Bài soạn lớp 10: Văn bản

Văn bản được tạo lập và sử dụng hàng ngày trong cuộc sống. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có những loại văn bản khác nhau. Mời các bạn tham khảo bài soạn Văn bản dưới đây!

[toc:ul] 

I. Khái niệm, đặc điểm

Đọc ác văn bản sau và trả lời câu hỏi:

(1)                                           Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

(Tục ngữ)

(2)                                                  Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

(3)                               LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

            Hỡi đồng bào toàn quốc!

            Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

            Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

            Hỡi đồng bào!

            Chúng ta phải đứng lên!

            Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

            Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

            Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

            Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta!

            Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

            Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

Hồ Chí Minh

a) Văn bản trên được người nói (người viết) tạo ra trong loại hoạt động nào? Để đáp ứng nhu cầu gì? Dung lượng (số câu) trong mỗi văn bản như thế nào?

b) Mỗi văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? Vấn đề đó được triển khai nhất quán trong toàn bộ văn bản như thế nào?

c) Ở những văn bản có nhiều câu (các văn bản 2 và 3), nội dung của văn bản được triển khai mạch lạc qua từng câu, từng đoạn như thế nào? Đặc biệt ở văn bản (3), văn bản còn được tổ chức theo kết cấu ba phần như thế nào?

d) Về hình thức, văn bản (3) có dấu hiệu mở đầu và kết thúc như thế nào?

e) Mỗi văn bản trên được tạo ra nhằm mục đích gì?

Trả lời:

a)

  • Các văn bản trên được người nói (người viết) tạo ra trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
  • Các văn bản trên được tạo ra để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc của cá nhân, truyền đạt các kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn đời sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
  • Số câu trong mỗi văn bản không giống nhau: văn bản (1) chỉ có 1 câu, văn bản (2) có 4 câu, văn bản (3) có nhiều câu, nhiều đoạn.

b)

  • Các văn bản trên đề cập tới các vấn đề:
    • Văn bản (1) truyền đạt kinh nghiệm của người xưa về việc lựa chọn và kết bạn vì sự tác động của bạn đến mình có thể tiếp diễn theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.
    • Văn bản (2) lời giãi bày, tâm sự của người phụ nữ trong xã hội phong kiến về thân phận hẩm hiu, khốn cùng của mình.
    • Văn bản (3) đề cập tới vấn đề chính trị, sự kiện trọng đại liên quan tới vận mệnh của đất nước. Đây là lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập.
  • Các vấn đề ấy được triển khai một cách thống nhất trong văn bản. Các câu trong văn bản có dung lượng dài (văn bản 2 và 3) có sự liên kết với nhau về mặt nghĩa hoặc về mặt hình thức.

c)

  • Ở văn bản (2), mỗi cặp câu lục bát tạo thành một ý và các ý này được trình bày theo thứ tự "sự việc" (hai sự so sánh, ví von). Hai cặp câu này vừa liên kết với nhau bằng ý nghĩa, vừa liên kết với nhau bằng phép lặp từ (thân em).
  • Ở văn bản (3), dấu hiệu về sự mạch lạc còn được nhận ra qua hình thức kết cấu 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
    • Mở bài: Gồm phần tiêu đề và câu "Hỡi đồng bào toàn quốc!".
    • Thân bài: tiếp theo đến "… thắng lợi nhất định về dân tộc ta!".
    • Kết bài: Phần còn lại.

d)

  • Văn bản (3) là một văn bản chính luận được trình bày dưới dạng "lời kêu gọi". Thế nên, nó có dấu hiệu hình thức riêng. Phần mở đầu của văn bản gồm tiêu đề và một lời hô gọi (Hỡi đồng bào toàn quốc !) để dẫn dắt người đọc vào phần nội dung, để gây sự chú ý và tạo ra sự "đồng cảm" cho cuộc giao tiếp.
  • Phần kết thúc là hai khẩu hiệu (cũng là hai lời hiệu triệu) để khích lệ ý chí và lòng yêu nước của "quốc dân đồng bào".

e)

Mục đích của việc tạo lập:

  • Văn bản (1) là nhằm cung cấp cho người đọc một kinh nghiệm sống (ảnh hưởng của môi trường sống, của những người mà chúng ta thường xuyên giao tiếp đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân).
  • Văn bản (2) nói lên sự thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến (họ không tự quyết định được thân phận và cuộc sống tương lai của mình mà phải chờ đợi vào sự rủi may)
  • Văn bản (3) là kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.

Ghi nhớ

Văn bản lả sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, gồm một hay nhiều câu, nhiều đoạn và có những đặc điểm cơ bản sau:

- Mỗi văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề đó theo một cách trọn vẹn.

- Các câu trong văn bản có sự liên kết chặ chẽ, đồng thời cả văn bản được xây dựng theo kết cấu mạch lạc.

