Bài văn mẫu lớp 7: Văn biểu cảm về cây tre

Đề bài: Loài cây em yêu ( cây tre )

Bài làm

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”

Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt ở khắp các nẻo đường đất nước và gắn bó thủy chung với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả, nó được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt.

Tre có từ bao giờ cũng không ai biết nữa, nhưng từ thời Hùng Vương thứ Sáu đã đi vào truyền thuyết lịch sử chống giặc cứu nước. Tre tượng trưng cho người quân tử bởi thân hình gầy guộc thẳng đứng, cao vút, bất khuất vươn lên bầu trời cao. Ban đầu, tre chỉ là một mầm măng yếu ớt với cái thân hình bé nhỏ hình nón,trên đầu nhọn hoắc và khoác ngoài nhiều lớp áo xếp chồng lên nhau bao lấy tấm thân nhỏ bé. Theo thời gian nó vươn lên và trở thành một cây tre đích thực.Thân tre gầy guộc hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Trên thân tre có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim nhọn hoắt đâm thẳng, tự tin ,vươn lên đầy sức sống. Lá của tre mỏng manh mang một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ tre không bị đổ trước những cơn gió dữ. Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng tre đung đưa tạo gió. Đến thời kì mưa gió bão bùng, tre kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Tre kiên gan bền bỉ vững chãi trong mọi môi trường sống dù bùn lầy, khô hạn, đất sỏi đất vôi bạc màu tre cũng xanh tươi mượt mà “Ở đâu tre cũng xanh tươi - Cho dù đất sởi đá vôi bạc màu”.

Mỗi khi nhắc tới hình ảnh tre thì người ta lại nhớ đến nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, đó là một vật mang tính linh thiêng, đã cùng người dân Việt Nam xông pha trận mạc, cùng người dân đánh giặc giữ nước, cùng người dân xây thành dựng lũy, góp phần vào công cuộc gây dựng và bảo vệ đất nước. Tre gợi nhớ những người nông dân hiền lành, chất phác, một nắng hai sương. Những con người ấy sinh ra trong đói khổ nhưng họ vẫn cố vượt lên số phận và làm chủ cuộc sống của mình. Tre Việt Nam còn gợi ra hình ảnh quen thuộc của những con người tính tình ngay thẳng, khảng khái. Tính cách của những con người Việt Nam cũng giống như những búp tre non, chỉ mới mọc nhưng đã thẳng tắp. Đó là những hình ảnh dù trải qua biết bao nhiêu thế hệ cũng không thể thay đổi được trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre luôn là ngưồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Cây tre trăm đốt,…) đến các câu ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới,…Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Nó còn là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc cụ dân tộc như: sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.

Cho tới bây giờ thì hình ảnh cây tre vẫn giữ một vai trò quan trọng và mãi là một hình ảnh đặc trưng của người dân Việt Nam. Hình ảnh những khóm tre với những lũy tre làng quen thuộc luôn gợi về những câu chuyện xa xưa mà không ai không bồi hồi xúc động. Bây giờ và cả mai sau, những lũy tre xanh vẫn mãi trải dài và vút lên bầu trời xanh. 

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7


Copyright @2024 - Designed by baivan.net