Bài văn mẫu lớp 8: Ghi lại câu chuyện khi được chứng kiến cái chết của lão Hạc

Đề bài: Giả sử, em là một trong những người chứng kiến cái chết của lão Hạc, em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?

Bài làm

Chiếc hộp lưu giữ ký ức của chúng ta không chỉ lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc mà còn lưu giữ cả những khoảnh khắc đau xót, không vui. Đôi khi những điều buồn đau mới khiến con người ta nhớ mãi không quên. Giống như tôi luôn ám ảnh khi chứng kiến cái chết xót xa của lão Hạc.

Tôi chỉ là một người nông dân bình thường trong cùng làng với lão Hạc. Những năm tháng đói kém ấy, chúng tôi sống trong mòn mỏi hi vọng. Cái đói, cái nghèo khiến thanh niên nhiều nhà bỏ đi đồn điền cao su, mấy năm sau cũng không thấy về, con trai lão Hạc cũng vậy. Cái đói còn đẩy con người ta vào bước đường cùng, khiến con người ta tha hóa biến chất. Ấy vậy mà vẫn có một người luôn giữ tấm lòng và nhân cách đáng quý – lão Hạc. Tôi thường sang nhà ông giáo trò chuyện, cũng thường gặp lão Hạc bên ấy nên hiểu lão hơn người khác trong làng. Nghĩ đến lão nông dân già nua ấy, tôi lại vừa thấy thương vừa thấy phục. Cố bám víu chờ con trai về, nghèo đói đến đâu vẫn không khiến mình lâm vào con đường tha hóa.

Nhưng chẳng ai ngờ, mọi chuyện lại ập đến như vậy. Mới mấy hôm trước, tôi còn gặp lão bên nhà ông giáo, sau khi lão bán con Vàng – con chó yêu quý của lão. Lúc nghe lão nhờ cậy ông giáo đứng tên mảnh vườn và gửi ba mươi đồng bạc để lỡ có lão có chết thì ông giáo đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm tôi còn trách lão nghĩ chuyện không đâu. Người còn đang sống mà đã tính chuyện ma chay. Vậy mà...

Chiều hôm đó, tôi đang lúi húi giẫy đám cỏ dại trong vườn thì nghe tiếng bà lão hàng xóm kêu lên:

- Bà con sang mà xem, lão Hạc chết rồi!

Tôi giật mình, vứt cả cuốc, chạy vội sang nhà lão Hạc. Vừa đến cổng đã thấy mọi người đứng đầy ở đó, nghe rõ tiếng nôn ọe. Tôi vội vã xuyên qua đám người, chạy hẳn vào trong thì hoảng hồn thấy lão Hạc đang vật vã trên chiếc giường cũ kĩ, đầu tóc lão rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc và bọt mép sùi ra. Lão tru tréo, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái. Chân tay tôi như đông cứng lại, không nhúc nhích được, chỉ đứng nhìn lão Hạc như thế. Hai người to khỏe đến đè lão lại nhưng không giúp ích được gì, lão vật vã trong đau đớn suốt 2 tiếng đồng hồ rồi buông thõng hai tay. Tôi biết, lão Hạc đi rồi.

Tôi lén gạt nước mắt đang trực chảy ra, nhìn mọi người xung quanh. Hàng xóm của chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn, dường như họ đang thắc mắc không biết vì sao lão Hạc chết đau đớn và bất ngờ như vậy. Còn Binh Tư và ông giáo thì giữ im lặng. Tôi thoáng thấy sự thương xót và day dứt, đau khổ trong ánh mắt của họ. Ông giáo còn chua xót thở dài thườn thượt. Khóe mắt ông hình như cũng ướt. Có lẽ cả họ và tôi đều hiểu được nguyên nhân cái chết đau đớn này.

Để giữ gìn nhân cách của mình, để không đi vào con đường tha hóa, lão Hạc đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình như vậy, bi thảm và xót xa biết nhường nào. Tôi im lặng cúi đầu để tiễn đưa người nông dân đáng quý trọng ấy. Tang lễ của lão diễn ra đúng như lời dặn dò nhờ cậy của lão trước đó. Người ta vẫn tò mò bàn tán về cái chết của lão, có người thương xót cũng có người chẳng mấy để tâm. Nhìn ngôi mộ mới nhô lên nơi đồng không mông quạnh, chưa bao giờ tôi thấy lòng mình nặng nề đến thế.

Và rồi, thời gian qua đi, câu chuyện về cái chết kỳ lạ bất thình lình ấy cũng rơi vào im lặng. Nhưng mỗi lần thắp nén nhang tưởng niệm lão Hạc, tôi vẫn không ngăn được nỗi xót xa trong lòng. Tôi cầu mong người nông dân hiền lành, tốt đẹp ấy sống đã không được mấy ngày an nhàn hạnh phúc, khi mất đi rồi có thể có được khoảnh khắc an nhiên.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 8


Copyright @2024 - Designed by baivan.net