Văn mẫu 8: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt

Đề bài: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - Chiếc máy tính

Văn mẫu 8: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu chiếc máy tính - một người bạn đặc biệt của em

2. Thân bài: 

  • Nguồn gốc ra đời chiếc máy tính đầu tiên.
  • Các bộ phận của máy tính: CPU và màn hình, bàn phím, con trỏ chuột
    • CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy vi tính, hình hộp chữ nhật, vỏ làm bằng kim loại,....
    • Màn hình máy vi tính thường có kích thước và hình dáng tương đương một chiếc ti vi 21 inch....
    • Bàn phím có hình chữ nhật, có các chữ nổi...
    • Con trỏ chuột thon nhỏ, vừa tay nắm, có ba nút để điều khiển các lệnh trên màn hình.
  • Công dụng máy tính: tạo lập văn bản, sử dụng các phần mềm ứng dụng, khai thác Internet và ... chơi game!
  • Hướng dẫn cách sử dụng máy tính

3. Kết bài: Máy vi tính rất hữu ích đối với học sinh. Cần vệ sinh, bảo quản máy tính cẩn thận để sử dụng được lâu bền.

Bài văn

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay, đối với người học sinh, ngoài những người bạn thân quen như sách vờ, bút thước... chúng em còn có thêm một người bạn đặc biệt khác: Máy vi tính.

Chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời năm 1956. Ban đầu, chiếc máy vi tính có kích thước rất lớn, nó to bằng cả một căn phòng và chỉ thực hiện được một số phép tính đơn giản. Theo thời gian, bằng sự nỗ lực của các nhà khoa học, kích thước chiếc máy tính đã được thu gọn lại như ngày nay.

Máy vi tính để bàn gồm hai bộ phận lớn tách rời nhau là CPU và màn hình. CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy vi tính, đó là nơi xử lí các thông tin dữ liệu rất tinh vi. CPU có hình hộp chữ nhật, kích thước thường là 50 cm x 10 cm x 40 cm. Vỏ ngoài được làm bằng kim loại có phủ sơn cách điện. Bên trong là ổ cứng, bộ vi xử lí, các mạch điện, dây dẫn... Mặt trước của máy vi tính là hình chữ nhật kích thước 10 cm x 40 cm. Tại đây có các bộ phận nhỏ để nhận đĩa mềm, kết nối USB và máy, hệ thống nút điều khiển máy... Mặt sau của CPU là ổ cắm dây nối CPU với nguồn điện, màn hình, bàn phím và con trỏ chuột.

Màn hình máy vi tính thường có kích thước và hình dáng tương đương một chiếc ti vi 21 inch. Nhưng ngày nay do sự phát triển của công nghệ, màn hình máy vi tính chỉ mỏng chừng 2 cm đến 3 cm và được làm bằng tinh thể lỏng.

Ngoài hai bộ phận trên còn cần có bàn phím và con trỏ chuột mới có thể hoàn chỉnh một chiếc máy vi tính. Bàn phím có hình chữ nhật, kích thước vào khoảng 16 cm x 25 cm, có các phím chữ nổi lên giúp nhập thông tin vào máy. Con trỏ chuột thon nhỏ, vừa tay nắm, có ba nút để điều khiển các lệnh trên màn hình.

Việc sử dụng máy tính khá đơn giản. Với người học sinh, công dụng chủ yếu là tạo lập văn bản, sử dụng các phần mềm ứng dụng, khai thác Internet và ... chơi game!

Để sử dụng máy, trước tiên, ta phải cắm phích vào ổ điện, bật máy CPU và bật máy màn hình. Tiếp đó, nếu tạo lập văn bản, ta nhấn hai lần chuột trái vào biểu tượng "W" (microsolf word) trên màn hình rồi sử dụng các phím chữ, đấu... nhập thông tin vào trang trắng trên màn hình. Để sử dụng các chương trình khác, ta cũng mở máy rồi sử dụng bàn phím và con chuột để nhập thông tin và tạo các lệnh.

Nhờ chiếc máy vi tính, người học sinh có thể trao đổi thông tin học tập, tâm tư tình cảm nhanh chóng, tiện dụng, có thể xem và thực hiện các thí nghiệm vật lí, hóa học, có thể tìm kiếm các thông tin cần thiết cho việc học tập... Ngoài ra, ta có thể giải trí bằng cách chơi trò chơi trên máy tính...

