Đề bài: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Đề bài: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Đề bài: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Tác phẩm của Nam Cao chất chứa tình yêu thương đồng cảm sâu sắc trước những mảnh đời những số phận bất hạnh bị xã hội dồn đẩy đến bước đường cùng. 
  • Nhân vật Lão Hạc chính là đại diện cho những người dân lao động khốn khổ bị xã hội vùi dập

2. Thân bài:

  • Hoàn cảnh:
    • Lão góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình cảnh gà trống nuôi con.
    • Con lão phẫn chí bỏ nhà đi đồn điền cao su.
    • Một mình lão sống cảnh côi cút lủi thủi với con chó tên Vàng.
    •  Sau trận ốm lão yếu đi hẳn, mùa màng bị quét sạch lão rơi vào cảnh khốn cùng.
    • Lão chọn kết thúc cuộc đời bằng bả chó xin được của Binh Tư.
  • Phẩm chất, nhân cách:
    • lão Hạc lại là người sống vô cùng tình cảm.
    • Là người cha vô cùng thương con, lo lắng cho con
    • Giàu lòng tự trọng.
  • Cái chết của Lão Hạc:
    • Chết để tự giải thoát kiếp sống mòn.
    • Chết vì quá thương con, muốn giữ trọn vốn liếng cho con, giữ tiếng cho con.
    • Chết để tránh bị đẩy vào con đường tha hóa, biến chất.
    • Sự ra đi của lão không phải là một cái kết bế tắc mà nó mở ra một hướng đi mới một lối thoát mới cho số phận những kiếp người bèo bọt trong xã hội bất giờ.

3. Kết bài:

  • Nam Cao đã xây dựng thành công hình tương người nông dân trước cách mạng tháng Tám thông qua nhân vật Lão hạc.
  • Rút ra bài học: con người ta dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể đánh mất đi nhân cách

Bài văn

Nam Cao là một trong những cây viết xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán 1930 -1945. chất chứa tình yêu thương đồng cảm sâu sắc trước những mảnh đời những số phận bất hạnh bị xã hội dồn đẩy đến bước đường cùng.   Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Lão Hạc. Nhân vật Lão Hạc chính là đại diện cho những người dân lao động khốn khổ bị xã hội vùi dập đến bức đường cùng song không vì thế mà mất đi những phẩm chất lương tri cao đẹp.

Hầu hết các tuyến nhân vật Nam Cao xây dựng đều có đặc điểm chung là tầng lớp nhân dân lao động thấp cổ bé họng. Bị dồn đẩy bởi hoàn cảnh nghèo đói đến mức phải tìm đến cái chết. Như Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa sự lương thiện bởi định kiến của người đời, nhân vật chị Dậu bước ra ngoài đêm đen như cái tiền đồ của chị, hay Lão Hạc chết bởi bả chó…. Thế nhưng điều khác biệt ở đây đó là nhân vật lão Hạc một người nông dân lương thiện, một đại diện tiêu biểu cho nhân cách cao thượng mà thanh tao cái chết của lão để lại cho độc giả nhiều trăn trở suy ngẫm.

Cuộc đời lão là bi kịch nối dài bởi bi kịch. Lão góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình cảnh gà trống nuôi con. Với lão đứa con vừa là để gửi gắm tinh thần vừa là điểm tựa duy nhất trong cuộc đời. Thế nhưng vì nhà nghèo không đủ tiền cưới vợ con lão phẫn chí bỏ nhà đi đồn điền cao su. Thế là từ đấy một mình lão sống cảnh côi cút lủi thủi với con chó tên Vàng – kỉ vật duy nhất con trai lão để lại. Nghe cái tên đã thấy con chó có ý nghĩa như thế nào với lão rồi. Nó không chỉ là kỉ vật do con trai lão để lại mà nó còn là người bầu bạn tâm tình bên lão. Thế nhưng dường như cuộc đời vẫn chưa ngừng bạc đãi lão.

