Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính

Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe...

Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kínhĐề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu nhân vật và tình huống truyện
  • Em gặp người lính trong hoàn cảnh nào?

2. Thân bài:

  • Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe (Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)
  • Miêu tả người lính đó ( ngoại hình, tuổi tác,…)
  • Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện:
  • Tôi hỏi bác về những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
  • Người lính kể lại những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh,bom đạn của kẻ thù làm xe bị vỡ kính,mất đèn, không mui.
  • Người lính kể về tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ -> Những suy nghĩ của bản thân (xen miêu tả nội tâm + Nghị luận)

3. Kết bài:

  • Chia tay người lính lái xe.
  • Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện.

Bài văn

Chiến tranh đã qua từ rất lâu rồi, và có lẽ những người trẻ tuổi như tôi không bao giờ hiểu được cái khó khăn, gian khổ của công việc cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhưng qua một lần nói chuyện, chỉ một lần gặp gỡ tình cờ đã cho tôi hiểu ra rất nhiều điều và thực sự cảm nhận được cuộc sống những ngày đạn bom gian khổ ấy,…

Những bánh xe đang lăn đều, lăn đều và chậm rãi khỏi nhà ga, chuyến tàu Bắc Nam bắt đầu cuộc hành trình của nó… Con tàu lao nhanh dần, lòng tôi bỗng thấy buồn lạ, cũng phải thôi, đây là lần đầu tiên tôi đi xa nhà như vậy, hơn nữa lại đi một mình. Trên một chuyên tàu toàn người xa lạ, con bé mười lăm tuổi như tôi bỗng thấy chạnh lòng, sống mũi cay cay, hai mắt đỏ dần, trong lòng rơn lên một nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ da diết. Người đàn ông ngồi bên cạnh, tôi mạn phép tôi gọi người ấy là “bác”, dường như đã cảm nhận được tôi đang nghĩ gì. Bác trạc ngoài sáu mươi, mái đầu bạc trắng, làn da đồi mồi, hơi rám nắng, dáng người to khoẻ. Nhìn những chiếc huân chương đeo trên ngực bác, tôi đoán, bác là một cựu chiến binh. Bác quay sang tôi bắt chuyện:

– Buồn hả cháu? Nhớ nhà phải không? Đợt mới nhập ngũ, bác đã từng có cảm giác như cháu bây giờ. Nhưng mau qua thôi, nó rèn luyện cho cháu tính tự lập, xa bố mà sống vẫn tốt.

Tôi nhìn bác cười rồi khe khẽ hỏi:

– Bác từng đi lính ạ?

Bác nhìn tôi rồi cười phá lên:

– Đúng rồi cháu ạ! Bác từng là một người lính đấy. Người lính lái những chiếc xe rất đặc biệt, những chiếc xe không kính cháu à. Ngày ấy Mĩ nó đánh ta ác liệt lắm, bác xung phong lên đường nhập ngũ. sẵn trong người tính thích mạo hiểm, lại biết lái xe, binh đoàn phân công bác vào tiểu đội 71A, lái những chiếc xe tải qua con đường Trường Sơn, chi viện súng, đạn, lương thực, dược phẩm cho đồng đội ở chiến trường miền Nam. Ngày ấy đường đi vất vả lắm cháu ạ, đâu có được đổ bê tông phẳng lì như bây giờ, lại còn đi đường rừng, tối om, không cẩn thận là lao xuống vực như chơi. Xe lại không có kính, bộ phận, tua vít nên lỏng lẻo, tạo ra tiếng động rất ghê tai. Thế mà đi nhiều, nghe nhiều rồi cũng quen cháu ạ! Có những đêm lái xe qua rừng, chim thú các loại cứ bay ào ạt vào khoang lái, nguy hiểm lắm, nhưng cũng thấy thú vị. Hay rồi gió, bụi, mưa, lá cứ bay vào tới tấp, cay xè, trắng xoá mặt mày là chuyện bình thường…

Bác dừng lại uống ngụm nước… Ngay từ bé, đứa con gái như tôi đã rất thích những trò đánh trận, múa kiếm, bắn súng đủ các kiểu,… nhưng chưa hề được nghe tới bom đạn, hay những vất vả, cực nhọc mà mỗi người lính Trường Sơn phải trải qua, dù là trực tiếp chiến đấu hay là những chiến sĩ lái xe rất dũng cảm như bác. Tôi háo hức hỏi:

– Vậy đi chiến trường như thế bác có thấy nhớ nhà nhiều lắm không ạ?

