Soạn mới giáo án Kinh tế pháp luật 11 cánh diều bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Soạn mới Giáo án kinh tế pháp luật 11 cánh diều bài Bình đẳng giới trong đời sống xã hội. Đây là bài soạn mới nhất theo mẫu công văn 5512. Giáo án soạn chi tiết, đầy đủ, trình bày khoa học. Tài liệu có bản word tải về. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích để thầy cô tham khảo và nâng cao chất lượng giảng dạy. Mời thầy cô và các bạn kéo xuống tham khảo

Web tương tự: Kenhgiaovien.com - tech12h.com - Zalo hỗ trợ: nhấn vào đây

Rõ nét về file powerpoint trình chiếu. => Xem thêm

Ngày soạn:…/…/…

Ngày dạy:…/…/…

 

BÀI 11. BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

 

  1. MỤC TIÊU
  2. Về kiến thức

Sau bài học này, HS sẽ:

  • Nêu được các quy định cơ bản của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
  • Nhận biết được ý nghĩa của bình đẳng giới đối với đời sống con người và xã hội.
  • Đánh giá được các hành vi vi phạm bình đẳng giới trong các tình huống đơn giản, cụ thể của đời sống thực tiễn.
  • Thực hiện được quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
  1. Năng lực

Năng lực chung:

  • Năng lực giao tiếp và hợp tác: Thiết lập, duy trì, phát triển các mối quan hệ với bạn bè và những người xung quanh để thực hiện được quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
  • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Biết đặt câu hỏi có giá trị, không chấp nhận thông tin một chiều, không thành kiến khi nhận biết ý nghĩa của bình đẳng giới trong đời sống con người và xã hội.

Năng lực đặc thù:

  • Năng lực điều chỉnh hành vi: Đánh giá được các hành vi vi phạm bình đẳng giới trong các tình huống đơn giản, cụ thể của đời sống thực tiễn.
  • Năng lực tìm hiểu và tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội: Lí giải được quyền và nghĩa vụ công dân khi nêu các quy định cơ bản của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
  1. Phẩm chất:
  • Nhân ái: Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác giới, giới tính.
  • Trách nhiệm: Tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới.
  1. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
  2. Đối với giáo viên
  • SGK, SGV, SBT môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11, Giáo án;
  • Tranh/ ảnh, clip, câu chuyện, thông tin liên quan tới bài học;
  • Giấy A4, phiếu học tập, đồ dùng đơn giản để sắm vai;
  • Máy tính, máy chiếu, bài giảng Powerpoint,...(nếu có).
  1. Đối với học sinh
  • SGK, SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11.
  • Vở ghi, bút, dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
  2. Mục tiêu: Giúp HS huy động được những hiểu biết của bản thân về bình đẳng giới; bước đầu làm quen với các quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
  3. Nội dung:

- GV tổ chức trò chơi “Ai biết nhiều hơn” chủ đề những quy định của pháp luật đề cập đến bình đẳng giới.

- GV dẫn dắt vào bài học.

  1. Sản phẩm học tập: Một số quy định của pháp luật về bình đẳng giới gần gũi với lứa tuổi mà HS biết.
  2. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

  • GV tổ chức cho cả lớp chơi trò chơi “Ai biết nhiều hơn”.
  • Chia lớp thành các đội chơi (khoảng 4 đội). Yêu cầu: Trong thời gian 3 phút, các đội viết vào bảng nhóm/giấy A3 những quy định của pháp luật đề cập đến bình đẳng giới. Trong thời gian quy định, đội nào nêu được nhiều quy định của pháp luật hơn, đúng hơn là đội thắng cuộc.