Năm ấy lão bị ốm nặng. Biết bao nhiêu việc trong làng đàn bà tranh nhau làm hết. Một người ốm yếu như lão lại càng khó tìm được công việc. Lão sống lủi thủi với củ ráy, sung luộc, con ốc, con chai cho qua ngày. Thế nhưng dường như nỗi niềm của người cha vẫn không thôi đau đáu nhớ về con. Sự đau đớn, nhớ nhung chờ đợi cùng với căn bệnh dai dẳng đã bóp nghẹt trái tim khắc khoải của người cha già. Sau trận ốm lão yếu đi hẳn. Chưa dừng lại ở đây thiên tai đi qua mùa màng bị quét sạch lão rơi vào cảnh khốn cùng.

Thế nhưng sâu thẳm trong tâm trí người cha chưa bao giờ nghĩ đến cảnh bán mảnh vườn. Vì lão tính rồi dù lão có chết cũng muốn để lại cho đứa con trai ít vốn làm ăn. Cả đời lão để chẳng lo nổi vợ cho con rồi lão không muốn ăn hết cả tiền vốn cho nó nữa. Trong lúc thất bát đó lão thốt lên câu chua xót với ông giáo Thứ : “Nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho sướng?” Câu nói của lão như lưỡi dao xoáy sâu vào tâm trí của người đọc cũng đồng thời là tiếng nói của những giai tầng lao động cực khổ, khốn cùng.

Lão chọn kết thúc cuộc đời bằng bả chó xin được của Binh Tư. Thế nhưng trước lúc chế lão còn gửi gắm được cho con trai 3 sào vườn và 30 đồng bạc. Đó chính là số vốn chắt chiu đổi bằng máu nước mắt thậm chí cả tính mạng của người cha già khốn khổ cho đứa con duy nhất của mình.

Tuy sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất song lão Hạc lại là người sống vô cùng tình cảm. Đó là tình yêu thương khắc khoải mong mỏi con trai, và tình yêu thương vô bờ bến đối với cậu Vàng – con chó bầu bạn bên lão. Lúc phải đứng trước sự lựa chọn là cậu Vàng hay số vốn ít ỏi cho con trai lão đau đớn đành bán đi cậu Vàng. Có ai biết rằng khi đưa ra quyết định khó khăn đó lão đã vật vã đau khổ đến nhường nào. Lão gục xuống khuôn mặt méo mó đến cùng cực. Lão thấy bản thân mình thật là xấu xa, hèn mọn và xấu hổ. Lão đã đánh lừa cả một con chó. Việc bán cậu Vàng đi cũng là một cách lão dọn sẵn đường đi cho cuộc đời mình. Vì lão biết nếu tiếp tục nuôi Vàng thì lão cũng không thể cho nó được nổi miếng ăn. Đọc đến đây ta mới thấy đau đớn biết nhường nào trước tính lương thiện trong con người lão Hạc.

Trước lúc ra đi lão đã nhịn ăn để lấy tiền làm ma bởi lão không muốn phiền lụy hàng xóm không muốn họ khổ thêm vì mình nữa. Có thể nói giữa một xã hội đầy rối ren như thế nhân cách của Lão Hạc chính là một điểm sáng mà rất nhiều người đáng phải học tập. Sự ra đi của lão không phải là một cái kết bế tắc mà nó mở ra một hướng đi mới một lối thoát mới cho số phận những kiếp người bèo bọt trong xã hội bất giờ.

Có thể nói lão Hạc chính là một trong những tác phẩm hay nhất viết về số phận người dân khốn khổ trong xã hội cũ. Nó như một nốt nhạc ngân vang mãi trong tâm hồn người đọc. Một câu chuyện buồn về tình người, về nhân cách làm người khiến triệu người cảm động. Thế mới hiểu rằng con người ta dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể đánh mất đi nhân cách vì nó chính là thứ quý giá nhất trong cuộc đời.

