Đề văn 8: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Đề văn 8: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Đề văn 8: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về nhà thơ Phan Bội Châu
  • Giới thiệu khái quát về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
  • Nêu lên vấn đề nghị luận: Hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác.

2. Thân bài

  • Hai câu đề: Phong thái ung dung, lạc quan của nhà cách mạng yêu nước
  • Nêu lên hoàn cảnh của người cách mạng và hơn thế nó như một lời khẳng định phong cách sống ung dung, đàng hoàng, đĩnh đạc của người cách mạng dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
  • Câu 2: "Chạy mỏi chân thì hãy ở tù" là một cách nói khỏe khoắn, toát lên tinh thần lạc quan của nhà cách mạng
  • Hai câu thực: Tâm thế vững vàng, thoải mái, hiên ngang của nhà cách mạng
  • cho chúng ta thấy hoàn cảnh khó khăn, vất vả trên con đường hoạt động cách mạng, nhưng hơn hết là tâm thế tự do, là tinh thần ung dung ngay trong chính hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm thiếu thốn.
  • Hai câu luận: Khẩu khí và sức mạnh tinh thần của người cách mạng yêu nước
  • Khẳng định sức mạnh, niềm tin của những cách mạng họ có thể chiến thắng, có thể đánh tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.
  • Hai câu kết: Lời khẳng định tư thế hiên ngang và ý chí kiên cường của người cách mạng
  • Cho chúng ta thấy rõ những phẩm chất tốt đẹp của những con người cách mạng - sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn và gian khổ để hoàn thành sự nghiệp, sứ mệnh của mình.

3. Kết bài

 

  • Khái quát lại hình ảnh nhà cách mạng yêu nước trong bài thơ và cảm nghĩ của bản thân.

Bài làm

Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của dân tộc Việt Nam trong hơn hai mươi năm đầu thế kỉ XX. Ông còn là nhà văn, nhà thơ lớn với sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ, gồm nhiều thể loại, thấm đượm tình cảm yêu nước thương dân thống thiết.

Cảm tác vào ngục Quảng Đông là một trong hai bài thơ được ông sáng tác khi bị chính quyền tỉnh Quảng Đông bắt giam năm 1913. Đọc lại bài thơ ta càng hiểu rõ phong thái ung dung của một lãnh tụ cách mạng kiên cường của dân tộc: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn bể,

Lại người có tội giữa năm châu.

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, giao cho thực dân Pháp, bị tòa án thực dân ở Đông Dương kết án tử hình vắng mặt nhưng ông vẫn coi chuyện bị bắt giam là những phút nghỉ chân. Trong tù, ông thấy mình vẫn là người có tài cao, chí lớn, vẫn là người phong lưu. Câu đầu khẳng định dù là hoàn cảnh có thay đổi nhưng phong độ anh hùng, tư thái phong lưu không hề thay đỗi: Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

Lời thơ tự nhiên, pha chút tự hào đùa vui biểu hiện thái độ coi thường hiểm nguy, không nao núng tinh thần. Nhà thơ coi việc ở tù như một việc bình thường trong cuộc sống. Đó là cách suy nghĩ biến việc nghiêm trọng (ở tù và bị kết án tử hình) thành việc bình thường đề tự động viên, an ủi mình.

Hai câu tiếp theo là sự cảm nhận có phần chua xót, mỉa mai của tác giả trước tình cảnh bi đát của đất nước và của chính minh:

Đã khách không nhà trong bốn bể,

Lại người có tội giữa năm châu.

Thực vậy, nước mất, nhà tan, ông trở thành kẻ không nhà, bị bọn thực dân săn đuổi, kết án. Tuy cảm nhận về bản thân nhưng câu thơ mang hàm ý rộng lớn. Đó là nỗi đau của cả quê hương, đất nước, của cả dân tộc. Nỗi đau mang tầm vóc lớn lao.

Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy (khách không nhà, người có tội), ông vẫn glữ vững chí khí hào kiệt. Bốn câu sau thể hiện hoài bão lớn lao:

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,

Kinh tế đây tức kinh bang tế thế nghĩa là trị quốc an dân. Thái độ dang tay ôm chặt thật kiên quyết, mãnh liệt, cho thấy ý chí vượt mọi khó khăn gian khổ để giữ giữ vững sự nghiệp đang đeo đuổi của nhà chí sĩ:

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Hình ảnh lạc quan, cách nói khoáng đạt. Oán thù do giặc Pháp, do chính quyền Quảng Đông gây ra sẽ được hóa giải khi nào? Chắc chắn chỉ có được khi thắng lợi. Thật là khẩu khí phi thường của một lãnh tụ cách mạng đầy bản lĩnh và tự tin. Tinh thần cách mạng ấy thể hiện chí khí phi thường của tác giả, tạo nên sức mạnh cho lời thơ.

