Bài soạn lớp 6: Thánh Gióng

Hướng dẫn soạn bài: Thánh Gióng - Trang 19 sgk ngữ văn 6 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

  • Thể loại: Truyện truyền thuyết
  • Phương thức: Tự sự
  • Bố cục: 4 phần
    • Phần 1: “Tục truyền” đến “nằm đấy” => Giới thiệu sự ra đời kỳ lạ của Gióng
    • Phần 2: “Bấy giờ: đến “cứu nước”=> Sự lớn lên kỳ lạ của Gióng
    • Phần 3: “Giặc đã đến” đến “lên trời”=> Gióng đánh giặc và về trời
    • Phần 4: “Vua nhớ công” đến “làng Cháy”=> dấu tích còn lại
  • Nhân vật trong truyện: gióng, bố mẹ, vua, sứ giả, dân làng, quân giặc, tướng giặc.
  • Tóm tắt tác phẩm:

Vào đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn, có tiếng là phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân to, về thụ thai và mười hai tháng sau sinh ra một cậu con trai khôi ngô. Đã lên ba tuổi, cậu không biết nói cười, không biết đi.

Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta, cậu bé bỗng cất tiếng nói xin được đi đánh giặc. Cậu lớn nhanh. Sau khi ăn hết "bảy nong cơm, ba nong cà" do bà con gom góp mang đến, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra giết giặc. Roi sắt gãy, Gióng nhổ bụi tre bên đường đánh tan quân giặc.

Giặc tan, Gióng một mình một ngựa trèo lên đỉnh núi rồi bay thẳng lên trời. Nhớ ơn, vua phong là Phù Đổng Thiên Vương. Nhân dân lập đền thờ, hàng năm lập hội làng để tưởng nhớ. Các ao hồ, những bụi tre đằng ngà vàng óng đều là những dấu tích về trận đánh của Gióng năm xưa.

Câu 1: Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? ...

Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng  kì ảo và giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê những chi tiết đó.

Trả lời:

  • Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật: Gióng, bố mẹ, vua, sứ giả, dân làng, quân giặc, tướng giặc.
  • Nhân vật chính là Gióng – từ một cậu bé kì lạ cho đến khi trở thành Phù Đổng Thiên Vương.
  • Những chi tiết tưởng tượng kì ảo và giàu ý nghĩa của nhân vật Gióng trong truyện là:
    • Sự ra đời kì lạ:
      • Bà mẹ giẫm lên vết chân to ngoài đồng, về nhà thụ thai 12 tháng
      • Gióng 3 tuổi không biết nói, biết đi, đặt đâu nằm đấy.
    • Lớn lên kì lạ:
      • Câu nói đầu tiên từ lúc chào đời: Nhờ mẹ mời sứ giả vào để xin đi đánh giặc.
      • Lớn nhanh như thổi
      • Nhân dân góp gạo nuôi Gióng
    • Ra trận đánh giặc:
      • Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ: tầm vóc lớn lao đủ sức đánh giặc.
      • Phi thẳng đến đón đầu giặc, đánh giết hết lớp này đến lớp khác.
      • Roi sắt gãy, nhổ tre đánh giặc.
    • Bay về trời:
      • Gióng cởi áo giáp để lại, cưỡi ngựa bay thẳng về trời.
      • Ngựa phun lửa thiêu cháy một làng, chân ngựa chạy biến thành ao hồ, tre ngả màu vàng óng...

Câu 2: Theo em, các chi tiết sau đây có ý nghĩa như thế nào?

a.Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.

b. Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.

c. Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.

d. Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.

đ. Gậy sắt gãy, Gióng nhố tre bên đường đánh giặc.

e. Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời.

Trả lời:

a. Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đánh giặc → Ý thức đất nước được đặt lên đầu tiên với người anh hùng.

b. Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đi đánh giặc → Ý thức chuẩn bị chu đáo, kỹ càng trước một cuộc chiến của người anh hùng. Đánh giặc không chỉ cần lòng yêu nước mà cần cả vũ khí sắc bén để thắng giặc.

c. Bà con làng xóm vui lòng đóng góp gạo nuôi cậu bé -> Ước mong Gióng lớn nhanh để kịp đánh giặc giữ nước → Gióng thuộc về nhân dân, sức mạnh của Gióng là sức mạnh của cả cộng đồng.

d. Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ → Sự trưởng thành vượt bậc của người anh hùng khí đất nước đứng trước nạn ngoại xâm. 

đ. Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc -> Tre là cây cỏ của đất nước, sản vật của quê hương. Điều này cho thấy, cả quê hương sát cánh cùng Gióng đánh giặc.

e. Thánh Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời -> Đánh giặc cong, Gióng không trở về thân phận thường, không hề đòi hỏi công danh. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở.

Câu 3: Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng?

Trả lời:

Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc cứu nước. Trong văn học dân gian Việt Nam nói riêng, văn học Việt Nam nói chung đây là hình tượng người anh hùng đánh giặc đầu tiên, rất tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta.

Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi đầu dựng nước: sức mạnh của tổ tiên thần thánh ( sự ra đời thần kì); sức mạnh của tập thể cộng đồng ( bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng); sức mạnh của thiên nhiên, văn hóa, kĩ thuật ( núi non khắp vùng trung châu, tre và sắt)

Phải có hình tượng khổng lồ, đẹp và khái quát như Thánh Gióng mới nói được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

Câu 4: Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử....

Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Trả lời:

Khảo cổ học đã chứng minh sự thật lịch sử liên quan đến truyện Thánh Gióng ở mấy điểm sau đây:

  • Vào thời đại Hùng Vương, chiến tranh tự vệ ngày càng trở nên ác liệt,  đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng.
  • Số lượng và kiểu loại vũ khí của người Việt cổ tăng lên từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn.
  • Vào thời Hùng Vương, cư dân Việt cổ tuy nhỏ nhưng đã kiên quyết chống lại mọi đạo quân xâm lược lớn mạnh để bảo vệ cộng đồng. 

[Luyện tập] Câu 1: Hình ảnh nào của Gióng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em?

Trả lời:

Trong các hình ảnh về Thánh Gióng, có thể chọn một hình ảnh đẹp nhất như:

  • Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Em thích hình ảnh này vì nó tượng trưng cho sức mạnh phi thường của Gióng. Khi đất nước cần, mỗi người dân đều sẵn sàng đóng góp công sức cho dân tộc.
  • Một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Vì khi hoàn thành nhiệm vụ đất nước giao phó, Gióng đã không màng danh lợi.

[Luyện tập] Câu 2: Theo em, tại sao hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông lại mang tên là Hội khoẻ Phù Đổng?

Trả lời:

Hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông lại mang tên là Hội khoẻ Phù Đổng vì:

  • Hội thi dành cho lứa tuổi thiếu niên, lứa tuổi Thánh Gióng trong thời đại mới. Mong muốn thế hệ trẻ hôm nay phát huy được sức mạnh và tinh thần của Thánh Gióng năm xưa.
  • Hình ảnh Thánh Gióng là hình ảnh của sức mạnh, tinh thần đoàn kết tập thể, của tinh thần chiến thắng rất phù hợp với ý nghĩa của một hội thi thể thao.
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 6


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com