Soạn văn 6 siêu ngắn bài: Bài viết sô 7 văn miêu tả sáng tạo

Soạn văn 6 siêu ngắn bài: Bài viết sô 7 văn miêu tả sáng tạo - sgk ngữ văn lớp 6 tập 2. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được soạn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý.

[toc:ul]

Đề 1: Em hãy tả lại quang cảnh một phiên chợ theo tưởng tượng của em 

Trả lời

“Ai xôi lạc, bánh khúc đây...” Một tiếng rao chợt cất lên giữa lòng thành phố, thổn thức gọi về một miền kí ức xa xưa. Gọi về trong tâm trí em những hình ảnh đầy thân thương của phiên chợ quê những ngày còn thơ bé. Phiên chợ mà nay chỉ còn trong hoài niệm và nhung nhớ.

Em với mình theo tiếng rao kia, sâu trong trái tim, hình ảnh phiên chợ hồi ở quê ngoại ùa về như dòng nước lũ. Những ngày còn bé, em được bà ngoại thương yêu, chăm sóc. Từng cảnh vật của làng quê thanh bình nơi ấy đã lặng lẽ khắc sâu vào hồi ức của em.

Mỗi sáng tinh mơ, gà trong căn xóm nhỏ cùng nhau cất lên bản hòa ca vang dội, đánh thức mọi vật khỏi giấc ngủ say, cùng đón chào ngày mới. Khi làn sương mờ mờ ảo ảo còn giăng kín khắp nơi, các bà các mẹ đã lục tục chuẩn bị nhóm bếp, gánh gánh gồng gồng cho kịp phiên chợ sớm. Phiên chợ này đã trở thành nếp sinh hoạt quê hương, ngày qua ngày, dù nắng hay mưa, chợ vẫn đều đặn họp phiên như vậy. Trên con đường làng quanh co, uốn khúc, từng tốp người đi lại, hướng về phía chợ ở đầu làng. Tiếng nói cười rôm rả báo hiệu một ngày mới nhiều thuận lợi.

Theo chân các bà, các chị, toàn cảnh phiên chợ dần hiện ra trước mắt. Trong ánh nắng ban mai chan hòa, phiên chợ như một bức tranh thủy mặc của danh họa nổi tiếng. Dưới những mái vòm cong cong, hàng hóa lần lượt được bày bán. Phía bên này là tôm, cua, cá,... thủy hải sản. Những con cá bụng bạc trắng vừa theo chuyến tàu đêm trở về từ biến lớn vẫn còn sức vẫy vùng bắn tung cả bọt nước. Phía bên kia, bao nhiêu loại rau, củ quả thỏa sức khoe mình, màu sắc xanh mơn mởn và phong phú như mời gọi người mua. Vài giọt sương sớm long lanh còn đọng lại như những viên pha lê trong suốt, phản chiếu cả phiên chợ thu nhỏ qua lăng kính của nó.

Phóng tầm mắt ra xa hơn chút nữa và chăm chú lắng nghe, tiếng lách cách chặt của cô hàng thịt nhẹ nhàng len lỏi cùng lời mời đon đả của người bán. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà... loại nào cũng có. Phiên chợ vùng quê không thể thiếu đi những hương vị quen thuộc của nơi đây. Hương vị của xôi nếp trắng dẻo, ngọt bùi cùng bánh khúc lấp ló xanh, mặn mặn béo ngậy thịt đỗ. Hương thơm dịu dịu mà cuốn hút của cô hàng bánh cuốn, bánh rán cùng hòa quyện vào nhau giục bước chân người mua về phía mình. Đó là hương vị của những thức quà quê mà mãi sau này, bao người vẫn hoài niệm, là hương vị quê hương trong trái tim những người con xa quê.

Nhắc đến phiên chợ sớm mai quê ngoại, không thể không nhắc đến quần áo, vải vóc bán tại nơi này. Những gian hàng, sạp hàng trưng bày quần áo đủ loại, đủ mẫu và màu sắc. Thấp thoáng bóng dáng những người mẹ đang tỉ mỉ lựa chọn cho chồng, cho con những bộ quần áo đẹp. Khuôn mặt người phụ nữ thoáng đăm chiêu rồi ánh lên một nét cười hạnh phúc. Tiếng rao, tiếng chào hàng đon đả, dẻo ngọt, tiếng cò kè mặc cả, tiếng xe vào chợ và tiếng cười trong câu chuyện của những người bán hàng trộn lẫn vào nhau mà không chút ồn ào khó chịu. Ngược lại, những âm thanh ấy đã trở thành âm thanh chỉ thuộc về phiên chợ quê hương.