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Tư thế lẫm liệt hiên ngang của người anh hùng một lần nữa được khẳng định bằng những lời đúc kết thật trọn vẹn: coi thường nguy hiểm, kiên trì hoạt động, tin tưởng ở sự nghiệp cách mạng. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát càng tăng thêm niềm tin và ý chí gang thép của tác giả.

Tóm lại, bài Cảm tác trong nhà ngục Quảng Đông phong phú về giọng vẻ, thể hiện nét đẹp kì vĩ của một nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao cả là sức truyền cảm lớn từ một trái tim yêu nước cháy bỏng. Phan Bội Châu quả rất xứng đáng với lời nhận định của Bác: "Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn kính”

Bài mẫu 2: Phân tích hình tượng người anh hùng Phan Bội Châu  qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" 

Đề văn 8: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Bài làm

Phan Bội Châu không chỉ là một nhà cách mạng mà còn là một tác giả tiêu biểu trong văn học Việt Nam, đặc biệt là trong thơ ca cách mạng. Ông đã để lại cho lớp lớp thế hệ sau nhiều tác phẩm có giá trị sâu sắc và có thể nói bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong số những tác phẩm xuất sắc của ông. Đọc bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác người đọc sẽ không thể nào quên hình ảnh nhà cách mạng yêu nước được tác giả khắc họa chân thực và sâu sắc.

Ra đời trong những ngày bị bắt giam nơi chốn ngục tù, bài thơ đã xây dựng thành công hình ảnh người cách mạng yêu nước với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và tư thế hiên ngang.

Mở đầu bài thơ, hai câu đề đã vẽ nên cho chúng ta hình ảnh một người cách mạng với phong thái ung dung, lạc quan:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù

Câu thơ mở đầu bài thơ với việc sử dụng điệp ngữ "vẫn" lặp lại hai lần cùng các từ ngữ Hán Việt "hào kiệt", "phong lưu" không chỉ nêu lên hoàn cảnh của người cách mạng mà hơn thế nó như một lời khẳng định phong cách sống ung dung, đàng hoàng, đĩnh đạc của người cách mạng dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Câu thơ "Chạy mỏi chân thì hãy ở tù" là một cách nói khỏe khoắn, toát lên tinh thần lạc quan của nhà cách mạng. Dường như, họ không cảm thấy buồn bã, chán nản khi bị bắt giam mà với họ, nhà tù chỉ là nói nghỉ chân trên con đường dài hoạt động cách mạng của mình. Như vậy, hai câu thơ mở đầu đã làm toát lên phong thái ung dung, tinh thần hào sảng, lạc quan của nhà cách mạng yêu nước.

Nếu hai câu đề dựng lên trong chúng ta hình ảnh người cách mạng với phong thái ung dung, tinh thần lạc quan thì trong hai câu thực, hình ảnh người cách mạng hiện lên với tâm thế vững vàng, hiên ngang.

Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội giữa năm châu.

Hai câu thơ với việc sử dụng thành công thủ pháp đối lập thường thấy đã làm nổi bật hình ảnh người cách mạng với phong thái ung dung. Người cách mạng tự xem mình là "khách không nhà", điều đó vừa cho chúng ta thấy hoàn cảnh khó khăn, vất vả trên con đường hoạt động cách mạng, nhưng hơn hết, ẩn sau từng câu chữ đó chính là nét đẹp tinh thần, tâm hồn của họ. Đó chính là tâm thế tự do, là tinh thần ung dung ngay trong chính hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm thiếu thốn. Thêm vào đó, với việc sử dụng từ "lại" như một lời nhấn mạnh, tác giả đã thể hiện rõ thái độ mỉa mai của mình trước hành động khủng bố những người yêu nước, những nhà cách mạng của thực dân Pháp.

Thêm vào đó, hai câu thực của bài thơ làm bật nổi lên trước mắt chúng ta hình ảnh nhà yêu nước với khẩu khí ngang tàn và luôn ôm ấp trong mình hoài bão, ý chí lớn lao.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù

Câu thơ "Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế" như một lời khẳng định đầy đanh thép về hoài bão kinh bang tế thế. Dẫu trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì dường như khát vọng, hoài bão kinh bang tế thế vẫn luôn thường trực và hiện hữu trong tác giả. Đặc biệt, khẩu khí ấy càng được làm nổi bật rõ nét qua tiếng cười. Với cách nói phóng đại "cười tan cuộc oán thù" dường như đã khẳng định sức mạnh, niềm tin của những cách mạng họ có thể chiến thắng, có thể đánh tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Hai câu thơ khép lại bài thơ như một lời khẳng định hùng hồn, đanh thép về ý chí, tinh thần và phong thái của những nhà cách mạng yêu nước bấy giờ. Với biện pháp điệp ngữ được sử dụng thành công đã cho chúng ta thấy rõ những phẩm chất tốt đẹp của những con người cách mạng. Họ là những con người quyết đấu tranh đến tận cùng vì dân tộc, vì sự nghiệp cứu nước và sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn và gian khổ để hoàn thành sự nghiệp, sứ mệnh của mình.

