Bài soạn lớp 9: Kiểm tra về truyện trung đại

Hướng dẫn soạn bài: Kiểm tra về truyện trung đại - Trang 134 sgk ngữ văn 9 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

1. Lập bảng thông kê, ghi những kiến thức cần thiết vào từng cột theo mẫu dưới đây:

Trả lời:

STT

Tên văn bản

Tác giả

Nội dung chủ yếu

Đặc sắc nghệ thuật

1

Chuyện người con gái Nam Xương

Nguyễn Dữ

Khẳng định nét đẹp tâm hồn, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đồng thời thể hiện niềm cảm thương cho số phận nhỏ nhoi đầy bi kịch của họ.

 

Tác phẩm tự sự thành công ở cách dựng truyện, dựng nhân vật kết hợp cả tự sự trữ tình và kịch.

 

2

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Phạm Đình Hổ

Đời sống sa hoa vô độ của bọn vua chúa quan lại thời phong kiến vua Lê, chúa Trịnh suy tàn.

 

Thể loại văn tùy bút ghi chép sự việc một cách cụ thể, chân thực, sinh động.

 

3

Hoàng Lê nhất thống chí

Ngô gia văn phái

Tái hiện chân thực hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong công cuộc đại phá quân Thanh và sự thất bại thảm hại của bọn cướp nước, bán nước.

 

Tiểu thuyết lịch sử viết theo kiểu chương hồi bằng chữ Hán. Trong đoạn trích, lời trần thuật kết hợp với miêu tả chân thực, sinh động.

 

4

Truyện Kiều

Nguyễn Du

Tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn: là bức tranh hiện thực về một xã hội bất côn tàn bạo, là tiếng nói thương cảm trước số phận và bi kịch của con người, tố cáo những thế lực xấu xa, khẳng định đề cao tài năng, phẩm chất và những khát vọng chân chín của con người.

Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên tất cả mọi phương diện ngôn ngữ cũng như thể loại, là thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học dân tộc.

5

Truyện Lục Vân Tiên

Nguyễn Đình Chiểu

Tác phẩm viết về khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả. Khát vọng ấy thể hiện ở những phẩm chất đẹp đễ của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm trọng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu nết na ân tình.

Là truyện thơ Nôm mang dáng dấp của một truyện để kể hơn để đọc. Ngôn ngữ mộc mạc bình dị, gắn với lời nói thông thường, mang màu sắc địa phương. Tính cách nhân vật bộc lộ chủ yếu qua hành động, cử chỉ, lời nói.

2. Phân tích vẻ đẹp và số phận đầy bi kịch của người phụ nữ ...

Phân tích vẻ đẹp và số phận đầy bi kịch của người phụ nữ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và qua các đoạn trích Truyện Kiều.

Trả lời:

Các ý cần đưa vào khi làm bài:

  • Phân tích vẻ đẹp:
    • Đẹp ở nhan sắc tài năng (Chị em Thúy Kiều). Đặc biệt là vẻ đẹp của Thúy Kiều.
    • Đẹp ở tâm hồn, tình cảm:
      • Hiếu thảo, thủy chung, son sắc: Thúy Kiều thủy chung với Kim Trọng, hiếu thảo với cha mẹ, Vũ Nương thủy chung với chồng, tận tâm chăm sóc mẹ chồng.
      • Nhận hậu, vị tha.
      • Luôn khát vọng tự do, công lý, chính nghĩa: Thúy Kiều báo ân, báo oán phân minh. Vũ Nương lấy cái chết để bày tỏ sự trong sạch, chết rồi nhưng nhờ Phan Lang nói với chồng lập đàn giải oan, hiện về dương gian trong chốc lát.

b. Bi kịch:

  • Đau khổ, oan khuất: Vũ Nương bị nghi oan, không minh oan được, phải gieo mình xuống dòng Hoàng Giang.
  • Tình yêu tan vỡ: Thúy Kiều và Kim Trọng đã từng thề nguyền dưới trăng vậy mà bỗng chốc mối tình ấy tan vỡ. Đau đớn thay!
  • Nhân phẩm bị chà đạp: Vũ Nương bị chồng mắng mỏ, đến nỗi phải tự vẫn. Thúy Kiều bị coi như một món quà hàng đem ra mua bán, bị giam hãm ở lầu Ngưng Bích trong nỗi cô đơn tuyệt vọng.