- Mỗi văn bản có dấu hiệu biểu hiện tính hoàn chỉnh về nội dung (thường mở đầu bằng một nhan đề và kết thúc bằng hình thức thích hợp với từng loại văn bản)

- Mỗi văn bản nhằm thực hiện một (hoặc một số) mục đích giao tiếp nhất định.

II. Các loại văn bản

1. So sánh các văn bản 1,2 với văn bản 3 (ở mục I) về các phương diện sau:

- Vấn đề được đề cập đến trong mỗi văn bản là vấn đề gì? Thuộc lĩnh vực nào trong cuộc sống?

- Từ ngữ được sử dụng trong mỗi văn bản thuộc loại nào (từ ngữ thông thường trong cuộc sống hay từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị)?

- Cách thức thể nội dung như thế nào (thông qua hình ảnh hay thể hiện trực tiếp bằng lí lẽ, lập luận)?

2. So sánh các văn bản 2,3 (ở mục I) với:

- Một bài học trong sách giáo khoa thuộc môn học khác (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí,...)

- Một đơn xin nghỉ học hoặc một tờ giấy khai sinh

Từ sự so sánh các văn bản trên, hãy rút ra nhận xét về những phương diện sau:

a) Phạm vi sử dụng của mỗi loại văn bản trong hoạt động giao tiếp xã hội.

b) Mục đích giao tiếp cơ bản của mỗi loại văn bản.

c) Lớp từ ngữ tiêng được sử dụng trong mỗi loại văn bản.

d) Cách kết câu và trình bày ở mỗi loại văn bản.

Trả lời:

1.

  • Vấn đề được đề cập tới trong ba văn bản: Văn bản 1 là truyền đạt một kinh nghiệm sống; văn bản 2  nói về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa; văn bản 3 bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị
  • Ở văn bản 1, 2 từ ngữ được sử dụng trong văn bản là những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày cùng những hình ảnh mang tính ẩn dụ như mực - đèn, đen - sáng; hạt mưa sa - giếng - vườn hoa - đài các - ruộng cày
  • Ở văn bản 3 từ ngữ được sử dụng trong văn bản là những từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị được thể hiện một cách trực tiếp bằng những lí lẽ, lập luận như kháng chiến, hòa bình, độc lập, nô lệ. Tổ quốc,...

=> Văn bản 1 và 2 thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật; văn bản 3 thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.

2.

a) Phạm vi sử dụng của các văn bản:

  • Văn bản 2 sử dụng trong lĩnh vực giao tiếp nghệ thuật
  • Văn bản 3 sử dụng trong lĩnh vực giao tiếp chính trị
  • Các bài học trong sách giáo khoa Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí,...được sử dụng trong lĩnh vực giao tiếp khoa học
  • Đơn xin nghỉ học hoặc giấy khai sinh được sử dụng trong giao tiếp hành chính.

b) Mục đích giao tiếp

  • Văn bản (2) nhằm bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
  • Văn bản (3) nhằm kêu gọi, hiệu triệu toàn dân đứng lên kháng chiến.
  • Các văn bản trong SGK nhằm truyền thụ các kiến thức khoa học ở nhiều lĩnh vực.
  • Văn bản đơn từ và giấy khai sinh nhằm trình bày, đề đạt hoặc ghi nhận những sự việc, hiện tượng liên quan giữa cá nhân với các tổ chức hành chính.

c.

  • Văn bản (2) dùng các từ ngữ thông thường, giàu hình ảnh và liên tưởng nghệ thuật.
  • Văn bản (3) dùng nhiều từ ngữ chính trị xã hội.
  • Các văn bản trong SGK dùng nhiều từ ngữ, thuật ngữ thuộc các chuyên ngành khoa học.
  • Văn bản đơn từ hoặc giấy khai sinh dùng nhiều từ ngữ hành chính.

d. Cách kết cấu và trình bày ở mỗi loại văn bản:

  • Văn bản (2) có kết cấu của ca dao, sử dụng thể thơ lục bát.
  • Văn bản (3) có kết cấu ba phần rõ ràng mạch lạc.
  • Mỗi văn bản trong SGK cũng có kết cấu rõ ràng, chặt chẽ với các phần, các mục...
  • Đơn và giấy khai sinh, kết cấu và cách trình bày đều theo mẫu thường được in sẵn chỉ cần điền vào đó các nội dung.

Ghi nhớ

Theo lĩnh vực và mục đích sử dụng, người ta phân biệt các loại văn bản sau:

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (thư, nhật kí,...)

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch,...)

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học (sách giáo khoa, tài liệu học tập, bài báo khoa học, luận văn, luận án, công trình nghiên cứu,...)

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính (đơn, biên bản, nghị quyết, quyết định, luật,...)

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (bài bình luận, lời kêu gọi, bài hịch, tuyên ngôn,...)

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí (bản tin, bài phóng sự, bài phỏng vấn, tiểu phẩm,...)

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com