Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát về Nguyễn Duy.
  • Khổ cuối bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã để lại trong lòng người đọc ấn tượng sâu sắc.

2. Thân bài:

  • Khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ:
    • Diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ nghĩa tình.
    • Mang nét đặc trưng riêng: có sức khái quát lớn, hàm súc,giàu chất triết lí:
    • Trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của khổ thơ:
  • Suy nghĩ về hình ảnh vầng trăng ( mang nhiều tầng ý nghĩa):
    • Là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên, tươi mát, đẹp rạng ngời.
    • Là người bạn tri kỉ thưở ấu thơ, hồi chiến tranh ở rừng.
    • Là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình tròn đầy, bất diệt.
    • Là vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của đời sống.
    • Là biểu tượng của nhân dân, đất nước bình dị, hiền hậu.
  • Suy nghĩ về cái “giật mình” của nhân vật trữ tình:
    • Cái “giật mình” đã khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
    • Cái “giật mình” thấm chất nhân văn sâu sắc.
    • Cảm nhận về ngôn ngữ, giọng điệu, cách gieo vần, ngắt nhịp của khổ thơ:
    • Ý nghĩa của khổ thơ cuối và thông điệp của tác giả:

3. Kết bài:

  • “Ánh trăng” không chỉ là tiếng lòng của một người mà là tiếng lòng của muôn người.
  • Khổ thơ cuối cùng khép lại nhưng dư âm vẫn ngân lên, tạo sức ám ảnh thật lớn với người đọc: sống ở đời phải biết trọng ân nghĩa, thủy chung.
  • Cảm xúc, ấn tượng của người viết.

Bài văn

Trăng cứ tròn vành vạnh

                    kể chi người vô tình

                    ánh trăng im phăng phắc

                    đủ cho ta giật mình.

           Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng, những lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.

           Thà rằng trăng cất lời trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia đỡ ân hận. Nhưng không, trăng lặng im không nói, cái lặng im làm “ta giật mình”. Nếu như người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật mình của lương tâm. Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại tròn, khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi thì trăng vẫn cứ khuyết lại tròn vậy thôi. Nhưng chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả khiến lòng ta cảm động. Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Có người sẽ hỏi rằng nếu không mất điện liệu nhà thơ có được sự thức tỉnh ấy không? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ” câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã diễn tả rất thành công những biến thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn,hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm tổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:

                    Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm 

                    Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng 

                    Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm 

                    Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

                    Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no 

                    Riêng cái ấm nồng nàn như lửa 

                    Cái mộc mạc lên hương của lúa 

                    Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

      Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hóa, tác giả thường có những băn khoăn, trăn trở về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời thơ của Nguyễn Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc cảm nhận sâu sắc những gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào mạch nguồn chân thành ấy.

      Trở lại với “Ánh trăng”, có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát – triết lí: ai cũng có những vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình? Và với Nguyễn Duy nếu tác giả không phải là người từng có một thời sống như thế, làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy? Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối tiếp nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băn khoăn, rối bời của tâm trạng. Cả bài thơ thấm đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lí Bạch đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:

                    Cử đầu vọng minh nguyệt,

                    Đê đầu tư cố hương,

                    (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

                    Cúi đầu nhớ quê hương.)

        Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lí Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Với Nguyễn Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời quá khứ và đặc biệt làm cho tâm hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế…

        Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trọng. Vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng trăng tròn vành vạnh, vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mắt, nhẹ nhàng, im ắng quấn quyện trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Bài mẫu 2: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu về bài thơ Ánh trăng và khổ thơ cuối bài

2. Thân bài:

  • Trăng mang đến ánh sáng dịu dàng
  • Vẻ đẹp tròn đầy của vầng trăng tượng trưng cho những gì viên mãn nhất
  • Trăng lưu giữ quá khứ, đong đầy kí ức tuổi thơ, năm tháng chiến trận
  • Trăng không một lời trách móc "im phăng phắc", không một ánh mắt hờn giận vì ai đó dửng dưng, vô tình với mình.
  • Ánh trăng kia chẳng nói một lời mà lòng người vẫn thổn thức, xót xa và dằn vặt bởi sự vô tình của chính mình
  • Vầng trăng bảo dung, thủy chung và tình nghĩa
  • Vầng trăng thức tỉnh lương tri của con người

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại giá trị nghệ thuật của khổ thơ

Bài văn

Vầng trăng đi vào hồn thơ của biết bao thi nhân thế giới, và ở văn học Việt Nam, trăng cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác. Đó là ánh trăng chiến đấu nơi rừng xa trong thơ Chính Hữu, là ánh trăng rằm ngời sáng dịu dàng trong thơ Tản Đà, là ánh trăng đẹp tri âm tri kỉ trong các thi phẩm của Hồ Chí Minh. Nguyễn Duy cũng mang đến cho thơ ca hiện đại Việt Nam một vầng trăng nghĩa tình, thủy chung qua bài "Ánh trăng". Kể về ân tình thủy chung của vầng trăng và sự vô tình của lòng người, khổ cuối bài thơ được coi là khổ thơ chứa đựng nhiều suy tư, chiêm nghiệm nhất bài thơ.

"Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chỉ người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình"

Trăng là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho con người, vẻ đẹp ấy không chỉ đến từ ánh sáng dịu dàng, vẻ đẹp tròn đầy của vầng trăng mà nó còn là tượng trưng cho những gì viên mãn nhất. Từ láy "vành vạnh" càng gợi cho ta cảm giác đủ đầy, không thiếu thốn cũng chẳng dư thừa, trăng lúc này đây chất chứa những yêu thương của quá khứ vẹn nguyên, những lòng bao dung của hiện tại và sự bất diệt của tương lai. Dấu ấn quá khứ với những kí ức tuổi thơ, những ngày đi lính cùng trăng đồng hành nếu ai đó đã vô tình quên thì trăng vẫn ở đó, vẫn lưu giữ đầy những yêu thương của kỉ niệm. Trăng không một lời trách móc "im phăng phắc", không một ánh mắt hờn giận, vẫn cứ thế toả sáng dịu dàng, toả sáng những ân tình cao đẹp. Trăng im lặng, dùng ánh sáng của mình mà thức tỉnh con người, thức tỉnh sự lặng im của những tâm hồn đang "dửng dưng" với quá khứ.

Vầng trăng vẫn tĩnh lặng, bao dung, tình nghĩa như vậy, thế nhưng lòng người đâu thể đứng yên như ánh trăng trên trời xa kia chứ, cái "giật mình" đáng sợ cũng chính là lúc mà người ta đang cảm thấy ăn năn, hối hận với quá khứ, với vầng trăng và với cả chính mình. Vòng xoáy của cuộc sống với những đổi thay, những tiện nghi hiện đại cuốn con người theo, họ chới với trong thực tại mà quên mất đi những kí ức đẹp đẽ, quên mất đi những "bạn đồng hành" cùng ta trước đây. Ánh trăng kia chẳng nói một lời mà lòng người vẫn thổn thức, xót xa và dằn vặt bởi sự vô tình của chính mình.

Có người thấy sự im lặng của vầng trăng chính là sự bao dung mà nghiêm khắc của trăng đối với con người, thế nhưng tôi lại thấy ẩn sâu trong sự tĩnh lặng ấy là tình nghĩa vẹn nguyên, là lòng bao dung, yêu thương chẳng hề vơi cạn của vầng trăng, dẫu con người vô tình mà lãng quên đi những kỉ niệm thì vầng trăng vẫn ở đó, bao dung, vị tha cho mọi lỗi lầm.

Đêm về khi bóng tối tràn tới, trăng vẫn sáng soi, toả rạng khắp mọi chốn, từ rừng già tới biển bạc, từ chốn làng quê yên bình đến nơi phố thị phồn hoa. Dù con người có cần, có chờ, có đợi hay không thì trăng vẫn ở đó, giúp đời, làm đẹp cho đời.

Lối thơ 5 chữ cùng giọng điệu suy ngẫm, triết lí, đoạn thơ cuối bài như một thông điệp gửi đến cho chúng ta. Trong cuộc sống này, dù cho có bộn bề với những lắng lo của thực tại hay có ấm êm, vui sướng, đủ đầy thì cũng đừng quên quá khứ, bởi đó chính là những đôi cánh đưa chúng ta đến tương lai. Lòng thủy chung, nghĩa tình sẽ bồi đắp cho cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn, giàu có hơn.

Bài mẫu 3: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Dẫn dắt vào đề tài ánh trăng.
    • Giới thiệu phong cách thơ của Nguyễn Duy và bài thơ " Ánh trăng".
    • Khổ thơ cuối mang ý nghĩa triết lí sâu sắc.

2. Thân bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài thơ.

  • Hình ảnh Trăng cứ tròn vành vạnh:
    • Thể hiện một quá khứ đẹp đẽ của ánh trăng
    • Ánh trăng quá khứ trọn vẹn, chung thủy và không phai màu
    • Ánh sáng và trăng vẫn như xưa, không thay đổi
  • Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc":
    • Dù trăng rất đẹp, rất chung tình.
    • Nhưng dù đẹp hay lung linh đến đâu thì cũng nghiêm khắc.
    • Sự hờn trách của ánh trăng đối với con người.
  • Hình ảnh “ta giật mình”:
    • Nhớ lại quá khứ đẹp đẽ
    • Tác giả tự vấn lương tâm mình
    • Ân hận và xót xa bản thân mình
    • Nhắc nhở tự hoàn thiện bản thân hơn
  • Hình ảnh qua khổ thơ cuối.
    • Tác giả trân trọng và muốn giữ gìn những giá trị truyền thống đẹp đẽ
    • Lãng quên quá khứ và sống cho riêng mình quên đi người bạn chân thành.
    • Nhắc nhở chính mình phải sống ân nghĩa, chung tình.

