[toc:ul]
Tìm hiểu chung tác phẩm
Tác giả
- Kim Lân sinh năm 1920, quê ở Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác được đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chí viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.
- Là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, Kim Lân có một vốn sống phong phú về nông thôn Việt Nam. Truyện của ông hầu hết chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh đề tài người nông dân.
Tác phẩm
- Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.
- Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện Làng. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.
- Truyện khai thác tình cảm quê hương, đất nước, một tình cảm bao trùm và phổ biến trong mỗi con người Việt Nam thời kì kháng chiến. Thành công của Kim Lân là đã diễn tả chân thực và sinh động tình yêu làng quê ở ông Hai, một người dân đặc biệt, nhất là những diễn biến tâm lí của ông từ lúc nghe tin làng mình theo giặc.
- Tóm tắt tác phẩm
Ông Hai là một người nông dân rất yêu làng và tự hào về làng Chợ Dầu của mình nhưng vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên ông phải rời làng đi tản cư. Sống trong hoàn cảnh bó buộc ở nơi tản cư, ông Hai luôn bứt rứt nhớ về cái làng Chợ Dầu.
Một hôm ra phòng thông tin và rẽ vào quán nước gần đó, ông Hai nghe tin làng Dầu làm việt gian theo giặc, ông rất khổ tâm và xấu hổ. Về nhà ông nằm vật ra giường nhìn lũ con, nước mắt cứ trào ra. Lòng ông đau xót và nhục nhã khôn cùng. Ông không dám đi đâu, chỉ ru rú ở nhà. Nghe bất cứ ai nói chuyện gì, ông cũng nơm nớp lo sợ, sợ rằng người ta nói chuyện ấy… Bà chủ nhà đã đuổi khéo vợ chồng con cái nhà ông. Ông Hai lâm vào hoàn cảnh bế tắc: không thể bỏ về làng vì về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, cũng không thể đi đâu khác vì không đâu người ta chứa người làng chợ Dầu. Ông cảm thấy nhục nhã xấu hổ, chỉ biết tâm sự với đứa con về nỗi oan ức của mình. Nhưng rồi ông lại xác định “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Không biết tâm sự cùng ai nỗi đau khổ trong lòng, ông trò chuyện với đứa con nhỏ một lòng ủng hộ cụ Hồ. Khi chủ tịch xã lên cải chính làng Dầu không theo Tây, ông sung sướng đy khoe với tất cả mọi người, khoe cả tin làng ông bị Tây đốt nhẵn. Và ông lại tiếp tục sang nhà bác Thứ để khoe về cái làng của mình.
Câu 1: Truyện ngắn Làng đã xâydựng được một tình huống truyện làm...
Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?
Trả lời:
- Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện khiến tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
- Truyện ngắn “Làng” được nhà văn Kim Lân xây dựng một tình huống truyện đầy éo le nhằm bộc lộ tình yêu sâu sắc của nhân vật ông Hai đối với ngôi làng chợ Dầu của mình, đó là khi nghe tin dân làng chợ Dầu theo giặc, làm Việt gian bán nước. Cái tin ấy ông nghe từ chính miệng những người tản cư đi qua.
Câu 2: Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc...
Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện. Vì sao ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc? Tâm trạng ấy của nhân vật đã được biểu hiện như thế nào?
Trả lời:
- Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.
- Khi nghe tin đột ngột, "cổ họng ông lão nghẹn đắng lại, da tê rân rân, …ông không thể không tin"
- Ông đi về nhà, mặt cúi gằm xuống đất, về đến nhà ông vật ra gường, nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão tràn ra. Ông đau đớn rít lên, nguyền rủa bọn phản bội.
- Suốt ngày ông Hai ở trong nhà, chẳng chịu đi đâu, ông luôn chột dạ …
- Ông quyết đoạn tuyệt với làng để đi theo kháng chiến, theo cách mạng "Làng thì yêu thật nhưng làng làm Việt Gian thì phải thù".
- Khi đi nghe tin cải chính làng chợ Dầu không theo giặc ông Hai như được hồi sinh "cái mặt bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên", đi khắp nơi khoe việc nhà mình bị thằng giặc nó đốt.
- Ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc vì ông yêu và tin làng của mình như đứa con yêu mẹ, một tình yêu hồn nhiên như trẻ thơ. Bỗng chốc, tin làng theo giặc như phản bội, quay lưng lại với niềm tin ấy của ông. Tâm trạng ấy của ông được thể hiện: ông Hai ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớm, bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề. Thậm chí ông không dám nhắc tới, phải gọi tên cái chuyện phản bội là "chuyện ấy". Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, "không dám bước chân ra đến ngoài" vì xấu hổ.
- Qua đó thể hiện tấm lòng yêu làng tha thiết của ông Hai, tình yêu ấy thiêng liêng, sâu nặng biết bao nhiêu. Tình yêu quê hương làng xóm gắn bó với tình yêu Tổ quốc.