(Lưu ý: HS có thể không cần nêu trực tiếp tên của Luật, số của điều luật; không nhất thiết phải chính xác từng chữ trong điều luật, chỉ cần nêu một cách gián tiếp pháp luật quy định như thế nào về giới, giới tính, bình đẳng giới…)

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

  • HS thảo luận nhóm nhóm thực hiện nhiệm vụ.
  • GV quan sát HS chơi trò chơi.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

  • Hết thời gian 3 phút, GV yêu cầu HS treo bảng nhóm/ giấy A3 vào vị trí quy định.
  • GV hướng dẫn HS xác định đội thắng cuộc (viết được nhiều hơn, đúng hơn).
  • GV hướng dẫn HS xác định các quy định có nội dung giống nhau. Lựa chọn một số quy định và gọi HS của các đội (3 - 5HS) nêu cách hiểu về những quy định đó.

Gợi ý trả lời:

+ Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”

+ Khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.”

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

  • GV dựa vào câu trả lời của HS để dẫn dắt vào nội dung bài mới: Để hiểu rõ hơn về các quy định cơ bản của pháp luật về bình đẳng giới, ý nghĩa của bình đẳng giới trong đời sống con người và xã hội, đánh giá được các hành vi vi phạm bình đẳng giới trong các tình huống cụ thể trong đời sống thực tiễn.

Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài học hôm nay - Bài 11. Bình đẳng giới trong đời sống xã hội.

  1. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Tìm hiểu ý nghĩa của bình đẳng giới

  1. Mục tiêu: Giúp HS biết đặt câu hỏi có giá trị, không chấp nhận thông tin một chiều, không thành kiến khi nhận biết ý nghĩa của bình đẳng giới trong đời sống con người và xã hội.
  2. Nội dung:

- GV hướng dẫn HS đọc thông tin, trường hợp trong SGK tr.73-74 và trả lời câu hỏi.

- GV rút ra kết luận về ý nghĩa của bình đẳng giới.

  1. Sản phẩm học tập: Kết quả phân tích thông tin, trường hợp theo các câu hỏi SGK.
  2. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV giao nhiệm vụ cho HS theo nội dung sau:

+ Hoạt động cá nhân: Đọc thông tin, trường hợp và trả lời 3 câu hỏi trong SGK trang 73, 74:

a) Theo em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong thông tin 1 mang lại quyền gì cho cá nhân và xã hội?

b) Tình trạng bất bình đẳng giới trong thông tin 2 nếu được giải quyết sẽ mang lại lợi ích gì cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam?

c) Em hãy xác định biểu hiện và ý nghĩa của bình đẳng giới trong trường hợp trên.

+ Sau đó hoạt động nhóm: Thảo luận để thống nhất các câu trả lời và đặt ít nhất 2 câu hỏi về giới, bình đẳng giới, ý nghĩa của bình đẳng giới đối với con người và xã hội.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS lần lượt đọc và phân tích các thông tin, trường hợp, thảo luận theo 3 câu hỏi trong SGK.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS khi cần.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV tổ chức cho HS báo cáo câu trả lời cho các câu hỏi SGK theo kĩ thuật phòng tranh.

a) Tạo ra sự công bằng và bình đẳng khi đối xử giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; tạo ra cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực; tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng về giới tính…

b) Tăng cường sự phát triển kinh tế; tăng cường sức khỏe cộng đồng; giảm tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến giới; mọi người đều có cơ hội và được đối xử công bằng, tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định hơn cho quốc gia; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững…

c) Biểu hiện: Không có phân biệt giới tính; không có ai được xem là người mạnh hơn hay yếu hơn vì giới tính, mọi người đều quan trọng như nhau.

Ý nghĩa: Tạo môi trường làm việc và cuộc sống hòa đồng, cân bằng giữa các thành viên trong gia đình, áp lực trong cuộc sống được san sẻ; giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn; tăng cường sự tự tin và độc lập của người phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

- Về các câu hỏi do HS đặt ra, GV yêu cầu các nhóm khác trả lời (nhóm 2 trả lời nhóm 1, nhóm 3 trả lời nhóm 2…).

- Các nhóm HS nhận xét và bổ sung ý kiến cho nhau (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá sản phẩm của các nhóm, thái độ làm việc của HS trong nhóm

- GV dựa trên sản phẩm của các nhóm và kết quả thảo luận để hướng dẫn HS kết luận.

