Đề bài: Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thư viện…)

Đề bài: Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thư viện…). Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể về bác lao công trường em.

Đề bài: Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thư viện…)

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu chung về bác lao công

2. Thân bài

  • Kỉ niệm làm em nhớ về bác lao công
  • Miêu tả ngoại hình, tính cách bác
  • Công việc hằng ngày của bác là gì?
  • Bac đối xử hòa nhã với mọi người như thế nào?

3. Kết bài

  • Bày tỏ tình cảm của mình dành cho bác.

Bài làm

Tụi học sinh chúng tôi hầu như chẳng ai quan tâm đến bác lao công. Nhưng không phải vì ghét bác mà là vì hầu như chúng tôi chẳng gặp bác bao giờ. Mỗi buổi sáng khi chúng tôi đến lớp, lớp đã sạch như lau cứ như chuyện cô Tấm trong quả thị vậy. Nhưng riêng đối với tôi, ấn tượng về bác lao công thật là đặc biệt. Tất cả bắt đầu từ cái ngày chúng tôi được phân công đi lao động.

Sáng hôm ấy, sau buổi học, cô chủ nhiệm dặn chúng tôi buổi chiều đi lao động để chuẩn bị cho ngày 26/3. Buổi chiều cô có việc bận nên các em phải tự lao động theo sự phân công. Ăn trưa xong thế là tụi tôi lại vội vã đạp xe rủ nhau mang dụng cụ đến trường. Dù đến sớm nhưng vốn ham chơi, tụi con gái chúng tôi chẳng ai bảo ai quây ngồi thành một vòng tròn đủ chuyện trên trời dưới biển. Còn tụi con trai, trước khi đi đã thủ sẵn quả bóng da. Thế là đến trường các bạn đua nhau lao vào quả bóng. Sân trường buổi chiều vắng lặng chẳng có ai nên tụi tôi tha hồ đùa nghịch, la hò ầm ĩ mà chẳng ai nghĩ đến công việc phải làm. Tụi con trai còn đá bóng làm gãy cả một cành cây cảnh.

Thoáng cái đã hết quá nửa buổi chiều, lúc ấy bạn lớp trưởng mới chợt nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Thế là chúng tôi mới cuống quýt ai làm việc nấy. Nhưng lạ thay! Khi xách nước đến những ô cửa kính để lau những vết bụi và vết bẩn lâu ngày thì chúng tôi bị phát hiện ra, các ô cửa kính đều đã được lau rất sạch. Quay sang khu hiệu bộ, chúng tôi lại thấy toàn bộ khu làm việc cũng đã được quét sạch bong. Chưa kịp hiểu ra ai đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc thì từ xa, tôi đã thấy bác lao công đi tới. Đáp lại lời chào của chúng tôi, bác hiền hậu mở lời:

‐ Chào các cháu! Các cháu đi lao động phải không?

Bạn lớp trưởng chưa kịp trả lời, bác lao công lại tiếp:

‐ Thấy các cháu đang chơi vui vẻ, tiện tay bác đã giúp các cháu lo xong công việc ngày mai. Bác sợ các cháu làm không xong sẽ ảnh hưởng đến ngày kỷ niệm.

Lúc ấy, bạn lớp trưởng mới thưa:

‐ Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều! Chúng cháu ham chơi quá!

‐ Tuổi của các cháu là tuổi chơi, tuổi học nhưng các cháu cần nhớ khi đã được giao công việc phải chú ý để hoàn thành. Tiện đây bác cũng nhắc nhở các bạn nam, từ lần sau không được đá bóng ở sân trường vì sẽ làm hỏng cây xanh.

Chúng tôi ngoan ngoãn gật đầu rồi ra về trong lòng thầm cảm ơn bác lao công. Bác đã dạy chúng tôi bài học đầu tiên về lao động. Từ ngày ấy, các bạn lớp tôi quý trọng bác lao công lắm. Mỗi lần đi lao động hay có dịp được gặp mặt bác lao công, tụi tôi lại xúm quanh bác hỏi chuyện như những đứa con lâu ngày mới gặp lại cha mình.

Bài mẫu 2: Kể về bác bảo vệ trường em.

Đề bài: Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thư viện…)

Dàn ý

1. Mở bài:

  • Giới thiệu đối tượng được miêu tả

2.Thân bài

  •  Miêu tả ngoại hình của bác
  •  Miêu tả tính tình của bác
  •  Miêu tả hành động của bác

3. Kết bài

  • Nêu cảm nhận của em về đối tượng được miêu tả.

