1. Chơi "ai nhanh ai đúng"?
Các nhóm nhận phiếu, thảo luận rồi chọn những từ ngữ trong ngoặc có thể dùng để thay thế từ in đậm trong phiếu:
(nhưng, tuy nhiên, do đó, vì thế, ngoài ra, vậy nên, mặt khác, chính vì thế, trái lại, đồng thời....)
Miêu tả một em bé hoặc một chú mèo, một cái cây, một dòng sông mà ai cũng miêu tả giống nhau thì không ai thích đọc. Vì vậy, ngay trong quan sát để miêu tả, người viết phải tìm ra cái mới, cái riêng.
Trả lời:
Những từ ngữ trong ngoặc có thể dùng để thay thế từ "vì vậy" là: Do đó, vì thế, chính vì thế, thế nên, chính vì vậy.
2. Tìm hiểu cách liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối
So sánh hai câu văn ở hoạt động 1 với hai câu văn sau và trả lời câu hỏi:
Miêu tả một em bé hoặc một chú mèo, một cái cây, một dòng sông mà ai cũng miêu tả giống nhau thì không ai thích đọc. Khi quan sát để miêu tả, người viết phải tìm ra cái mới, cái riêng.
a. Đoạn văn nào thế hiện được rõ hơn sự liên kết giữa các câu? Vì sao?
b. Để thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu trong bài, ta có thể sử dụng những từ ngữ nào?
Trả lời:
a. Đoạn văn ở bài tập 1 thể hiện được rõ hơn sự liên kết giữa các câu. Vì ở giữa hai câu của bài tập 1 có từ ngữ kết nối các câu, đó là từ "vì vậy".
b. Để thể hiện mối quan hệ các nội dung giữa các câu trong đoạn, giữa các đoạn trong bài, ta có thể liên kết các câu, các đoạn ấy với nhau bằng quan hệ từ hoặc một số từ ngữ có tác dụng kết nối như: nhưng, tuy nhiên, thậm chí, ngoài ra, mặt khác, trái lại, đồng thời, vì thế, trước hết, trước tiên, cuối cùng,....
1. Thảo luận và nêu tác dụng có mỗi từ ngữ được in đậm trong các đoạn văn sau:
Trên con đường từ nhà đến trường, tôi phải đi qua bờ Hồ Gươm. Lúc có bạn thì chuyện trò tíu tít, có khi đuổi nhau suốt dọc đường. Nhưng khi đi một mình, tôi thích ôm cặp vào ngực, nhìn lên các vòm cây, vừa đi vừa lẩm bẩm ôn hòa.
Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo trong đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.
Nhưng khi lửa ở cây gạo sặp lụi thì nó lại "bén" sang những cây vông cạnh cầu Thê Húc. Rồi thì cả một bãi vông lại bừng lên, đỏ gay, đỏ gắt suốt cả tháng tư.
Gợi ý:
Trả lời:
2. Tìm từ nối phù hợp với chỗ trống để hoàn chỉnh mẩu chuyện vui dưới đây:
- Bố ơi, bố có thể viết trong bóng tối được không?
- Bố viết được
- ... bố hãy tắt đèn đi và kí vào sổ liên lạc cho con
Trả lời:
- Bố ơi, bố có thể viết trong bóng tối được không?
- Bố viết được
- Vậy, bố hãy tắt đèn đi và kí vào sổ liên lạc cho con
3. Viết một đoạn văn tả một bộ phận của cây hoặc tả cây ở một thời kì phát triển. Trong đoạn văn có sử dụng từ ngữ nối.
Trả lời:
Cây đu đủ mà bố em mua về là giống cây đu đủ lùn, thân cây dù thấp nhưng sẽ cho quả rất nhiều Khi chín quả sẽ có màu đỏ và ngọt lịm, khác với giống đu đủ chín vàng truyền thống. Chính vì vậy, cả nhà em đều ưa thích loại trái cây này và mong nhanh được đến ngày có quả.
Vì cây còn non nên cây bé lắm. Thân cây nhỏ như chiếc bút mực của em, cao chừng hai gang tay. Tán lá còn nhỏ và ít, chỉ có vài chiếc lá xanh non xòe ra rất đẹp. Chiếc lá có hình như răng cưa với những đường gân xanh màu trắng nổi rõ. Rễ cây được người ươm giống bọc cẩn thận trong núi ni-lông với một chút đất ẩm để giữ cho cây được tươi xanh
4. Viết bài văn tả cây cối
Chọn một trong các đề bài sau:
a. Mỗi loài hoa đều có một vẻ riêng. Em hãy chọn một loài hoa mà em thích nhất và viết bài văn miêu tả để bạn em cũng thấy rằng loài hoa ấy thật là đẹp:
b. Tả một loại trái cây mà em thích:
c. Tả một giàn cây leo mà em đã từng thấy.