Thân ấy vẫn còn còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu

Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác với việc sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và nhiều từ ngữ Hán Việt đã dựng nên cho chúng ta hình ảnh của nhà yêu nước cách mạng với ý chí, khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất và hiên ngang.

Bài mẫu 3: Phân tích hình ảnh người chiến sĩ yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Đề văn 8: Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu

Bài làm

Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX đã khắc hoạ thành công nhiều hình tượng nhân vật anh hùng mà bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ đã đem đến cho chúng ta một cảm nhận đẹp về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đồng bào lầm than cực khổ, Phan Bội Châu rất đau lòng. Tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha sâu sắc thôi thúc người thanh niên Phan Văn San quyết chí tìm đường cứu nước. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân sóng gió, đầy bất trắc hiểm nguy vẫn không làm ông sờn lòng nản chí, mà càng hun đúc thêm cái khí phách anh hùng nơi ông. Và đây, một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng đó:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)

Bài thơ được viết khi Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt giam năm 1913, trước đó, năm 1912, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Cho nên, khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông bắt giam và có ý định trao ông cho thực dân Pháp, ông nghĩ rằng mình khó có thể thoát khỏi cái chết. Bài thơ cũng có thể coi như lời tâm huyết cuối cùng của ông.

Càng đọc bài thơ ta càng cảm phục tư thế lẫm liệt của con người cách mạng, lúc sa cơ lỡ bước lâm vào cảnh tù ngục hiểm nghèo. Đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, Phan Bội Châu vẫn rất ngang tàng:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Một phong thái thật đường hoàng, tự tin, thật ung dung thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đoạ của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần.

Vừa ngạo nghễ cười trên gông cùm, xiềng xích, Phan Bội Châu quay lại với thực tại chua xót cay đắng:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Kể từ khi Phan Bội Châu từ biệt Tổ quốc ra đi tìm dường cứu nước đến nay đã gần 10 năm. 10 năm trôi lưu lạc nơi đất khách quê người, không một mái ấm gia đình, bao nhiêu sự cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần! Thêm vào đó là sự săn đuổi, truy lùng của kẻ thù. Tình cảnh của nhà cách mạng yêu nước quả thật là một bi kịch lớn, khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Nhưng đằng sau bi kịch riêng của cá nhân là bi kịch của cả một dân tộc, một đất nước. Nước đã mất thì nhà đâu còn! Lúc bấy giờ không chỉ có Phan Bội Châu, còn bao nhà cách mạng khác như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng bị lâm vào hoàn cảnh khách không nhà trong bốn biển, bị săn đuổi khắp năm châu. Đọc hai câu thơ, ta bỗng thấy tầm vóc người tù yêu nước vụt trở nên lớn lao phi thường. Nỗi đau của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước.

Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt khách không nhà, người có tội, ông vẫn giữ vững chí khí hào kiệt.

Và người anh hùng hào kiệt ấy còn nguyên vẹn khí phách và chí lớn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Một hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp! Hoài bão kinh bang tế thế (lo nước, cứu đời) đã đưa người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu từ một người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành một hình ảnh lớn lao đến mức phi thường, thần thánh.

Nhìn lại cuộc đời Phan Bội Châu, hoài bão cứu nước, cứu đời đã được ông ôm ấp từ khi còn là chàng thanh niên Phan Văn San:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ

Nắm địa cầu vừa một tí con con

Đạp toang hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại trên non nước nhà.

Khát vọng ấy, chí lớn ấy không hề suy giảm ngay cả khi ông đã vào trong ngục tù. Cận kề với cái chết nhưng ông vẫn ngạo nghễ cười trước mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.

Tinh thần cách mạng lạc quan đã tạo nên sức mạnh dể ông chiến thắng hoàn cảnh, giữ vững ý chí chiến đấu sắt son của mình:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Đó là ý chí của con người đứng cao hơn cả cái chết. Kẻ thù có thể giam cầm, đày đoạ người cách mạng, nhưng chúng không thể lung lạc được tinh thần của họ, không thể đánh gục ý chí của họ. Sau này nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại khẳng định:

Thăn thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nến sự nghiệp lớn

Tinh thần phải càng cao

(Trích Nhật kí trong tù)

Đọc xong bài thơ, gấp sách lại, những hình ảnh kỳ vĩ của nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao đẹp, với khí phách kiên cường và tấm lòng yêu nước cháy bỏng vẫn còn in đậm trong tâm trí người đọc, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 8


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com