Bài mẫu 2: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Đề bài: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Dàn bài

1. Mở bài : Truyện ngắn Lão Hạc trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao.

2. Thân bài:

  • Lão Hạc là người có số phận đau khổ, bế tắc (vợ mất sớm, con bỏ đi làm cao su, kỉ vật cuối cùng của con phải bán, sống sẽ phạm vào tài sản dành dụm cho con).
  • Tuy khốn khổ, nhưng lão vẫn giữ được bản chất lương thiện, trong sạch, (thương con, đau khổ vì trót lừa một con chó, tự tìm lấy cách giải quyết không để phiền cho ông giáo và dân làng, chọn cái chết chứ không chịu làm điều xấu).
  • Số phận đau khổ, bế tắc nhưng tính cách vẫn cứng cỏi, trong sáng. Lão Hạc và những người nông dân Việt Nam đã sống lương thiện, tốt đẹp vượt lên trên số phận.
  • Suy nghĩ về sự phát hiện, bênh vực và ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong sáng tác của Nam Cao.

3. Kết bài : Đóng góp của Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc.

Bài văn

Từ xưa đến nay nói đến tình người, ta nói ngay đến “Lão Hạc”. Tác phẩm này được coi là truyện ngắn xuất sắc của văn học hiện thực phê phán thời kì 1930 - 1945. Đó là một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn, bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã khắc hoạ vào lòng người đọc một cách sâu đậm về hình ảnh một lão nông đáng kính với phẩm chất của con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực thương con.

Cuộc đời Lão Hạc là một chuỗi những đau khổ bất hạnh, một kiếp người chua chát và cay đắng từ khi sinh ra cho đến khi ra đi về cõi vĩnh hằng. Goá vợ từ khi còn trẻ, một mình lão gà trông nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ những mong con khôn lớn, trưởng thành làm chỗ nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng niềm hạnh phúc ấy đã không đến với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên đi phu làm đồn điền cao su. Cảnh chia lìa của cha con lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão Hạc mất vợ nay lại thêm nỗi đau mất con.

Cảnh khốn khó về vật chất hoà trong nỗi đau về tinh thần thành dòng lệ chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha. Nhưng cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha lão. Bất hạnh rồi bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống đầu người cha khốn khổ ấy. Kiệt sức vì lam lũ lầm than, vì mòn mỏi chờ đợi, lão ôm nặng. Sau trận ôm đó lão yếu đi rất nhiều, không thể làm được những việc nặng. Làng mất nghề sợi, đàn bà rỗi rãi nhiều, có việc gì nhẹ họ đều tranh hết. Lão Hạc rơi vào cảnh bần cùng hoá hoàn toàn. Lão sống vật vờ với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc... Những thứ ấy cũng chẳng dễ gì kiêm được với một lão già đã cạn kiệt sức lực.

Cùng đường sống, lão Hạc tìm đường đến cái chết, lấy cái chết để tự giải thoát cho mình. Lão đã ăn bả chó để tử tự. Lão chết đau đớn thê thảm “đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, mồm tru tréo bọt mép sùi ra. Vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết”. Cái chết thật dữ dội! Số phận một con người, một kiếp người như lão Hạc thật đau thương.

Với ngòi bút nhân đạo tha thiết, Nam Cao đã nói lên bao tình thương nồi xót xa đối với con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết như lão. Chí Phèo tự sát bằng lưỡi dao, Lang Rận thắt cổ chết và lão Hạc cũng quyên sinh bằng bả chó! Lão Hạc từng hỏi ông giáo: “Nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho sướng?”. Câu hỏi ấy thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một con người.