Cuộc sống hiện đại không ngừng đổi thay theo thời gian. Song nhìn vào phiên chợ này, nhìn những chiếc thúng làm từ đôi tay người thợ đan lát, màu nâu hiền hòa như màu đất mẹ, nhìn những gánh hàng mộc mạc, đơn sơ, em chợt nhận ra nét đẹp hiếm hoi giữa cuộc sống xô bồ, vội vã. Đó là những gì bình dị, thân thương nhất của làng quê Việt – phiên chợ quê mỗi sớm hôm.

Sau này, chuyển về nơi phố phường phồn hoa, náo nhiệt, phiên chợ ngày bé thơ đã trở thành hoài niệm tiếc nuối. Nhưng mỗi lần nhớ lại, lòng em đều lâng lâng cảm xúc khó tả, thổn thức nỗi nhớ và tình yêu cho nét đẹp quê hương – một nét đẹp nguyên sơ mà vô cùng quý giá.

Đề 2: Từ bài văn Lao xao của Duy Khánh, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời

Trả lời

Thiên nhiên là người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Thiên nhiên trong trái tim mỗi người một khác nhau, có thể là cánh đồng lúa chín cò bay thẳng cánh, là ngọn đồi gió lộng trong veo, là dòng sông quanh co uốn khúc, hay rặng tre rì rào gió thổi. Nhưng với em, thiên nhiên rất đơn giản và gần gũi thôi. Đó là khu vườn một buổi sớm mai.

Chú gà trống nào cất tiếng gáy vang, đánh thức cả một vùng quê khỏi giấc ngủ dài. Từng làn khói bếp bay lên không trung, quyện vào trong những làn mây như tấm khăn choàng mong manh, huyền ảo. Ông mặt trời vén màn mây mỏng, từ từ ló dạng ở đằng Đông. Ánh ban mai hồng hồng len lỏi khắp mọi ngóc ngách, chiếu sáng cả khu vườn nhỏ.

Tiết trời mát mẻ và dễ chịu, tiếng gọi mùa hè từ khu vườn tràn ngập sức sống níu bước chân em đến chiêm ngưỡng. Thật kỳ diệu biết bao! Trước mắt em, khu vườn hiện ra như một vùng đất rực rỡ, một bức tranh tuyệt đẹp! Ánh nắng tinh nghịch mà nhẹ nhàng vuốt ve cảnh vật, tràn ngập cả lối đi. Đuổi theo bước chạy của nắng và gió, sắc vàng của hoa cải lọt vào mắt em. Giữa màu xanh mơn mởn của lá rau, hoa cải bung nở từng chùm, nghiêng mình trong gió. Những cây bắp cải xanh non, đáng yêu phô ra thân hình béo tròn bụ bẫm, kiêu hãnh với những củ su hào bé nhỏ hơn mình. Những giọt sương long lanh còn đọng trên kẽ lá, đẹp như những viên pha lê trong suốt.

Gió nhẹ nhàng luồn qua mái tóc em, mang theo hương thơm nhẹ dịu đầy quyến rũ của hoa hồng. Những nụ hoa còn chúm chím hôm qua, nghe tiếng gọi của thời gian mà nở rộ chào ngày mới. Cạnh đó, vài bông hoa dại vô danh khiêm tốn giấu bộ váy giản dị trắng tinh sau chiếc lá xanh thẫm. Cây bưởi già cuối vườn cũng âm thầm, lặng lẽ đơm bông. Cơn gió mạnh thổi qua khiến cánh hoa lả tả rơi, dệt một tấm thảm hoa bưởi trên nền đất. Dập dờn trong ánh nắng, ong bướm từ phương trời nào rủ nhau kéo đến, chăm chỉ lấy phấn hoa để làm mật ngọt cho đời. Những chú chim cất tiếng hót líu lo, ríu rít chuyền cành, cùng nhau hòa tấu lên bản nhạc chào ngày mới, gọi mùa hè về trong từng nhịp thở.

Mặt trời dần lên cao, ánh nắng dịu nhẹ cũng trở nên gay gắt. Cây chuối già đang trổ hoa nghiêng bóng soi mình xuống mặt ao xanh thẳm. Gà mẹ lích chích gọi đàn con nhỏ, từng cục bông vàng nhỏ xíu lon ton chạy theo chân gà mẹ, hưng phấn ồn ào khi bới được thức ăn từ lòng đất. Gió vẫn rì rào thổi khiến cả khu vườn lao xao tiếng lá rụng. Bầu trời trong xanh và cao vút. Cả khu vườn yên lặng khoe sắc, đẹp như một mảnh ghép của bức tranh làng quê thanh bình. Em khoan khoái hít thở bầu không khí trong vườn, tâm hồn bình yên đến lạ.

