Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về con vật nuôi ở quê em - Con gà

Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về con vật nuôi ở quê em - Con gà. Bài mẫu này là 1 lựa chọn trong đề 3 của bài viết số 1 ngữ văn 9. Đề yêu cầu: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em. Và bài văn này chúng ta chọn "con Gà" để thuyết minh

Bài văn mẫu tham khảo

Con người luôn sống hài hòa với tự nhiên và những loài vật khác. Bức tranh cuộc sống không chỉ vẽ riêng con người mà còn vẽ cả các loài đặc việt. Gần gũi và thân thuộc với con người nhất là vật nuôi trong nhà. Con gà chính là một trong số những vật nuôi không thể thiếu trong đời sống, nhất là những vùng quê. 

Gà có nguồn gốc từ đâu? Gà nhà là một loài chim đã được con người thuần hoá cách đây hàng nghìn năm. Một số ý kiến cho rằng loài này có thuỷ tổ từ loài chim hoang dã ở Ấn Độ và loài gà rừng lông đỏ nhiệt đới ở vùng Đông Nam Á. Trong thế giới loài chim, gà là loài vật có số lượng áp đảo nhất.

Dòng dõi nhà gà có rất nhiều loài: gà gô, gà ri, gà tam hoàng, gà ta, gà tre... Nhưng xét về giới tính thì có gà trống và gà mái. Gà trống có thân hình vạm vỡ hơn gà mái, trên đầu có mào đỏ chót, bộ lông rực rỡ, lông đuôi dài, có cái bầu diều hay diều gà ở cổ, chân có cựa - lực lưỡng và oai vệ. Gà mái yểu điệu, đoan trang, lông mượt mà, lông đuôi ngắn, trên đầu không có mào như gà trống, chân cũng không cựa. Gà trống biết gáy “ò ó o” còn gà mái chỉ kêu “cục tác”. Đặc điểm chung của chúng là cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lông. Để thích nghi với cuộc sống bới đất tìm mồi, từ thuở xưa, chân của chúng đã có đôi móng cùn và cứng, bao bọc trong lớp vẩy sừng màu vàng. Mỏ gà ngắn nhưng rất khỏe, cùng với móng chân bới đất kiếm ăn. Mắt gà thì tròn, nhỏ như hạt đậu đen, không có lông mi. Hai mắt của đầu gà không nằm cùng trên một mặt ở gần trán như mắt người hay mắt chó mà mỗi con mắt của gà lại nằm riêng rẽ ở phía trên mỗi bên má. Tuy có hai cánh nhưng khả năng bay của gà không được tốt như các loài chim khác.

Gà là động vật ăn tạp. Thức ăn của chúng là thóc, các loại hạt,các loài côn trùng, giun đất, chuối cây thái nhỏ băm nhuyễn trộn cám, các loại cám bột dạng viên,... Về đặc điểm sinh sản, gà mái đẻ trứng, mỗi lứa đẻ từ 15 đến hơn 20 quả.  Sau đó, gà mái đem ấp trứng trong khoảng 3 tuần thì trứng sẽ nở ra gà con. Gà con mới nở bé xíu, cả người chỉ như một cục bông nhỏ. Gà vừa mở mắt đã có thể theo mẹ đi kiếm ăn. Gà mẹ sẽ dạy con cách bới đất, kiếm mồi. Khi có nguy hiểm gà mẹ xù lông, dang rộng cánh đâẻ bảo cệ con. Gà thức ngủ rất điều độ, khi vừa mới tối, gà đã rủ nhau về chuồng đi ngủ. Khi bắt đầu sáng, đàn gà đã thức giấc và gà trống thì gáy vang. Gà chỉ ngủ theo cùng đàn ở nơi quen thuộc và an toàn. Chúng sợ nhất rắn hổ mang và mùi của củ hành hay lá hành. 

Gà đã tồn tại trong đời sống con người từ rất lâu, có nhiều giá trị, cả về vật chất lần tinh thần. Người ta nuôi gà để lấy trứng, lấy thịt. Trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, được chế biên thành nhiều món ăn quen thuộc như: trứng gà chiên, ốp la... và là nguyên liệu để làm các loại bánh ngon như bánh kem, bánh mì,... Chị em phụ nữ còn dùng trứng gà để dưỡng da. Ông cha ta trước kia còn luộc trứng gà để cạo gió khi bị cảm, rất nhanh khỏi. 

Thịt gà là món ăn ngon, được rất nhiều người yêu thích như: như: gỏi gà, gà quay, gà kho sả, gà luộc, gà nướng lá chanh, gà hấp muối, gà hầm thập cẩm, gà rim nước dừa, gà nấu tiêu, gà chưng cách thủy, gà tiềm, phở gà, miến gà, bún gà, mì gà, hủ tiếu gà, gà rút xương bỏ lò, và gà nhồi thập cẩm,...

Lông gà qua xử lí hoá học có thể trở thành một loại bột giặt hữu hiệu. Thời xưa, lông gà được dùng làm cây cọ viết, vẽ, làm chổi, làm cầu... Ngay cả chất thải của gà cũng có thể dùng làm phân bón cho cây cối. 

Không chỉ có giá trị về vật chất, gà còn mang giá trị tinh thần to lớn. Tiếng gà gáy đã trở thành âm thanh không thể thiếu ở mỗi miền quê. Hình ảnh con gà đã đi vào đời sống tâm linh văn hóa của người dân Việt Nam. Gà là một trong 12 con giáp, gọi là “Dậu” Nó là một trong mười hai con giáp, vẫn được gọi bằng cái tên thân mật là "Dậu". Gà xuất hiện trên tranh Đông Hồ - loại tranh nổi tiếng của nước ta. Mâm cơm ngày lễ, Tết, dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên không thể thiếu con gà luộc. Gà trống giống như linh vật của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sự may mắn yên bình, hạnh phúc. Con gà còn đi vào văn học, ca dao, tục ngữ, xuất hiện trong các lễ hội truyền thống với trò chơi chọi gà độc đáo. 

Gà thực sự là vật nuôi quan trọng trong đời sống con người Việt Nam. Tuy nhiên trước thực trạng môi trường, dịch cúm gia cầm xuất hiện nhiều hơn, chúng ta cần chăm sóc và nuôi gà đúng cách để đảm bảo an toàn cho vật nuôi này và sức khỏe của chính mình.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 9


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com