[toc:ul]
Dàn ý
1. Mở bài
2. Thân bài
3. Kết bài
Bài làm
Mỗi con người muốn thành công thì phải học, việc học không phải chỉ dành cho những người còn ngồi trên ghế nhà trường mà dành cho tất cả mọi người. Bởi tri thức là vô hạn, không bao giờ chúng ta có thể học hết được tri thức. Vì thế mà câu nói của Lê Nin dưới đây thật có ý nghĩa: “Học, học nữa, học mãi”.
Nói đến học chúng ta hiểu ngay là quá trình khám phá và tiếp thu những tinh hoa kiến thức của nhân loại. Học theo đó mà hướng đến việc mở rộng khả năng hiểu biết, hướng đến việc rèn luyện kĩ năng. Và từ đó mà tạo dựng nền móng vững chắc cho nghề nghiệp của mình. Học không chỉ ở trường, mà chúng ta còn học ở gia đình, ở ngoài xã hội. Học không chỉ cứ nhắm đến những kiến thức khoa họ lớn lao mà việc học chỉ đơn giản là việc học ăn, học nói, học cách cư xử, đối đãi, giao tiếp hằng ngày. Như vậy học là một quá trình luyện rèn toàn diện và diễn ra ở khắp mọi nơi. Nó hướng đến mục tiêu giúp cho bản thân mỗi chúng ta trở thành những con người hoàn thiện, có đức, có tài và có ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng tương lai.
Vì sao Lênin lại dùng từ “học nữa” và “học mãi” để răn dạy thế hệ đi sau. “Học nữa” là học để nâng cao trình độ, để mở mang vốn trí thức cho bản thân mình. Tri thức của con người là vô cùng, vô tận, mà tri thức nào cũng đẹp, cũng hay, cũng cần thiết và hữu ích. Thế nên chúng ta phải rèn luyện thói quen không ngừng học tập. Học tập là sự nghiệp suốt cuộc đời. Vì thế mà Lênin mới gọi đó là “học mãi”. Mỗi con người chúng ta có “học nữa học mãi” suốt cuộc đời cũng không bao giờ là đủ. Làm sao trong đời một con người có thể học hết được vốn tri thức của nhân loại. Điều này lại một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc học cũng như nhiệm vụ của mỗi con người là không ngừng học tập.
Thực tế chỉ ra rằng kho tàng tri thức của nhân loại là mênh mông, chúng ta có dành hết cuộc đời cũng không sao tìm tòi hết được. Nhưng nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ không có tri thức để đảm bảo cho cuộc sống. Hơn thế nữa, tri thức của chúng ta lại luôn lạc hậu so với sự phát triển nói chung. Thế nên để có thể tồn tại và trong cuộc sống này một cách vững vàng và hữu ích, chúng ta phải luôn luôn có ý thức bổ sung và tinh lọc ngay chính kho tàng tri thức của bạn thân mình.
Ngày nay trình độ khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển hiện đại. Vì thế nếu chúng ta không xác định được rõ mục đích và động cơ học tập, chúng ta sẽ bị tụt hậu trước sự phát triển quá nhanh của xã hội. Khi ấy chúng ta sẽ trở thành những người vô dụng. Cuộc sống của chúng ta sẽ nhàm chán và vất vả biết nhường nào nếu không có tri thức.
Lời căn dặn của Lênin thật bất hủ, nó có ý nghĩa rất lớn và đặc biệt nó rất phù hợp với truyền thống hiếu học của dân tộc chúng ta. Truyền thống ấy trở thành ngọn lửa thắp sáng niềm tin, ước mơ và khát khao cho không biết bao thế hệ. Vì thế để xứng đáng với quá khứ của cha ông, thế hệ trẻ chúng ta ngay từ hôm nay cũng phải ra sức học hành, phải coi việc học là mục tiêu, là đích đến và tương lai bền vững lâu dài.
Ngày nay chúng ta vẫn coi câu nói của Lênin như một khẩu hiệu về niềm ham mê học tập mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Rất nhiều trường học để dòng chữ: “Học, học nữa, học mãi” ngay trước cổng trường, như một lời nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập. Chỉ có học tập con người mới tiếp thu được kiến thức của nhân loại, từ đó giúp ích cho bản thân và cho nước nhà.