Một khu vườn nhỏ bé, đơn sơ nhưng chứa đựng trong mình vẻ đẹp kỳ diệu hơn thế. Một chút nắng, một chút gió và một chút yêu thương ngọt ngào. Hình ảnh khu vườn một sớm ban mai trong trẻo mà đẹp đẽ sẽ là hình ảnh quý giá của quê hương, của mái nhà thân yêu mà em luôn ghi nhớ và mang theo đến cuối cuộc đời.

Đề 3: Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông Tiên theo trí tưởng tượng của mình.

Trả lời

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

...

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì được phật, tiên độ trì.”

Năm tháng qua đi, truyện cổ tích đã trở thành tuổi thơ cúa rất nhiều, rất nhiều thế hệ Việt Nam. Qua những câu chuyện kể của bà, của mẹ ngày xưa, hình ảnh cô Tấm dịu hiền nết na, anh Khoai chăm chỉ càn cù, Thạch Sanh tài nghệ dũng cảm... đã in sâu vào tâm trí. Song trong những câu chuyện ấy, hình ảnh quen thuộc nhất chắc hẳn là ông Tiên.

Một buổI trưa hiu hiu gió thổi, em thiếp đi, chìm vào giấc mơ. Trong giấc mơ tuyệt vời, em may mắn gặp được ông tiên. Ông Tiên hiện lên thật gần gũi biết bao! Khuôn mặt ông tròn trĩnh, phúc hậu, da dẻ hồng hào như những trái đào tiên ở thiên giới. Trên khuôn mặt của ông lão không biết đã mấy trăm năm tuổi nối bật một đôi mắt hiền từ, nhân hậu, sáng lấp lánh tựa như có thể nhìn thấu mọi sự trên đời. Nụ cười ấm áp của ông  thân thương như nụ cười của ông nội kéo theo cả chòm râu dài bạc trắng rung rung dễ mến. Mái tóc dài bạc như cước, búi củ tỏi như các cụ ông ngày xửa ngày xưa.

Đôi tai thần kỳ của ông có thể nghe được mọi thứ, nghe được nụ cười hạnh phúc và tiếng khóc tủi hờn, bất hạnh, nghe được những âm mưu ác độc xấu xa và cả những ước mơ, những khát khao nồng nàn, cháy bỏng. Vào thời điểm con người bế tắc, ông âm thầm dõi theo và xuất hiện giúp đỡ. Trong luồng ánh sáng chói mắt, ông từ từ hiện ra với bộ quần áo mang phong cách cổ đại màu trắng, đôi guốc mộc giản dị và cây phất trần quyền năng trên tay. Ông thong dong vuốt chòm râu bạc, trầm ấm cất tiếng hỏi han. Ông mang trong mình sức mạnh kỳ diệu và tấm lòng thương cảm, yêu mến bao la.

Ông là hiện thân cho cái thiện, cho chân lý “ở hiền gặp lành”. Trong cố tích “Tấm Cám” mà bà thủ thỉ kể ngày xưa, ông Tiên nghe được nỗi lòng cô Tấm, dùng phép thuật cho cô Tấm gặp nhà vua, vượt bao khó khăn khắc nghiệt về với cuộc sống hạnh phúc ấm êm. Ông Tiên hóa phép “Cây tre trăm đốt” giúp anh Khoai trị tên địa chủ, lấy người vợ là con gái ông ta. Cảm động tình mẫu tử thiêng liêng trong câu chuyện cổ tích “Bông cúc trắng”, ông chỉ đường cho cô bé hái được hoa cúc mang về chữa bệnh cho mẹ. Với cây phất trần trong tay và tấm lòng cao cả mênh mông, ông đi đến khắp nơi nơi, mang phép màu hạnh phúc đến cho tất cả những người xứng đáng. Ông Tiên bước ra từ truyện cổ tích, bước vào nhận thức non nớt của những đứa trẻ, dạy chúng em biết phân biệt thiện ác, biết sống tốt đẹp để mai sau “ở hiền gặp lành”.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, hình tượng ông Tiên không chỉ là hình ảnh thuộc về câu chuyện cổ tươi đẹp mà còn là biểu tượng cho tâm hồn dân tộc. Đó là những phẩm chất đời đời kiếp kiếp còn lưu – thương người và sống hiền lành, nhân hậu.

Đề 4: Hãy tả một nhân vật có hành động và ngoại hình khác thường mà em đã có dịp quan sát, đã đọc trong sách hoặc nghe kể lại.

