Bài soạn lớp 10: Vận nước

Hướng dẫn soạn bài: Vận nước - Trang 138 sgk ngữ văn 10 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

Tác giả:

  • Thiền sư Pháp Thuận (915 - 990)
  • Là người cố vấn cho vua Lê Đại Hành soạn định nhiều sách lược quan trọng về nội trị và ngoại giao, được vua phong tới chức pháp sư.
  • Công tích phò vua giúp nước và đức độ thanh cao, liêm khiết của ông được đời bấy giờ nể trọng. 

Tác phẩm:

  • Hoàn cảnh sáng tác :
    • Được viết khoảng năm 981 - 982 sau chiến thắng giặc Tống xâm lược, đất nước bước vào thời thái bình.
    • Là lời nhà sư đáp lại câu hỏi của vua Lê Đại Hành về vận nước.
  • Ý nghĩa lịch sử văn học: Đây là một trong những tác phẩm
    • Sớm nhất có tên tác giả của văn học viết Việt Nam.
    • Mở đầu cho văn học yêu nước của cả thời đại Lý - Trần nói riêng, cho truyền thống văn học yêu nước Việt nam nói chung.
  • Thể loại: Thơ chữ Hán ngũ ngôn tuyệt cú Đường luật

Câu 1: Tác giả so sánh "Vận nước như dây mây leo quấn quýt" nhằm diễn tả điều gì?

Trả lời:

Trong câu thơ đầu, nhà thơ đã mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước (vận nước như dây leo quấn quýt). Nghệ thuật so sánh ấy vừa nói lên sự bền chặt, lại nói lên sự dài lâu, sự phát triển thịnh vượng của nước mình. Câu thơ vừa khẳng định vận may của đất nước (Quốc tộ là vận may của quốc gia) đồng thời nói lên niềm thin của tác giả vào vận nước.

Câu 2: Qua hai câu thơ đầu, nêu cảm nhận của anh (chị) về:

  • Hoàn cảnh đất nước
  • Tâm trạng tác giả

Trả lời:

Hoàn cảnh đất nước: Sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc (loạn mười hai sứ quân và sự xâm lược của nhà Tống năm 981) đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì ổn định. Nhà vua (Lê Đại Hành) muốn xây dựng một vương triều phong kiến vững mạnh, một quốc gia hùng cường. Trong khí thế đi lên của dân tộc, mọt vận hội mới như đang mở ra trước mắt.

Tâm trạng tác giả: Rất tin tưởng vào tương lai của đất nước. Hai câu thơ phản ánh một tâm trạng phơi phới vui tươi, đầy lạc quan và tự hào của tác giả.

Câu 3: Đọc tiểu dẫn để hiểu nội dung hai chữ vô vi sau đó thử giải thích vì sao...

Đọc tiểu dẫn để hiểu nội dung hai chữ vô vi sau đó thử giải thích vì sao tác giả lại khẳng định “Vô vi trên điện các – chốn chốn dứt đao binh”.

Trả lời:

Hai câu thơ này nói về đường lối trị nước, cô đọng lại ở hai chữ “vô vi”. Theo thuật ngữ trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không làm điều trái tự nhiên. Trong bài thơ này vô vi cần được hiểu theo tinh thần của Nho giáo, một học thuyết chính trị - đạo đức. Người lãnh đạo (cụ thể ở đây là vua) dùng đức của bản thân để cảm hóa nhân dân, hòa hợp với lòng người và không làm gì trái với đạo lí khiến cho dân tin phục. Khi nhân dân tin phục thì xã hội sẽ đạt được cảnh thái bình, vua không cần phải làm gì hơn. Tác giả khẳng định như vậy nhằm khuyên nhà vua trong việc điều hành chính sự nên thuận theo lẽ tự nhiên, dùng đức để trị, lấy đức mà giáo hóa dân. Có làm được như thế thì đất nước mới thái bình, thịnh trị, không còn họa chiến tranh.

Câu 4: Theo anh / chị, hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống tốt đẹp gì của dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

Điểm then chốt của bài thơ là hai chữ “thái bình”. Vận nước xoay quanh hai chữ “thái bình” mà đường lối trị nước cũng hướng tới hai chữ ấy. Nguyện vọng của con người thời đại bấy giờ là mơ ước một nền “thái bình muôn thủa”. Hai câu thơ cuối phản ánh một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Đó là truyền thống yêu chuộng hoà bình.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com