Bài làm
Con người ai cũng cần phải học. Từ lâu việc học là vấn đề cần thiết, nó đào tạo chúng ta thành người có kiến thức để giúp ích cho cuộc sống văn minh, tiến bộ. Xã hội ngày một đi lên theo thời gian, đất nước ngày càng cần nhiều nhân tài có trình độ cao, hiểu biết rộng xây dựng đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng khuyên dạy. Học không phải là học cho đủ lớp để đi làm mà học còn có nghĩa là học mãi đến già, học những cái mình chưa biết. Vị lãnh tụ vĩ đại Lênin đã từng khuyên con cháu rằng: “Học, học nữa, học mãi”. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa sâu xa trong câu nói đó của ông.
Học là gì? Học là tìm hiểu, khám phá những điều mình chưa biết, tích lũy kiến thức, rèn luyện bản thân để tăng hiểu biết, trình độ về mọi mặt. Học không chỉ trong trường lớp mà chúng ta còn phải học ở ngoài đời. Ngoài học những kiến thức văn hóa mà chúng ta còn phải học cách làm người. Học rất đa dạng, học ở khắp mọi nơi, học bất kỳ lúc nào. Học nữa là học thêm tới mức cao hơn nữa, học hết trình độ này đến trình độ khác, học từ thấp tới cao. Như những người đã đi làm cần phải học thêm cao học, tiến sĩ… Thế nào là học mãi. Học mãi có nghĩa là học liên tục, học đến suốt đời, học cả khi về già. Câu: “Học, học nữa, học mãi ” khuyên ta phải dốc hết sức mình vào việc học. Luôn luôn học hỏi những điều chưa biết để mở rộng thêm con đường dẫn đến thành công.
Tại sao phải học? Trên đời, ai cũng phải học, ngay cả tổng thống hay người hành khất đều phải được giáo dục từ nhỏ. Trường học nào cũng dạy học sinh: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học lễ phép, cách cư xử với xã hội, đạo đức. Từ nhỏ, chúng ta đã học đi, học nói, học gói, học mở. Còn khi đã đến tuổi đi học, chúng ta học thêm văn hóa. Môn học nào cũng vậy, ta phải học từ cái cơ bản nhất đến nâng cao. Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm gì cũng khó”. Nếu như ta học được đức tình tốt của mọi người mà không đến trường để trau dồi kiến thức thì không thể làm được việc gì lớn lao giúp ích cho xã hội. Như chúng ta muốn sang nước ngoài làm việc mà không biết tiếng Anh thì không thể nói chuyện để hiểu ý nhau được. Còn những người có hiểu biết cao mà không có nhân đức thì không giúp ích được gì cho đời. Họ chỉ biết làm giàu cho bản thân mình, bất chấp lời chê trách, phê phán của mọi người. Từ thời xưa đến nay, đất nước ta đã có biết bao nhiêu nhân tài, gương hiếu học đáng được khâm phục. Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển trên đà hiện đại hóa của thế giới. Giờ đây, con người phát minh ra nhiều vật dụng, khám phá ra nhiều điều bí ẩn mà xưa nay nhân dân chỉ có thể giải thích hiện tượng đó qua những chuyện cổ tích. Vì thế, chúng ta cần phải trau dồi thêm kiến thức để theo kịp thời đại, không lạc hậu để mọi người không xem thường mình. Việc học không tùy vào tuổi tác, công danh mà tùy vào sự cầu tiến, muốn làm giàu kho tàng kiến thức của mỗi người. Nhà bác học Dariwin đã nói với con trai của ông rằng: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.
