[toc:ul]
Dàn ý
1. Mở bài
2. Thân bài
3. Kết bài:
Bài làm
Nhà văn Francis Bacon nói: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lênin, một nhà triết học, nhà chính trị vĩ đại đã phát triển thành: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”.
Thật vậy, tri thức là hệ thống bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kỹ năng, kinh nghiệm có được nhờ trải nghiệm thực tiễn hay thông qua giáo dục. Đôi khi, người ta còn dùng kiến thức để chỉ tri thức. Thế nhưng, Tri thức có hàm nghĩa rộng lớn hơn kiến thức rất nhiều. Trong triết học, ngành nghiên cứu về tri thức gọi là tri thức luận.
Người có tri thức là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo. Trong cuộc sống, người có tri thức là người có hiểu biết sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học, có khả năng sáng tạo, có nhân cách cao cả, lối sống tốt đẹp và đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới của tri thức thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Sức mạnh của tri thức còn có thể được hiểu là khả năng sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nhờ biết tích lũy tri thức mà con người có thể hiểu được bản chất của thế giới khách quan, vận dụng tri thức từng bước làm chủ tự nhiên và cuộc sống của mình.
Tại sao Lênin lại nói có tri thức thì có sức mạnh?
Như chúng ta đã biết, việc tích lũy và kế thừa tri thức theo thời gian vốn là bản chất của xã hội loài người. Kèm theo quá trình này là lượng tri thức ngày càng lớn hơn, đồ sộ hơn. Bởi thế các phương thức lưu trữ và truyền đạt cũng thay đổi theo mỗi thời đại.
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức. Từ thuở sơ khai tri thức được chạm khắc trên vách đá, xương thú, mai rùa. Khi có chữ viết, con người biết lưu giữ tri thức trên vải, trên giấy. Ngày nay, người ta đã mã hóa tri thức và lưu trữ bằng các bản điện tử. Việc lưu trữ điện tử cho phép con người lưu trữ nhanh chóng, chắc chắn và vô hạn. Bởi nó có sức mạnh nên ở bất cứ thời đại nào con người cũng cố gắng tìm kiếm những cách lưu giữ đầy đủ nhất, chắc chắn nhất, bền lâu nhất. Con người bảo vệ tri thức như một “thanh gươm thần”, xem nó như một báu vật thiêng liêng không thể đánh mất.
Xét về sức mạnh cơ bắp, con người kém xa các loài thú ăn thịt. Xét về năng lực các giác quan khác và khả năng tự vệ, con người cũng đứng gần cuối danh sách các loài động vật bậc cao. Nghĩa là, con người hoàn toàn có thể bị chinh phục hoặc dẫn đến diệt vong trong cuộc cạnh tranh công bằng và khốc liệt.
Thế nhưng, tự nhiên luôn có sự lựa chọn công bằng và loài nào biết thích nghi, biến đổi, biết tạo động lực để vươn lên sẽ thắng thế trong cuộc chạy đua đến vị trí làm chủ trái đất. Nhờ có tri thức và bằng sức mạnh của tri thức con người đã tự tách mình ra khỏi thế giới động vật hoang dã, trở thành loài người văn minh, làm chủ toàn bộ cuộc sống. Đó là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử phát triển muôn loài trên trái đất.
Bí quyết sống còn và không thể nào khác của loài người đó là biết tạo ra tri thức, tích lũy và vận dụng tri thức để tạo ra sức mạnh chinh phục của mình. Từ khi điều đó xảy ra trên trái đất, con người ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đông đảo hơn. Họ từng bước tiến sâu vào các khu rừng rậm, những đảo hoang, trên sa mạc, trên đại dương,…Từng bước xác lập lãnh địa và khẳng định vai trò làm chủ của mình. Thắng lợi trong công cuộc chinh phục tự nhiên là thắng lợi vĩ đại nhất của con người. Từ đó đến nay, con người không ngừng củng cố vai trò này.
