Đề văn 7: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Đề văn 7: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Đề văn 7: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Dàn ý

1. Mở bài

  • Chuyến đi thăm chùa Hương cùng với ông bà, cha mẹ cách đây đã hơn một năm nhưng em vẫn nhớ như in vẻ đẹp thần tiên của phong cảnh Hương Sơn.

2. Thân bài

  • Hương Sơn quả là một kì quan mà Tạo hoá đã hào phóng ban tặng cho con người.
  • Đường lên chùa gập ghềnh, quanh co và khá dốc
  • Các cụ bà đầu đội khăn, mặc áo dài nâu, quần thâm, cổ đeo tràng hạt, miệng nam mô.
  • Không khí lễ hội vừa náo nhiệt lại vừa thành kính, thiêng liêng.
  • Động Hương Tích được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động với vẻ đẹp không bút nào tả xiết.

3. Kết bài

  • Lúc lên xe ra về, em ngoái đầu lại lưu luyến ngắm nhìn. Xa xa, nơi những dãy núi trập trùng, sương bốc lên mù mù như khói toả. Khung cảnh đẹp như trong mơ, làm say lòng biết bao du khách.

Bài làm

     Chuyến đi thăm chùa Hương cùng với ông bà, cha mẹ cách đây đã hơn một năm nhưng em vẫn nhớ như in vẻ đẹp thần tiên của phong cảnh Hương Sơn.

Mùng sáu tháng Giêng, chùa Hương bắt đầu mỏ hội. Du khách từ khắp miền đất nước nườm nượp đổ về đây để lễ Phật và thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình hiếm có. Hương Sơn quả là một kì quan mà Tạo hoá đã hào phóng ban tặng cho con người.

Ngồi trên con đò xuôi bến Đục, em khoan khoái đưa tay khoát nước. Nước suối Yến mát lạnh. Thỉnh thoảng, một chú chim bói cá màu xanh cánh trả cụp cánh lao vút như một mũi tên xuống dòng nước trong văn vắt, nhìn thấy rõ rong rêu mọc ven bờ. Trước mắt em là dãy núi tím biếc trập trùng, ẩn hiện trong màn sương lãng đãng. Những con đò nối đuôi nhau chở du khách vào đền Trình dưới chân núi. Đường lên chùa gập ghềnh, quanh co và khá dốc nhưng hầu như không ai thấy mệt. Các cụ bà đầu đội khăn, mặc áo dài nâu, quần thâm, cổ đeo tràng hạt, tay chống gậy vừa đi vừa niệm Nam mô, bước chân vẫn dẻo dai, chẳng kém thanh niên.

Em theo ông bà, cha mẹ đi từ chùa Ngoài vào chùa Trong, thăm chùa Giải Oan, lên tới chùa Thiên Trù… Chùa nào cũng cổ kính, uy nghi, trầm mặc trong khói hương nghi ngút. Không khí lễ hội vừa náo nhiệt lại vừa thành kính, thiêng liêng. Đến đây, mọi người đều có chung cảm giác là trút bỏ được những phiền luỵ của cuộc sống đời thường, tâm hồn lâng lâng, thanh thản.b Dòng người nối đuôi nhau trên những con đường hẹp, quanh co theo vách đá. Tiếng suối róc rách văng vẳng đâu đây hoà với tiếng mõ, tiếng chuông ngân nga trong khoảng không êm đềm, tĩnh lặng. Lúc mỏi chân, du khách tạt vào quán lá, uống một bát nước lão mai lại thấy khoẻ khoắn hẳn ra, vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình.

Động Hương Tích được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động. Lên đến đây, từ trên cao nhìn xuống, cả bầu trời, mặt đất thu gọn trong tầm mắt. Ruộng nương trông bé như bàn tay. Rừng mơ, rừng mận nở hoa trắng xoá cả vùng đồi núi xung quanh. Động ăn sâu trong lòng núi, trông giống như một chiếc hàm rồng khổng lồ. Lòng động phẳng và rộng, có thể chứa mấy trăm người. Ánh đèn, ánh nến lung linh, những nhũ đá, cột đá muôn hình vạn trạng, lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Nào hòn Cậu, hòn Cô, nào nong tằm, né kén, nào cây bạc, cây vàng… Khách hành hương lâm râm khấn nguyện, cầu mong một cuộc sống bình an, no đủ và hạnh phúc.

Phải mất hai ngày liền mới thăm hết được phong cảnh Hương Sơn. Lúc lên xe ra về, em ngoái đầu lại lưu luyến ngắm nhìn. Xa xa, nơi những dãy núi trập trùng, sương bốc lên mù mù như khói toả. Khung cảnh đẹp như trong mơ, làm say lòng biết bao du khách. Tạm biệt Hương Sơn! Hẹn ngày gặp lại!