– Có chứ cháu, nhớ nhiều lắm, nhiều khi nhớ tới mất ăn mất ngủ. Lo lắng không biết mẹ mình giờ này làm gì, bom thả có mau chân mà chạy xuống hầm hay không? – Ánh mắt buồn của bác như rạo rực lên. – Nhưng mà cũng được các bác cùng đơn vị an ủi và giúp đỡ nhiều lắm cháu ạ. Mấy anh em tuy mới gặp nhau nhưng quý nhau và thương nhau lắm, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, có cái gì ngon hay mẩu thuốc lá là mấy anh em đều chia nhau hết, cực nhọc nhưng vui. Rồi những hôm lái xe, gặp anh em đồng đội trên đường đi, cứ thế mà mấy anh em tíu tít đứng bắt tay, ôm nhau rất tình cảm. Hình như có nhiều điểm chung là lòng yêu đất nước, căm thù bọn giặc và những đồng cảm về nỗi nhớ nhà, tâm sự và ước mơ, hoài vọng của tuổi trẻ nên các bác hiểu nhau và quý nhau lắm. Nhờ thế mà thêm tự tin, dũng cảm hơn trên con đường chiến đấu, nhất định phải thắng lợi để về với gia đình, anh em sẽ gặp lại nhau để cùng thực hiện những dự định trong tương lai…

Câu chuyện của bác còn dài, còn dài lắm nhưng mới chừng kia thôi đã đủ cho tôi cảm nhận về những người chiến sĩ, về những gì họ đã trải qua và về niềm tin, lòng lạc quan yêu đời của họ. Bánh tàu vẫn lăn, nhưng nó không gợi cho tôi cẫm giác buồn nữa, nó chỉ khẽ nhói lên trong người tôi một niềm vui khó tả, có lẽ là niềm vui được sống trong một thế giới hoà bình, niềm hạnh phúc về những gì mình đang có và tận hưởng…

Được gặp gỡ và trò chuyện với những người lái xe Trường Sơn năm xưa là may mắn của riêng tôi. Nó giúp tôi có thêm nghị lực và sức mạnh để hoàn thành những ước mơ của mình. Nó như một luồng sinh khí lan toả khắp người tôi, khiến tôi dũng cảm và có niềm tin hơn vào cuộc sống này. Và tôi hiểu ra một điều rằng: là người con của mảnh đất Việt phải chảy trong người dòng máu Việt. Bảo vệ, phát triển và xây dựng đất nước là nhiệm vụ tất yếu của tôi, cũng như của hàng vạn con người trẻ tuổi và cùng trang lứa khác…

Bài mẫu 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe...

Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu tình huống gặp gỡ (thời gian - không gian - địa điểm - nhân vật).

2. Thân bài:

  • Anh lính trẻ năm nào giờ đã trở thành một con người chững chạc, già dặn.
    • Giọng của chú trầm và ấm quá, chen lẫn trong tiếng cười hào sảng là chút hoài niệm về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt.
    • Ngày ấy chú là một trong những người lính lái xe.
    • Chú vừa kể vừa nở một nụ cười hiền lành.
    • Lái những chiếc xe không có kính qua một chặng đường dài hẳn là một việc không hề dễ dàng. 
    • Càng tiến tới gần miền Nam, độ dữ dội của các trận bom như được tăng cao. 
  • Kết thúc cuộc trò chuyện.

3. Kết bài: Cuộc chia tay và ấn tượng trong lòng nhân vật tôi về người lính và ước mơ của nhân vật tôi.

Bài văn

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ ngày 27/07, tôi cùng bà đến nghĩa trang tỉnh, thắp nén hương cho người ông đã hi sinh vì khói lửa chiến tranh. Mỗi lần đến đây, lòng tôi lại có chút gì đó đượm buồn, hẳn đó cũng là tâm trạng của mọi người đang đứng tại nơi đây. Tôi khẽ nhìn xung quanh, đứng cạnh tôi là một người lính đang khẽ cúi đầu trước một nấm mộ. Bà và tôi cùng trò chuyện với chú ấy, và bất ngờ thay, chú chính là người lính lái xe được miêu tả trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mà tôi vừa mới học vào tháng trước.

Anh lính trẻ năm nào giờ đã trở thành một con người chững chạc, già dặn. Chúng tôi và chú cùng ngồi xuống một hàng ghế gần đó mà kể nhau nghe những kỉ niệm vui buồn. Giọng của chú trầm và ấm quá, chen lẫn trong tiếng cười hào sảng là chút hoài niệm về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt. Biết tôi rất thích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, chú nhìn tôi mà cười hiền từ.

