Soạn chi tiết Ngữ văn 12 CTST bài 8 Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh)

Hướng dẫn giải chi tiết bài 8 Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh) bộ sách mới Ngữ văn 12 tập 2 Chân trời sáng tạo. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

I. TRƯỚC KHI ĐỌC   

Câu 1: Chia sẻ với các bạn trong lớp cảm nhận của bạn về một bài thơ/câu thơ hay của tác giả Hồ Chí Minh, trong đó có hình ảnh vầng trăng hoặc hình ảnh mùa xuân.

Bài làm chi tiết: 

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng - Hồ Chí Minh)

Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh Bác bị bắt giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch đã thể hiện được tình yêu thiên nhiên cùng phong thái ung dung, tinh thần thép của người tù cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Bài thơ đã thể tình yêu thiên nhiên đến say mê và khát vọng tự do mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh sống của Bác:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Hai câu thơ đầu ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện. Trăng, hoa, rượu là ba thú vui tao nhã của khách tài tử văn chương. Đêm nay trong tù, Bác thiếu hẳn rượu và hoa, nhưng tâm hồn Bác vẫn dạt dào trước vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên. Chỉ có người có tâm hồn lạc quan, mơ mộng với lối suy nghĩ tích cực mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên sau song sắt. Tâm hồn người thi sĩ như được tưới mát bởi cảnh đẹp đêm khuya. Dù lòng còn nhiều bộn bề nhưng không thể hững hờ trước cảnh đẹp ngay trước mắt mình.

Trong khung cảnh đó, người thi sĩ như thả hồn mơ mộng, hòa hợp theo cảnh đẹp trước mắt:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái. Trăng được nhân hóa như một người bạn tri âm, tri kỉ từ viễn xứ đến chốn ngục tù tăm tối thăm người. Trong mối tương giao tri kỉ tri âm giữa con người và vầng trăng, cái song sắt hiện lên thật thô bạo và bất lực. Người xưa ngắm trăng thấy trăng đẹp trăng trong càng ngậm ngùi cho cõi đời trầm luân cát bụi. Với Hồ Chí Minh, người ngắm trăng, mê trăng thì trăng cũng mê người. Đây không chỉ là cái hay của bút pháp mà chính là vẻ đẹp của một nhân sinh quan. Hai câu thơ được cấu trúc đăng đối tạo nên sự cân xứng hài hòa giữa người và trăng, giữa ngôn từ, hình ảnh và ý thơ.

Bài thơ Ngắm trăng đã thể hiện tình cảm song phương đều mãnh liệt của cả người và trăng, cả hai đều chủ động tìm đến giao hòa cùng nhau. Bài thơ cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên say mê và phong thái ung dung của Bác ngay cả trong cảnh tù đày. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn giá trị của nó và góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú cho nền văn học Việt Nam.

II. ĐỌC VĂN BẢN

Câu hỏi: Hãy hình dung không gian đêm rằm tháng Giêng.

Bài làm chi tiết: 

Trăng đêm nay sáng và tròn vành vạnh hòa quyện cùng khung cảnh sông nước, mây trời, khói sóng càng làm cho cảnh sắc thêm bao la, thi vị. Không gian đêm rằm tháng Giêng thật thơ mộng, lung linh huyền ảo. Cùng với đó là không gian, sức sống của mùa xuân: “xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”. Điệp từ “xuân” nối tiếp nhau càng tạo nên sự sinh sôi, căng tràn nhựa sống. 

=> Hai câu thơ đầu đã khắc họa lên bức tranh thiên nhiên đêm rằm tháng Giêng với một khung cảnh thật bình yên, thơ mộng, đẹp đẽ, bao la rộng lớn và tràn đầy sức sống. 

Câu hỏi: Chú ý hình ảnh con thuyền chở trăng trong hai dòng thơ cuối

Bài làm chi tiết: 

Thể hiện được sức lan tỏa của ánh trăng trong đêm rằm, đồng thời còn nói lên được ý nguyện, niềm mong ước vươn tới những thắng lợi, thành công trong sự nghiệp cách mạng của tác giả qua hình ảnh con thuyền chở trăng trong hai dòng thơ cuối.

III. SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Xác định bố cục của bài thơ. 

Bài làm chi tiết: 

Bố cục bài thơ gồm 2 phần:

+ Phần 1: Hai câu thơ đầu: Cảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng.

+ Phần 2: Hai câu thơ sau: Con người cách mạng trong đêm trăng.

Câu 2: Cho biết trong hai dòng thơ đầu: 

a. Cảnh đêm nguyên tiêu được gợi tả với những nét đặc trưng nào? 

b. Hình ảnh, từ ngữ, vần, nhịp trong nguyên tác có tác dụng như thế nào trong việc gợi tả những nét đặc trưng ấy?

Bài làm chi tiết: 

  1. Cảnh đêm nguyên tiêu được gợi tả với những nét đặc trưng:

-Không gian, cảnh sắc thiên nhiên được khắc họa trong một đêm trăng, nhưng không phải là đêm trăng bình thường mà vào đêm trăng rằm tháng giêng. Trăng lúc này đang ở độ tròn trịa, đẹp nhất - “nguyệt chính viên”.

-Điệp từ “xuân” gợi hình ảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống, sức trẻ khắp không gian bao la: Cây cối, sông nước, bầu trời, mây gió,... trong đêm rằm tháng Giêng.

-Không gian bao la vô vận được mở rộng qua ba chiều: chiều cao của ánh trăng, chiều dài rộng của sông nước tiếp giáp với bầu trời. 