Tri thức còn đem đến cho con người sức mạnh duy trì, gìn giữ ổn định và phát triển các giá trị đời sống một cách bền vững dài lâu. Trải qua thời gian, bằng tri thức con người đã xây dựng một xã hội loài người văn minh, tiến bộ tột bậc. Dường như, tham vọng khuất phục hoàn toàn hoàn cảnh sống là tham vọng bất tận của con người. Từ tiện nghi đến tiện nghi hơn nữa. Từ làm chủ đến bá chủ toàn cầu. Và thực tế đã chứng minh, ngày nay, con người đã có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên trái đất. Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nghĩ đến Issac Newton, Darwin, Lincoln, Shakespeare, Nobel, Einstein, Bill Gates, Hồ Chí Minh,…và biết bao tên tuổi khác. Họ thực sự là những người anh hùng vĩ đại, là người lính tiên phong trong trận chiến đấu loại bỏ cái lạc hậu, bất công, đói nghèo, mãi mãi xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính.
Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo lộn các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Thuở xa xưa, với chiếc thuyền nhỏ, con người đã dũng cảm vượt đại dương tìm vùng đất mới. Con người cũng muốn bay được như loài chim và chiếc máy bay đầu tiên đã ra đời. Với những tiến bộ khoa học, con người ngày càng đi sâu vào thế giới vi mô để tìm ra những nguồn sức mạnh vô biên ẩn tàng trong đó. Và khát vọng làm chủ hoàn toàn không gian, thời gian chưa bao giờ yên nghỉ trong khát vọng tìm kiếm và chinh phục của con người.
Với tri thức, con người cũng đủ sức mơ mộng trong thế giới tinh thần của mình. Thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc,… là những sản phẩm tuyệt vời của tri thức mà chỉ loài người mới sở hữu và thưởng thức. Vốn tri thức mềm mại ấy đã nâng cao tâm hồn con người, nhân đạo hóa con người để con người sống hiền hòa hơn, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế nữa cho ta năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm bản chất xã hội và làm phong phú thêm cá tính của mỗi con người.
Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Liệu có hành trang nào dành cho con người cần thiết hơn khi tri thức khi họ dấn thân vào cuộc sống này?
Vậy muốn có được sức mạnh của tri thức ta phải làm gì?
Để tiếp cận và đi tới chiếm lĩnh tri thức trong xã hội, đầu tiên là con người phải biết tự giác học tập. Học tập phải diễn ra đều đặn, lâu dài và xuyên suốt cuộc đời người. Học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thứ cần thiết. Một triết gia Hy Lạp cổ đại đã nói như sau: “Mỗi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, đáng cho tôi học tập”. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn.
Học tập kỹ lưỡng và thực hành tỉ mỉ là bí quyết thành công của các nhà khoa học. Mỗi lượng tri thức đều phải được kiểm chứng qua trải nghiệm thực tế mới có thể được khẳng định.
Tuy vậy, biết sàng lọc tri thức, lựa chọn cái phù hợp và xác định mức độ tiếp cận, tiếp nhận đúng đắn, hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Bởi tri thức là vô hạn còn đời người thì ngắn ngủi, nếu quá tham lam hoặc mù quáng trong tham vọng con người sẽ lạc lối trong mê cung tri thức ấy, mãi mãi không thể tìm thấy mục tiêu cho cuộc đời mình.
