[toc:ul]
Dàn ý
1. Mở bài
2. Thân bài
→ Những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh của con người lao động đã phá vỡ không khí tưởng chừng như thầm lặng của Sa Pa
3. Kết bài
Bài làm
Với vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, mảnh đất Sa Pa đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao người nghệ sĩ trên hành trình khám phá các giá trị thẩm mĩ. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long. Tuy nhiên, trong truyện ngắn này, bên ngoài chiếc vỏ bọc của sự thầm lặng là một Sa Pa không hề lặng lẽ.
Trước hết, độc giả có thể thấy được sự "lặng lẽ" của Sa Pa thông qua vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên làm say đắm lòng người. Bức tranh nên thơ của phong cảnh, tạo vật đã được làm nổi bật thông qua những nét vẽ đầy thơ mộng: những rặng đào cùng "những đường núi quanh co uốn lượn kề bên con thác trắng xóa, những cánh đồng cỏ với sắc xanh tươi non trong thung lũng cùng những đàn bò lang "cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ", cây cối xuất hiện với gam màu tươi tắn: "những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng", các loài hoa được phác họa qua sự phong phú, đa dạng qua vẻ đẹp rực rỡ và tỏa ngát hương ngay giữa mùa hè với " hoa dơn, thược dược, lay ơn, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong...". Bối cảnh nên thơ, trữ tình của thiên nhiên trong không gian cao rộng chính là phông nền để tác giả miêu tả những chi tiết thi vị, lãng mạn. Ánh nắng trên núi rừng Sa Pa được miêu tả với một vẻ đẹp kì lạ, đầy sắc màu làm mê hoặc và say đắm lòng người: "Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây, những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc...", rồi "nắng mạ bạc cả con đèo". Những tia nắng đó còn là yếu tố tô đậm vẻ đẹp của mây mù chốn núi rừng Sa Pa: "mây bị nắng xua,cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương". Qua sự tinh tế trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh, tài năng trong việc sử dụng ngôn từ, nhà văn Nguyễn Thành Long đã phác họa thành công bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp "lặng lẽ", thơ mộng, trữ tình và trầm tư. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên, sự rung động trước cái đẹp của tác giả.
Trên phông nền lãng mạn, nên thơ của thiên nhiên, cuộc sống con người chốn núi rừng Sa Pa xuất hiện cùng lòng nhiệt thành, say mê lao động. Điều này được thể hiện qua hình ảnh nhân vật anh thanh niên âm thầm làm việc, cống hiến với sự nhiệt huyết, hăng say, tận tụy. Dù công việc diễn ra khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng anh vẫn hoàn thành trong "lặng lẽ", không ồn ào, không khoa trương và chưa bao giờ nghĩ đến ngày sẽ được tôn vinh, đền đáp.
Tuy có nhan đề "Lặng lẽ Sa Pa" nhưng Sa Pa không hề lặng lẽ như chiếc vỏ bọc của sự nên thơ. Bên trong vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên tạo vật là sự cống hiến thầm lặng nhưng vẫn diễn ra hằng ngày của con người lao động. Chính những phẩm chất cao đẹp và sự hi sinh của họ đã phá vỡ không khí tưởng chừng như thầm lặng của Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên chính là hình tượng thể hiện rõ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Giữa sự lặng lẽ của những đám mây, cây cỏ, loài hoa, anh thanh niên vẫn tận tụy làm việc với lòng nhiệt thành, hăng say và tinh thần trách nhiệm với triết lí: "[...] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Lời nói chân thành mà anh bộc bạch với người họa sĩ cùng sự say mê, niềm tự hào đã cho thấy anh luôn coi công việc là lẽ sống. Sống một mình trên đỉnh núi cao 2700 mét, anh còn rèn luyện cho bản thân một lối sống văn minh và nề nếp. Đó là những thói quen tích cực như trồng rau, nuôi gà và đặc biệt, anh luôn xem sách là một người bạn thân thiết, gần gũi để mở mang hiểu biết và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tất cả những hành động đó đã giúp anh vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn trong công việc, đồng thời chống chọi với nỗi cô đơn và sự "thèm người". Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ nhưng thú vị giữa anh, cô kỹ sư nông nghiệp và bác họa sĩ đã tô đậm hơn nữa sự cởi mở, lòng nhiệt tình và trân quý tình cảm của anh thanh niên. Như vậy, anh thanh niên chính là đại diện tiêu biểu cho bức chân dung của con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa", nhà văn Nguyễn Thành Long còn phác họa chân dung những con người âm thầm làm việc, phá vỡ chiếc vỏ bọc "lặng lẽ" của Sa Pa. Dù chỉ xuất hiện gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên nhưng họ đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Đó là ông kĩ sư vườn ra Sa Pa "ngày này qua ngày khác" ngồi im trong vườn su hào để quan sát cách những chú ong lấy phấn, thụ phấn một cách tỉ mỉ, và ông kiên trì đi thụ phụ phấn cho từng cây su hào để tạo ra năng suất cao hơn và nâng cao chất lượng. Đó là anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm việc: "nửa đêm mưa gió,rét buốt,mặc, cứ nghe sét là choáng choàng chạy ra". Như vậy, bên trong một Sa Pa với vẻ đẹp nên thơ là những con người làm việc trong âm thầm, nhưng cũng chính điều đó đã phá vỡ vỏ bọc lặng lẽ của thiên nhiên núi rừng Sa Pa, bởi những cống hiến của họ dù thầm lặng nhưng rất đỗi cao cả, góp phần tạo nên một bản anh hùng ca về công cuộc lao động của con người mới.
Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định rằng, khác với nhan đề "Lặng lẽ Sa Pa", Sa Pa không hề lặng lẽ. Bên trong vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của thiên nhiên tạo vật là cuộc sống của những con người ngày ngày lao động miệt mài, hăng say không ngừng nghỉ để cống hiến hết mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bài làm
Lặng lẽ Sa Pa là một nguồn gió mới thổi vào nền văn chương Việt Nam một đề tài về những con người sống lặng lẽ, không ai biết mặt, chẳng ai biết tên nhưng chính sự cống hiến thầm lặng ấy làm cho đất nước tươi đẹp hơn. Truyện ngắn có nhan đề Lặng lẽ Sa Pa nhưng Sa Pa không hề lặng lẽ.
Ở đây ta có thể hiểu rằng, Lặng lẽ Sa Pa là để chỉ cho những con người sống lặng lẽ cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước, cho tổ quốc. Sa Pa không chỉ có cảnh đẹp nên thơ trữ tình, là nơi mà con người mong muốn tới nhất để ngắm tuyết, ngắm những đỉnh núi trong làn mây sương buổi sáng. Sa Pa như một chốn thần tiên trong truyện cổ tích vậy. Không những thế, khi trời nắng Sa Pa như được dát bạc cả một con đồi, mây cuồn cuộn thành từng cục lăn vào bánh xe.
Tính từ “lặng lẽ” ở đây để chỉ anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn làm công tác đo mây, đo gió. Anh sống một mình trên đỉnh núi cao ấy, ngày đêm chỉ biết đến công việc và làm bạn với sách vở. Lặng lẽ còn là chỉ người kĩ sư nông nghiệp ngày đêm quan sát cách ong bướm thụ phấn để tự thụ phấn nhân tạo làm ra những bắp cải to hơn, ngon hơn cho đồng bào dưới xuôi. Hay anh ở trạm sét, anh đo sét, anh bất chấp cả tính mạng của mình chỉ cần nghe tiếng sét là chạy ra. Anh ở vậy, cũng một mình và không lấy vợ luôn. Những con người ấy là những con người vĩ đại, cuộc sống của họ cô độc một mình nhưng với suy nghĩ hiến thân cho đất nước họ không hề cảm thấy cô độc. Họ cứ sống một mình lặng lẽ như vậy, cống hiến lặng lẽ như thế.
