Tóm tắt tác phẩm: Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia văn phái) | Văn học lớp 9

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm nằm trong chương trình Ngữ văn 9 tập 1. Dưới đây là phần tóm tắt tác phẩm và ý nghĩa của tác phẩm.

I. Tóm tắt tác phẩm

1. Tóm tắt ngắn gọn

Lo sợ trước sự lớn mạnh không ngừng của nghĩa quân Tây Sơn, Lê Chiêu Thống hèn hạ cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo quân vào Thăng Long. Ngô Văn Sở, tướng của Tây Sơn cho quân lui về núi Tam Điệp để bảo tồn lực lượng và cho quân cấp báo với Nguyễn Huệ. Thuận theo lòng tướng sĩ Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung sau đó tiến quân ra Nghệ An. Xuất quân ngày 25 thì 29 đến Nghệ An. Tại đây Quang Trung chiêu lính cứ 3 suất đinh thì lấy 1 suất lính, chẳng mấy chốc đã được một đội quân tinh nhuệ. Nhà vua chia quân thành 5 đạo và đọc hịch dụ binh. 30 tháng chạp nghĩa quân hội tại Tam Điệp, trách phạt tướng bại trận nhưng nhà vua không quên động viên, khích lệ lòng quân. Tại Tam Điệp, vua cho quân ăn tết trước, hẹn mùng 7 ca khúc khải hoàn.

Rạng sáng mùng 3 tết, đạo quân tiến sát và diệt gọn đồn Hà Hồi, tiếp tục mùng 5 tết tiến đến đồn Ngọc Hồi, tiến vào Thăng Long. Tên thái thú Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đống, quân Thanh đại bại. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên người không kịp mặc áo giáp chạy về Phương Bắc. Vua Lê sợ hãi đưa thái hậu cũng tùy tùng bỏ chốn cướp cả thuyền của dân, đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị nước mắt lã chã rơi vô cùng thê thảm.

2. Tóm tắt chi tiết

Lo sợ trước sự lớn mạnh không ngừng của nghĩa quân Tây Sơn Lê Chiêu Thống hèn hạ cầu cứu nhà Thanh. Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo quân vào Thăng Long. Ngô Văn Sở, tướng của Tây Sơn cho quân lui về núi Tam Điệp để bảo tồn lực lượng và cho quân cấp báo với Nguyễn Huệ. Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay nhưng mọi người đều khuyên chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, lòn tôn phò của mọi người chưa được bền nên trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người rồi hãy cầm quân đi đánh giặc. Thuận theo lòng tướng sĩ Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung sau đó tiến quân ra Nghệ An. Xuất quân ngày 25 thì 29 đến Nghệ An.

Tại đây Quang Trung chiêu lính cứ 3 suất đinh thì lấy 1 suất lính, chẳng mấy chốc đã được một đội quân tinh nhuệ. Nhà vua chia quân thành 5 đạo và đọc hịch dụ binh. 30 tháng chạp nghĩa quân hội tại Tam Điệp, trách phạt tướng bại trận nhưng nhà vua không quên động viên, khích lệ lòng quân. Tại Tam Điệp, Quang Trung đã nhìn thấu vận nước 10 năm sau và nhìn ra nhân tài Ngô Thì Nhậm giao trọng trách hòa hiếu giữa hai nước cho ông .Vua cho quân ăn tết trước, hẹn mùng 7 ca khúc khải hoàn.

Rạng sáng mùng 3 tết, đạo quân tiến sát và diệt gọn đồn Hà Hồi, tiếp tục mùng 5 tết tiến đến đồn Ngọc Hồi, tiến vào Thăng Long mà quân Thanh vẫn không hề biết, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên thái thú Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đống, quân Thanh đại bại. Lại nói về Tôn Sĩ Nghị và vua tôi nhà Lê, chúng đón tết mà không hề hay biết sự vũ bão của quân Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên người không kịp mặc áo giáp chạy về Phương Bắc. Đám tàn quân chạy theo làm gẫy cầu phao, rơi xuống tắc nghẽn sông Nhị Hà. Vua Lê sợ hãi đưa thái hậu cũng tùy tùng bỏ chốn cướp cả thuyền của dân, đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị nước mắt lã chã rơi vô cùng thê thảm. Tôn Sĩ Nghị cũng lấy làm xấu hổ.

II. Nội dung và ý nghĩa của tác phẩm

1. Nội dung: Văn bản khắc hoạ nổi bật hai hình ảnh 

a. Người anh hùng Nguyễn Huệ:

  • Ngày 20,22,24/11 ông lên ngôi hoàng đế và xuất quân ra Bắc ngày 25 tháng  chạp năm mậu thân 1788.
  • Đến Nghệ An: Tuyển thêm quân, mở cuộc duyệt binh lớn => Lời phủ dụ với quân lính đã khẳng định quyền độc lập tự chủ của đất nước, truyền thống đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta, kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực của quân sĩ.
  • Đến Tam Điệp: phạt tướng bại trận, không quên khích lệ binh sĩ => Quang Trung là người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén  khi lựa chọn thời cơ, hành động quyết đoán, mạnh mẽ, tầm nhìn xa trông rộng, ý chí quyết thắng.
  • Trong chiến trận: vua là người có tài tổ chức càm quân, tiên đoán chính xác. Đặc biệt là kì tài trong việc dùng binh : Vừa vạch ra phương lược, vừa trực tiếp chỉ huy một mũi tấn công, xông pha tên đạn. Hình ảnh của vua hiện lên thật oai phong, lẫm liệt trong chiến trận.

b. Hình ảnh quan Thanh cướp nước:

  • Tôn Sĩ Nghị lúc mang quân sang đã chủ quan, kiêu căng, tự mãn. Khi thua trận thì sợ hãi bỏ chạy. Quân Thanh đã thất bại nhục nhã, thảm hại.
  • Đối với vua tôi Lê Chiêu Thống, kẻ "cõng rắn cắn gà nhà" là bọn đớn hèn, nhục nhã, số phận gắn chặt  với bọn giặc xâm lược, mù quáng, từ bỏ dân tộc, phản dân hại nước.

Ý nghĩa : Văn bản ghi lại hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc ta và hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân năm Kỉ Dậu ( 1789).

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 9


Copyright @2024 - Designed by baivan.net