Trả lời

Mỗi chúng ta, ai cũng có số phận của riêng mình. Có người may mắn, có những người lại kém may mắn hơn. Có người sinh sống bình thường, cũng có rất nhiều người lại không thể có được cuộc sống bình thường. Một lần tình cờ, em đã được nghe chị gái kể về một người đàn ông mang ngoại hình và hành động khác thường nhưng đáng kính vô cùng - đó là một người lính thương binh trở về từ chiến trường.

Chiến tranh khốc liệt đã lùi xa vào quá khứ, song những nỗi đau, những con người bước ra từ cuộc chiến vẫn còn đó. Họ vẫn sống, dù cuộc sống không bình thường như bao người khác. Chị gái em là một nhà báo trẻ. Chị đi khắp mọi nẻo đường, về khắp mọi miền quê để tìm và ghi lại những câu chuyện đã qua - những mảnh ghép quá khứ ngày ấy. Sau chuyến đi từ Quảng Trị trở về, chị cầm bức ảnh chụp một người đàn ông, lặng lẽ kể cho em nghe về người đó. 

Trong bức ảnh ngược nắng và giọng kể đều đều của chị, em nhìn thấy một người đàn ông đã ngoài bảy mươi tuổi, mái tóc bạc trắng như cước. Khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chất phác. Thời gian đã làm những nếp nhăn trên khuôn mặt, trên khóe mắt ông dày thêm xen những nốt đồi mồi ở làn da của những người đến tuổi xế bóng. Nụ cười bên miệng móm mém cùng ánh mắt lóe sáng lấp lánh. Vành mắt hơi cong cong tạo cho người xem ảnh cảm giác rất khó tả. Lưng ông đã còng xuống, có lẽ vì gánh nặng bao năm của cuộc đời. Chị bảo người dân xung quanh gọi ông là ông Hai Bình.

Nhưng em đã không kìm được xúc động khi nhìn đến bàn tay đang giơ lên trong bức ảnh. Trên đôi bàn tay ấy chỉ có duy nhất một ngón cái tay lành lặn, những ngón khác đều đã cụt hết. Ông cong cong ngón cái cùng mái đầu hơi gật xuống. Chị em bồi hồi nhớ lại khung cảnh chị chụp bức ảnh này, chị nói ông là một người cựu chiến binh của chiến trường miền Nam hơn năm mươi năm về trước. Bom đạn quân thù đã tàn phá nặng nề cột sống và cướp đi bốn ngón tay trên bàn tay phải của ông. Một điều đặc biệt nữa là ông không nói được, một loại chất độc ngày xưa rải xuống Trường Sơn đã khiến ông mất đi khả năng giao tiếp. Trong suốt quá trình trò chuyện với đoàn chị tôi, ông dùng ngôn ngữ của người câm và những nét chữ viết bằng tay trái.

Chiến tranh đã mang đến cho ông – người thanh niên năm ấy mới ngoài hai mươi tuổi những nỗi đau không thể tưởng tượng nổi. Nhưng khi chị em hỏi về những năm tháng ấy, trên khóe miệng ông luôn thường trực một nụ cười và ánh mắt sáng xa xăm đầy hoài niệm đầy tự hào. Trong lá thư gửi chị em – cô nhà báo mà ông thực sự cảm ơn, ông nói ông chưa bao giờ hối hận vì năm đó đã xung phong đi chiến đấu. Dù mất mát, dù đau thương, nhưng đó là lý tưởng của tuổi trẻ, là điều vô cùng ý nghĩa với cuộc đời ông. Ngón cái cong cong xuống trong ngôn ngữ của người câm, chị em nói đó là lời cảm ơn. Người đàn ông đã chịu đủ đau thương vẫn lạc quan vào cuộc đời, vẫn chân thành cảm ơn cuộc sống đã cho ông cơ hội để hoàn thành lý tưởng của mình. Ở Quảng Trị thân yêu của tổ quốc, ông một mình sống trong ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ nhìn ngắm nước nhà đổi thay mà tự hào, hài lòng. Dù cho nhắc lại tên những người đồng chí cùng kề vai sát cánh ngày xưa, ông vẫn không nén được mà trào nước mắt. Trở về cuộc sống bình thường với hình hài và hành động khác thường, song ông chưa bao giờ cảm thấy đau khổ, chán nản. Ông chia sẻ, còn sống để trở về là một may mắn, Tổ quốc đã cho ông cơ hội trở về, trở về để tiếp tục cuộc đời còn đang tiếp diễn, để chứng kiến Tổ quốc sau chiến tranh.