Truyện là Lặng lẽ Sa Pa nhưng Sa Pa không hề lặng lẽ bởi những hiến dâng lặng lẽ, những cuộc đời lặng lẽ kia làm nên một Sa Pa xinh tươi, nên thơ trữ tình và địa danh quan trọng của đất nước. Ngày ngày vẫn những chuyến xe của bác lái xe, biết bao nhiêu du khách hết lượt này đến lượt khác đến với Sa Pa. Dưới cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bác kĩ sư nông nghiêp kia đã làm nên một Sa Pa với nguồn lương thực ngon sạch để đem xuống miền xuôi tiêu thụ. Sa Pa trở thành một thị trường thực phẩm chất lượng và số lượng. Những trạm thủy văn, những lần đo sét Sa Pa lại trở thành một nơi dự báo thời tiết cho cả nước.
Như vậy, có thể thấy Sa Pa là một địa danh quan trọng của đất nước, nó không những có giá trị du lịch vì cảnh sắc thần tiên mà còn mang đến những thị trường thực phẩm phát triển kinh tế và dự báo thời tiết. Vì thế có thể khẳng định rằng Sa Pa không hề lặng lẽ.
Bài làm
Nguyễn Thành Long chuyên viết truyện ngắn và kí, ông được khẳng định thể loại này với hơn chục tập sách đã in trong khoảng những năm 60 - 70. Rất cẩn mẩn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất chú trọng thâm nhập thực tế đời sống, nhiều sáng tác của nhà văn là kết quả trực tiếp của những chuyến đi như thế. Nhưng Lặng lẽ Sa Pa lại là trường hợp đặc biệt. Mùa hè năm 1970, ông cùng nhà thơ Yến Lan quyết định đi nghỉ ở Sa Pa. Bởi vậy hai người không vào các cơ quan, đơn vị địa phương tìm hiểu các điển hình tiên tiến như những lần đi thực tế khác. Nhưng chính điều may mắn là ở chỗ không lăm le tìm hiểu thực tế theo lối khá công thức bấy giờ của văn nghệ sĩ nước ta mà nhà văn đã tình cờ gặp câu chuyện thú vị này (chỉ với 6 dòng tin ngắn trên một tờ báo tỉnh Lào Cai). Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, kịp thời nắm bắt chất liệu thực tế ấy, bồi đắp thêm bằng sức tưởng tượng sáng tạo và truyền vào đó những quan niệm và suy ngẫm về nghệ thuật, về đời sống con người của một nghệ sĩ từng trải đã tạo thành một truyện ngắn hay.
Trước hết, tác giả đã tạo dựng được một chất thơ trong sáng làm nên không khí và sắc điệu riêng toát lên từ sự hài hòa giữa phong cảnh thiên nhiên đã lộng lẫy và mơ màng của Sa Pa với vẻ đẹp trong suy nghĩ cảm xúc và công việc của các nhân vật cùng mối quan hệ của họ.
Cốt truyện thật đơn giản, xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư vừa mới ra trường với anh thanh niên một mình sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn trong trạm khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng cũng đủ để các nhân vật xuất hiện, gây được ấn tượng và gợi những suy nghĩ cảm xúc với nhiều âm vang. Sáng tạo tình huống ấy và lựa chọn điểm nhìn trần thuật từ cái nhìn và tâm trạng của người họa sĩ già – một nghệ sĩ nhiều từng trải và chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật, thì có thể nói tác giả đã nắm chắc thành công của đứa con tinh thần của mình.
Truyện có 4 nhân vật thuộc hai thế hệ: Già và trẻ, nghề nghiệp khác nhau nhưng ở họ lại có những đặc điểm rất gần gũi mà trước hết là trong suy nghĩ, trong thái độ với cuộc sống, với công việc và với những người khác. Tất cả những nhân vật ấy đều không được tác giả đặt tên. Ấy là vì nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị, trong cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình một chuyến xa khách, như là chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước ta. Những nhân vật trong truyện đều ít nhiều có màu sắc lí tưởng mang vẻ đẹp của một thời kì lịch sử.
