Bài làm
Từ những ngày còn bé xíu, bố mẹ đã luôn dạy tôi "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Hạnh phúc không chỉ là được nhận về mình mà còn là sự trao đi. Có một lần tình cờ, tôi đã làm được việc làm tốt, giúp đỡ người bất hạnh hơn mình và điều đó khiến tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh buổi chiều hôm đó. Một buổi chiều mùa đông mưa bụi khi tôi học lớp 5. Trời rét căm căm, hai tay tôi được bao bọc trong đôi găng tay dày nhét trong túi áo bông mà vẫn thấy tê cứng lại. Cầm số tiền tiết kiệm từ đầu tuần trích ra từ tiền ăn vặt mẹ cho mỗi ngày, tôi bất chấp giá lạnh, cố gắng đi thật nhanh về phía tiệm sách cuối đường. Quyển truyện tranh Conan tập mới nhất mà tôi mong ước đang nằm ở đó.
Tôi vừa bước đi vừa suýt xoa về cái lạnh bất thường của mùa đông vừa đưa mắt quan sát mọi thứ xung quanh. Chợt, lọt vào ngay tầm mắt tôi là hình ảnh một người ăn xin nghèo khổ. Chiếc áo khoác kaki đã sờn màu và rách lỗ chỗ phủ lấy thân hình gầy gò của người đàn ông không rõ bao nhiêu tuổi. Khuôn mặt gầy sọp và nhơ nhuốc lấm lem của ông bị che khuất một nửa sau chiếc mũ áo cũ kĩ. Tôi thoáng thấy hàm răng ông đánh vào nhau run lên lập cập. Mẹ đã mặc cho tôi như chiếc bánh trưng nhỏ mà tôi còn thấy rét, hẳn là ông ấy đang cảm thấy lạnh lắm.
Đôi bàn tay toàn khớp xương và đen sạm của ông run lẩy bẩy trong tiếng gió rít gào. Giờ này mọi người đều đang núp mình trong văn phòng, trong nhà ấm cúng, có mấy ai để ý đến người ăn xin tội nghiệp này. Tôi lục trong túi mấy tờ tiền lẻ và cái bánh ông nội mới cho, bước nhanh về phía người ăn xin và thả vào chiếc hộp của ông. Ông rối rít cảm ơn tôi. Lúc ấy tôi mới nhận ra ông lão ăn xin còn là một người mù.
Lòng tôi bất ngờ dấy lên nỗi thương cảm và phân vân vô cùng. Số tiền tôi đang có trong tay tuy không nhiều nhưng ít ra cũng đủ cho ông tránh đi một ngày mưa rét như thế này. Nếu tiếp tục để ông ngồi đây ai biết được ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra với người ăn xin tội nghiệp này? Nhưng đây là tiền mình dành dụm để mua cuốn truyện yêu thích. Qua tuần rồi sẽ không bán nữa. Nhưng... Nhìn ông ấy tội nghiệp biết bao. Truyện có thể mua sau mà, đâu phải không bao giờ xuất bản nữa đâu??? Nội tâm tôi diễn ra cuộc đấu tranh dữ dội. Cuối cùng, tôi vẫn lấy số tiền của mình ra, cẩn thận đặt vào đôi bàn tay run rẩy của ông:
- Ông ơi, cháu không có nhiều nên xin biếu ông ít tiền. Ông thu dọn đồ rồi tìm chỗ nghỉ ngơi chứ trời rét lắm ạ.
Ông chần chừ sờ lấy những đồng tiền trong lòng bàn tay rồi dường như rơi nước mắt cảm ơn tôi:
- Cảm ơn cháu, thật sự cảm ơn cháu. Nhờ cháu mà bà nhà ông có thể mua được ít thuốc rồi. Ông cảm ơn cháu nhiều lắm. Cảm ơn tấm lòng của cháu.
Nghe đến đây, tôi chợt thấy tự trách bản thân tại sao lại phân vân giúp đỡ người khác chứ. Họ bất hạnh hơn mình rất nhiều cơ mà. Tôi giúp ông thu dọn đồ đạc cũ kĩ ít ỏi và tiễn ông về phía vợ chồng ông ở rồi hỏi thăm chỗ ông hay ngồi để khi nào có lại đem chút ít đến giúp ông. Ông chỉ cảm ơn và từ chối bảo tôi đã giúp ông nhiều rồi. Ông gửi lời cảm ơn cả gia đình tôi vì đã đem đến cho cuộc sống một đứa trẻ ngoan ngoãn, tốt bụng, ông cầu chúc mọi điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến với tôi.
Tôi tạm biệt ông lão ăn xin và trở về nhà trong cảm xúc khó tả. Không phải niềm tiếc nuối cuốn truyện tranh mà nhiều hơn là sự vui vẻ, hạnh phúc vì mình đã làm được một việc làm tốt, giúp đỡ được người cần giúp đỡ. Hạnh phúc quả thực chính là sự trao đi, trao đi những yêu thương và sự sẻ chia bởi lẽ "sống trong đời sống cần có một tấm lòng"...