Sức mạnh của tri thức phải được vận dụng vào những việc hữu ích, tạo ra lợi ích, thúc đẩy xã hội tiến bộ, tiến tới bảo vệ, gìn giữ và phát triển xã hội loài người. Sức mạnh của tri thức phải dùng để bảo vệ chân lí, bảo vệ cuộc sống chung trên trái đất. Sức mạnh của tri thức không phục vụ cho những tham vọng giết chóc, tàn phá, hủy hoại các giá trị. Thế nhưng, không phải lúc nào điều đó cũng được khẳng định. Lịch sử đã phơi bày biết bao nhiêu thảm họa do tri thức gây ra. Nhiều kẻ đã lợi dụng sức mạnh ấy chống lại sự tiến bộ của loài người, hủy hoại, tàn sát loài người để bảo vệ cái lợi ích cá nhân ích kỷ của chúng. Những cuộc đại chiến trên khắp thế giới đã để lại cho loài người biết bao đau thương, mất mát. Hai quả bom nguyên tử đã nổ ở Nhật Bản thầm nhắc nhở con người trách nhiệm, tình thương lẫn nhau đồng thời cảnh báo rằng đừng để sức mạnh của tri thức – cái vốn do chúng ta tạo ra – hủy hoại sự sống của chính mình.
Những kẻ không chịu hiểu câu nói trên, cố tình lẩn tránh, coi việc tích lũy tri thức là thừa, vô dụng thì tất yếu sẽ nhận được hậu quả không mong muốn. Còn có những người mới học được chút ít tri thức đã tự coi là đủ, không chịu cố gắng hoặc chỉ chăm chăm học trong sách vở mà không chịu tìm tòi từ cuộc sống thì sớm muộn tri thức cũng rơi rớt, trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, không thể là sức mạnh.
“Tri thức là sức mạnh” là một lời khẳng định mạnh mẽ và cũng là chân lý vĩnh hằng ngày càng được kiểm chứng một cách chắc chắn theo thời gian.
Kiên trì học tập, không ngừng học tập là cách tốt nhất để chúng ta có được tri thức và gìn giữ chúng qua thời gian. Không có tri thức thì không có thành công. Tri thức là cái khiến chúng ta nhận ra mình đang hiện hữu. Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao động thay vì hình thức và lạc thú, đó là cách để trở nên hữu dụng, và nhờ vậy, có được hạnh phúc.
Trên đây là dàn ý và văn mẫu nghị luận câu nói của Lê Nin: Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh, mong rằng với nhưng nội dung này các em sẽ có ý tưởng và hoàn thiện bài văn của mình nhé, ngoài ra Đọc tài liệu cũng gửi thêm một đoạn văn của một bạn học sinh giỏi về đề tài này mà các em có thể tham khảo
Bài làm
Để tự tin vững bước trên con đường vào cuộc sống, hành trang quý giá nhất của chúng ta chính là tri thức. Đã có một nhà khoa học người Anh ở thế kỉ XVI – XVII tên là Phơ-răng-xít Bê-cơn phát biểu rằng: “Tri thức là sức mạnh”. Câu nói nổi tiếng của ông đã thôi thúc tôi tìm hiểu sức mạnh trong tri thức là gì và bây giờ chúng ta hãy khám phá xem sức mạnh bí mật ấy nhé!
Tri thức là những kiến thức, hiểu biết mà chúng ta tiếp thu được ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng tri thức không những tồn tại ở đó, nó còn bao gồm cả kinh nghiệm, bài học cuộc sống mà chúng ta tích lũy được khi trải qua một quá trình nào đó trong cuộc sống. Xét trên nhiều phương diện, trên mọi lĩnh vực của đời sống thì kiến thức là sức mạnh quan trọng nhất mà mỗi người cần trang bị cho mình như một vũ khí để chiến đấu trên mặt trận tri thức.