Bài làm

 

Để ngôi trường được bình yên, an toàn, ổn định hẳn không thể thiếu vai trò quan trọng của bác bảo vệ. Bác giống như một vị thần đang trông coi tòa lâu đài diễm lệ để tránh sự xâm phạm của kẻ xấu. Với chúng em, hình ảnh bác bảo vệ yêu kính ngày ngày trông coi, bảo vệ ngôi trường thân thương đã rất quen thuộc và gần gũi. Em rất yêu quý và kính trọng bác.

Bác giống như bậc cha, chú trong nhà. Có gì không phải bác đều chỉ bảo cho chúng em rất nhiệt tình. Bác có lẽ năm nay đã ngoài 40 tuổi. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, nước da ngăm đen, có lẽ vì phải lăn lộn nhiều trước sóng gió cuộc đời nên làn da trông rất khỏe và cứng rắn. Khuôn mặt ấy cũng đã có những nếp nhăn, những vết chai sạn nhưng trông vẫn rất hiền lành và tốt bụng. Bác không hay cười nói, có lẽ để chúng em biết khuôn phép và tuân thủ thì bác muốn giữ sự nghiêm nghị ấy để răn đe chúng em nề nếp được tốt hơn. Dáng người bác khá vạm vỡ, những bước đi chắc nịch, vững chãi trông rất ra dáng một người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, an toàn cho trường học.

Với bác, lần đầu nếu không quen và hay tiếp xúc thì hẳn sẽ nghĩ rằng bác rất nghiêm khắc và khó tính. Nhưng kì thực không phải như vậy, bác luôn tạo cho chúng em một sự thân mật nhất định để chúng em không được phép đùa quá chớn. Bác rất tốt bụng, có gì ngon bác thỉnh thoảng cũng hay chia đều cho chúng em. Nhưng điều khiến bọn em kính trọng chính là thái độ và tinh thần bác làm việc. Bác làm việc rất nghiêm túc và cẩn trọng, không bao giờ để ban giám hiệu trường phải nhắc nhở nhiều. Các thầy cô giáo trong trường thỉnh thoảng nếu chưa tới giờ lên lớp thường hay ghé qua chỗ bác hỏi thăm tình hình, đánh cờ và uống nước. Cảm giác rất thân mật và gần gũi. Công việc của người bảo vệ cũng không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn và sự hi sinh lớn lao nữa.
Hàng ngày, bác phải dậy sớm từ lúc trước 6 giờ để đi đến các lớp học mở cửa chờ chúng em bước vào. Mùa nắng thì không vấn đề gì, nhưng nếu là mùa lạnh cái rét cắt da cắt thịt chúng ta chỉ muốn ngồi trong chăn cuộn tròn ấm áp thì lúc ấy bác đã phải dậy từ trước để làm nhiệm vụ. Túc trực suốt 24 giờ có lẽ ngôi trường coi bác như người cha già kính yêu luôn chăm sóc, lo lắng cho nó. Ban đêm, khi trời mờ dần, bầu trời chỉ còn là một tấm vải đen thì bác phải đi quanh trường một lượt, xem lớp nào chưa tắt điện, khóa cửa lớp bác lại làm hộ công việc đó. Ban đêm hễ có tiếng động bất chấp mưa gió thế nào bác cũng phải dậy kiểm tra. Tối đến, trước khi đi ngủ, bác đều phải tuần tra cả trường lại một lượt rồi mới yên tâm kê lưng gối đầu. Ngoài việc trông coi an ninh trường, bác còn giúp nhà trường quản lí gián tiếp chúng em, xem đứa nào hay nghịch ngợm, vi phạm nề nếp thì ghi lại báo lên để bị xử phạt. Không phải bác ghét bỏ gì, mà làm như vậy là để chúng em lớn dần lên và quen với sự tự lập, nghiêm khắc để nghiêm túc với bản thân.

Nhờ sự ân cần và sự nghiêm khắc đúng mực ấy bác đã dạy chúng em rất nhiều khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bác giống như bậc cha chú trong nhà, luôn yêu quý chúng em. Chúng em luôn yêu quý, kính trọng bác. Tưởng tượng sau này càng lớn dần lên, phải xa mái trường thân yêu, xa bác, chúng em mỗi khi mắc khuyết điểm sẽ không còn được chỉ bảo nhẹ nhàng như vậy, mà cuộc sống sẽ đáp trả theo một cách khác, em lại càng lưu luyến không rời. Cảm ơn bác vì luôn bên cạnh bọn cháu trong suốt những tháng năm học trò.

