Bài soạn lớp 9: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Hướng dẫn soạn bài:Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - Mác két - Trang 17 sgk ngữ văn 9 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Tác giả: 

  • G.Mac-ket là nhà văn Cô-lôm-bi-a
  • Ông viết theo khuynh hướng hiện thực.
  • Nhận giải Nobel văn học năm 1982

2. Tác phẩm:

  • Trích từ bản tham luận của G. Mac-ket đọc tại cuộc họp mặt của 6 nguyên thủ quốc gia (lần 2) tại Mê-hi-cô bàn về việc chống chiến tranh hạt nhân.
  • Thể loại: Văn nghị luận
  • Kiểu văn bản nhật dụng
  • Bố cục: 
    • Phần 1: Nguy cơ của chiến tranh hạt nhân
    • Phần 2: Chiến tranh hạt nhân đi ngược lí trí nhân loại
    • Phần 3: Chiến tranh hạt nhân đi ngược lí trí tự nhiên
    • Phần 4: Nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh hạt nhân

Câu 1: Hãy nêu hệ thống luận điểm, luận cứ của hình ảnh?

Trả lời: 

Hệ thống luận điểm, luận cứ của hình ảnh là:

  • Luận điểm: Chiến tranh hạt nhân đang đe dọa loài người và sự sống trên trái đất. Đấu tranh loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại.
  • Luận cứ:
    • Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ có khả năng hủy diệt cả Trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
    • Cuộc chạy đua vũ trang đã làm mất đi khả năng cải thiện đời sống cho hàng tỉ người.
    • Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của loài người mà còn ngược lại với lí trí của tự nhiên, phản lại tiến hóa.
    • Chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Câu 2: Trong phần đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân ...

Trong phần đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và toàn bộ sự sống trên Trái Đất đã được tác giả chỉ ra rất cụ thể bằng cách lập luận như thế nào?

Trả lời:

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe doạ loài người và sự sống trên thế giới được tác giả chỉ ra bằng những lí lẽ, chứng cứ rõ ràng:

  • Lý lẽ:
    • Chiến tranh hạt nhân là sự tàn phá hủy diệt
    • Phát minh hạt nhân quyết định sự sống còn trên thế giới.
  • Chứng cớ:
    • Ngày 8/8/1986, hơn 50000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí khắp hành tinh.
    • Tất cả mọi người ngôi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ.
    • Tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến chuyển hết thảy.

Câu 3: Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang ...

Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ ra bằng những chứng cứ nào?

Trả lời:

Sự tốn kém và tính chất vô lý của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ ra bằng hàng loạt chứng cứ, với những so sánh thật thuyết phục trong các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục…

  • Chương trình cứu trợ cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới không thực hiện được của UNICEF vì thiếu kinh phí.
  • Tiền đóng 10 tàu sân may Ni-mít đủ thực hiện chương trình phòng bệnh 14 năm đồng thời bảo vệ 1 tỷ người khỏi bệnh sốt rét, cứu hơn 14 triệu trẻ em…
  • Tiền làm 27 tên lửa MX đủ trả tiền công cụ cho các nước nghèo để họ làm ra lương thực trong 4 năm…
  • Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đã đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới…

=> Nghệ thuật lập luận ở đoạn này thật đơn giản mà có sức thuyết phục cao, không thể bác bỏ được. 

Câu 4: Vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người ...

Vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa"? Em có suy nghĩ gì trước lời cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ huỷ diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra?

Trả lời:

Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của con người bởi vì con người thông minh đã làm cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Có thể hiểu “lí trí con người” là quy luật phát triển của văn minh loài người và “lí trí tự nhiên” là quy luật tiến hoá tất yếu của tự nhiên, sự sống. Như vậy,  chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ phá huỷ, xoá sạch những thành quả tiến hoá của văn minh loài người cũng như tiến trình tiến hoá của sự sống, tự nhiên trên Trái Đất.

Thông qua đó, Mác –két đưa ra lời cảnh báo trước toàn thể nhân loại một nhiệm vụ cấp bách. Đó là chúng ta phải đoàn kết, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Câu 5: Theo em, vì sao văn bản này lại được đặt tên là Đấu tranh cho một thế giới hoà bình? 

Trả lời:

Văn bản được đặt tên là “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” vì: 

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa cuộc sống của con người. Vì thế mọi người phải có trách nhiệm ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Đây chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi tới mọi người và có thể coi là như là lời kêu gọi vì hành động của mình. Bởi vậy, nhan đề của bài có tên là “đấu tranh cho một thế giới hòa bình” là hợp lí.

[Luyện tập] Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản ...

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của nhà văn G.G. Mác – két.

Trả lời:

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình là một bài văn nghị luận thật thống thiết và hùng hồn, có tác dụng kêu gọi loài người hãy đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Với hệ thống lập luận rõ ràng, chặt chẽ, tiếng gọi hòa bình ấy đã trở nên có sức mạnh vật chất làm chúng ta nghĩ đến một cánh chim bồ câu tung bay giữa trời xanh. Nó báo hiệu một thời đại mà con người được sống trong vòng tay nhân ái và khái niệm chiến tranh không trong nhà băng “lưu trữ trí nhớ” của chúng ta.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 9


Copyright @2024 - Designed by baivan.net