Trả lời:
a. Em hãy chọn một loài hoa mà em thích nhất và viết bài văn miêu tả để bạn em cũng thấy rằng loài hoa ấy thật là đẹp
Mẹ em rất yêu hoa, bởi thế mà mẹ đã biến sân thượng thành một khu vườn nho nhỏ, trong đó có cây ngọc trâm là em yêu thích nhất.
Cô nàng ngọc trâm này có đến ba màu áo. Mùa đông cô mặc chiếc áo màu xanh của nụ giống nụ sen thu nhỏ. Mùa xuân cô nàng yểu điệu mới phô hết sắc màu trắng muốt của mình. Khác với các loài hoa khác, ngọc trâm chỉ có một cánh. Những đường gân nhỏ nổi trên cành hoa đều khắp. Mùa hạ sắp chuyển sang đông, cô bé có vẻ mệt mỏi, cánh hoa úa dần rồi tàn héo. Nhị hoa của ngọc trâm màu vàng nhạt, nổi từng hạt phấn nhỏ như một bắp ngô bao tử.
Thân của cô nàng ngọc trâm mềm, hơi ngả về một phía. Hậu duệ của cô tiểu thư quyền quý này là những tán lá thấp hơn, xòe rộng, quây tròn xung quanh hoa.
Vào những buổi sáng sớm, hương thơm của ngọc trâm thu hút rất nhiều ong bướm, chim choc. Chúng hòa vang những bản nhạc khác nhau nhwung đều ca ngợi mùi hương của cô công chúa này. Hưởng ứng những điều đó, mặt trời đã thả những tia nắng bé nhỏ xuống nhảy múa trên từng kẽ lá.
Hàng ngày, sau khi đi học về em thường tắm mát cho cây ngọc trâm. Có lẽ bởi thế mà màu lá chuyển sang màu xanh mát.
Cây ngọc trâm như một thành viên trong gia đình nhà em. Nhờ có cây, ngôi nhà em thêm đẹp hơn, thơm hơn.
b. Tả một loại trái cây mà em thích
Mảnh vườn nhỏ của ông bà em trồng rất nhiều loài cây ăn trái. Nào mít, na, ổi, xoài… trái nào cũng thơm ngon và vô cùng hấp dẫn. Em thích nhất là trái bưởi, không chỉ bởi vị ngọt thanh mà bưởi còn gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ trong em.
Trái bưởi có rất nhiều loại khác nhau và được trồng trên khắp đất nước ta. Bưởi thường có hình tròn và nặng khoảng 1 ki-lô-gam. Lúc bưởi còn non, chúng nhỏ bằng nắm tay của em và khoác lên mình chiếc áo màu xanh thẫm, khi chín lớp áo ngả dần sang màu vàng. Dùng tay cạo nhẹ vào vỏ bưởi, em thấy một mùi thơm mát tỏa ra thật dễ chịu. Mẹ em thường dùng vỏ bưởi đun nước lấy tinh dầu để gội đầu, sẽ giúp tóc đen óng, mượt mà và dài nhanh hơn.
Bên trong trái bưởi là lớp cùi trắng mềm và thơm, mẹ khéo léo tách lấy lớp cùi và dùng nấu chè bưởi. Mẹ đã hướng dẫn em cách nấu món chè rất cầu kì và công phu này. Bát chè thanh mát ngày hè, thoang thoảng vị thơm của bưởi luôn khiến em nhớ mãi và mong ngóng được ăn.
Và khi lớp cùi trắng được bóc đi đã lộ ra những múi bưởi xếp kín thành một vòng tròn, cong cong như vầng trăng lưỡi liềm. Những tép bưởi căng mọng và nhiều nước, có màu hồng đào rất đẹp. Khi ăn, em thường tách bỏ phần vỏ và xếp lên đĩa như những cánh hoa. Em thích nhất trái bưởi có vị hơi chua, là món tráng miệng rất ngon sau mỗi bữa. Những hạt bưởi trong mỗi múi cũng rất hữu ích, em cùng các bạn thường phơi khô và xâu lại thành tràng hạt. Khi đốt, tiếng nổ “tách, tách” nghe rất vui tai và tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu.