Bài mẫu 3: Kể về cô thư viện ở trường em

Đề bài: Kể về một người làm việc trong trường (bác lao công, bảo vệ, cô thư viện…)

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu chung về cô thủ thư trường em.

2. Thân bài

  • Miêu tả ngoại hình cô trông thế nào
  • Tính cách cô hòa đồng, dễ chịu ra sao. Cô đối xử với mọi người có tốt hay không.
  • Điều đặc biệt trong cách cô làm việc khiến em ấn tượng

3. Kết bài

  • Cảm nghĩ của em dành cho cô.

Bài làm

Reng, reng,...Như thường lệ, em vội tranh thủ giờ chơi đến thư viện đọc sách.

"Hôm nay có sách nới đấy!" Đôi môi xinh xắn nở nụ cười tươi cùng đôi mắt long lanh đen láy của cô Nga, người phụ trách thư viện trường em, nhìn em tha thiết.
Không biết cô làm quản thư đã bao lâu. chỉ biết khi em vào lớp 1 đến nay đã thấy cô rồi. Cô Nga khoảng dưới ba mươi, dáng người thon thả rất hợp với mái tóc dài chấm lưng. Em rất thích nhìn cô thướt tha trong chiếc áo dài vào dịp nhà trường có lễ. Cô có gương mặt thật xinh xắn, nói chuyện rất vui và có duyên. Em gắn bó với thư viện một phần cũng nhờ cô đó.

Em còn nhớ có một lần, em chưa thích sách lắm, chỉ toàn xem truyện tranh. Em luôn làm phiền cô, em chọn cuốn này rồi lại chuyển sang cuốn khác. Thế mà cô vẫn vui vẻ chiều em. Cô rất kiên nhẫn và tốt bụng. Cô dụ em mê sách lúc nào không hay. Đưa em quyển sách cô bảo: "em xem hộ cô, đọc mãi không hiểu sao ngọn núi này tác giả tả màu tím?" Sau này em mới hiểu và thầm cảm ơn cô đã cho em thêm những hiểu biết mới qua sách vở.

Cô còn một biệt tài khác nữa là kể chuyện theo giọng của nhân vật. Giọng kể của cô thật trong trẻo ngọt ngào lắm. Em thường rủ bạn xuống nghe cô kể. Cô bảo sẽ kể sau khi các em nắm vững được cốt truyện. Không còn cách nào khác, thế là chúng em phải đọc. Nhờ thế mà em có thêm vốn kiến thức về từ ngữ và áp dụng ngữ pháp hợp lí vào tập làm văn. Nhóm em khoảng 5 đứa đều tiến bộ rõ nét về môn này.

Tính tình cô rất ôn hòa và cởi mở. Nhiều phụ huynh bao quanh trước cửa phòng thư viện vào dịp đầu năm học. Nào là mua sách này không mua sách kia, đủ mọi trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Hai tay cô nhanh thoăn thoắt đưa quyển này, nhận quyển kia dể đổi. Mồ hôi rịn trên vầng trán khá rộng mà cô vẫn liến thoắng khiến mọi người đều thích thú và tấm tắc khen ngợi. Em nghĩ rằng cô phải nhớ tất cả các loại sách của mọi cấp lớp, mới có thể hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
Còn các thầy cô giảng dạy thì luôn được cô chọn cho những bức tranh mới, những dụng cụ, thiết bị dạy học tốt nhất. Phòng làm việc của cô ngăn nắp lắm. Sổ bán sách giáo khoa có màu đỏ, sổ thu tiền đồng phục màu xanh. Sổ cho thầy cô dạy lớp mượn tranh ảnh màu khác. Khi rỗi, em thấy cô luôn lau chùi các cánh cửa kính. Nhìn vào mọi người luôn thấy sách mới và muốn xem ngay.

Cô thật là một cô nhân viên tốt, luôn mẫu mực với công việc tận tâm với học sinh và mọi người. Co luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Hình ảnh cô luôn tạo cho chúng em một ấn tượng tốt đẹp.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 6


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com