Giải tiếng việt 5 VNEN bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Giải chi tiết, cụ thể tiếng việt 5 VNEN bài 30B: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn tiếng việt lớp 5.

A. Hoạt động cơ bản

1. Gọi đúng tên những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh sau:

Trả lời:

Những trang phục của phụ nữ Việt Nam trong các bức ảnh là:

  • Hình 1: Bộ quần áo bà ba
  • Hình 2: Bộ trang phục tứ thân
  • Hình 3: Chiếc áo dài

2-3-4. Đọc, giải thích và luyện đọc

5. Thảo luận, trả lời câu hỏi

(1) Chiếc áo dài có vai trò như thế nào trong trang phục của người phụ nữ Việt Nam?

(2) Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền?

Trả lời:

(1) Đối với người phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài có vai trò vô cùng quan trọng. Nó vừa là trang phục giúp cho người phụ nữ trở nên tế nhị, kín đáo nhưng đồng thời cũng toát lên được vẻ đẹp của người con gái Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam xưa nay mặc áo dài thẫm màu, phủ ra bên ngoài những lớp áo cánh nhiều màu bên trong.

(2) Chiếc áo dài tân thời khác so với chiếc áo dài cổ truyền ở chỗ:

  • Chiếc áo dài cổ truyền có hai loại: Áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền giữa sống lưng, đằng trước là hai vạt áo , không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt.
  • Chiếc áo dài tân thời: chỉ gồm hai thân vải phía trước và phía sau. Chiếc áo tân thời vừa giữ được phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo; vừa mang phong cách hiện đại phương Tây.

(3) Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam?

(4) Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài? 

Trả lời:

(3) Áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam vì áo dài vừa thể hiện phong cách vừa tế nhị, vừa kín đáo và lại làm cho người mặc thêm mềm mại, thanh thoát hơn.

(4) Em cảm thấy người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài vừa tôn được vẻ đẹp hình thể, vừa thể hiện nét dịu dàng, duyên dáng.

6. Mỗi em chọn đọc một đoạn văn mình thích và giải thích vì sao thích đoạn văn đó

Trả lời:

Ví dụ mẫu:

Đoạn văn em thích nhất là: "Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Sở dĩ em thích đoạn trên vì khi đọc đoạn này em cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và càng tự hào khi Việt Nam có bộ y phục truyền thống đơn giản mà đẹp đến lạ lùng như vậy.

B. Hoạt động thực hành

1. Điền vào chỗ trống trong phiêu sau để hoàn chỉnh cách làm bài tả con vật

                                             Ôn tập về tả con vật

a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:

- Mở bài: Giới thiệu về ............

- Thân bài:

+ Tả đặc điểm hình dáng.

+ Tả thói quen sinh hoạt và ................

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với..............

b. Trình tự tả con vật:

- Tả hình dáng rồi tả ...........

Có thể tả bao quát rồi tả ...........

- Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.

c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: ....., ......., ........

d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh, ........

Trả lời:

Ôn tập về tả con vật

a. Bài văn tả con vật gồm ba phần:

- Mở bài: Giới thiệu về con vật sẽ tả.

- Thân bài:

+ Tả đặc điểm hình dáng.

+ Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em đối với con vật.

b. Trình tự tả con vật:

- Tả hình dáng rồi tả hoạt động.

Có thể tả bao quát rồi tả chi tiết.

- Tả hình dáng xen lẫn tả hoạt động, thói quen sinh hoạt của con vật.

c. Các giác quan được sử dụng khi quan sát: mắt, tai, mũi, tay.

d. Biện pháp tu từ thường được sử dụng khi tả con vật: so sánh, nhân hóa.

2. Đọc bài văn dưới đây và trả lời câu hỏi: "Chim họa mi hót"

Chiều nào cũng vậy, con chim hoạ mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ờ vườn nhà tôi mà hót.

Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tường như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi. 

a. Bài văn trên gồm có mấy đoạn? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?

b. Tác giả bài văn quan sát chim họa mi hót bằng những giác quan nào?

c. Em thích những chi tiết và hình ảnh so sánh nào? Vì sao?

Trả lời:

a. Bài văn có 4 đoạn:

  • Đoạn 1:  Từ đầu đến nhà tôi mà hót.

=>Giới thiệu sự xuất hiện của chim họa mi vào các buổi chiều.

  • Đoạn 2: Từ hình như nó đến mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

=>Tả tiếng hót  đặc biệt của họa mi vào buổi chiều

  • Đoạn 3: Từ hót một lúc lâu đến trong bóng đêm dày.

=>Tả cách ngủ rất đặc biệt của họa mi  trong đêm.