- GV chuyển sang hoạt động tiếp theo.

1. Ý nghĩa của bình đẳng giới

- Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

- Bình đẳng giới tạo điều kiện, cơ hội để nam và nữ phát huy năng lực của mình; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau trong đời sống gia đình và xã hội.

- Bình đẳng giới góp phần phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững; là mục tiêu và thước đo sự tiến bộ của một xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoạt động 2: Tìm hiểu quy định của pháp luật về bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

  1. Mục tiêu: HS lí giải được quyền và nghĩa vụ công dân về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

- GV hướng dẫn HS đọc các thông tin trong SGK tr.74-80 và thảo luận nhóm thực hiện nhiệm vụ theo kĩ thuật mảnh ghép.

- GV rút ra kết luận về một số quy định của pháp luật về bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

  1. Sản phẩm học tập: Bài thuyết trình lí giải các quy định của pháp luật theo từng lĩnh vực.
  2. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

GV tổ chức cho HS thảo luận theo 2 vòng:

Vòng 1: Hình thành nhóm chuyên gia (có thể giao để HS thực hiện ở nhà)

- GV tạo nhóm chuyên gia (5 nhóm), giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm nghiên cứu thảo luận quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong một lĩnh vực với nội dung sau:

+ Đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi SGK trang 74 - 80 thuộc lĩnh vực nhóm được phân công:

Nhóm 1. Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Nhóm 2. Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động.

Nhóm 3. Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

Nhóm 4. Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ.

Nhóm 5. Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.

+ Trao đổi, thảo luận thống nhất các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực đó. Tìm các ví dụ thực tiễn để minh họa cho từng lĩnh vực.

Vòng 2: Hình thành nhóm mảnh ghép (thực hiện tại lớp học)

- GV tạo 5 nhóm mới sao cho thành phần của mỗi nhóm mới có đủ thành viên của 5 nhóm ở vòng chuyên gia (vòng 1).

- GV giao nhiệm vụ cho các nhóm mới như sau:

+ HS các nhóm trong vai trò chuyên gia lần lượt trình bày kết quả làm việc ở vòng 1 trước cả nhóm, giải đáp thắc mắc của những thành viên khác (nếu có).

+ Người điều hành nhóm mới tổ chức phần thảo luận từng nội dung để thống nhất chung. Ghi kết quả vào bảng nhóm, cử đại diện báo cáo trước lớp.

- Dựa trên phần thảo luận và kết quả làm việc của HS, GV hướng dẫn HS kết luận từng lĩnh vực theo phần kết luận trong SGK.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS làm việc nhóm, đọc thông tin SGK tr.74-80 và thực hiện nhiệm vụ.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV yêu cầu các nhóm treo bảng phụ vào vị trí, gọi đại diện 1 nhóm trình bày.

a) Trong lĩnh vực chính trị: Nam nữ bình đẳng trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quản lí, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; bình đẳng trong xây dựng quy chế, quy định của cơ quan, trong tự ứng cử và giới thiệu đại biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân…

b) Trong lĩnh vực kinh tế, lao động:

+ Nam nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, kinh doanh; bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng…

+ Giải thích để ông T hiểu: Pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động giúp cho mọi người đều có cơ hội làm việc theo đúng năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc đã làm.

+ Hành vi của Giám đốc công ty xuất nhập khẩu X là sai: Pháp luật quy định nam và nữ đều bình đẳng về chuyên môn, công việc…

c) Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học: Nam nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, hưởng thụ chính sách giáo dục; bình đẳng tiếp cận ứng dụng khoa học và công nghệ; bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Ví dụ: được tham gia đá bóng, học tập…

d) Trong lĩnh vực gia đình: Chị M đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, Vợ chồng chị M bình đẳng trong tất cả các công việc của gia đình và xã hội.

- Các nhóm còn lại nhận xét và bổ sung ý kiến.

- HS kết luận từng lĩnh vực theo phần kết luận trong SGK.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét, đánh giá và kết luận.