Để minh chứng cho việc xem tri thức là sức mạnh, chúng ta hãy lật lại những trang sử sách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ một nước An Nam bé nhỏ trải qua một ngàn năm đô hộ dưới tay của giặc Tàu, gần một trăm năm bị áp bức, bóc lột bởi bọn thực dân Pháp, hai mươi mốt năm Mỹ thay chân cho Pháp. Nước ta đã đấu tranh giành lại độc lập bằng chính sức mạnh đoàn kết, bằng chính sức mạnh tri thức của toàn thể dân tộc Việt Nam. Và vị tướng chủ chốt nắm giữ toàn bộ sức mạnh tri thức không ai khác đó là vị tướng tài ba, sáng suốt của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đi với hai bàn tay trắng và trở về sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài, Người đã trang bị cho mình một kho tàng kiến thức để đưa dân tộc ta thoát khỏi ách đô hộ của bọn thực dân tàn ác. Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ như in ngày mà Người đã tuyên bố hùng hồn trước toàn thể quốc dân và thế giới : “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Chính nhờ sự thông thái, hiểu biết sâu rộng của Người, đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi theo con đường ánh sáng của cách mạng và giành được độc lập, tự do. Đây là một minh chứng vàng cho câu nói: “Tri thức là sức mạnh”. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nói đến vấn đề thiếu hụt tri thức vẫn còn luôn tồn tại trong xã hội. Nếu một người thiếu tri thức, thiếu trang bị kĩ năng sống cho mình thì khi bước ra đời, họ sẽ bị thua thiệt về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Cho một ví dụ đơn giản như câu ngạn ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng”. Nếu như con ếch suốt ngày chỉ ngồi dưới đáy giếng thì làm sao nó có thể biết được trên đáy giếng còn có bao nhiêu điều thú vị và tốt đẹp.
Tri thức là vốn hiểu biết không bao giờ cạn kiệt. Nó giúp chúng ta tự tin hơn trong giao tiếp, am hiểu về cuộc sống…Bản thân tôi luôn cố gắng rút ra những kinh nghiệm, những bài học quý giá từ sách vở, từ cuộc sống xung quanh mình. Vì tận sâu trong tôi luôn ghi nhớ rằng, đó chính là hành trang quan trọng nhất để tôi vững bước vào đời. Và tôi mong rằng các bạn cũng như thế, đừng bao giờ trì hoãn việc học dù chỉ là một giây!
Bài làm
Trong bất kì xã hội hay thời kỳ nào thì vai trò của trí thức đều vô cùng quan trọng. Tri thức là một nhân tố vô cùng thiết yếu tạo nên sự giàu mạnh của một quốc gia, dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, tri thức thực sự ngày càng khẳng định được vai trò lớn của mình đối với đời sống con người.
Vậy tri thức là gì? Tri thức là khái niệm chỉ những hiểu biết về khoa học, văn học, lịch sử, đời sống xã hội mà con người chiếm lĩnh được. Là những hiểu biết của nhân loại được đúc kết quả hàng trăm thế kỷ phát triển từ thời xa xưa đến ngày nay. Vốn trí thức của nhân loại là vô bờ bến như những đại dương mênh mông nước, dồi dào sự sinh sôi và phát triển. Về chính trị, đối với mỗi quốc gia, nguồn nhân lực có tri thức dồi dào luôn là niềm tự hào và tạo nên sức mạnh lớn. Ngày xưa, cha ông ta đã có biết bao hào kiệt anh tài với tài ba thao lược, võ giỏi, văn hay. Bởi vậy mà ta lực lượng yếu vẫn thắng địch giành lại độc lập cho dân là nhờ vào trí, với mưu lược, vào những chiến thuật khôn ngoan của các vị minh quân biết nhìn xa trông rộng, hiểu thế thời, biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng.
Xã hội ngày nay, khi đất nước được thái bình, nền chính trị cần phải được xây dựng vững mạnh, quân đội phải được thao luyện, phải biết vạch ra những chiến lược lâu dài. Như vậy, đất nước cần có những người có tài năng và đức độ, hệ thống của nhà nước phải là những cán bộ cốt cán tài năng, có năng lực thực sự với nguồn tri thức và sức am hiểu lớn để lãnh đạo đất nước. Tức là những người tài năng nhất, giỏi giang nhất là những người có một tầm hiểu biết rộng, có vốn trí thức lớn để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, lo cho dân, lo cho nước.