  • Đoạn 4: Phần còn lại

=>Tả cách hót chào nắng sớm của họa mi.

b. Tác giả đã quan sát chim họa mi bằng thị giác và thính giác, cụ thể là:

  • Quan sát bằng thị giác: nhìn thấy họa mi bay đậu trong bụi tầm xuân mà hót, thấy họa mi nhắm mắt, thu đầu vào lông cổ ngủ khi đêm đến, thấy họa mi kéo dài cổ ra mà hót, xù lông giũ hết giọt sương, thấy họa mi nhanh nhẹn chuyền bụi nọ sang bụi kia tìm sâu, vỗ cánh bay đi.
  • Quan sát bằng thính giác: Nghe tiếng hót của họa mi vào các buổi chiều ( khi êm đềm khi rộn rã , như một điệu đàn trong bóng xế). Nghe tiếng hót vang lừng chào nắng sớm vào các buổi sáng.

c. Em thích nhất là hình ảnh so sánh: Những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tường như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

=>Vì khi đọc câu văn trên em cảm nhận được tác giả đang nói đến tiếng hót hay, tiếng hót lay động vạn vật của loài chim họa mi.

3. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu tả hình dáng (hoặc hoạt động) của một con vật mà em yêu thích.

Trả lời:

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê thanh bình, êm ả, em đã quen với hình ảnh từng đàn bồ câu trên những mái ngói đỏ tươi. Có lẽ vì thế, tình cảm dành cho loài chim này trở nên sâu sắc hơn. Mỗi chú chim đều có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp. Chúng khoác lên mình bộ lông trắng tinh, cũng có con điểm thêm chút màu đen, xám. Lông chim mượt mà, mịn màng như nhung, sờ vào cảm giác rất thoải mái. Không giống như chim đại bàng to lớn, bồ câu có thân hình mảnh mai, bé nhỏ. Con trưởng thành to như cái bình trà của ông nội, con non thì chỉ bé bằng nắm tay trẻ con. Cái đầu chúng chỉ nhỉnh hơn hạt mít một chút, nho nhỏ, xinh xinh, lắc la lắc lư rất đáng yêu. Đẹp nhất ở loài chim này là đôi mắt đen láy, tròn xoe, long lanh sáng ngời lại ánh lên vẻ hiền dịu hiếm có. Những người có đôi mắt đẹp đều được ví như đôi mắt bồ câu... Em rất thích chơi cùng bồ câu nên cứ mỗi chiều chiều em lại mang ít thóc cho chim ăn và chơi cùng nó. 

4. Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài năng

Trả lời:

Đất nước Việt Nam trải qua bốn nghìn năm dựng và giữ nước, có biết bao tấm gương đã anh dũng hi sinh vì độc lập cho dân tộc. Trong các tấm gương về nữ anh hùng, người khiến em khâm phục và ngưỡng mộ nhất là chị Võ Thị Sáu - người con gái miền đất đỏ với tinh thần không hề nao núng trước kẻ thù.

Chị Sáu là nữ anh hùng, sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống yêu nước, lại chứng kiến cảnh thực dân Pháp giết chóc đồng bào, chị đã không ngần ngại cùng các anh trai tham gia cách mạng. Năm 14 tuổi, người con gái dũng cảm đã theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong khoảng thời gian này, chị Sáu tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp.

Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Bị bắt giam, chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị. Tại phiên tòa, tuy  mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ.

Ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh... Bốn giờ sáng, viên cố đạo liền lên tiếng: "Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?". Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời: "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước".

Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: "Còn yêu cầu gì trước khi chết?". Chị nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!". Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hét lên: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Tinh thần bất khuất, dũng cảm của chị Võ Thị Sáu đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam, tiếp tục viết nên lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Cảm phục trước tấm gương người nữ anh hùng, chúng em tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt hơn nữa để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh và tươi đẹp hơn, xứng đáng với sự hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước.

C. Hoạt động ứng dụng

1. Trao đổi với người thân để hiểu cần làm gì để thể hiện mình là người biết tôn trọng giới nữ.

Trả lời:

Để thể hiện mình là người biết tôn trọng giới nữ, chúng ta cần:

  • Tôn trọng người phụ nữ, không coi thường, khinh bỉ phận con gái
  • Quan tâm, chia sẻ công việc nhà, công việc gia đình cho người phụ nữ
  • Không để phụ nữ phải làm những việc nặng, việc nguy hiểm.
  • Ưu tiên, nhường nhịn phụ nữ....
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải Tiếng Việt 5 tập 2 VNEN


Copyright @2024 - Designed by baivan.net