- GV chuyển sang nội dung tiếp theo.

2. Pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

 a. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lí nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lí, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

b) Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động

- Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lí doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

- Quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động giúp cho tất cả mọi người đều có cơ hội được làm việc theo đúng năng lực của bản thân và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc bản thân đã làm.

c) Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ

- Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

- Nam, nữ bình đẳng trong tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát minh, sáng chế.

- Nam, nữ được bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao; bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng tin, các nguồn thông tin.

- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

d) Pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

- Trong gia đình, vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

- Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

- Các thành viên nam, nữ trong gia đình đều có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

 

Hoạt động 3: Thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới

  1. Mục tiêu:

- HS thiết lập, duy trì, phát triển các mối quan hệ với bạn bè và những người xung quanh để thực hiện được quy định của pháp luật về bình đẳng giới.

- HS đánh giá được các hành vi vi phạm bình đẳng giới trong các tình huống đơn giản, cụ thể của đời sống thực tiễn.

- HS tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ người khác thực hiện được quy định của pháp luật về bình đẳng giới.

  1. Nội dung:

- GV hướng dẫn HS thảo luận báo cáo thông tin, tình huống trong SGK: lựa chọn loại hình báo cáo, trả lời các câu hỏi.

- GV rút ra kết luận việc thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới.

  1. Sản phẩm học tập: Kịch bản/kế hoạch được xây dựng dựa trên thông tin, tình huống, câu hỏi.
  2. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV giao nhiệm vụ cho HS:

+ Dựa vào thông tin, tình huống và ba câu hỏi trong SGK tr.80 - 81, thảo luận để chọn loại hình thể hiện: sân khấu hóa/sinh hoạt lớp/tọa đàm/hội thi/sinh hoạt câu lạc bộ/…

+ Các nhóm xây dựng kịch bản/kế hoạch từ thông tin hoặc tình huống (có thể bổ sung thêm tình tiết, nhân vật cho phù hợp với vùng miền, địa phương).

+ Thực hiện hoạt động theo hình thức đã chọn trước lớp.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS thực hiện nội dung theo định hướng của GV.

- GV theo dõi, hỗ trợ HS trong quá trình học tập.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV tổ chức cho HS báo cáo kết quả thông qua hình thức đã chọn và thảo luận.

a Việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa XV không bị coi là bất bình đẳng giới. Đây là một trong các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006).

b. Anh G và chị H đều có cơ hội làm việc theo đúng năng lực của bản thân và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc bản thân đã làm. Giám đốc Công ty A nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ đều bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm.

+ Bạn Dương nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.

c. HS có thể chia sẻ những việc đã làm: Bầu ban cán sự lớp thì căn cứ vào thành tích học tập và khả năng tổ chức, quản lí để bình chọn mà không căn cứ vào người đó là nam hay nữ.

- Các nhóm khác nhận xét, bổ sung (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét và kết luận.

- GV chuyển sang nội dung tiếp theo.

3. Thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới

- Nhà nước ban hành chính sách để bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả của sự phát triển. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

- Gia đình tạo điều kiện để các thành viên chia sẻ hợp lí công việc gia đình, đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

- Công dân nam, nữ có trách nhiệm học tập pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện hành vi đúng mực về bình đẳng giới. Phê phán, đấu tranh với những định kiến giới, những hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở nhà trường, gia đình và cộng đồng; vận động, thuyết phục người khác thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

 

 

Soạn mới giáo án Kinh tế pháp luật 11 cánh diều bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Nâng cấp lên tài khoản VIP để tải tài liệu và dùng thêm được nhiều tiện ích khác


Từ khóa tìm kiếm: giáo án kinh tế pháp luật 11 cánh diều mới, soạn giáo án kinh tế pháp luật 11 cánh diều bài Bình đẳng giới trong đời sống xã hội, giáo án kinh tế pháp luật 11 cánh diều

Soạn giáo án kinh tế pháp luật 11 Cánh diều


Copyright @2024 - Designed by baivan.net

Chat hỗ trợ
Chat ngay