3. Bộ mặt xấu xa, thối nát của giai cấp thống trị, của xã hội ...

Bộ mặt xấu xa, thối nát của giai cấp thống trị, của xã hội phong kiến được thể hiện như thế nào qua các đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Vù trung tuỳ bút), Quang Trung đại phá quân Thanh (Hoàng Lê nhất thống chí), Mã Giám Sinh mua Kiều (Truyện Kiều)?

Trả lời:

Xã hội phong kiến Việt Nam thế kỉ XVIII bước vào sự khủng hoảng trầm trọng, bộc lộ tất cả những xấu xa, tồi tệ:

  • Đồng tiền lộng hành uy hiếp cuộc sống của người dân lương thiện (Mã Giám Sinh mua Kiều).
  • Những kẻ có tiền táng tận lương tâm. Đồng thời là tiếng nói thương cảm trước số phận và bi kịch của con người, tố cáo những thế lực xấu xa, khẳng định đề cao tài năng, phẩm chất và những khát vọng chân chín của con người. (Mã Giám Sinh).
  • Vua chúa quan lại ăn chơi, trụy lạc, thi nhau hà hiếp bóc lột dân lành (Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh).
  • Giai cấp thống trị bạc nhược, tham sống sợ chết, phản dân hại nước. Đồng thời, Tái hiện chân thực hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong công cuộc đại phá quân Thanh và sự thất bại thảm hại của bọn cướp nước, bán nước. (Hoàn Lê Nhất thống chí - Hồi thứ 14).

4. Phân tích hình tượng các nhân vật: Nguyễn Huệ ...

Phân tích hình tượng các nhân vật: Nguyễn Huệ (đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh) và Lục Vân Tiên (đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguỵêt Nga).

Trả lời:

  • Nhân vật Quang Trung – Nguyễn Huệ:
    • Là một vị hoàng đế có trí tuệ sáng suốt
      • Người anh hùng có tài cầm quân
      • Người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng
      • Người anh hùng có sức thu phục lòng người
    • Là một vị tướng có tài thao lược hơn người.
      • Nắm bắt thời cơ, tổ chức chiến trận
      • Biết chọn tướng chỉ huy, chia quân, bố trí phối hợp
      • Biết tổ chức cách đánh…
    • Quang Trung là một vị lãnh tụ khí phách lẫm liệt.

=>Người anh hùng dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, tài trí, quả cảm, nhân cách cao đẹp.

  • Nhân vật Lục Vân Tiên:
    • Một trang anh hùng hảo hán: có tài vũ dũng, có khí phách anh hùng, có tâm lòng vì nghĩa quên thân…
    • Sẵn sàng làm việc nghĩa, làm việc vô tư không màng danh lợi.
    • Một Nho sinh trọng nghĩa khinh tài, đôn hậu bao dung,…

=>Người anh hùng với lí tưởng cao đẹp theo quan niệm tích cực của Nho gia, quan niệm đạo lí của nhân dân.

5. Nêu những nét chính về thời đại, gia đình ...

Nêu những nét chính về thời đại, gia đình và cuộc đời Nguyễn Du. Tóm tắt Truyện Kiều.

Trả lời:

Nét chính về thời đại, gia đình và cuộc đời Nguyễn Du:

  • Thời đại, gia đình:
    • Nguyễn Du (1765 - 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
    • Ông sinh trường trong một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan to và có truyền thống về văn học. Cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm.
    • Nguyễn Du sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn tranh giành quyền lực, phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.
  • Cuộc đời:
    • Nguyễn Du đã phải sống phiêu bạt nhiều năm ở đất Bắc (1786-1796) rồi sau đó về ở ẩn ở Hà Tĩnh (1796-1802).
    • Nguyễn Ánh lên ngôi mời ông ra làm quan, bất đắc dĩ ông phải nhận lời (1802). Ông từng được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, chuẩn bị đi lần thứ hai thì bị bệnh mất ở Huế.
    • Cuộc đời phiêu bạt: sống phiêu bạt nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh, làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc… Vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú về cuộc sống của Nguyễn Du có phần do chính cuộc đời phiêu bạt, trải nghiệm nhiều tạo thành.
  • Tóm tắt truyện Kiều:
    • Phần một : Gặp gỡ và đính ước ( Câu 1 - 568 )

Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái lớn của một gia đình họ Vương lương thiện. Trong tiết thanh minh, Kiều cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan đi du xuân. Kiều gặp Kim Trọng, cả hai đã chớm nở tình ý ban đầu. Kim Trọng đến ở trọ cạnh nhà Kiều và tìm cơ hội gặp nhau. Cả hai chủ động, tự do đính ước với nhau.

