Bài làm
Tuổi học trò là lứa tuổi thần tiên, ngây thơ và tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng trong những năm tháng ấy, không chỉ có những kỉ niệm vui vẻ, hạnh phúc mà còn đan xen nhiều kỉ niệm buồn. Tuổi học trò của tôi cũng vậy, kỉ niệm về lần mắc khuyết điểm lớp 5 khiến cô chủ nhiệm buồn là kỉ niệm mà mỗi khi nhớ lại tôi đều thấy ân hận.
Nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi vốn là người được xếp trong số ít học sinh chăm ngoan và học giỏi nhất lớp, vậy mà tôi lại mắc phải khuyết điểm lớn. Lớp 5 là năm học vô cùng quan trọng với chúng tôi, cũng giống như các anh chị lớp 9, lớp 12, chúng tôi phải bước vào kỳ thi chuyển cấp. Mục tiêu của tôi là trường trung học cơ sở đứng nhất thành phố. Chính vì thế tôi cố gắng chăm chỉ học hành, gần như chỉ học các môn chính.
Hôm ấy, đến giờ mỹ thuật, bình thường tôi sẽ ngồi nghe cô giảng và vẽ vài nét. Cô giáo dạy mỹ thuật hiền lành lại dễ tính nên thường cho qua những hành động làm viêc riêng của chúng tôi, cô cũng hiểu giai đoạn này tất cả học sinh khối 5 đều tập trung ôn thi lên cấp 2. Nhưng hôm ấy, tôi có một đề tiếng anh cần làm ngay nên bất chấp bỏ ra làm trong giờ của cô. Tôi không hề để ý đến nét mặt khác thường của cô khi nói “Hôm nay các em tập trung một chút, nhỡ thanh tra kiểm tra, các em sẽ bị phạt” mà chỉ tặc lưỡi “Ui dào,tiết nào cô chẳng nói như thế”.
Tôi vội lấy đề tiếng anh ra và cắm cúi làm hết câu này đến câu kia. Cho đến khi tôi đang vướng mắc ở câu khó nhất thì có ai đó khều khều cánh tay tôi, trong cơn bực bội, tôi hơi gắt lên “Để yên coi nào, khều cái gì vậy”. Không khí lớp học chợt im lặng hẳn đi, lúc ấy tôi mới ý thức được có điều không ổn, ngẩng đầu lên nhìn xung quanh. Cả lớp đều đổ dồn ánh mắt vào tôi, cô mỹ thuật đứng trên bục giảng, ánh mắt cô thoáng buồn và thất vọng. Nhưng điều khủng khiếp hơn là thầy giám thị đang đứng ngay trên cửa lớp nhìn xuống, thầy nhìn tôi với ánh mắt không hài lòng và cất giọng nghiêm khắc:
- Cô Thanh, hết giờ cô lên phòng giáo vụ gặp tôi!
Nói xong, thầy bỏ đi. Không khí lớp học căng thẳng hẳn lên, tôi lắp bắp đứng dậy:
- Thưa cô, em...em...
Tôi không sao thốt ra được những lời tiếp theo, trong lòng hoảng hốt và lo sợ vô cùng. Tôi cúi gằm mặt, không dám đối diện với cô. Cô chỉ thở dài, rồi nhẹ giọng nói:
- Em ngồi xuống đi, không sao đâu. Lần sau chú ý kẻo bị xử phạt nhé.
Tôi càng áy náy nhiều hơn khi nghe lời đó của cô. Đến tận khi hết tiết và về nhà, lòng vẫn bồn chồn không yên. Phần ân hận vì lỗi của tôi mà cô bị khiển trách, phần lo sợ sẽ bị mời phụ huynh. Nhà trường đã cảnh cáo việc này từ rất lâu rồi. Hơn nữa, ánh mắt của cô khi ấy cứ ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi đã gây ra khuyết điểm lớn như thế nào.
Nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua. Buổi sinh hoạt cuối tuần đã chuẩn bị kết thúc mà việc vi phạm của tôi vẫn không hề đươc nhắc đến. Các bạn trong lớp đều bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Mãi đến lúc gần về cô chủ nhiệm mới nhắc riêng tôi ở lại lớp một lát. Nỗi lo lắng lại bắt đầu dấy lên trong lòng tôi. Chờ các bạn về tôi bước đến gặp riêng cô mà lòng như lửa đốt. Cô ngược lại không hề tức giận, chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Em không cần lo lắng bị xử phạt đâu, cô Thanh đã xin cho em rồi. Em nên đến nói lời xin lỗi cô Thanh nhé!
Tôi vâng dạ rồi chào cô ra về. Trong đầu còn lại toàn là sự áy náy, ân hận với cô Thanh. Tôi dằn vặt cả đêm để nghĩ cách xin lỗi cô về khuyết điểm của mình. Hôm sau đó, dù rụt rè nhưng tôi đã xin gặp cô và nói xin lỗi cô rất nhiều. Cô vẫn cười dịu dàng, thậm chí còn xoa đầu tôi trấn an. Giây phút đó, nỗi ân hận bủa vây mãnh liệt xung quanh tôi, tôi chợt nhật ra hành động của mình đã tồi tệ đến mức nào.
Thời gian trôi qua, đã rất lâu kể từ câu chuyện ấy nhưng cảm giác áy náy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Nhưng thỉnh thoảng nó lại hiện lên nhắc nhở tôi về khuyết điểm đã khiến cô giáo tốt của tôi buồn lòng.