Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về cây tre Việt Nam

Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về cây tre Việt Nam. Đây là đề số 1 trong bài viết tập làm văn số 1 của chương trình ngữ văn lớp 9. Yêu cầu của đề là: Cây...ở quê em (cây hoa sữa, cây cơm nguội, cây đước, cây phi lao...). Ở dưới chúng ta sẽ chọn cây "tre" để thuyết minh

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Thuyết minh cây tre Việt Nam

Tre là nguyên liệu làm giấy viết, một số loài tre trúc được trồng làm cây cảnh, có giá trị thẩm mĩ cao. Người ta dùng ống tre để nấu cơm lam. Măng tre muối chua hoặc để nấu vịt, rất được yêu thích trong ẩm thực. Lá tre, thân tre, nước ở cây tre non, vỏ cây tre... đều là những vị thuốc quý.

Bài làm tham khảo

“Tre xanh xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...”

Nguyễn Duy

Từ bao đời nay, cây tre đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người Việt Nam. Tre trở thành biểu tượng cho con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, biểu tượng cho làng quê Việt Nam bình dị, đơn sơ.

Cây tre là loại cây thuộc họ lúa cùng nứa, vầu, trúc.... Không ai biết nguồn gốc chính xác của tre, chỉ biết rằng tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Tre xuất hiện trên khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Tre có nhiều loại: tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên,... Tre họ lúa nên có thân rễ chùm, bám sâu vào lòng đất giúp cây đứng vững trước mưa gió vùi dập. Sống qua nhiều năm, sẽ có chồi mọc ra gọi là măng. Măng sẽ mọc thành cây tre lớn. Vì vậy, ngay khi tre khi còn bé đã mọc thẳng tắp lên đón ánh mặt trời. Thân tre, gầy guộc, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Thân tre vốn là nhiều đốt ghép lại, có thể cao đến 10 -18m. Mỗi cây có khoảng 30 đốt. Lá tre mỏng manh, màu xanh, trông như con thuyền nan, trên mặt lá có những hình gân song song. Điều đặc biệt ở tre là chỉ ra hoa duy nhất một lần trong đời, khi nó ra hoa, vòng đời của nó cũng sẽ khép lại. Tre không kén chọn đất đai, thời tiết, mọc thành từng lũy, khóm bụi. Sức sống của tre khiến người ta kinh ngạc, ngưỡng mộ. Dù là vùng đá sỏi hay đất vôi bạc màu tre đều trưởng thành xanh tốt.

Tre có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, tre xung phong, cùng con người chiến đấu, bảo vệ xóm làng, quê hương. Những ngày đất nước sơ khai, tre cùng thánh Gióng diệt giặc Ân bạo tàn, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Trong cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã dùng chông tre đánh tan thuyền địch. Đến những năm kháng chiến chống Pháp và đánh Mĩ, tre tích cực tham gia vào kháng chiến, dựng thành lũy ngăn đạn đại bác, trở thành “pháo đài xanh”

Không chỉ đánh giặc giữ nước, tre còn gắn bó với nhân dân trong cả cuộc sống thường ngày. Làng quê Việt Nam từ xưa kia đã gắn với lũy tre xanh, những lũy tre dày chắn gió bão thiên tai cho cuộc sống yên bình. Tre làm nhà cửa, làm cần câu, vó cất tôm cất tép, và làm cả những cây cầu bắc qua sông, qua mương nước. Ông cha ta từng có một thời dùng tre để làm bàn, làm ghế, đan thúng, đan rổ, làm khung cửi, cái xa quay sợi, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, quạt nan, đôi đũa, cái tăm... Những đồ vật ấy vẫn còn lưu giữ đến tận hôm nay, chứng minh cho một nền văn minh nông nghiệp lâu đời. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cây nêu may mắn dựng lên trước cửa cũng làm từ thân tre. Tre còn được dùng trị thủy, giữ nước chống bão lũ trên những con đê. 

Tre là nguyên liệu làm giấy viết, một số loài tre trúc được trồng làm cây cảnh, có giá trị thẩm mĩ cao. Người ta dùng ống tre để nấu cơm lam. Măng tre muối chua hoặc để nấu vịt, rất được yêu thích trong ẩm thực. Lá tre, thân tre, nước ở cây tre non, vỏ cây tre... đều là những vị thuốc quý. Lá tre vị nhạt, ngọt, tính hàn có tác dụng giải nhiệt, thanh tấm, tiêu đờm dùng chữa phát sốt, nhiễm khuẩn, ra mồ hôi. Nước tre non vị đắng ngọt, tính mát có tác dụng tiêu khát, trừ đờm, thanh nhiệt, vỏ cây tre (vị ngọt, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, an thai. Tre làm thành những cánh diều tuổi thơ bay cao cao mãi, làm thành sáo vi vu. Tre tỏa bóng mát, ngăn ánh nắng hè oi ả, để trẻ con vui đùa thỏa thích. Tre gắn với tuổi già, cho họ chiếc ống điếu hút thuốc làm vui.