Bài mẫu 2: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Đề văn 7: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Dàn ý

1. Mở bài

  • Mùa hè năm ngoái em được ba dẫn đi chơi nhà cô ruột ở thành phố Đà Lạt, mảnh đất Tây Nguyên lãng mạn, nên thơ.

2. Thân bài

  • Vị trí của thành phố Đà Lạt
  • Những địa điểm nổi tiếng ở Đà Lạt: Thung lũng tình yêu, Hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Thiền Viện Trúc lâm, trường Cao đẳng Đà Lạt, Lang Biang huyền thoại, ...
  • Nơi em thích nhất và ấn tượng nhất là Thiền viện Trúc Lâm.
  • Thiền viện Trúc lâm chính là một địa danh nổi tiếng, là ngôi chùa lớn của Đà Lạt, hằng năm đón rất nhiều du khách.

3. Kết bài

  • Khi rời chân khỏi thiền viện Trúc Lâm, em thấy có chút gì đó luyến tiếc với mảnh đất Phật này. Em hi vọng rằng sẽ sớm quay trở lại đây vào ngày gần nhất

Bài làm

      Mùa hè năm ngoái em được ba dẫn đi chơi nhà cô ruột ở thành phố Đà Lạt, mảnh đất Tây Nguyên lãng mạn, nên thơ. Em thực sự bị hút bởi cảnh đẹp và khí hậu mát mẻ, trong lành của xứ sở thần tiên này. Em đã có những ngày khám phá từng địa danh, di tích của Đà Lạt. Tuy chưa được đi hết nhưng em rất ấn tượng với mảnh đất này.

Đà Lạt là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng, người ta thương gọi đây là thành phố cao nguyên vì nó được bao bọc xung quanh toàn núi là núi, trùng trùng điệp điệp. Đà Lạt gắn với những đồi thông bạt ngàn, những con đường chênh vênh và rất nhiều điểm đến thú vị.

Cô dẫn em đi Thung lũng tình yêu, Hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại, Thiền Viện Trúc lâm, trường Cao đẳng Đà Lạt, Lang Biang huyền thoại…Mỗi một nơi đều để lại trong em những dấu ấn riêng. Tuy nhiên em vẫn thích nhất là được đến Thiền Viện Trúc Lâm, cách trung tâm thành phố Đà Lạt tầm 5km, đường đi chênh vênh. Người ta có thể đi cáp treo đến Thiền Viện, nhưng cô em chở em đi bằng xe máy. Từ xa xa Thiền viện Trúc Lâm tựa như một tiên cảnh mọc lên giữa trần gian, mờ mờ ảo ảo hiện lên giữa trùng điệp núi rừng. Thiền viện Trúc lâm chính là một địa danh nổi tiếng, là ngôi chùa lớn của Đà Lạt, hằng năm đón rất nhiều du khách.

Bước vào cổng của thiền viện, mọi người rất thành kính, trang nghiêm, vì đây là cửa Phật, chốn linh thiêng. Mọi người nô nức như đi trẩy hội đầu năm. Trong chính điện thờ Phật Thích Ca cầm cành hoa sen, hai bên là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Bởi vậy, du khách, phật tử đến đây để dâng hương, cầu xin an bình, may mắn.

Bên trong khuôn viên của Thiền viện Trúc lâm có rất nhiều ngôi chùa nhỏ, có chỗ cho các tăng ni phật tử từ thập phương về đây cùng niệm phật. Mọi người đi lại, nói chuyện nhỏ nhẹ ở bên trong điện thờ, khấn bái, thắp hương để cầu may.

Đặc biệt ở thiền viện Trúc Lâm có rất nhiều loại hoa khoe sắc quanh năm, hoa cẩm tú cầu nở rộ, bông to tròn chen chúc bên những khóm hoa hồng, hoa cúc…Mỗi loại hoa đều mang một vẻ đẹp riêng khiến cho người tham quan ngỡ ngàng. Đến thiền viện Trúc Lâm, nhiều người sẽ đi tha hồ ngắm cảnh hồ Tuyền Lâm được bao quanh là những hàng cây dương liễu rủ màu xanh. Ở trong hổ có chứa rất nhiều cá, mọi người chen chúc nhau chụp ảnh.

