Ngày 22 tháng 4 hàng năm đã trở thành Ngày Trái Đất do một tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ khởi xướng từ năm 1970. Từ đó đến nay đã có 141 nước trên thế giới tham gia tổ chức này, với quy mô và nội dung thiết thực về bảo vệ môi trường,
Ngày Trái Đất hàng năm đươc tổ chức theo những chủ đề liên quan đến những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất của từng nước hoặc từng khu vực. Năm 2000, Việt Nam tham gia lần đầu tiên với chủ đề "Một ngày không sử dụng bao bì ni lông".
Bao ni lông có rất nhiều tác hại như cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi, làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt các đô thị vào mùa mưa. Nguy hiểm nhất là khi các bao ni lông bị đốt, các khí độc thải ra có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
Từ đó văn bản đưa ra các giải pháp như cần phải thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông, cùng nhau giảm thiểu chất thải ni lông bằng cách giặt phơi khô để dùng lại, sử dụng túi bằng giấy, lá để gói thực phẩm.... và đưa ra lời kêu gọi cùng nhau hành động: MỘT NGÀY KHÔNG BAO NI LÔNG
Nội dung: Văn bản đề cập đến thông tin về ngày Trái Đất và việc Việt Nam tham gia từ năm 2000 với chủ đề "Một ngày không sử dụng bao ni lông". Văn bản đã nêu lên những tác hại khủng khiếp khi thải rác túi ni lông ra môi trường quá nhiều và đưa ra những giải pháp hạn chế rác thải túi ni lông cũng như lời kêu gọi hành động không dùng bao ni lông.
Ý nghĩa: Văn bản đã đề cập đến một vấn đề đang được cả nhân loại quan tâm hàng đầu về hạn chế sử dụng túi ni lông gây ô nhiễm môi trường. Qua đó. nhắc nhở mỗi chúng ta nên hạn chế rác thải ni lông, sử dụng những vật dụng thay thế thân thiện với môi trường sống.