Lão Hạc sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu chuyện cảm động về tình cha con. Nhìn con đau khổ vì không có tiền cưới vợ, lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình như có lỗi với con và day dứt mãi. Khi con phẫn chí đáng trốn đi làm đồn điền cao su, trái tim người cha thật sự tan nát. Nỗi thương nhớ con thường trực trong người cha đã biến thành sự khắc khoải ngóng trông: “Thằng cháu nhà tôi dễ đến hơn một năm nay chẳng có giấy má gì ông giáo ạ”. Ta đọc được trong câu nói tình cảm ấm áp cuả người cha. Thương nhớ con lão dồn tình cảm âu yếm cậu vàng - kỉ vật của người con để lại. Cái tên cậu vàng đã chứa đựng tất cả tình cảm quý mến và thân thiết đối với một con vật - một kỉ vật. Không phải bất cứ người nào cũng có thể yêu thương con vật như vậy. Những cơn mưa bão liên miên, hoa màu trong vườn đều bị phá sạch, việc làm chẳng còn, nếu cứ tiếp tục như vậy thì sẽ ăn vào số tiền chắt chiu dành dụm cho con. Đặt lên bàn cân mà tính, suất ăn của con chó cũng bằng lão, vậy thì tốn quá. Giữa số tiền dành dụm cho con và con chó - người bạn tâm tình, lão sẽ chọn ai đây? Để đi đến quyết định, lão đã phải dằn vặt đau khổ, lão suy nghĩ nhiều, nhiều lắm mới dũng cảm bán con chó. Cuộc lựa chọn khó khăn tàn khốc diễn ra trong nước mắt. Nhưng nếu không bán con chó, lão sẽ chết và số tiền dành dụm cho con cũng chẳng còn. Lão bán chó đâu phải để ăn mà để lo tương lai cho đứa con. Hình ảnh lão Hạc “miệng méo xệch, khóc hu hu” khi nghĩ rằng mình đã lừa một con chó là hiện thân của tấm lòng cao cả.

Bao nhiêu tình yêu thương con lão dồn cả vào việc quyết giữ bằng được mảnh vườn cho con. Khi đã hết đường sinh nhai, lão có thể bán vườn đi, nhưng lão không làm thế, lão thà chết chứ nhất định không chịu bán đi một sào. Thậm chí trước lúc chết lão còn tìm nơi nhờ cậy gửi gắm mảnh vườn ấy... Cuộc đời lão Hạc thật bi thương. Nhưng giữa cuộc đời khôn khó, lão Hạc vẫn ý thức được nhân phẩm của mình. Lòng tự trọng của một người không cho phép lão nhận sự giúp đỡ của ông giáo mà lão biết chẳng sung sướng gi hơn lão, càng không cho phép lão phiền luỵ đến bà con lối xóm. Ý thức được điều đó một cách sâu sắc, lão Hạc đã nhịn ăn để dành tiền làm ma cho mình. Ta nhận thấy ở lão một triết lí sống cao đẹp biết nhường nào...

Dưới một xã hội đen tối ngột ngạt, không ít người đã đánh mất nhân phẩm, hoặc tha hoá biến chất. Ta cũng dễ dàng tìm thấy họ qua một loạt sáng tác của Nam Cao. Nhưng khác với họ, dù nghèo đến đâu, lão Hạc vẫn sống trong sạch và lương thiện. Chính nhân vật ông giáo đã nhận xét về lão: “Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vôn không ưa gì lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá.” Hết kế sinh nhai lão có thể chọn con đường theo Binh Tư nhưng lão Hạc không làm như thế. Lão thà chết chứ nhất định không bán linh hồn cho quỷ dữ. Một cách sống và xử thế thật đáng trân trọng, phù hợp với đạo lí “ thác trong hơn sống đục” của nhân dân ta.

Cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất lực; sông thì âm thầm nghèo đói cô đơn; chết thì quằn quại đau đớn. Tuy thế, lão Hạc lại có phẩm chất tốt đẹp như hiền lành chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng... Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ, được Nam Cao miêu tả chân thực với biết bao trân trọng, xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thông thiết.

Bài mẫu 3: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Đề bài: Số phận và tính cách Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,... Nam Cao là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới những nhà văn hiện thực nhân đạo.
  • Các sáng tác của ông vừa rất mực chân thực, vừa có một ý vị triết lý mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.
  • Truyện ngắn "Lão Hạc" là một trong những tác phẩm tiêu biểu như thế!
  • Nhân vật Lão Hạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về một người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng nhân ái, tự trọng đáng kính.