Chú kể rằng, ngày ấy chú là một trong những người lính lái xe “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mang biết bao vũ khí, lương thực, thuốc men,…tiếp tế cho miền Nam ruột thịt. Nơi chú đi qua là tuyến đường Trường Sơn – cũng chính là tuyến đường huyết mạch thường xuyên hứng mưa bom bão đạn của quân Mỹ trong thời gian năm 1969. Mưa bom, bão đạn đã khiến cho xe của các chú “không có kính”. Vất vả, gian lao, hiểm nguy là thế nhưng vì sự nghiệp giải cứu Tổ quốc, chú và các đồng đội đã đối mặt với thử thách bằng một thái độ rất lạc quan, hào sảng:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Cháu biết không? Xe không có kính, tưởng bất tiện vậy mà lại tạo niềm vui nho nhỏ trên quãng đường đầy khói lửa của bọn chú đấy! Tại buồng lái ấy, bọn chú đã tận hưởng những năm tháng của tuổi trẻ với gió, với con đường, rồi cả sao trời, cánh chim,…Thật là hoài niệm quá cháu nhỉ?

Chú vừa kể vừa nở một nụ cười hiền lành. Tôi phần nào tưởng tượng ra những anh lính trẻ lạc quan, tìm niềm vui trong những khó cực. Họ là những con người phải sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến tranh loạn lạc, nghe tiếng gọi lên đường mà giải phóng quê hương. Lái những chiếc xe không có kính qua một chặng đường dài hẳn là một việc không hề dễ dàng. Nào là bụi, là mưa, là gió,…cứ tạt thẳng vào người cầm lái. Đau chứ, lạnh chứ, nhưng những người lính trẻ ấy luôn xem đó là một điều hiển nhiên mà vui vẻ chấp nhận. Tôi thoáng hình dung ra nụ cười hồn nhiên trước đất trời của những con người quả cảm “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

Trên suốt chặng đường hành quân, người lính đã gặp và làm quen với nhiều đồng đội khác, “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Chú kể rằng, dù là ai đi chăng nữa, nếu đã gặp trên đường ra trận thì chẳng khác nào anh em một nhà. Những khoảnh khắc bình yên bên bếp cơm ấm nóng, bên chiếc võng đu đưa,…luôn là một kí ức đẹp luôn đọng mãi trong lòng chú.

Theo như lời chú kể, càng tiến tới gần miền Nam, độ dữ dội của các trận bom như được tăng cao. Những chiếc xe giờ đây dường như biến dạng “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước”, ấy vậy mà, những chiếc xe ấy vẫn bon bon hướng về tiền tuyến, vẫn hiên ngang chạy giữa cuộc chiến khốc liệt. Bởi, chú tự hào rằng, xe có thể hỏng nhưng những trái tim trong xe, luôn tràn đầy tình yêu hướng về miền Nam.

Ánh nắng đã dần lên cao, soi sáng gương mặt rạng rỡ, ấm áp nhưng có chút đượm buồn trước sự hy sinh của đồng đội trong đôi mắt chú. Nhìn chú như vậy, tôi càng thêm kính quý những con người đã ngã xuống vì nền hòa bình của đất nước, càng tự dặn lòng phải cố gắng rèn luyện để mai này trở thành một con người có ích cho quê hương.

Bài mẫu 3: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe...

Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ tiểu đội xe không kính

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu tình huống gặp gỡ (thời gian - không gian - địa điểm - nhân vật).

2. Thân bài:

  • Đoàn xe tải nữa rầm rầm tiến tới, đất dưới chân tôi rung chuyển.
  •  Một chú bộ đội mặc quần áo xanh, tươi cười xuống xe.
  • Chú không trả lời chỉ bảo tôi lên xe đi theo chú. 
  • Chiếc xe bỗng dừng lại ở chỗ có ba bốn túp lều. 
  • Rồi tôi cùng chú chỉ huy trưởng đến một gốc cây cao su to, có bàn ghế đầy đủ.
    • Cuộc sống ở đây vất vả lắm.
    • Bọn chú có lúc cũng thấy sợ bom đạn. 
    • Ăn xong, các chú lại quây quần bên đống lửa, tiếng đàn ghi ta vang lên hòa cùng tiếng hát của những người lính. 