Đứng từ thiền viện em nhìn ra xa, thấy thành phố Đà Lạt mờ mờ ảo ảo, tràn ngập trong màn sương thật đẹp. Khi rời chân khỏi thiền viện Trúc Lâm, em thấy có chút gì đó luyến tiếc với mảnh đất Phật này. Em hi vọng rằng sẽ sớm quay trở lại đây vào ngày gần nhất

Bài mẫu 3: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Đề văn 7: Tả vẻ đẹp của một di tích hoặc danh lam thắng cảnh

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu về danh lam thắng cảnh quê em ( Chùa Một Cột)

2. Thân bài

  • Vị trí:
    • Ngày xưa được vua Lý xây dựng trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long xưa.
    • Ngày nay chùa nằm ở phố Chùa Một Cột, ngay cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình - Lăng Chủ Tịch ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Quá trình hình thành
  • Kiến trúc chùa một cột:
  • Ý nghĩa, giá trị của chùa một cột:
    • Là biểu tượng mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật của thủ đô.
    • Chùa Một Cột là công trình kiến trúc mang đậm giá trị lịch sử với kiến trúc độc đáo.
    • Chùa Một Cột Hà Nội còn là công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ cao, thể hiện qua nghệ thuật tạo hình trên mặt nước, điêu khắc đá, hội họa, chạm vẽ hành lang.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại giá trị của Chùa Một Cột

Bài làm

      Danh lam thắng cảnh là những cảnh đẹp tiêu biểu của một vùng đất bởi vậy những đại danh đó trở thành niềm tự hào của mỗi người con trên mảnh đất họ được sinh ra. Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, vườn Bách Thảo,… Và đó là người Hà Hội thì ai ai cũng tự hào về chùa Một Cột, ngôi chùa có lịch sử lâu đời và có lối kiến trúc vô cùng độc đáo.

Sự ra đời của ngôi chùa này gắn với những giai thoại lịch sử vô cùng lí thú. Được xây dựng vào mùa đông tháng mười Âm lịch năm 1049, theo truyền thuyết thì chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lí Thái Tông và gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Thời đó, đạo Phật với tư tưởng từ bi hỉ xả hết sức nhân văn đang được trọng dụng. Một đêm, nhà vua nằm mơ thấy được Phật Bà Quan Âm dắt lên toà sen. Nhà vua bèn vời nhà sư Thiền Tuệ vào triều để hỏi về giấc mộng của mình. Theo gợi ý của nhà sư, vua Lí Thái Tông đã cho xây dựng ngôi chùa này. Ban đầu chùa có tên là Diên Hựu với ý nghĩa lâu dài mãi mãi, sau này chùa mới được đổi theo nhiều tên gọi khác nhau và cái tên Một Cột được giữ lại đến ngày nay là dựa vào đặc điểm, hình dáng vô cùng độc đáo, đặc sắc của ngôi chùa.

Chùa hoàn toàn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền. Chùa có kết cấu bằng gỗ, trong chùa đặt tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay để thờ. Bao quanh chùa là một hồ nước nhỏ có tên là Linh Chiểu. Chùa bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong dựng trên cột cao 4m, có đường kính là l,2m và một cột đá hai khúc chồng lên nhau thành một khối. Chùa có một hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ rất quy mô. Đài Liên Hoa có mái ngói mà bốn góc uốn cong, trên có hình lưỡng long triều nguyệt. Hình ảnh ngôi chùa nhô lên khỏi mặt nước, khiến cho ta nghĩ đến hình tượng bông sen vươn thẳng lên khỏi ao hình vuông, xung quanh bao bọc bằng hàng lan can làm men những viên gạch sành tráng men xanh. Trong chiếc hồ nhỏ bao quanh chùa có trồng rất nhiều hoa sen. Với những dịp xuân về những bông sen đua nhau nở hoa, toả hương thơm ngát, làm tăng thêm vẻ đẹp trang nghiêm cho chùa. Kiến trúc đơn giản mà tinh tế ấy đã tạo cho chùa Một Cột nét đẹp giản dị, tao nhã; nó thể hiện cái hồn cốt thanh cao của văn hóa Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Chùa hiện nay năm trong khu di tích gồm cả Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu Lăng của Bác và trở thành điểm nhấn cho quần thể di tích này. Vào những dịp lễ tết mọi người lại đến chùa thắp hương khấn Phật mong điều an lành cho gia đình và bản thân.

Chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng truyền thống của văn hoá Hà Nội. Với ý nghĩa đó, địa danh này đã được chọn làm biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội và đài truyền hình Hà Nội, ngoài ra chùa còn được thấy ở mặt sau đồng tiền kim loại 5000 đồng.

Chùa Một Cột đã trở thành một chứng nhân lịch sử của những năm tháng thăng trầm của Hà Nội. Cho dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn không mất đi vẻ đẹp giản dị và thiêng liêng. Và chắc hẳn dù có đi đến đâu con người Việt Nam cũng sẽ tự hào kể cho bạn bè năm châu được biết về di tích lịch sử này.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com