Soạn văn lớp 10: Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự

Việc lựa chọn những sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự quyết định tới sức hấp dẫn, ý nghĩa, logic của nó. Mời các bạn theo dõi bài soạn chi tiết dưới đây.

[toc:ul]

I. Khái niệm

1. “Tự sự (kể chuyện) là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa”

Từ điển tiếng Việt giải thích: sự việc là “cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác”

Trong văn bản tự sự, mỗi sự việc được diễn tả bằng lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật trong quan hệ với nhân vật khác. Người viết, người kể chọn một số sự việc tiêu biểu, nhằm dẫn dắt câu chuyện, tô đậm đặc điểm, tính cách nhân vật, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người nghe. Sự việc tiêu biểu là những sự việc quan trọng góp phần hình thành cốt truyện.

2. Mỗi sự việc có thể có nhiều chi tiết. Chi tiết là “tiểu tiết của tác phẩm mang sức chưa lơn về cảm xúc và tư tưởng”. Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ, một hành động của nhân vật, hoặc một sự vật, một hình ảnh thiên nhiên, một nét chân dung,...Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu.

Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu là khâu quan trọng trong quá trình viết hoặc kể lại một câu chuyện.

II. Cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu

1. Đọc lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, cho biết:

a) Tác giả dân gian kể chuyện gì? (Về tình cha con? Về tình vợ chồng chung thủy? Về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của ông cha ta xưa?)

b) Trong truyện có sự việc Trọng Thủy và Mị Châu chia tay nhau, Trọng Thủy hỏi Mị Châu: “[...] Ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?” (chi tiết 1). Mị Châu đáp: “Thiếp có áo gấm lông ngỗng [...] đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu” (chi tiết 2)

Theo anh (chị), có thể coi sự việc và các chi tiết trên là những sự việc, chi tiết tiêu biểu trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trong Thủy được không, vì sao? (Nếu không kể sự việc đó hoặc bỏ chi tiết Mị Châu rắc lông ngỗng để làm dấu thì câu chuyện có tiếp nối được không, vì sao?)

Trả lời:

a) Truyện dân gian kể về chuyện:

  • Về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của ông cha ta: Đó là chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa và chống lại sự xâm lược của Triệu Đà ở phương Bắc. Cuối cùng là bài học về sự lơ là, mất cảnh giác của vua để mất nước - bài học lịch sử đắt giá của nhân dân từ nghìn đời.
  • Tình vợ chồng chung thủy giữa Mị Châu và Trọng Thủy: mối tình đẹp giữa hai con người ở hai chiến tuyến khiến cho họ buộc lòng phải lựa chọn giữa trọng trách, nghĩa vụ của một người dân với đất nước và tình cảm riêng tư cá nhân. Bị mắc kẹt giữa hai điều ấy khiến cho kết cục của mối tình là cả hai vợ chồng đều phải trả giá bằng mạng sống. Chi tiết “ngọc trai - giếng nước” ở cuối truyện chính là kết tinh, minh chứng cho mối tình đẹp đẽ, chung thủy của hai người.
  • Tình cảm cha con giữa An Dương Vương và Mị Châu: dù rất đau đớn nhưng An Dương Vương đã dứt khoát chém đầu đứa con gái yêu vì nàng công chúa đã ngây thơ, vô tình phản bội lại đất nước khiến đất nước rơi vào thảm cảnh diệt vong.

b)

  • Sự việc Trọng Thủy và Mị Châu chia tay nhau và những lời dặn dò, hẹn ước của hai người để tìm thấy nhau là một sự việc tiêu biểu trong câu chuyện này. Và hai chi tiết “Ta tìm nàng lấy gì làm dấu” và Mị Châu đáp lời: “Thiếp có áo gấm lông ngỗng [...] đi đến đâu sẽ rứt lông ngỗng rắc ở ngã ba đường” là hai chi tiết tiêu biểu của chuyện.

=> Hai chi tiết có ý nghĩa như một bản lề để nối kết phần trước và phần sau của câu chuyện đồng thời cũng tạo ra tính logic cho câu chuyện ấy.

    • Chi tiết “Ta tìm nàng lấy gì làm dấu” trong lời dặn của Trọng Thủy trước khi về nước thăm cha đã dự báo trước một cuộc giao tranh trong tương lai. Chiến tranh và loạn lạc sẽ xảy ra là điều tất yếu và sự thực là nó đã xảy ra.
    • Chi tiết: Mị Châu đáp lời “Thiếp có áo gấm lông ngỗng [...] đi đến đâu sẽ rứt lông ngỗng rắc ở ngã ba đường” đã tạo nên câu chuyện phía sau, khi Trọng Thủy cho quân đuổi theo hai cha con, Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội, An Dương Vương chém đầu cô con gái yêu rồi theo Rùa Vàng xuống thủy cung. Để lại cho Trọng Thủy một nỗi ân hận, day dứt phải tìm đến cái chết.
  • Nếu như bỏ hoặc không kể chi tiết Mị Châu rắc lông ngỗng, câu chuyện chắc chắn sẽ không thể tiếp nối được vì chi tiết ấy chính là tiền đề, cơ sở cho những sự việc tiếp theo của câu chuyện.

2. Tưởng tượng người con trai lão Hạc (nhân vật chính trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao) trở về làng vào một hôm sau Cách mạng tháng Tám 1945 như sau:

Về tới đầu làng, thấy cảnh xóm làng tuy còn xơ xác, tiêu điều, nhưng khí thế cách mạng sôi nổi, anh bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa...Anh tìm gặp ông giáo, được nghe anh kể về cha mình, rồi theo ông đi viếng mộ cha. Sau mấy ngày hỏi thăm bà con hàng xóm và bạn bè cũ, anh gửi lại ông giáo những di vật của cha, tạm biệt quê hương, nhưng không như lần trước, lần này anh đi làm nghĩa vụ của người cách mạng.