3. Kết bài: Cuộc chia tay và ấn tượng trong lòng nhân vật tôi về người lính và ước mơ của nhân vật tôi.

Bài văn

Buổi sớm đầu đông, tôi tung tăng tới trường, trong tiếng chim ca ríu rít, dưới bầu trời xanh thăm thẳm…Hôm nay, tôi sẽ được học bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, một bài thơ tôi rất thích từ hồi Tiểu học. Vừa lẩm nhẩm đọc lại bài thơ, tôi vừa mơ màng tưởng tượng như đang đi trên một con đường rừng gập ghềnh, hiểm trở. Tất cả bỗng chợt mờ nhòa trước mắt tôi bởi một làn khói bụi mờ ảo, rồi lại như dần hiện ra rõ nét từng cảnh vật…

Một đoàn xe tải băng qua. Tôi ngơ ngác nhìn theo:

- Sao lại có xe ở con đường rừng này nhỉ?

Đang mông lung suy nghĩ thì lại một đoàn xe tải nữa rầm rầm tiến tới, đất dưới chân tôi rung chuyển. Tôi lùi vào bên đường cho xe qua. Một, hai, ba…Bỗng chiếc xe thứ sáu, cũng là chiếc xe cuối cùng dừng lại. Một chú bộ đội mặc quần áo xanh, tươi cười xuống xe:

- Cháu bé, sao lại ở đây một mình thế, lạc mẹ hả? Để chú đi tìm giúp nha?

- Không, cháu đâu có lạc mẹ, cháu đến thăm các chú lính lái xe Trường Sơn đấy chứ, chú có biết họ không?

Chú không trả lời chỉ bảo tôi lên xe đi theo chú. Ngồi trên xe thích thật. Tôi nhìn chăm chăm vào chú lính ấy, có điều gì ở chú làm cho tôi cảm thấy thân quen quá. Chú quay ra nhìn tôi, nụ cười ấm áp. Tôi giật mình lảng đi, rồi bạo dạn hỏi:

- Chú là lính lái xe Trường Sơn phải không ạ?

Chú vẫn chẳng nói gì cả, chỉ cười và chăm chú nhìn con đường phía trước. Gió ở hai bên tạt vào mát lạnh.

- Xe gì mà không có kính thế này? Tôi ngạc nhiên.

Một chú chim ở đâu liệng qua, tôi vội với tay về phía nó nhưng không kịp. Hay thật! Tôi bắt đầu thò hai tay ra ngoài, thò luôn cả đầu, một cảm giác sung sướng như bay. Nào ngờ lại bị chú mắng:

- Nguy hiểm đó, cháu nghịch thật đấy!

Tôi phụng phịu chui vào.

- Không lạnh hả cô bé? Thực ra xe các chú vốn có kính, nhưng bị bom giật, bong rung làm vỡ hết rồi.

- Thích thế, cháu thích được ngồi trên những chuyến xe thế này.

Rồi hai chú cháu lại chìm vào những giây phút yên lặng.

Chiếc xe bỗng dừng lại ở chỗ có ba bốn túp lều. Tôi xuống xe. Ở đây xung quanh là cây rừng, mọi thứ đều đơn sơ và hoang vắng quá. Có mấy con gà cục ta cục tác chạy khắp sân, một vại nước nhỏ và một cái gáo tí hon, dây phơi quần áo cũng nhuộm đầy một màu xanh. Cuộc sống ở đây thật yên bình, khiến cho người ta đâu còn cái cảm giác của chiến tranh nữa.

Một làn nắng nhẹ nhàng làm bừng lên cả không gian yên ắng nơi đây. Có một chú xắn quần ống thấp ống cao từ đâu chạy đến xé toang cái không khí im lặng ấy.

- Này nhóc, chơi đâu mà lạc đến đây thế hả? Bộ không sợ thằng Mĩ nó bắn sao?

- Có các chú rồi, lo gì nữa ạ?

- Đáo để nhỉ, vào đây nấu cơm cho các chú, bé con.

Tôi lon ton chạy theo, cũng với ống quần thấp cao bê cái nồi cơm mà với tôi là “to tướng”. Bỗng một chú có vẻ nghiêm nghị hơn trông thấy tôi, chú hỏi:

- Sao cháu lại ở đây?

Biết ngay đây là chỉ huy trưởng, tôi bèn lân la đến.

- Cháu muốn ở đây chơi được không chú? Chú kể chuyện cho cháu nghe đi, cháu thích lắm.

Không biết chú có đồng ý không mà đã vòi rồi, tôi thấy ngường ngượng. Nhưng chợt chú nhìn tôi và bảo:

- Tí tuổi đầu mà cũng thích chuyện chiến đấu. Được, chú tình nguyện.

Chú chỉ huy dắt tay tôi đi và không quên dặn chú lính đang bưng rá gạo:

- Cậu đi nấu cơm nhanh lên, anh em đói rồi đấy.