3. Kết bài:

  • Nêu cảm nghĩ của em về khổ thơ cuối của bài thơ Ánh trăng.
  • Liên hệ từ ánh trăng đến bản thân con người.

Bài văn

Thời gian luôn là một cái gì đó vô hình…Nó làm mờ dần những đau khổ trong mỗi con người, đồng thời cũng xóa đi bao ký ức đẹp, ân nghĩa thủy chung trong lòng ai đó. Một trong số ấy có nhà thơ Nguyễn Duy, qua bài thơ Ánh trăng, ta tiếp nhận được một bài học sâu sắc: Bài học về cách sống ân tình, ân nghĩa, thủy chung.

Ngày nay hoàn cảnh sống có nhiều sự thay đổi, con người cũng dần quên đi quá khứ. Người và vầng trăng trở nên xa lạ, lạc lõng, nhạt nhẽo trong nghĩa tình (dù Trăng vẫn luôn tràn đầy tình nghĩa). Cuộc sống hiện tại với vật chất, tiện nghi đầy đủ khiến con người dễ quên đi quá khứ, quên đi những ân tình thấm đẫm đã từng gắn bó một thời.

Để rồi một ngày chợt nhận ra vầng trăng ngày xưa vẫn còn kia, tròn trĩnh, đong đầy…Nỗi ân hận của tác giả chợt trào dâng…chẳng phải tấm lòng của vầng trăng chính là tấm lòng của những con người trước kia đã cưu mang, che chở, chăm sóc ta hay sao?...Họ chẳng phải chính là nhân dân ta, đồng bào ta, đồng chí, đồng đội của ta hay sao? Chính họ cũng đã là người sẵn sàng hi sinh cho ta đó sao?...Nay ta lại trở nên vô tình đến vậy…

Niềm tâm sự sâu kín của nhà thơ chính là điều ông muốn nói trong những giờ phút này, khi những lời ấy chợt trở thành thơ…thì có lẽ ông đã sửa lại lỗi lầm. Đó là sự ân hận, sự sám hối của con người ta nhận ra sự bạc bẽo vô tình của chính mình:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”.

Ấy thế nhưng, trăng vẫn đâu hề trách ta, cái nhìn dịu hiền, lành lặn không chút sứt mẻ khiến ta cảm thấy được xoa dịu nhưng cũng làm cho ta thấy được cái sự bạc bẽo của mình trong thời gian ấy…quá khứ nghĩa tình mà ta dần nhớ lại! Vầng trăng ở đây không chỉ là quá khứ vẹn nguyên mà còn là vẻ đẹp tự nhiên vĩnh hằng. Ánh trăng yên lặng không nói gì…chỉ để tự ta suy nghĩ, tự đánh giá bản thân con người ta, rồi ta sẽ thấy được trong cái im lặng đó chỉ là cả một khoảng bao la rộng lượng.

Quá khứ khi xưa hiện về nguyên vẹn. Trăng – hay quá khứ nghĩa tình vẫn tràn đầy, viên mãn, thủy chung. “Trăng cứ tròn vành vạnh”. Trăng vẫn đẹp quá khứ vẫn tỏa sáng đầy ắp yêu thương dẫu con người đã lãng quên. Trăng “im phăng phắc”, một cái lặng lẽ đến đáng sợ. Trăng không hề trách móc con người quá vô tâm như một sự khoan dung, độ lượng. “Vầng trăng” dửng dưng không một tiếng động nhưng lương tâm con người lại đang bộn bề trăm mối. “Ánh trăng” hay chính là quan tòa lương tâm đang đánh thức một hồn người. Cái “giật mình” của người lính phải chăng là sự thức tỉnh lương tâm của con người? Chỉ lặng im thôi “vầng trăng” đã thức tỉnh, đánh thức con người sau một cơn mê dài u tối.

Trăng ở đây đâu chỉ là trăng mà chính là biểu tượng cho những con người giản dị trong sáng, nghĩa tình. Tấm lòng của vầng trăng chính là tấm lòng của nhân dân, của đồng bào của đồng đội, người lính là vô cùng rộng lớn. Luôn luôn bao dung và tha thứ nên ánh trăng của Nguyễn Duy là một tác phẩm mang tính chất triết lí thầm kín. Đó là đạo lí “uống nước nhớ nguồn”.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com