Chiếc máy vi tính là người bạn vô cùng hữu ích đối với người học sinh. Để bảo vệ người bạn đặc biệt này, chúng ta cần thường xuyên vệ sinh bàn phím, phủi bụi cho các bộ phận cùa máy. Ngoài ra, ta cần để máy nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Đặc biệt, nên cài một chương trình diệt "virus" - tác nhân có thể phá hoại dữ liệu trong máy.

Bài mẫu 2: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - Nồi cơm điện

Văn mẫu 8: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về  chiếc nồi cơm điện

2. Thân bài: 

  • Nguồn gốc ra đời chiếc nồi cơm điện
  • Giới thiệu các bộ phận của nồi cơm điện: dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt
  • Miêu tả thiết kế nồi cơm điện theo kiểu mã, chức năng...
  • Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện
  • Công dụng của nồi cơm điện đối với con người: nấu cơm, hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm... 
  • Cách bảo quản, giữ gìn nồi cơm điện bền lâu

3. Kết bài: Mối quan hệ của nồi cơm điện đối với người dùng.

Bài làm

Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cuộc sống của con người cũng ngày càng hiện đại hơn. Với sự bao phủ của các thiết bị điện tử thông minh, đời sống được cải thiện bởi những phát minh mới. Một trong những phát minh hữu ích cho đời sống sinh hoạt là chiếc nồi cơm điện.

Nồi cơm điện đến với loài người từ đất nước công nghệ phát triển vượt bậc - Nhật Bản. Ý tưởng về việc dùng điện để nấu cơm xuất hiện lần đầu tiên vào những năm giữa thập niên 1920. Khoảng 20 năm sau, một công ty điện tử cho ra đời thành công loại nồi cơm điện làm chín cơm nhờ chuyển năng lượng điện thành năng lượng hơi. Tuy nhiên, chiếc nồi này yêu cầu người dùng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc nấu cho đến lúc cơm được nấu xong, khá bất tiện. Năm 1956, công ty Toshiba (Nhật Bản) cải tiến và khắc phục nhược điểm đó, cho ra đời một chiếc nồi thuận tiện sử dụng hơn. Theo đó, hơn 700 chiếc nồi cơm điện được đưa ra thị trường và có mặt trong nhà bếp của các bà nội trợ trên toàn thế giới.

Nồi cơm điện bao gồm dây dẫn nguồn nhiệt, vỏ chứa, ruột nồi nấu và thiết bị cảm ứng nhiệt. Dây dẫn dùng để dẫn điện từ nguồn vào nồi. Vỏ nồi cơm điện thường làm bằng nhựa chịu sức nóng tốt, thường có nắp để đậy lại. Trên nắp nồi có một lỗ nhỏ để thoát hơi ra ngoài. Ruột nồi nằm bên trong, thường làm từ kim loại bền, chống dính cao. Trên ruột có các mức nước được kẻ thành vạch, dựa vào đó mà chọn lượng nước phù hợp với gạo để cơm ngon hơn. Thiết bị cảm ứng là thiết bị điện tử, đo nhiệt độ của nồi và kiểm soát nhiệt lượng, báo hiệu tình trạng nồi cơm. Một chiếc nồi hoàn chỉnh sẽ có thêm nhiều phụ kiện khác.

Theo sự phát triển và nhu cầu của từng thời đại mà nồi cơm điện lại được thiết kế theo kiểu mã, chức năng khác nhau. Hiện nay, nhiều loại nồi cơm điện phức tạp được phát minh có nhiều cảm biến hơn và đa chức năng hơn. Những chiếc nồi đơn giản thì có nút bật, chỉ để nấu cơm. Hiện đại hơn, sẽ có cả bảng chức năng cảm ứng, muốn dùng chức năng nào thì chọn nút đó.

Nguyên lí hoạt động của nồi cơm điện khá đơn giản. Để nấu cơm, cho gạo và nước sạch vào ruột nồi trước, chọn nấc cảm ứng nhiệt về vị trí nấu. Trong thời gian nấu, nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất nhờ một dây dẫn điện tạo ra. Khi đạt đến nhiệt độ 100 °C, nước sẽ chuyển từ lỏng sang dạng hơi, thoát ra theo lỗ thông của vỏ nồi. Nhiệt độ cao tạo ra sẽ nấu chín gạo, đèn báo chuyển chế độ thì kết thúc nấu. Thông thường, sau đó nồi cơm điện sẽ chuyển sang chế độ "hâm nóng" để tiết kiệm năng lượng, giữ cơm đã chin ở nhiệt độ an toàn, tự động ngắt nguồn điện.