Chị em rời Quảng Trị, tạm biệt ông trong một ngày nắng rực rỡ. Nụ cười ngược nắng của ông – một người khác thường mà vô cùng phi thường đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ chúng em. Chúng em phải sống xứng đáng với nỗi đau mà thế hệ ông Hai Bình đã trải qua, xứng đáng với niềm tin của thế hệ anh hùng bất khuất, những chiến binh đã viết lên trang sử vàng chói lói của Tổ quốc như ông.

Đề 6: Từ bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa, em hãy viết bài văn miêu tả lại trận mưa theo quan sát và trí tưởng tượng của em

 

Trả lời

Thời còn bé, tôi rất thích mưa. Vì tôi thích nghịch nước, thích được đằm mình trong cái lạnh của cơn mưa. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những vần thơ của Trần Đăng Khoa trong bài  Mưa:

“Ông trời

Mặc áo giáo đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường...”

Những câu thơ thật sinh động và gợi cảm về quang cảnh của bầu trời lúc sắp mưa. Và tôi cũng đã không ít lần được nhìn ngắm những trận mưa như thế.

Thiên nhiên biến đổi thật nhanh như đang xảy ra phép màu vậy. Trước khi mưa, bầu trời đang trong xanh, cao vời vời, bỗng từ đâu mây đen thi nhau kéo đến làm trời đất trở nên tối sầm. Gió bắt đầu giật mạnh cuốn theo những đám bụi đường bay lên mù mịt trên không trung. Mấy chú chim sơn ca đang thi nhau khoe giọng hót của mình thấy thế bỗng trốn đi đâu cả. Không gian yên tĩnh, chỉ còn nghe thấy tiếng gió giật mà thôi. Ngoài đường, cành cây nghiêng ngả. Dưới đất, kiến bò thành từng đàn đen kịt. Trên trời, từng đàn mối nối đuôi nhau bay ra khỏi tổ để tránh nhanh cơn mưa. Ở phía cuối chân trời, thỉnh thoảng lại có một tia chớp lóe lên rồi vụt tắt như lời cảnh báo rằng cơn mưa dữ dội sắp đến.

Lộp độp...lộp độp...

Mưa bắt đầu rơi xuống. Lúc đầu chỉ là vài hạt thưa thớt, lúc sau mưa rơi mau và nặng hạt hơn. Tiếng mưa lộp độp rơi trên mái nhà. Mưa xéo vào cửa kinh rồi bắn tung tóe thành những hạt nước nhỏ. Mưa xối xả như một cái van quên văn nước lại. Cây cối trong vườn cũng bị gió quật mạnh, mưa tới tấp. Những cành lá đang uốn mình theo chiều gió và cơn mưa như thế đang có một cuộc chiến đấu dữ dội với những chàng vệ binh trong vườn với thời tiết của thiến nhiên. Tiếng mưa càng lúc càng to, mưa rơi càng lúc càng dày. Mưa như trút nước, cứ thể mà ào ào đổ xuống mặt đất. Những tia chớp rạch ngang bầu trời đen kịt, lóe lên rồi biến mất. Cùng với đó là tiếng sâm đùng đoàng trong màn mưa mù mịt. Chẳng mấy chốc, cơn mưa lớn đã làm ngập cả con đường làng. Nước đọng thành từng vũng, đi không cẩn thận có thể bị ngã như chơi.

Mưa lớn cứ như thế khoảng một giờ thì thưa dần, ngớt dần rồi tạnh hẳn. Bầu trời đen kịt mây lúc nãy thoắt cái lại lộ da màu xanh dịu dàng. Những tia chớp, những tiếng sấm đùng đoàng cũng chạy đi đâu mất. Phia cuối chân trời, cầu vồng với bảy sắc lung linh hiện lên thật đẹp. Cây cối đứng lặng thinh, nước tong tong nhỏ xuống từ những tán lá. Dường như chúng vừa phải trải qua một trận chiến sinh tử với cơn mưa vậy. Chim chóc, ong bướm không biết từ đâu bay ra, lại hối hả tiếp tục công việc của mình, Tiếng chim chí chóe đuổi nhau trên cành cây sao mà nghe vui tai thế nhỉ? Con đường làng giờ ngập nước, chắc phải mất một hôm thì nước mới rút đi được. Các cụ nói “Sau cơn mưa, trời lại sáng” quả đúng như vậy.

Tôi rất thích những cơn mưa mùa hạ, chợt đến, chợt đi chẳng cần hẹn trước. Nhưng nếu thiếu đi nó, mùa hạ dường như cũng mất đi phần nào nét riêng của nó rồi.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 6 siêu ngắn


Copyright @2024 - Designed by baivan.net