Làm sao để luôn có ý chí trong học tập? Chúng ta phải xác định mục đích học, ước mơ trong tương lai… để cố gắng đạt được ước mơ, nghề nghiệp mình yêu thích. Học không những giúp ích cho đất nước mà còn giúp ích cho bản thân chúng ta. Học để làm việc, kiếm sống cho bản thân mỗi người. Khi chúng ta đã xác định mục đích học tập thì bằng mọi giá chúng ta phải thành công dù có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa. Kẻ thất bại là kẻ không dám thực hiện ước mơ của mình. Làm việc gì cũng phải có niềm đam mê, lòng nghị lực, quyết tâm thành công thì chúng ta mới làm nên những việc lớn. Anh Nguyễn Đôn Phú Lộc là một gương điển hình đáng để mọi người noi theo. Anh vẫn tiếp tục đến trường, mỉm cười với mọi người mặc cho căn bệnh ung thư xương dày vò thể xác anh. Nhưng tinh thần và lòng nghị lực cao đã chiến thắng những nỗi đau về thể xác của anh. Thầy cô, bạn bè trong trường ai cũng yêu quý, nể phục anh. Học phải học từ từ không nên gấp vội. Trong lớp phải nghe cô giảng bài kĩ và về nhà phải học thuộc bài để áp dụng, thực hành vào thực tế. Khi đọc sách phải đọc kỹ từng câu chữ rồi xem qua một lượt. Đọc phần nào thấu triệt phần ấy. Học cũng như ăn cơm, cần phải nhai kỹ trước khi nuốt mới có lợi cho thân thể. Học tập phải kết hợp với suy nghĩ. Học tập gồm hai phương diện: lý thuyết và thực hành. Học lý thuyết mà không suy nghĩ tất hồ đồ không rõ. Còn thực hành không suy nghĩ tất thực hành không đúng. Trái lại, chỉ suy nghĩ mà không học tập và thực hành thì trống rỗng chẳng tăng trưởng được chút bản lĩnh nào. Ngoài ra, cần phải đọc thêm nhiều tài liệu, báo chí để mở mang thêm kiến thức của mình.
Tóm lại, lời khuyên của vị lãnh tụ Lênin có ý nghĩa rất sâu xa nhằm khuyên nhủ mọi người phải học mãi cả đời. Bản thân mỗi người phải cố gắng hết sức để xây dựng đất nước ngày càng đi lên trên nền kinh tế phát triển. Chúng ta hãy làm theo mong ước của Bác Hồ là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không? Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bài làm
Từ xưa đến nay, con người qua lao động sản xuất đã tiếp nhận được bao nhiêu điều thú vị trên thế giới. Đó cũng là một cách tích lũy kiến thức. Chẳng những vậy, những kiến thức được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng rất nhiều hình thức như truyền miệng hay sách vở… Vai trò của việc học tập đã được khẳng định từ xa xưa. Chính vì vậy, Lênin - một vị lãnh tụ vĩ đại đã có một câu nói rất nổi tiếng. Đó chính là: “Học, học nữa, học mãi”.
Câu nói trên chính là một lời khuyên, một định hướng đúng đắn trong cuộc sống. Có học mới có được kiến thức, có được kiến thức mới có thể có hành trang để bước vào đời. Cái “học” ở đây không đơn thuần là tiếp nhận kiến thức khoa học mà nó còn là tiếp nhận kiến thức đạo đức, lý lẽ, biết phân biệt tốt xấu. Nó còn thể hiện cần học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi phương diện, từ thầy cô đến bạn bè, từ người lớn với trẻ nhỏ, bất kì ai cũng đều có những ưu điểm. Chúng ta hãy biết tiếp nhận nó hoàn thiện nó để trở thành ưu điểm của riêng ta. Trong cuộc sống, đạo đức giúp ta có thể giao tiếp chan hoà với mọi người, biết sử dụng ngôn từ nhuần nhuyễn, thành thạo, đầy sức gợi cảm để chiếm được tình cảm mọi người xung quanh. Để đạt được điều đó chúng ta cũng cần sự hỗ trợ về kiến thức khoa học, xã hội. Kiến thức này giúp chúng ta có thể vận dụng trong cuộc sống, từ chữa bệnh đến tính toán, từ xây dựng đến làm mộc.
Mỗi loại kiến thức đều giúp ta mở rộng hiểu biết về một lĩnh vực riêng. Như kiến thức toán học giúp chúng ta tính toán dễ dàng, kiến thức văn học giúp ta có thể bay bổng, lãng mạn trong những vần thơ câu văn hay uyển chuyển trong cách dùng từ, kiến thức địa lý giúp chúng ta biết thêm về những miền đất mới, con người mới. Còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa với nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Dường như hai loại kiến thức này đều bổ trợ tương xứng cho nhau. Chính vì vậy chúng ta cần tiếp nhận kiến thức trong mọi lúc. Trong mỗi một câu chuyện hay mỗi một lời nói đều ẩn chứa một phần của kiến thức, chúng ta chỉ cần biết hợp những điều mà mắt thấy tai nghe, sự hiểu biết của chúng ta lại thì sẽ có được một khái niệm, một chân lý, một định lí nào đó rồi hãy khắc ghi lại, sẽ có lúc chúng ta cần vận dụng đến.