Nồi cơm điện đã trở thành vật dụng quen thuộc không thế thiếu trong mỗi gia đình. Nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian đun nấu mà lại có những bát cơm dẻo ngon. Không những thế, nồi cơm điện còn có nhiều chức năng như hấp, nấu cháo, làm bánh, hầm... Chỉ với một chiếc nồi, chúng ta có thể làm bất cứ món gì mình muốn. Nó giống như cầu nối gắn kết cả gia đình với những bữa cơm đàm ấm sum họp.

Trong quá trình sử dụng, cần biết cách để giữ cho nồi bền. Ngay khi đi chọn mua, bạn nên cắm điện thử ngay tại nơi bán, kiểm tra các nút nấu có hoạt động chính xác hay không. Kiểm tra cả trong lẫn ngoài đảm báo nồi không bị trầy xước bên ngoài và ruột men bên trong tráng chống dính không bị bong tróc. Trước khi cho ruột vào nấu, nên lau khô mặt ngoài của ruột nồi. Thường xuyên lau chùi, giữ cho lỗ thông hơi trên vỏ sạch sẽ, thoáng. Không mở nắp quá nhiều khi nồi đang nấu để tiết kiệm điện. Ngoài ra, không nên để cơm chín quá 12 giờ mà không dùng, không rút điện gây hại cho nguồn điện. Thường xuyên lau chùi vỏ nồi và vệ sinh ruột nồi đúng cách để bảo vệ lớp men chống dính. Sử dụng đúng chức năng có ở nồi. Nếu nồi chỉ dùng để nấu cơm, không xào nấu để giữ tuổi thọ của nồi. Chiếc nồi cơm điện có sử dụng tốt được lâu hay không là nhờ vào cách bảo quản của người dùng.

Với sự phát triển tốc độ của kỹ thuật số, giống như nhiều thiết bị, vật dụng khác, nồi cơm điện cũng được cải tiến từng ngày. Nồi cơm điện đi vào đời sống sinh hoạt, có mặt ở khắp thế giới và trở thành một phần trong cuộc sống của con người.

Bài mẫu 3: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt - Chiếc bút bi

Văn mẫu 8: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu hộp đựng bút – một dụng cụ rất quen thuộc đối với học sinh

2. Thân bài: 

  • Nguồn gốc ra đời của chiếc hộp đựng bút.
  • Cấu tạo chiếc hộp đựng bút: hình hộp chữ nhật, một ngăn hoặc hai ngăn, có nhiều kiểu dáng...
  • Phân loại hộp đựng bút: hộp bút nhựa, hộp bút gỗ, bóp viết bằng vải, bóp viết bằng nỉ…
  • Công dụng chiếc hộp đựng bút: đựng bút viết, thước, compa, phấn màu, giấy ghi chú…

3. Kết bài: Tuổi học sinh không thể không có chiếc hộp bút. Chúng ta phải trân trọng đồ vật này và giữ gìn nó cẩn thận

Bài văn:

Chẳng có điều gì là xuất hiện lẻ loi trong xã hội loài người, mọi vật luôn đi cùng nhau để hỗ trợ lẫn nhau. Thế nên từ khi học sinh biết đến trường sẽ có những chiếc cặp ra đời. Từ khi người ta biết dùng bút, thước phục vụ cho học tập, công việc thì bút, thước cũng từ đó mà xuất hiện. Hộp đựng bút – một dụng cụ rất quen thuộc đối với học sinh nhưng để hiểu hết về nó ta cần xem xét trên nhiều phương diện.

So với lịch sử của bút bi, kính đeo mắt hay một số vật dụng khác, dụng cụ đựng bút không được nhắc đến nhiều. Dù không có một mốc thời gian xác định nhưng có thể khẳng định rằng hộp bút ra đời song hành với thời gian ra đời của cây bút.

