“Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”
Đó là quê hương trong trái tim rất nhiều người. Còn quê hương trong trái tim tôi là hương mít chín thơm lừng, ngọt ngào mê say. Cây mít là loài cây đặc trưng của làng quê bình dị nơi tôi sinh ra.
Mít là một loại cây ăn quả, mọc phổ biến ở Đông Nam Á và Brasil. Mít thuộc họ Dâu tằm và được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ và Băng – la - đét. Ở mỗi vùng miền hay quốc gia khác nhau thì quả mít lại mang một hương vị rất riêng. Khắp mọi miền trên đất nước ta, ở nơi nào cũng trồng được mít. Tuy nhiên mít được trồng chủ yếu ở nông thông, và có nhiều nhất ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Trị và Tây Nguyên. Mít có nhiều loại: mít dai, mít mật, mít mỡ, mít tố nữ. Mít tố nữ quả nhỏ tròn, ngọt ngon là loại mít được ưa chuộng nhất.
Về đặc điểm, cây Mít thuộc loại cây thân gỗ, có chiều cao từ 8 đến 15 m, bộ rễ gắn sâu, chống hạn tốt, nhưng muốn mít có sản lượng cao thì người ta hay trồng ở những vùng có lượng mưa nhiều từ 1.000 mm trở lên, nếu không tưới. Ngược lại, cây Mít chống úng kém. Vào những năm bị lụt, trên vùng đất bị úng, mít là cây chết trước tiên. Lá mít tương tự như lá đa, chỉ khác là mịn hơn không có lông mịn như trên mặt lá đa, có mùi thơm nhẹ rất đặc biệt.
Mít trồng xuống đất, chăm sóc sau ba năm mới bắt đầu ra quả. Qủa mít hình bầu dục, cũng có một số cây cho quả tròn, nhưng mít thường có kích thước dài 30 – 60 rộng 20 – 30 cm, nặng khoảng vài cân, có quả to nặng đến hai, ba yến. Ngoài vỏ quả có những chiếc gai hình lục giác nhô lên, đều tăm tắp. Các múi xếp thành lớp hình những chiếc túi, nhiều có thể lên tới vài trăm múi to như quả táo; mỗi múi lại có một hạt màu vàng sẫm. Bà Chúa thơ Nôm từng sáng tác những câu thơ rất hóm hỉnh: “Thân em như quả mít trên cây – Da nó xù xì, múi nó dày”miêu tả vẻ ngoài của quả mít. Mít chín có vị ngọt, đặc biệt tỏa mùi thơm, từ trong nhà có thể ngửi thấy mùi mít chín ngoài vườn. Qủa mít có nhiều nhựa. Ở quê tôi, khi mít chín cắt xuống không bổ ra ngay mà để nguyên quả rồi dùng một thanh gỗ vót nhọn một đầu, đem đóng vào cuống mít để cho chảy bớt nhựa. Đợi thêm hai ba hôm sau, mới bổ mít ra thì bớt dính nhựa.Nếu còn nhựa thì dùng lá khoai không thấm nước hoặc lá gấc để lau bớt. Mít ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào giữa và cuối mùa hè khoảng tháng 7 - 8.
Trong đời sống của con người, mít có rất nhiều giá trị. Mít là loại quả nhiều người yêu thích bởi hương vị của nó. Các múi mít chín có thể ăn tươi, có vị rất ngọt do có hàm lượng đường như glucoza, fructoza cao (10-15%). Người ta dùng mít chế biến nhiều món khác nhau, ở Huế có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng. Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt, làm gỏi. Múi mít chín làm sữa chua mít mát lạnh mùa hè, mứt mít, mít sấy khô... Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. Món này làm từ xơ mít chín hoặc từ quả mít xanh. Phương ngôn "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn" nhắc đến hai đặc sản của vùng quê ở Nghệ An. Hạt mít cũng ăn được và có giá trị dinh dưỡng nhất định. Hột có thể đem rang, luộc, hoặc hấp. Trước khi ăn thì bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài; có mùi thơm và vị bùi. Lá mít có địa vị đặc biệt dùng để lót oản cúng Phật. Lá mít cũng được dùng để gói thuốc lào truyền thống.
Ngoài giá trị dinh dưỡng trong ẩm thực, nhiều bộ phận của cây mít còn là vị thuốc có tác dụng giúp xương chắc khỏe, phòng chống bệnh ung thư, tốt cho da, hệ tiêu hóa, tim mạch, tốt cho phụ nữ mang thai... Gỗ mít, nhất là tâm gỗ ở các cây to, là một loại gỗ quí, không những dùng trong xây dựng còn để làm dụng cụ, chế những đồ gỗ mỹ nghệ do thớ mềm, không nứt.Mít cũng ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Do cây to, cao, sống lâu, chịu hạn, chịu nắng tốt, tán lá dày, xanh quanh năm, bóng râm có giá trị cải thiện môi trường cao đặc biệt ở nông thôn, mùa nắng, giữa các ruộng lúa thiếu bóng cây.
Mít là một trong nhiều cây ăn quả của vùng nông thôn, cuốn hút người ta bởi vị ngọt và hương thơm nồng nàn của nó. Ai đã từng nếm qua một múi mít ngọt thơm, hẳn sẽ không bao giờ quên hương vị quyến rũ đó.