Chính những vốn kiến thức từ bé, tu luyện bồi dưỡng dần cùng thời gian, nó sẽ kết lại thành một khối kiến thức giúp ích cho ta về hiện tại và cả về sau, nó giúp chúng có thể thành đạt trong cuộc sống. Một người nổi tiếng có câu rằng: “Kẻ dốt nát không có nghĩa là kẻ kém trí thông minh mà là kẻ không biết học hỏi, tìm tòi, khám phá, và sẽ mãi là kẻ không có tự do vì trước mặt anh ta mãi luôn là một thế giới xa lạ”. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ được thế nào là học, học nữa, và học mãi. Đó là những dẫn chứng khá rõ nét phần nào đã thấy được ích lợi, mục đích, giá trị của việc học. Trong thời đại khoa học bây giờ thì nhu cầu về học tập là rất cấp thiết. Và để theo kịp xã hội và cách thích nghi với đời sống văn minh thì lại càng cấp thiết hơn. Cứ mỗi giờ trôi qua, mỗi ngày trôi qua thì lượng kiến thức lại càng nhiều, do đó chúng ta cần phải luôn luôn học. Đó chính là ý nghĩa của ý thứ hai “học nữa”. Còn “học mãi”. Thế giới kiến thức là rất rộng lớn, để tiếp thu, tìm hiểu được hết mọi kiến thức thì chắc hẳn là không thể, thậm chí cả đời người cũng không xong. “Mãi” ở đây là mãi mãi, là liên tục, không dứt.
Câu nói trên của Lênin sử dụng cả biện pháp tăng cấp để thể hiện được giá trị việc học tập. Hơn thế nữa, con người đang sống trong kỉ nguyên mới, bên cạnh những quyền lợi khác thì “học tập” cũng là một quyền lợi, đồng thời cũng là nghĩa vụ của mỗi người dân, là mục tiêu, yêu cầu mà bất cứ chính quyền nào cũng đặt ra đầu tiên và quan tâm hàng đầu. Và nhiệm vụ của chúng ta là học tập để phục vụ đất nước, vì tương lai của mình gắn liền với tương lai toàn dân tộc nói chung. Một người bác sĩ muốn chữa bệnh cũng phải học tập, kể cả kinh nghiệm lẫn kiến thức. Một người nông dân muốn cày cấy cũng phải học hỏi cách thức từ những người đi trước, có thể là không qua sách vở. Nói cho cùng thì trình độ văn hoá của mỗi con người là rất quan trọng trong cuộc sống và học tập - một lý tưởng cao đẹp lại là nền tảng cho mục tiêu quan trọng ấy. Cuộc sống sẽ luôn thay đổi theo những chiều hướng tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn nếu mỗi con người biết học tập một cách đúng đắn.
Như Bác Hồ, một con người gắn liền với nền độc lập nước ta và cũng là con người gần gũi với chúng ta nhất cũng khẳng định rằng học tập là nền tảng cho một đất nước hùng mạnh. Tuy vậy, hiện nay vẫn có một số người vẫn chưa thấm thía được ích lợi từ học tập, họ vẫn cho rằng học chỉ là phương tiện của nhiều mục đích khác nhau. Có người cho là vì tiền, có người lại cho là vì chức quyền. Nhưng không, mục đích của việc học tập là đổi mới con người, xã hội bởi kiến thức, khoác lên cho dân tộc, thế giới một bộ áo văn minh, hiện đại mà mỗi chúng ta chính là người được hưởng thành quả ấy.
Thấm hiểu những ý nghĩa sâu sắc trong câu nói nổi tiếng của Lênin ấy cũng chính là đã nhận ra được chân lí của học tập. Chúng ta cần biết học hỏi cho đúng, cho phải, biết chọn lựa mà học, hãy biết chắt lọc những gì tinh hoa nhất mà cảm nhận để những tiêu cực sẽ bị thay thế, tinh cầu này sẽ sống trong văn minh, và mỗi chúng ta sẽ là con người lịch sự, là con người có ích cho xã hội hay chính là tâm điểm sáng suốt trong mọi thời đại.