Theo một số sử liệu cho rằng thời trung đại những nhà thơ, nhà sử học…đã dùng ống đựng bút có hình dáng như một chiếc bình hoa để cắm bút lông. Ống đựng bút này được làm bằng sứ trang trí hoa văn bên ngoài, tuy nhiên nó chỉ được đặt trên những án thư và di chuyển rất bất tiện. Có lẽ vì thế mà các hộp đựng bút nằm ngang ra đời sau đó.

Có thể nói những chiếc hộp đựng bút được làm bằng gỗ có kích thước vừa vặn là tiền thân của hàng trăm kiểu dáng hộp viết, bóp viết ngày nay. Nhìn chung, các hộp viết, bóp viết đều có hình chữ nhật và được gọt, tỉa vuông để trở nên mềm mại. Có khá nhiều kiểu dáng khác nhau đồng nghĩa với việc kích thước cũng không giống nhau. Tuy nhiên nó dao động từ 18-25cm chiều dài và 12- 18cm chiều ngang. Độ dày và độ phồng còn tùy thuộc chất liệu làm ra bóp viết.

Chưa có một tiêu chí cụ thể nào để phân loại dụng cụ đựng viết này,nhưng nếu dựa vào chất liệu của nó, ta tạm chia ra thành các loại: hộp bút nhựa, hộp bút gỗ, bóp viết bằng vải, bóp viết bằng nỉ…Dựa trên phân loại của nó, ta có thể phần nào hình dung được sự đa dạng, phong phú của dụng cụ đựng viết về màu sắc, họa tiết, hoa văn…

Nếu như trước kia dụng cụ đựng viết chỉ dừng lại ở những hộp gỗ màu nâu sẫm hoặc đen bóng thì ngày nay nó nổi bật bởi hàng trăm nghìn màu sắc. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những hộp đựng viết có hình doremon chuột Micky… cho những bạn nữ. Những bóp viết hình siêu nhân, người nhện…cho các chàng trai. Để tạo cảm giác mới lạ cho người dùng, nhà sản xuất còn khắc tên, logo theo nhu cầu trên từng bóp viết khác nhau.

Mặc dù rất đa dạng về chủng loại, nhưng nhìn chung dụng cụ đựng viết có cấu tạo hai phần: vỏ ngoài và ngăn bên trong chứa viết. Vỏ ngoài có in nhiều hình ảnh bắt mắt và thêm logo của các nhà sản xuất. Một số bóp viết bên ngoài còn có ngăn kéo nhỏ để chứa compa, giấy vụn…

Bên trong bóp viết được bảo vệ bằng lớp dây kéo chắc chắn, nơi đây học sinh đựng viết, thước kẻ, phấn màu..và một số vật dụng khác. Với nhiều hộp đựng viết bằng nhựa hoặc gỗ thì dây kéo được thay thế bằng chốt khóa hay nút gài.

Nhờ có hộp bút, bóp viết mà học sinh có thể sắp xếp những vật dụng học tập như: viết, thước, compa, phấn màu, giấy ghi chú…gọn gàng ngăn nắp, nhờ đó mà chúng ta có thể mang đi học, vào phòng thi tiện lợi. Không chỉ vậy, dụng cụ đựng viết còn có chức năng bảo vệ bút, thước an toàn.

Bóp viết, hộp đựng viết là người bạn đồng hành của học sinh, sinh viên và một số ngành nghề khác. Với chúng ta nó không chỉ là nơi chứa đựng vật dụng cần thiết mà còn là nơi cất giấu kỉ niệm như một cánh thư tay, một trang nhật kí, một dòng lưu niệm hoặc một cái kẹo mà cô bạn cùng bạn dành tặng. Chính vì thế mỗi chúng ta phải trân trọng đồ vật này và giữ gìn nó cẩn thận, tránh để bóp viết cọ sát, rơi xuống đất hoặc làm lem mực.

“Mực tím dễ thương áo trắng ai

Đừng đem mây xuống vắng chân trời”

Tuổi học trò với màu áo trắng và những khát vọng tương lai không thể thiếu những người bạn tốt như bút, thước, cặp sách và cả hộp đựng bút. Cảm ơn những người bạn tưởng chừng như vô tri này, tôi sẽ sử dụng chiếc hộp đựng bút của tôi hiệu quả nhất và ý nghĩa nhất.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 8


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com