Nhân vật chính - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát, nhưng vẫn để lại ấn tượng, điểm sáng nổi bật của bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện này, tác giả đã để nhân vật bác lái xe giới thiệu về anh cho bác họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ một vài đặc điểm đầy hứng thú. Cách giới thiệu ấy chuẩn bị tâm thế cho hai người khách và cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Khi xe dừng, người thanh niên nhỏ bé, người thanh niên xuất hiện dường như không có gì đặc biệt. Sức thu hút của nhân vật là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và những công việc của một người trẻ tuổi sống và làm việc một mình giữa cái lặng lẽ của thiên nhiên. Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở nhân vật này không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: Một mình trên đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ, cỏ cây, mây núi. Cái khó khăn thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy?
Trước hết, đó là ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc hằng ngày của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hằng ngày phục vụ sản xuất, chiến đấu. Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người và đất nước, nó gắn liền anh với công việc chung của nhân dân. Anh rất yêu công việc của mình.
Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ nếu cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.
Nét đẹp của nhân vật này không chỉ là cách sống có lí tưởng mà còn là những suy nghĩ sâu sắc về công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, về sự cô độc, anh đã nghĩ thế nào?
Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng như ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi, việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia.
Còn về sự "thèm người" – như cách nói của Bác lái xe - anh nghĩ: Người thì ai mà chả thèm hả bác? Mình sinh là gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?
Nhưng nỗi nhớ người của anh quyết không phải là nỗi nhớ phồn hoa đô thị. Trong cuộc sống lẻ loi của mình, anh còn tìm thấy một nguồn vui, đó là sách, mà anh thấy lúc nào đọc cũng như có người bạn để trò chuyện.
Chính vì tất cả những điều ấy mà cuộc sống của người thanh niên trên núi cao giữa mây mù không buồn tẻ. Anh tổ chức cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp và chủ động: Trồng hoa, trồng rau, nuôi gà, đọc sách và ngoài giờ làm việc có mối giao lưu thân thiết với bác lái xe, những cuộc gặp gỡ với mọi người. Ở anh còn nét rất đáng mến nữa là sự cởi mở, chân thành với mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Tình thân và thái độ ân cần của anh với bác lái xe, thái độ chu đáo, chân thành của anh với ông họa sĩ và cô gái lần đầu gặp gỡ đã nói lên điều đó.
Trong truyện, các nhân vật phụ không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính, mà còn làm phong phú và sâu hơn cho chủ đề truyện.
Đáng chú ý nhất là nhân vật ông họa sĩ già. Tác giả như nhập vào cái nhìn và tâm trạng của ông để quan sát, miêu tả, suy ngẫm, bình luận. Qua cái nhìn của họa sĩ, chân dung anh thanh niên như hiện ra đẹp hơn, rõ hơn và khơi gợi những suy ngẫm về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
Ngay từ phút đầu gặp gỡ, bằng sự từng trải của một nghệ sĩ, ông xúc động đến bối rối vì đã gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Với ông, người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá? Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh và về những điều anh nghĩ. Đúng như suy nghĩ của họa sĩ: Những suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao suy nghĩ về nghệ thuật với sức mạnh và cả sự bất lực của nó so với cuộc đời, về con người và mảnh đất Sa Pa.
Còn với cô kĩ sư trẻ mới ra trường thì cuộc gặp gỡ này đã khiến cô bàng hoàng. Cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới của những con người như anh. Quan trọng hơn, cô hiểu và tin hơn vào con đường mà cô đã lựa chọn.
Như vậy, qua cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật khác, hình ảnh người thanh niên như được soi rọi dưới một ánh trăng trong trẻo, rực rỡ khiến nó như đẹp hơn, ánh nhiều màu sắc hơn. Đó là thủ pháp "vẽ mây nẩy trăng".
Lặng lẽ Sa Pa chưa phải là một truyện ngắn xuất sắc. Có thể thấy những chi tiết chưa thật đắt, những chỗ tác giả thay nhân vật, phát biểu quá lộ liễu chủ đề tác phẩm. Dù sao, truyện ngắn cũng là một thành công đáng ghi nhận của Nguyễn Thành Long.
Như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động bình dị mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người như thế gợi cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống của lao động tự giác, về con người và nghệ thuật.