Bài soạn lớp 6: Từ và cấu tạo của từ tiếng việt

Hướng dẫn soạn bài: Từ và cấu tạo của từ tiếng việt - Trang 13 sgk ngữ văn 6 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp

[toc:ul]

I. Từ là gì?

Ví dụ: Lập danh sách các tiếng và danh sách các từ trong câu sau, biết rằng mỗi từ đã được phân cách với các từ khác bằng dấu gạch chéo:

Thần/ dạy/ dân /cách /trồng trọt/ chăn nuôi/ và /cách/ ăn ở.

(Con Rồng,cháu Tiên)

Trả lời:

Câu văn trên gồm 12 tiếng và 9 từ.

  • Tiếng gồm: thần, dạy, dân, cách, trồng, trọt, chăn, nuôi, và, cách, ăn , ở.
  • Từ gồm: thần, dạy, dân, cách, trồng trọt, chăn nuôi, và, cách, ăn ở.

Ví dụ 2: Các đơn vị được gọi là tiếng và từ có gì khác nhau?

Trả lời:

  • Tiếng để cấu tạo từ.
  • Từ để cấu tạo câu.

=> Một tiếng được coi là một từ khi tiếng ấy có nghĩa, có thể dùng để tạo câu.

Ghi nhớ: Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất dùng để đặt câu.

II. Từ đơn và từ phức

Ví dụ: Dựa vào những kiến thức đã học ở bậc tiểu học, hãy điền các từ trong câu dưới đây vào bảng phân loại:

Từ / đấy / nước / ta / chăm / nghề / trồng trọt / chăn nuôi /và/ có/ tục/ ngày / Tết / làm / bánh chưng / bánh giầy.

(Bánh chưng, bánh giầy)

Trả lời:

Kiểu cấu tạo từVí dụ
Từ đơnTừ, đấy, nước, ta, chăm, nghề, và, có, tục, ngày, lễ, tết, làm.
Từ phứcTừ ghépChăn nuôi, bánh chưng, bánh giầy
Từ láyTrồng trọt.

Ghi nhớ:

  • Tiếng là đơn vị cấu tạo nên từ.
  • Từ chỉ gồm một tiếng là từ đơn. Từ gồm hai hoặc nhiều tiếng là từ phức.
  • Những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép. Còn những từ phức có quan hệ láy âm giữa các tiếng được gọi là từ láy.

[Luyện tập] Câu 1: Đọc câu văn và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

[...] Người Việt Nam ta – con cháu vua Hùng – khi nhắc đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

(Con Rồng cháu Tiên)

a. Các từ nguồn gốc, con cháu thuộc kiểu cấu tạo từ nào?

b. Tìm những từ đồng nghĩa với từ nguồn gốc trong câu trên.

c. Tìm thêm các từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc theo kiểu: con cháu, anh chị, ông bà...

Trả lời:

a. Các từ nguồn gốc, con cháu thuộc kiểu cấu tạo từ ghép

b. Những từ đồng nghĩa với từ  “nguồn gốc” câu trên là: cội nguồn, gốc gác, …

c. các từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc theo kiểu: con cháu, anh chị, ông bà: cậu mợ, cô dì, cô chú, chú cháu, cô cháu, cậu mợ….

[Luyện tập] Câu 2: Hãy nêu quy tắc sắp xếp các tiếng trong từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc.

Gợi ý về khả năng sắp xếp:

Theo giới tính (nam, nữ): ông bà, …

Theo thứ bậc ( trên, dưới): bác cháu, …

Trả lời:

Từ ghép chỉ quan hệ thân thuộc có một số kiểu sắp xếp sau:

  • Theo giới tính (nam, nữ): ông bà, cha mẹ, anh chị, cậu mợ, chù dì,...
  • Theo thứ bậc (trên, dưới): bác cháu, cha con, bà cháu, dì cháu, chị em, anh em, mẹ con….

[Luyện tập] Câu 3: Tên các loại bánh đều được cấu tạo theo công thức “Bánh + X”:...

Tên các loại bánh đều được cấu tạo theo công thức “Bánh + X”: Bánh rán, bánh nếp, bánh dẻo, bánh nướng, bánh gối, bánh tôm, bánh tẻ, bánh gai, bánh xốp, bánh khúc, bánh khoai,…Theo em, các tiếng đứng sau (kí hiệu X) trong những từ ghép trên có thể nêu những đặc điểm gì để phân biệt các thứ bánh với nhau? Hãy nêu ý kiến của em bằng cách điền những tiếng thích hợp vào các chỗ trống trong bảng sau:

Trả lời:

  • Các tiếng đứng sau trong các từ ghép bánh rán, bánh nếp, bánh dẻo, bánh nướng, bánh gối, bánh tôm, bánh tẻ, bánh gai, bánh xốp, bánh khúc, bánh khoai... có thể nêu những đặc điểm về cách chế biến, chất liệu, tính chất, hình dáng của bánh.
  • Điền những tiếng thích hợp vào các chỗ trống trong bảng sau:
Nêu cách chế biến bánh(bánh) rán, hấp, nướng, cuốn, tráng…
Nếu tên chất liệu của bánh(bánh) nếp, gạo, khoai, tôm, tẻ, ngô, sắn,…
Nêu tính chất của bánh(bánh) dẻo, xốp, phồng…
Nêu hình dáng của bánh(bánh) gối, gai…

[Luyện tập] Câu 4: Từ láy được in đậm trong câu sau miêu tả cái gì?

“Nghĩ tủi thân, công chúa Út ngồi khóc thút thít.”

(Nàng Út làm bánh ót)

Hãy tìm một số từ láy có cùng tác dụng ấy.

Trả lời:

  • Từ “thút thít” trong câu miêu tả tiếng khóc của công chúa Út
  • Một số có từ láy có tác dụng miêu tả tiếng khóc là: nức nở, rưng rức, sụt sùi, I ỉ….

[Luyện tập] Câu 5: Thi tìm nhanh các từ láy nào thường được dùng để tả tiếng cười, giọng nói, dáng điệu?

Trả lời:

  • Tả tiếng cười: khanh khách, hô hố, ha hả, khà khà, khúc khích,…
  • Tả giọng nói: sang sảng, khàn khàn, nhè nhẹ, léo nhéo, thánh thót, ồm ồm….
  • Tả dáng điệu: lom khom, lừ đừ, lả lướt, khệnh khạng, ngông nghênh, nghênh ngang, khúm núm, ..
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 6


Copyright @2024 - Designed by baivan.net