Rồi tôi cùng chú chỉ huy trưởng đến một gốc cây cao su to, có bàn ghế đầy đủ. Chiếc ghế gỗ kẽo kẹt nghe thật vui tai.

- Chú ơi, ở đây toàn những chú hiền nhỉ, chắc cuộc sống vui lắm phải không chú?

- Cháu không biết chứ cuộc sống ở đây vất vả lắm. Hàng ngày các chú phải vận chuyển lương thực, cả thuốc thang và vũ khí ra tiền tuyến. Nhưng lúc nào gặp nhau cũng có tiếng cười, lúc nào cũng chuyện trò tếu táo. Các chú phải làm cả công việc của các bà nội trợ, rửa bát, nấu cơm…Tối đến lại quây quần bên đống lửa diễn kịch, kể chuyện cười…Nhiều hôm bọn chú phải đi cả đêm để kịp vận chuyển vũ khí, lương thực cho quân ta.

- Thế thì mệt lắm chủ nhỉ?

Chú bỗng trầm ngâm, đôi mắt xa xăm. Một làn gió nhẹ xào xạc làm một chiếc lá rơi trên tóc chú.

- Đúng là rất gian nan. Những ngày nắng ráo thì bụi tung mù mịt, những ngày mưa thì đường rừng trơn bùn lầy, mưa cứ xối thẳng vào mặt. Bọn chú có lúc cũng thấy sợ bom đạn. Nhưng đó chỉ là cái cảm giác của thời gian đầu thôi. Sau thì chỉ có thẳng tiến. Vui nhất là lúc gặp mấy cô thanh niên mở đường, người con gái nào cũng dịu dàng và anh dũng. Con gái mà còn thế huống chi các chú – những chàng trai can trường càng phải cứ thẳng mà tiến chứ.

- Hay thật đấy! Ước gì cháu được lớn bằng các chú nhỉ! À, chú này, kỉ niệm nào làm chú nhớ nhất, tiết lộ cho cháu với.

Chú mỉm cười, lắc đầu:

- Nhóc này, nhiều chuyện quá. Nhưng dù sao chú cũng chưa tâm sự với ai, nghe xong cấm phát biểu cảm nghĩ đó nha.

- Đồng ý! Tôi giơ cả hai tay lên rồi cười hì hì…

Tiếng lá rừng xôn xao, những giọt nắng nhỏ nghịch ngợm, luồn qua kẽ lá, chui xuống chỗ chú cháu tôi ngồi mà nhảy nhót. Tất cả đã sẵn sàng lắng nghe giọng kể ấm áp của người chiến sĩ.

- Đó là bữa cơm của ngày đầu tiên chú đến tiểu đội. Chú bị gọi là “cô dâu mới về nhà chồng” đấy, ngượng và xấu hổ lắm. Trời, chú không thể tưởng tượng được, một mâm cơm trải dàn những bát và đũa, chỉ có ba món: Rau rừng luộc, canh măng rừng và ít thịt nạc khô. Bỗng một anh cầm đũa gõ keng keng vào bát, tất cả cùng hòa nhịp hát rộn vang cả khu rừng. Vui ghê! Tất cả mọi khoảng cách bỗng đều tan biến đi hết. Bữa ăn tuy đạm bạc nhưng làm chú xúc động quá. Họ gắp cho nhau từng miếng thịt. Bữa ăn đầu tiên ấy tuyệt thật, một bữa ăn bình thường thôi nhưng dù muốn quên chú cũng chẳng thể quên được.

Tôi thấy hình như đôi mắt chú rưng rưng. Cả tôi nữa, tôi vừa cảm nhận được một thứ tình cảm “gia đình” rất đặc biệt của những người lính…

- Cô bé này sao bỗng thộn người ra thế?

- Chú ơi, cháu đói quá!

Vừa lúc ấy một chú khắp khu lều gọi mọi người.

- Anh em ơi, đi ăn cơm nào!

Vậy là tôi lại được gặp lại bữa ăn đầu tiên ở tiểu đội của chỉ huy trưởng rồi!

Ăn xong, các chú lại quây quần bên đống lửa, tiếng đàn ghi ta vang lên hòa cùng tiếng hát của những người lính. “Xe ta bon trên những dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương mà xe ta băng ra chiến trường…”…

Khúc quân hành ấy cứ ngân vang, ngân vang, vọng khắp khu rừng…Tôi đã trở lại con đường đến trường từ bao giờ mà khúc hát vẫn âm vang khiến lòng tôi xao xuyến mãi.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com