    • Phần hai : Gia biến và luu lạc ( 569- 2738 )

Trong khi Kim Trong về quê thọ tang chú thì gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều trao duyên lại cho Thúy Vân, còn mình thì bán mình chuộc cha. Nàng bị bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt làm gái lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh chuộc thân cưới về làm thiếp nhưng bị vợ lớn của Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen tuông, đày đọa phải trốn vào chùa.

Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà, nàng lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, Kiều gặp người anh hùng Từ Hải, đã lấy nàng và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc mưu của Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Đau đớn và tủi nhục, Kiều trầm mình ở sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu về ở trong chùa.

    • Phần ba : Đoàn tụ ( Câu 2739 – 3254 )

Sau khi chịu tang chú xong, Kim Trọng trở lại tìm Kiều và hay tin mọi việc. Chàng vô cùng đau đớn và quyết tâm đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên, gia đình Kiều được đoàn tụ. Chiều ý mọi người, Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai chỉ xem nhau là bạn.

6. Qua các đoạn trích Chị em Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, ...

Qua các đoạn trích Chị em Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, Thuý Kiều báo ân báo oán, hãy phân tích giá trị nhân đạo của Truyện Kiều.

Trả lời:

Qua các đoạn trích giá trị nhân đạo của Truyện Kiều được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

  • Ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình,phẩm chất tốt đẹp của con người:
    • Ngợi ca vẻ đẹp nhan sắc, tài năng (Kiều và Vân là những cô gái mười phân vẹn mười, mai cốt cách, tuyết tinh thần. Kiều còn là người có tài cầm, kì, thi họa).
    • Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn: hiếu thảo, thủy chung, có tấm lòng nhân hậu vị tha (tha chết cho Hoạn Thư).
  • Cảm thông cho những nỗi đau khổ, bất hạnh của con người:
    • Kiều phải bán mình chuộc cha, đau đớn quên đi lời ước thề đôi lứa với Kim Trọng.
    • Cảnh sống đau khổ, nổi trôi, lênh đênh của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích.
  • Lên án, tố cáo các thế lực tàn bạo đã chà đạp lên con người:
    • Thế lực đồng tiền đã đẩy con người vào cảnh khôn cùng.
    • Những kẻ tán tận lương tâm, lọc lõi, xảo quyệt (Mã Giám Sinh, Tú Bà).
    • Đề cao khát vọng về công lí, về hạnh phúc của con người (cảnh Thuý Kiều báo ân báo oán, những kẻ có tội bị trừng trị đích đáng, những người có công được đền ơn xứng đáng).

7. Qua các đoạn trích đã học, hãy phân tích những ...

Qua các đoạn trích đã học, hãy phân tích những thành công nghệ thuật của Truyện Kiều (nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên, nghệ thuật miêu tả nhân vật).

Trả lời:

  • Nghệ thuật sử dụng ngôn từ: hết sức điêu luyện, sử dụng tiếng nói của dân tộc (Là tác phẩm truyện thơ Nôm). Trong truyện Kiều, ngôn ngữ dân tộc đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực, giàu sức gợi cảm, chính xác, đẹp đẽ (ngôn ngữ tả vẻ đẹp chị em Thuý Kiều, ngôn ngữ tả cảnh ngày xuân), có sự kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học.
  • Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên:
    • Trực tiếp miêu tả thiên nhiên bằng những từ ngữ giàu tính tạo hình (Cảnh ngày xuân)
    • Tả cảnh ngụ tình (Kiều ở lầu Ngưng Bích)
  • Nghệ thuật miêu tả nhân vật:
    • Khắc họa nhân vật bằng nghệ thuật ước lệ (Chị em Thúy Kiều)
    • Miêu tả đời sống nội tâm qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình (Kiều ở lầu Ngưng Bích)
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com