từng sống ở đây, hiện nay cũng rất thành công cuộc sống, và cũng có nhiều hành động tích cực để giúp đỡ cho các bạn nhỏ nơi đây. Họ quả thực là những tấm gương vượt khó đáng quý.

Đến thăm làng trẻ SOS chúng em không chỉ được nghe những câu chuyện cảm động, được chứng kiến những hành động thật đáng khâm phục mà chúng em còn tham gia giúp các mẹ dọn dẹp, làm những công việc nhà như: trồng rau, cuốc đất, rửa chén, giặt quần áo, chăn màn cho các bạn nơi đây. Điều đặc biệt là chúng em và các bạn trong làng trẻ cùng nhau làm, chúng em đã chung sức làm những việc tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa và vui vẻ nữa.

Sau bữa trưa chúng em còn có một buổi liên hoan văn nghệ rất vui, các bạn nhỏ đã hát tặng chúng em những bài hát rất hay. Sau đó, chúng em cũng lên biểu diễn tặng các bạn những tiết mục đặc sắc mà chúng em đã chuẩn bị từ trước. Chúng em ai cũng vui vẻ, chơi hết mình trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa này. Chuyến thăm này em và các bạn trong lớp cũng mang theo rất nhiều sách vở, quần áo, những đồ chơi, đồ dùng học tập không dùng đến nữa để quyên góp cho các bạn, những đồ vật tuy nhỏ nhưng chúng em đều hi vọng chúng sẽ hữu ích cho cuộc sống của các bạn nơi đây.

Các bạn nhỏ ở đây tuy có cuộc sống bất hạnh, khó khăn hơn rất nhiều so với những bạn cùng trang lứa nhưng các bạn đều rất mạnh mẽ vươn lên khó khăn, khẳng định chính mình. Điều này làm chúng em rất cảm phục các bạn, từ đó cũng có những tấm gương sáng để học tập, noi theo. Em rất mong muốn hè năm nào cũng được đến thăm và vui chơi cùng các bạn nhỏ nơi đây.

Bài mẫu 3: Kể về một cuộc gặp gỡ các chú thương thương binh nhân ngày Thương binh liệt sĩ.

Dàn ý

1. Mở bài

  •  Nhân dịp nào đi thăm
  •  Ai tổ chức? đoàn gồm những ai?
  •  Dự định đến thăm gia đình nào? Ở đâu?

2. Thân bài

  •  Chuẩn bị những gì cho cuộc đi thăm? (Nước quà tặng, đồ ăn,...)
  •  Tâm trạng của em trước khi đi thăm (bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, hào hứng,...)
  •  Con đường tới nơi thế nào? Nhà của người liệt sĩ thế nào (Đơn sơ, giản dị,...)
  •  Cuộc gặp gỡ, cuộc trò chuyện xảy ra thế nào (nghe người liệt sĩ kể những câu chuyện về cuộc đời mình => khâm phục, kể chuyện học hành của chính mình,...)
  •  Tặng quà cho người liệt sĩ (động viên họ, lời hứa của bản thân)
  •  Thái độ lời nói của các thành viên trong gia đình liệt sĩ

3. Kết bài

  •  Ấn tượng sau buổi đi thăm là gì.
  •  Tiếp thêm động lực để mình phát triển
  •  Lời hứa hẹn của bản thân.

Bài làm

Hàng năm cứ vào dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ, trường em lại tổ chức đi thăm các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ. Chúng em phân công nhau mỗi lớp đi một nhà, lớp em được cử đi thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lan.

Mẹ quê ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo giàu lòng yêu nước. Thế rồi, truyền thống yêu nước ấy được nhân lên. Mẹ lập gia đình và một lòng đi theo cách mạng. Chồng và con của mẹ tham gia hoạt động cách mạng, luôn nêu cao tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", họ đã làm rạng rỡ truyền thống kiên cường, bất khuất của nhân dân Quảng Ngãi. Với tinh thần đó, chồng và hai con của mẹ đã hi sinh trong một cuộc tiến công và nổi dậy ở Tây Nguyên, để lại trong lòng mẹ một nỗi đau thương, mất mát khôn cùng. Năm 1994, Chủ tịch nước đã kí quyết định tặng cho mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm nay mẹ đã ngoài 80 tuổi, mẹ sống cô đơn một mình trong căn nhà tình nghĩa mà xã xây dựng lên. Tuy tuổi cao, mái tóc đã bạc trắng nhưng mẹ vẫn minh mẫn và khỏe mạnh lắm. Có lẽ linh hồn của chồng và hai con đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ để mẹ tiếp tục sống trên cõi đời này.

Chúng em mới tới đầu ngõ, mẹ đã đon đả chạy ra chào hỏi. Chúng em lễ phép chào mẹ. Khuôn mặt mẹ đang hằn sâu những nếp nhăn bỗng vụt tươi lên nụ cười đôn hậu. Bạn Uyên - Chi đội trưởng thay mặt liên đội kính cẩn đặt lên bàn thờ chồng và con mẹ một bó hoa huệ thơm ngát, chúng em lần lượt đến bàn thờ và thắp hương với tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Rồi chúng em tặng quà cho mẹ, ngồi quây quần bên mẹ, nghe mẹ kể cuộc đời hoạt động cách mạng của gia đình mẹ, của chồng và con mẹ. Kể đến đấy, mẹ rưng rưng nước mắt, mẹ nghẹn ngào xúc động khi lòng mẹ khơi dậy hình ảnh của người thân đã vĩnh viễn ra đi. Chúng em cũng không cầm được nước mắt. Em thầm nghĩ không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của những người mẹ đã cống hiến những đứa con ruột thịt của mình cho Tổ quốc. Rồi mẹ nói tiếp: Ngày nay mẹ không còn chồng con nhưng bù lại tình thương bao la của các cháu, của cán bộ và nhân dân nên mẹ cũng an lòng. Mẹ mong chúng em học giỏi, thành tài, kế tục sự nghiệp của cha ông. Mẹ gởi lời cám ơn đến ngàng giáo dục thành phố Quảng Ngãi, các cơ quan đoàn thể đã phụng dưỡng mẹ, quan tâm chăm sóc mẹ thật chu đáo về vật chất lẫn tinh thần.

Trò chuyện với mẹ rất lâu, chúng em được nghe rất nhiều chuyện mẹ kể. Tất cả lớp đều im lặng nghe từng lời từng câu mẹ nói ra, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Rồi cũng đến giờ phải trở về, chúng em xin phép mẹ ra về, mẹ tiễn chúng em ra ngõ và không quên nhắn nhủ một câu: Các cháu chăm học và học thật tốt nhé!

 

Cái ngày về thăm gia đình mẹ đã luôn khắc ghi trong tâm trí chúng tôi, càng hiểu được những mất mát của cha anh để có ngày hôm nay, tôi càng phải cố gắng học tập thật tốt để trở thành người tài giỏi sau này về xây dựng quê hương đất nước, đền đáp công ơn của những người đã hi sinh cho chúng ta có cuộc sống này.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Copyright @2024 - Designed by baivan.net