Trái bưởi thường được thu hoạch vào mùa thu. Bưởi cung cấp nhiều vi-ta-min và dưỡng chất cần thiết cho con người. Không những vậy, bưởi được sử dụng trong nhiều dịp lễ tết. Mỗi dịp tết Trung Thu, trong các mâm cỗ đón trăng tròn, lớp em thường trang trí bằng những trái bưởi thơm ngon. Khi tết đến xuân về, bưởi thường được đặt trong mâm ngũ quả với mong muốn một năm mới đến luôn hạnh phúc tròn đầy.
Em thích ăn những trái bưởi thơm ngon. Hương vị của trái bưởi luôn gợi nhớ em đến hương vị quê hương.
c. Tả một giàn cây leo mà em đã từng thấy.
Mỗi dịp nghỉ hè, bố mẹ lại cho em về thăm ông bà. Cuộc sống ở nông thôn tuy còn nghèo khó nhưng thật thanh bình và êm ả. Những món ăn ở miền quê dù không phải cao lương mĩ vị nhưng luôn hấp dẫn em, nào trái cây chín thơm, nào rau quả sạch và tươi mát. Trong đó, em thích nhất là loài mướp hương bà trồng trên giàn cây trước sân.
Từ những hạt mướp có lớp vỏ sáng bóng và chắc được lựa chọn từ mùa trước, bà đem gieo xuống mảnh đất tơi xốp. Bà thường nói hạt giống có tốt thì cây mới khỏe mạnh và lớn nhanh. Quả đúng như vậy, khoảng một tuần sau, những mầm xanh non đã vươn lên khỏi mặt đất để đón ánh nắng mặt trời. Ông em cắm những cành tre dài và làm giàn ở phía trên để chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển của chúng. Giàn cây gồm có bốn cột trụ bằng tre chống ở bốn góc, phía trên là những thanh tre được ông xếp cẩn thận, tạo thành những hình vuông nhỏ chắc chắn, buộc lại bằng dây thép nhỏ.
Thoáng chốc, những ngọn mướp đã vươn lên đến giàn. Từ đây, một cuộc chạy đua diễn ra vô cùng nhanh chóng và hấp dẫn, những ngọn nhỏ vươn xa về mọi phía trên chiếc giàn ông chuẩn bị. Thân và lá mướp phủ kín, tạo thành màu màu xanh mướt. Lá mướp to bằng bàn tay em và có màu xanh đậm, đã che khuất ánh nắng mặt trời oi ả những trưa hè, tỏa bóng mát cho sân nhà em. Những sợi tua mỏng manh như bàn tay nhỏ bám chắn vào những thanh tre trên giàn.
Nhìn kìa! Trên nền xanh ngát đã xuất hiện những nụ hoa mướp nhỏ li ti rồi nở thành năm cánh vàng tươi. Mùi hoa tỏa ngát hương đã thu hút những chú ong tinh nhanh, chăm chỉ về đây hút mật và thụ phấn cho hoa. Khi những bông hoa kết thành trái mướp nhỏ, quả có màu xanh non và dài bằng ngón tay em. Dần dần khi quả lớn, có màu xanh đậm hơn, có quả to bằng bắp tay . Khi lại gần, một mùi thơm nhẹ tỏa ra từ trái mướp khiến em thích thú. Những trái mướp có rất nhiều hình thù khác nhau, có trái dài thẳng nhưng có những quả cong như vầng trăng lưỡi liềm đầu tháng.
Giàn mướp như một mái hiên thơ mộng, che mát cho sân nhà. Khi những trái được thu hoạch, bà dùng dao cắt cẩn thận từng quả. Bát canh mướp nấu cùng canh cua và mùng tơi tỏa hương thơm ngào ngạt, luôn hấp dẫn em mỗi bữa cơm cùng giản dị nơi quê hương. Mỗi lần về thành phố, bà lại cắt cho em những trái mướp đem theo tình yêu thương vô bờ bến của ông bà dành cho em.
Dưới giàn mướp mướt xanh, trĩu quả, em thường cùng ông bà ngồi ăn những bữa cơm giản dị mà ấm áp, nghe bà kể những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Nơi đây đã cất giữ những kỉ niệm vô cùng đẹp đẽ về năm tháng tuổi thơ của em. Một mùa hè nữa lại sắp đến, em sẽ cố gắng học thật tốt, trở về quê bên ông bà và cùng gieo những mầm xanh trên mảnh đất quê hương.