Tre đi vào thơ ca, trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các tác giả. Từ ca dao, tục ngữ đến những tác phẩm văn học như Cây tre Việt Nam nổi  tiếng của Nguyễn Duy. Tre cgóp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến. Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, in sâu vào tâm hồn người Việt. Tre níu tay nhau đứng bên lăng Bác, canh giữ cho giấc ngủ ngàn thu của Người. Tre trở thành biểu tượng cho con người Việt Nam, để rôi mỗi khi đi xa, người ta vẫn bồi hồi nhớ về những bóng tre xanh. 

Thời gian trôi đi, cuộc sống hiện đại đã có nhiều đổi thay, tre cũng không còn xanh ngát như ngày trước. Nhưng cây tre mãi mãi là một phần của cuộc sống con người Việt Nam, tượng trưng cho sự kiên cường bất khuất, đoàn kết của nhân dân ta.

Bài mẫu 2: Thuyết minh cây tre ở làng quê Việt na

Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách nước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre, lồng đèn,…

Bài làm tham khảo

Hình ảnh người nông dân, đồng ruộng, con trâu đã gắn liền với lũy tre làng từ hàng nghìn năm nay! Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Họ nhà tre gồm: nứa, vầu, trúc, luồng, giang… đâu đâu cũng có luỹ tre xanh rì rào ẩn hiện. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, thôn xóm, đồng thời tre ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, chắn gió che mưa cho con người. Ta có thể thấy, tre gắn bó thân thiết với con người trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ thời chiến tranh tre cùng ta đánh giặc gìn giữ độc lập chủ quyền, làm rạng danh cho non sông, đất nước cho đến những vật dụng quen thuộc trong gia đình ở thời bình. Hơn thế, tre đã đi vào thơ ca như một hình tượng bất hủ:

Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu

Lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ta thấy hình ảnh cây tre sát cánh cùng với người dân chiến đấu chống lại giặc ngoại xâm trong truyền thuyết Thánh Gióng từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Thánh Gióng là một hình tượng tiêu biểu, đại diện cho khí phách Việt Nam. Mới 3 tuổi đã biết đánh giặc, khi gậy sắt gẫy, Gióng đã tự lấy tre làm vũ khí để tiêu diệt quân thù, đánh đuổi giặc Ân. Và không biết tự bao giờ, cây tre và con người Việt Nam đã trở thành đôi bạn chiến đấu thân tín, keo sơn..Tre vốn cùng ta làm ăn lại cùng ta đánh giặc. Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là vũ khí, từ chiếc gậy tầm vông, gậy tre, chông tre kiên cường chống lại sắt thép của quân thù, tre còn làm hầm ngụy trang và giữ bí mật… Tre bao bọc, che chở cho nguời con Việt trong những đêm dài hành quân ra trận. Rừng là nhà,  lá tre nứa làm áo ngụy trang, đất làm giường, nứa tre làm gối, tre đã cùng người lập nên những chiến công vang dội, hiển hách.

Những hiện vật thể hiện mối quan hệ giữa tre và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc còn được lưu giữ rất nhiều trong Bảo tàng Việt Nam. Nào tầm vông, giáo mác, chông tre, những chiếc gùi tre đan, những ống tre tích nước, đựng nước… Tre đã cùng ta vượt bao gian khổ để đạt tới một tương lai với cuộc sống ấm no, giàu mạnh.

Vào thời bình, tre không còn là hung khí để đánh giặc nữa mà tre trở nên hiền hòa, hữu ích cho đời sống người dân hơn. Tre được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng, từ những vật dụng cỡ lớn như bàn ghế, giường chõng, cái cột, cái kèo, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh, cái thúng, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn, đựng chén bát và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) cho đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa,.. Cây tre hữu dụng và thân thiết với con người Việt Nam đến mức từ những vật dụng nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa tre. Trong mỗi bữa ăn ấm cúng của gia dình không thể thiếu bóng dáng của tre bởi tre đã trở thành người bạn gần gũi và thân thiết với mỗi người dân Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách nước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre, lồng đèn,…

Trong chiến tranh, tre không chỉ đơn thuần là vũ khí đánh giặc mà tre luôn sát cánh cùng người con Việt Nam, tre cung cấp lương thực trong những ngày đói rét. Cái hương vị đăng đắng, ngọt ngào của những bát măng rừng mãi là âm hưởng không thể nào quên trong trái tim của những người lính đã từng đi qua chiến tranh. Trong thời đại ngày nay, măng tre cũng luôn xuất hiện trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Ta có thể gặp măng nấu canh, măng xào, măng luộc, cá kho với măng,… Lá tre, nước tre, tinh tre, mỗi loại đều có tính năng riêng nhưng thông thường, lá tre được sử dụng phổ biến hơn cả. Trong một bài thuốc chữa cảm dân gian, cái hương vị ngọt ngọt, man mát của lá tre là một hương vị không thể thiểu trong các nồi xông. Nó đã góp phần giúp cho người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái hơn.

Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Nàng Út ống tre, cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre : Cây Tre Việt Nam, Viếng lăng Bác cũng có sự xuất hiện của cây tre… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như : đàn T’rưng, sáo, tiêu,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.

Trong những câu ca dao, dân ca, tục ngữ, người dân Việt Nam hay nói: tre già thì măng mọc để thể hiện sự kế tục của các thế hệ. Bên cạnh đó hình ảnh cây tre cũng tượng trưng cho hình ảnh cần cù, chịu thương chịu khó của con người Việt Nam ta “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước,tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp của cong người Việt Nam.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com