2. Thân bài:

  • Cuộc đời – cảnh ngộ của Lão Hạc: Người nông dân nghèo khó, gặp nhiều bất hạnh:
    • Vợ mất sớm, nhà nghèo, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.
    • Sống cô đơn trong tuổi già, đối diện với nhiều rủi ro: ốm nặng, yếu, không có việc, hoa màu bị bão phá sạch.
    • Có con chó vàng làm bầu bạn nhưng phải bán đi vì cảnh nghèo.
    • Luôn canh cánh thương con, vì chưa lo được cho con trọn vẹn.
    • Cùng đường, phải tìm đến cái chết thương tâm.
  • Phẩm chất, nhân cách của Lão Hạc:
    • Giàu lòng nhân ái, có tấm lòng vị tha, nhân hậu
    • Là người cha vô cùng thương con, lo lắng cho con
    • Giàu lòng tự trọng.
  • Cái chết của Lão Hạc: Là một biến cố điển hình để nhân vật bộc lộ tính cách điển hình:
    • Chết để tự giải thoát kiếp sống mòn.
    • Chết vì quá thương con, muốn giữ trọn vốn liếng cho con, giữ tiếng cho con.
    • Chết để tránh bị đẩy vào con đường tha hóa, biến chất.
    • Đau đớn tự trừng phạt vì đã bán con Vàng (đã đánh lừa nó)
    • Cái chết như một sự hi sinh tàn khốc vì tương lai, nó chứng tỏ sự bế tắc của hiện tại.
    • Minh chứng cho tấm lòng lương thiện.
    • Minh chứng cho nỗi bất hạnh và phẩm giá của người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
  • Suy nghĩ, đánh giá về nhân vật:
    • Thương xót một con người bất hạnh.
    • Trân trọng lòng tự trọng đáng quý.
    • Yêu quý một con người giàu lòng nhân ái, yêu thương con.

3. Kết bài:

  • Nhân vật Lão Hạc là một thành công nghệ thuật của Nam Cao.
  • Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật.
  • Cảm xúc của cá nhân (trân trọng, yêu quý nhân vật. Nhân vật đã để lại suy nghĩ gì cho bản thân?)

Bài văn

Hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được khai thác một cách sâu sắc và triệt để trong văn học. Qua những trang văn của các tác giả, những con người với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng những phẩm chất cao quý được thể hiện một cách rõ nét. Nếu Ngô Tất Tố thành công với việc khắc họa hình tượng nhân vật chị Dậu, một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh nhưng cũng có những phút giây vùng lên để chống lại cái xấu, cái ác trong "Tắt đèn" thì Nguyễn Công Hoan lại xây dựng hình ảnh một anh Pha dám vùng lên đánh trả lại bọn cường hào ác bá trong "Bước đường cùng". Và Nam Cao với hình tượng nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã khắc họa thành công hình tượng người nông dân với số phận nghèo khổ, bần cùng nhưng lương thiện, chất phác và rất giàu lòng tự trọng.

Lão Hạc có số phận bất hạnh vô cùng.Sự khổ đau, bất hạnh của lão thể hiện ngay từ hình dáng đến cuộc sống của lão. Một ông lão già nua, bất hạnh vì phải chịu cảnh cô đơn, bệnh tật lại nghèo đói. Hoàn cảnh của lão Hạc vô cùng cực khổ.Vợ lão chết sớm, lão phải lâm vào tình cảnh gà trống nuôi con. Vậy nhưng con trai lão cũng bỏ lão mà đi làm tại đồn điền cao su. Lão Hạc cô đơn, buồn tủi với tuổi tác đã già chỉ biết bầu bạn với con chó Vàng. Chính hoàn cảnh khốn cùng ấy với hoàn cảnh neo đơn của lão đã khiến người đọc vô cùng xót xa, thương cảm. Lão coi Vàng như một đứa con, đứa cháu, một người ruột thịt của mình. Lão chia sẻ từng đồ ăn, thức uống, trò chuyện, tâm sự với nó như một con người. Lão Hạc vì bất đắc dĩ phải đành lòng bán đi cậu Vàng, cái tên thân thương mà lão dành cho con chó của mình. Lão vì thương con trai, không muốn tiêu phạm vào số tiền dành dụm cho con. Lão đã tính kĩ mỗi ngày cậu ấy ăn thế cũng mất hai hào. Mà cứ thế này thì lão không lấy tiền đâu mà nuôi được.Đối với lão, giờ đây, tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của con trai. Cảnh tượng lão Hạc chia tay với con chó Vàng vô cùng xúc động. Đọc đoạn văn ấy, người đọc rưng rưng xúc động, đồng cảm sâu sắc với lão Hạc. Nam Cao cũng đã vô cùng thành công khi miêu tả cảnh tượng ấy chỉ bằng những nét chấm phá trên gương mặt đau khổ của lão. Sau khi bán con chó đi, lão Hạc sang nhà ông giáo để chia sẻ. Dù lão cố làm ra vẻ bình thường nhưng không thể nào giấu đi được khuôn mặt biến dạng của con người già nua đầy đau khổ đó. Nam Cao đã vô cùng tinh tế khi miêu tả lại khuôn mặt ấy: "Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...".Bán đi cậu Vàng, lão đau như cắt từng khúc ruột.Nhưng bởi hoàn cảnh sống, bởi tình thương yêu con vô bờ bến mà lão phải đưa ra quyết định ấy. Chính nỗi khổ tâm của người cha già luôn dằn vặt, đau đáu chuyện vì nghèo, vì khổ mà không cưới được vợ cho con, thêm nữa giờ đây cũng vì hoàn cảnh mà lão đối xử không đàng hoàng đối với một con chó. Lão nhờ ông giáo giữ lại hộ mảnh vườn để mai sau người con trai lão trở về sẽ có nhà để ở, có vườn ruộng làm ăn. Lão tự lo cho hậu sự của mình sau này, lão không muốn nhờ vả hay vay mượn bất cứ ai.