Về kinh tế, tri thức giữ vai trò rất lớn, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức hòa chung trong sự phát triển cả thế giới. Tri thức trở thành một nguồn nhân tố quan trọng, chất xám trở thành ngưỡng năng lượng đưa đất nước đi lên, sánh vai với cường quốc năm châu. Các ngành công nghệ thông tin ngày càng phát triển thay thế cho những ngành công nghiệp nặng, lấy sức lao động của con người làm hàng hoá. Những nhân tài về công nghệ thông tin, những bằng sáng chế độc quyền hay những sáng chế khoa học thúc đẩy sự phát triển của khoa học sản xuất ra đời đều được sáng tạo nhờ tri thức trên những nguyên lý cơ bản nhất.
Đối với xã hội, văn hoá giáo dục, tri thức cũng góp tiếng nói của mình vào sự ổn định phát triển. Một đất nước có người dân đạt trình độ cao về trí thức thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ ít đi, mức sống của người dân được cải thiện hơn, con người được hạnh phúc hơn. Xã hội ổn định, không bị những tệ nạn ma túy hay vấn nạn cướp bóc, trộm cướp cũng được hạn chế hơn, nhờ vậy mà đất nước trở nên văn minh và giàu đẹp hơn. Tri thức càng được coi trọng thì nền giáo dục càng được chú trọng lên hàng đầu, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và cung cấp được cho đất nước những nhân tài đưa đất nước ngày càng lớn mạnh hơn, góp phần nâng cao vị thế trên thế giới.
Đối với mỗi người, tri thức lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Không có ai không học mà lại thành tài cả. Tất cả mỗi người muốn có cuộc sống đủ đầy, muốn nâng cao chất lượng đời sống và muốn sống có ích đều phải học tập. Bởi trí thức mang đến cho ta những hiểu biết thuộc bản chất của các hiện tượng đời sống, giúp ta tìm hiểu sâu về nguồn cội, về quá trình tiến hoá và cả những phát minh vĩ đại trên thế giới. Tri thức đưa ta đến những vùng trời mới của sư hiểu biết, thôi thúc ta khám phá , sáng tạo ra những cái mới cái hay. Tri thức giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, biết lựa chọn những tinh hoa để tiếp nhận, rời xa những xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường trong cuộc sống, biết "gạn đục khơi trong", biết yêu thương nhiều hơn. Tri thức còn là bản lề để mỗi người cố gắng cho tương lai, là nền móng vững chắc để phát triển trí tuệ và kỹ năng thực hành, là ngọn đèn soi sáng trong đêm tối, là hành trang dẫn lối ta vào đời.
Có thể thấy, thiếu tri thức là một lỗ hổng vô cùng lớn. Vậy mà, trên thực tế, ta vẫn thấy nhiều bạn trẻ chỉ mải mê ăn chơi, đua đòi mà không học hành. Một số bạn thì có lối suy nghĩ rằng không học vẫn có thể thành công, theo mình đây là một cách nghĩ sai lầm. Mọi con đường đi đến thành công đều thông qua học tập, không có học tập không có thành quả. Có lý thuyết vững chắc mới có thực hành, có học mới thành tài được. Vì vậy, chúng ta là những người trẻ, những hy vọng tương lai của nước nhà, cần hiểu được tầm quan trọng của trí thức, cố gắng học tập thật giỏi, trau dồi, rèn luyện cả đạo đức, tri thức và sức khỏe của bản thân mình để phát triển một cách toàn diện. Biết nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp, những ước mơ lớn lao, vượt khỏi những đam mê thông thường hay những nhỏ nhen ích kỷ, những khó khăn của thực tại đời sống để vươn lên học tập.
"Tri thức là sức mạnh", hãy trau dồi tri thức để mang đến sức mạnh, lợi thế cho chính mình, cho quốc gia, dân tộc mình. Hãy là một vì sao lấp lánh tài năng, bản lĩnh và một trái tim đẹp.