Anh (chị) hãy chọn một sự việc tiếp sau đó rồi kể lại với một số chi tiết tiêu biểu.

Trả lời:

  • Sự việc diễn ra: Người con trai của Lão Hạc quay trở lại nhà và tìm đến ông giáo, rồi sau đó được nghe ông giáo kể lại về mọi chuyện.
  • Các chi tiết:
    • Sự thay đổi của ông giáo sau bao nhiêu năm tuy ông đã già đi nhiều, nhưng tinh thần của ông lại lạc quan, đổi mơi hơn trước.
    • Ông nghe người con trai của Lão Hạc kể về chuyện anh đã từng trải qua, và ông rất xúc động kể về cái chết của cha anh ta.
    • Ông giáo đưa anh đến viếng mộ người cha, khung cảnh xung quanh lạnh lẽo, u buồn.
    • Người con trai nghẹn lòng, xúc động “anh thắp hương cúi đầu trước mộ cha, đôi mắt đỏ hoe, miệng mếu máo như muốn khóc…” cũng như nỗi day dứt khi biết người cha già vì mình hi sinh cả cuộc đời cũng như tính mạng.
    • Ông giáo cũng ngấn ướt lệ.

3. Từ những việc làm trên, anh (chị) hãy nêu cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự.

Trả lời:

Các bước:

  • Xác định đề tài, chủ đề câu chuyện.
  • Dự kiến cốt truyện ( các sự việc tiêu biểu ).
    • Cốt truyện truyền thống, thường gồm các phần: Trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút).
    • Cốt truyện phóng khoáng kiểu hiện đại: Là cốt truyện không theo lôgíc kể trên, có thể đảo lộn hoặc thiếu một phần nào đó hoặc có loại tự sự mà không có… chuyện (chỉ miêu tả những dòng cảm xúc).
  • Triển khai các sự việc bằng các chi tiết chọn lọc, tiêu biểu

[Luyện tập] Bài tập 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi (Theo dõi bài đọc SGK)

a. Khi kể lại chuyện này, có người định bỏ sự việc hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ vũ trụ xuống. Có làm như thế được không, vì sao ?

b. Có thể rút ra bài học gì về cách lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu khi viết bài văn tự sự (hoặc kể chuyện)?

Trả lời:

a. Sự việc “hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ trên vũ trụ xuống’’ là một sự việc quan trọng. Vì vậy khi kể rõ ràng không thể lược bỏ được sự việc này. vì chi tiết này có vai trò chuẩn bị cho sự việc ở phần kết thúc đoạn. Nó cũng góp phần miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật và làm sáng rõ chủ đề của văn bản. Đồng thời, chính nó tạo ra nội dung tư tưởng của bài văn.

b. Khi lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu để kể chuyện hoặc để viết bài văn tự sự cần cân nhắc kĩ càng và thận trọng

  • Các sự việc chi tiết được chọn, phải đảm bảo yêu cầu về sự quan trọng và nổi bật, phải góp phần dẫn dắt cốt truyện, phải tô đậm tính cách của nhân vật, tạo ra sự hấp dẫn và tập trung vào chủ đề của bài văn.
  • Chọn lọc và tìm ra được những sự việc và chi tiết đắt giá để tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn cho câu chuyện. Đồng thời cũng thể hiện được rõ nhất tính cách nhân vật, làm nổi lên chủ đề tư tưởng mà câu chuyện muốn mang đến bạn đọc.

[Luyện tập] Bài tập 2: Đọc đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (Trích Sử thi Ô-đi-xê), anh (chị) hãy cho biết:

- Hô-me-rơ kể chuyện gì?

- Ở phần cuối đoạn trích, tác giả đã chọn một sự việc quan trọng, đó là sự việc gì, được kể bằng những chi tiết tiêu biểu nào? Có thể coi đây là thành công của Hô-me-rơ trng nghệ thuật kể chuyện được không? Vì sao?

Trả lời:

  • Đoạn văn “ Uylitxơ trở vể” kể về cuộc gặp mặt của Uy-lít-xơ với người vợ sau hai mươi năm xa cách. Nàng Pê-nê-lốp thử thách chồng bằng bí mật chiếc giường và nhận ra chồng mình bằng một cách rất thông minh và cảm động.
  • Trong phần cuối đoạn trích, Hô-me-rơ đã chọn sự việc Pê-nê-lốp thử chồng bằng bí mật của chiếc giường.
    • Sự việc này có các chi tiết tiêu biểu : Pê-nê-lốp nhờ nhũ mẫu khiêng giường ra khỏi phòng. Uy-lít-xơ giật mình hỏi lại, sau đó nói rõ đặc điểm của chiếc giường mà chỉ có hai vợ chồng mới biết. Nhờ vậy, Pê-nê-lốp nhận ra chồng trong niềm xúc động nghẹn ngào.
    • Trong sự việc này các chi tiết tiêu biểu là các chi tiết miêu tả chiếc giường đặc biệt (gian phòng của hai vợ chồng được xây quanh cây cảm lãm, gốc cây được đẽo thành một chiếc chân giường làm thành chiếc giường bất di bất dịch…). Đoạn kể này có thể coi là một thành công trong nghệ thuật kể chuyện sử thi của Hô-me-rơ. Nó độc đáo, bất ngờ và lôgíc bởi nó làm tô lên vẻ đẹp tính cách và phẩm chất của các nhân vật sử thi. Lối kể này cũng tạo ra sự hấp dẫn li kì. Vì thế mà nó lôi cuốn, giục giã tính tò mò và sự quan tâm khám phá của người đọc.
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com