Cảnh sống nghèo khốn khó về vật chất và sự suy sụp về tinh thần khiến cho lão Hạc kiệt sức.Lão rơi vào cảnh bần cùng hóa. Không kiếm được việc làm, lại không có đủ sức khỏe, cô đơn lạc lõng, lão sống vật vờ qua ngày với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc...Cái kết của câu chuyện là một cái kết đầy đau xót đối với độc giả. Lão Hạc đã tìm đến cái chết.Sau cùng, con người khốn khổ ấy cũng tìm cho mình một lối giải thoát.Hầu hết khi nghĩ đến việc tự tử, người ta thường nghĩ đến những việc làm sai trái, tiêu cực nhưng với lão Hạc, lão không nào có tội tình gì. Lão chết với lí do muốn giữ lại tiền cho con trai mình, không muốn nhờ vả liên lụy mọi người xung quanh. Cái chết của lão cũng thật đau đớn, xót xa: "Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên".Lão đã tự tử bằng thuốc chuột.Cho đến cuối đời, lão nông khốn khổ ấy vẫn đau đớn và bất hạnh vô cùng. Một con người, một số phận đầy đau thương.

Lão Hạc là một trong những nhân vật điển hình trong các sáng tác của Nam Cao. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng Nam Cao đã quá lạnh lùng với ngòi bút của chính mình? Phải chăng số phận của những nhân vật trong những tác phẩm của Nam Cao lại đều đau thương đến vậy?Thế nhưng ngẫm nghĩ lại, ta lại thấy đằng sau ngòi bút ấy là một tấm lòng chan chứa yêu thương. Càng viết, tác giả như càng muốn phơi bày sự thật của chế độ phong kiến tàn ác, chế độ đã đàn áp và đưa con người ta đến bước đường cùng. Vậy nhưng trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt ấy, những nhân vật của ông luôn ngời sáng lên vẻ đẹp tinh thần. Nhắc đến đây, ta lại nhớ đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Anh Chí ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao với sự thay đổi về cả nhân hình lẫn nhân tính nhưng có một khát khao lớn là muốn "làm người". Thế nhưng chính xã hội bất công ấy đày đọa con người ta đến bước đường cùng. Để rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Có nhiều người cho rằng cách kết thúc tác phẩm của Nam Cao thường là ngõ cụt, mang tính tiêu cực.Thế nhưng điều đó làm cho hiện thực cuộc sống được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Lão Hạc, một cuộc đời đầy nước mắt, khổ đau, bất lực cho đến lúc mất đi nhưng luôn giữ trong mình bản chất lương thiện, hiền lành, nhân hậu. Đó cũng chính là thông điệp mà Nam Cao muốn truyền đến độc giả về bản chất của văn chương trong những sáng tác của ông: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có".

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com