Câu 3: Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út...
Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út (“Ồng lão ôm thằng con út lên lòng... cùng vợi đi được đôi phần”). Vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ? Qua nhừng lời trò chuyện ấy, em cảm nhận được điều gì về tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến? Tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai có quan hệ như thế nào?
Trả lời:
- Ông Hai đã có cuộc trò chuyện với đứa con Út “Ông lão ôm thằng con út lên lòng…cũng vợi đi được đôi phần”. Ông Hai có cuộc trò chuyện với đứa con nhỏ mà không phải với bất kì ai khác bởi:
- Ông Hai trò chuyện với đứa con nhỏ thực chất là tự nhủ với chính mình, tự giãi bày nỗi lòng mình.
- Ông mặc cảm với mọi người, hễ thấy ai trò chuyện cũng nghĩ họ đang nói về mình, về làng chợ Dầu. Với tâm trạng như vậy ông Hai không có đủ tự tin, dũng khí để nói chuyện với bất kì ai khác.
- Nói chuyện với thằng con Út vì nó là một đứa con mà ông rất thương, cũng chỉ là một đứa nhỏ hồn nhiên. Quan trọng là ông cần một người lắng nghe ông lúc này. Với sự hồn nhiên của đứa trẻ, nó sẽ không có những suy nghĩ sâu xa, không có những lời nói mỉa mai.
- Qua những lời trò chuyện ấy, ta thấy được trong những lúc đau xót bế tắc, bị ngờ oan thì trong thẳm sâu tấm lòng của người nông dân ấy vẫn hướng về cụ Hồ, hướng về kháng chiến. Tình yêu làng, yêu quê hương trong trái tim người nông dân ấy đã hoà quyện với tình yêu cách mạng, tình yêu cụ Hồ, yêu kháng chiến, yêu Tổ quốc.
Câu 4: Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả.
Trả lời:
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật qua hành động, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, rất hợp lý. Từ chỗ đau đớn rụng rời đến chỗ bế tắc tuyệt vọng và cuối cùng là sung sướng, hả hê, giải tỏa tâm lý bằng cái tin cải chính. Nhân vật được hồi sinh.
- Ngôn ngữ nhân vật: Ngôn ngữ truyện mang đậm tính khẩu ngữ, gần gũi với đời sống. Nhân vật ông Hai của mình nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên y như con người thật ở ngoài đời, thể hiện tâm hồn bình dị của người nông dân ít học nhưng rất tha thiết với kháng chiến
[Luyện tập] Câu 1: Chọn phân tích một đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai trong truyện...
Chọn phân tích một đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai trong truyện. Trong đoạn văn ấy, tác giả đã sử dụng những biện pháp nào để miêu tả tâm lí nhân vật?
Trả lời:
Đoạn văn miêu tả tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
“Ông Hai cúi gằm xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà. Về đến nhà, ông Hai
nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt
gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi
đầu...Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán
nước để nhục nhã thế này.”
- Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng biện pháp độc thoại nội tâm để nhân vật ông Hai chất vất chính mình, diễn tả những day dứt, xót xa, tủi nhục của nhân vật. Ông cảm thấy xấu hổ, niềm tin như bị đổ vỡ, ngôi làng mà ông coi là niềm tự hào nay lại bán nước theo giặc. Ông nhìn sang lũ con mà tủi thân, trào nước mắt. Qua đoạn trích, tác giả đã thể hiện sâu sắc tâm trạng của nhân vật, sự bất ngờ khi nghe tin làng theo giặc. Sự kiện này đã có tác động rất lớn đến suy nghĩ và tình cảm của ông Hai.
[Luyện tập] Câu 2: Em có nhớ truyện ngắn hay bài thơ nào cùng viết về tình cảm quê hương,...
Em có nhớ truyện ngắn hay bài thơ nào cùng viết về tình cảm quê hương, đất nước? Hãy nêu nét riêng của truyện Làng so với những tác phẩm ấy.
Trả lời:
Viết về tình cảm quê hương, đất nước nhà thơ Giang Nam có bài thơ
Quê hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ? "
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
***
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi!
- Điểm khác biệt là trong bài thơ Quê hương của Giang Nam giống như lời tâm sự của tác giả, nhớ về quê hương từ thuở còn thơ bé với kỉ niệm về cô bé nhà bên đến khi trưởng thành đi theo cách mạng. Tình yêu quê hương của tác giả gắn liền với tình yêu trong sáng, với nỗi đau khi mất đi người thương. Còn truyện Làng của Kim Lân lại thiên về diễn biến tâm trạng nhân vật.
- Truyện ngắn Làng được kể theo ngôi thứ ba, còn trong bài thơ cảm xúc trữ tình của nhân vật được kể theo ngôi thứ nhất.