  1. Trong nguyên tác sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, tác giả khắc hoạ hình ảnh thơ mang một màu sắc cổ điển mà bình dị, gần gũi, có kết hợp với vần, nhịp linh hoạt tạo cho câu thơ có nhạc điệu, sắc thái uyển chuyển. 

Câu 3: So với hai dòng thơ đầu, bức tranh đêm nguyên tiêu ở hai dòng thơ cuối có gì khác biệt? Theo bạn, dòng thơ thứ ba Yên ba thâm xứ đàm quân sự (Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân) có vai trò gì trong việc tạo ra sự khác biệt đó? 

Bài làm chi tiết: 

Hai dòng thơ đầu hình ảnh vầng trăng sáng nhưng trăng lúc này ở trên cao vời vợi, thuộc về thiên nhiên.

Hai dòng thơ cuối hình ảnh ánh trăng đã soi chiếu, hòa quyện cùng với không gian bao la, trăng lúc này đã gắn liền với con người. 

“Yên ba thâm xứ” gợi ra một khoảng không gian mênh mông, rộng lớn với khói sóng mịt mù kết hợp với hoàn cảnh “đàm quân sự” đã hoàn toàn xóa đi nỗi sầu li hương, nỗi nhớ nhà của những tao nhân mặc khách khi nhắc đến “khói sóng” trong thơ xưa. Trăng lúc này như đang dõi theo chiếc thuyền bàn việc quân trên sông nước, ánh trăng là biểu tượng cho hòa bình và cũng chính bởi vậy, khi hình ảnh ánh trăng chiếu sáng đầy thuyền cũng như thể hiện một khát vọng, lí tưởng soi đường cho cách mạng, mong ước kháng chiến thắng lợi của Bác để đưa nhân dân thoát khỏi lầm than, đưa đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc, xâm lăng. 

Câu 4: Bạn cảm nhận thế nào về hình ảnh con thuyền chở trăng ở dòng thơ cuối Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng)? 

Bài làm chi tiết: 

Ở dòng thơ cuối, hình ảnh “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” chính là sự lan tỏa một cách mạnh mẽ của ánh trăng. Trăng lúc này đã trở nên gắn bó, như có sự đồng hành cùng với người thi nhân ấy, một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ trong cách thưởng thích vẻ đẹp ánh trăng của người nghệ sĩ. Qua đó thể hiện một tâm hồn giao cảm, giao hòa với thiên nhiên, đầy thi vị, lãng mạn của tác giả.

Câu 5: Nêu cảm nhận của bạn về tâm hồn, phong thái của nhà thơ Hồ Chí Minh qua bài thơ. 

Bài làm chi tiết: 

Cảm nhận về tâm hồn, phong thái của nhà thơ qua bài thơ:

Nhà thơ Hồ Chí Minh với một tâm hồn yêu thiên nhiên say đắm, nhìn thiên nhiên với con mắt trìu mến, khám phá và cảm nhận, tận hưởng một cách sâu sắc vẻ đẹp của thiên nhiên. Cùng với có là một phong thái ung dung, tự tại lạc quan và luôn hết mình vì lí tưởng, vì nghĩa lớn của người chiến sĩ cộng sản được thể hiện qua bài thơ.

Câu 6: Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng, thơ của tác giả Hồ Chí Minh thường có sự kết hợp giữa tính cổ điển và tính hiện đại. Bài thơ Nguyên tiêu có thể hiện sự kết hợp hai tính chất đó hay không? Vì sao?

Bài làm chi tiết: 

Trong những nét riêng biệt tạo nên sự đặc sắc nghệ thuật ấy chính là sự kết hợp giữa tính cổ điển và tính hiện đại. Với một khối lượng những sáng tác không nhỏ, thơ của tác giả Hồ Chí Minh luôn được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá cao cả về nghệ thuật và hình thức mang đầy những nét đặc sắc riêng.  Bài thơ “Nguyên tiêu” cũng đã cho thấy được sự kết hợp này.

Trong bài thơ “Nguyên tiêu”, tính cổ điển và hiện đại được thể hiện ở chỗ:

Tính cổ điển:

+ Mang đậm tinh thần dân tộc và truyền thống yêu quê hương, yêu nước, gắn bó tha thiết của nhân dân Việt Nam

+ Sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh truyền thống trong thơ

+ Đưa vào đó những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.

Tính hiện đại:

+ Với một tinh thần cổ điển, nhưng bài thơ vẫn thể hiện được sự mới mẻ, hiện đại qua cách diễn đạt ý nghĩa sâu sắc, tinh tế và tài hoa của người nghệ sĩ.

+ Người đọc cảm nhận được sự chân thực, tường tận trong việc truyền đạt ý nghĩ, tâm trạng cùng nỗi suy tư của tác giả.

+ Sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, có thể tiếp cận được với độc giả thời nay.

=> Chính vì vậy, bài thơ “Nguyên tiêu” của tác giả Hồ Chí Minh được coi là một minh chứng, ví dụ cụ thể cho sự kết hợp giữa tính cổ điển và hiện đại trong văn học. Qua đó còn nhận thấy được sự sáng tạo và tính đa chiều trong cách thể hiện cảm xúc, tư duy của tác giả. Đồng thời giúp người đọc thấu hiểu được cả những thông điệp, suy tư mà tác giả gửi gắm.

Tìm kiếm google:

Soạn văn 12 chân trời tập 2, soạn ngữ văn 12 CTST bài 8 Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh), soạn bài 8 Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh) ngữ văn 12 chân trời sáng tạo

Xem thêm các môn học

Soạn ngữ văn 12 tập 2 CTST mới


Copyright @2024 - Designed by baivan.net