Đề văn 7: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Đề văn 7: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Đề văn 7: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Dàn ý

1. Mở bài

  • Hoa đào là loài hoa đặc trưng của mùa xuân miền Bắc
  • Thấy hoa đào nở là thấy xuân về. Em thấy lòng mìn náo nức mỗi khi nhìn thấy cây đào trước ngõ.

2. Thân bài

  • Cây đào nhìn từ xa
    •  Cây đào do ông em trồng đã nhiều năm.
    •  Cây to, gốc sù sì, cành toả rộng.
    •  Mùa đông, cành cây đen đúa, khẳng khiu, nhìn gầy gò, không có sức sống.
  • Cây đào nhìn cận cảnh
    •  Sắc hồng của hoa đào làm căn phòng thêm ấm cúng.
    •  Mỗi đoá hoa có năm cánh hồng nhạt mỏng manh.
    •  Nhuỵ hoa vàng tươi. Những bông hoa chen với nụ nở chi chít trên cành.

3. Kết bài

  •  Em rất yêu cây đào, loài hoa mang đến niềm vui năm mới.
  •  Em chăm sóc cây đào để mỗi mùa xuân nó lại nở hoa

Bài làm

Trong khoảnh sân bé xíu của nhà ông ngoại em có trồng một cây đào phai rất đẹp. Sau một chuyến công tác lên Sa Pa vào đúng dịp trước Tết Nguyên đán, ông ngoại em đã mang về gốc đào nho nhỏ ấy.

Năm nào cả nhà em cũng ăn Tết với ông bà bên cây đào mang đầy hình ảnh của núi rừng ấy. Dáng cây khẳng khiu, cành lá vươn tự nhiên. Thân cây màu nâu sẫm, lốm đốm những vết sần cằn cỗi. Ông em bảo, phải như vậy, cây đào mới chịu đựng được cái giá rét của mùa đông Sa Pa, để rồi sang Xuân lại đâm chồi, nảy lộc. Lúc ông em mang cây đào về trồng, nó chưa có một bông hoa nào, trơ trọi, có vẻ chịu đựng. Qua mùa đông, đến chừng Rằm tháng Chạp, cây đào bắt đầu ra hoa. Cả nhà em mừng rỡ, vì không ai nghĩ rằng, cây đào mảnh khảnh, trơ trụi ấy lại có thể chống chọi được với những cơn gió mùa Đông Bắc, và nhất là, với mảnh sân ở nơi thành phố bụi bặm này. Những bông hoa của nó thật tuyệt vời. Hiếm có cây đào nào có màu hoa đẹp như nó. Hoa chỉ có năm cánh, nhưng màu cánh như có bàn tay của người họa sĩ tài ba đã pha những sắc màu thật nền nã mà chau chuốt. Ở sát nhụy là một màu của lụa trắng trong veo, nhưng càng về dần đầu cánh, nó lại chuyển sang phơn phớt hồng. Không những thế, cánh hoa còn như được bọc trong 1 lớp xà cừ mỏng tang, óng ánh, để khi có ánh nắng chiếu vào, chúng như đang tỏa sáng.

Sau Tết, ông ngoại em ra tận bãi sông Hồng để mang về mấy tải đất đổ thêm vào hốc đào. Cây đào núi ấy, dưới bàn tay chăm chút của ông em lớn thật nhanh và khỏe. Những lớp xù xì tróc vảy trên thân cây biến mất dần, chúng như được mặc 1 tấm áo mới màu nâu khỏe khoắn. Chẳng mấy chốc, lại đến một cái Tết nữa. Trước Tết khoảng 1 tháng rưỡi, ông ngoại rủ em ra cây đào vặt lá. Ông bảo làm thế, hoa đào sẽ nở vào đúng Tết. Hai ông cháu nâng niu từng cành cây bé nhỏ, ngắt đi những chiếc lá xanh đậm già cỗi, dài và nhọn như những lưỡi dao con các cụ ngày xưa dùng để bổ cau. Quả đúng như lời ông nói, hoa đào nở tưng bừng đúng những ngày giáp Tết. Trên những cành cây nâu bóng là những bông hoa đào phai bung rộng 5 cánh rung rinh nhụy hồng. Cả cành cây chỉ nhìn thấy toàn hoa là hoa, trên mỗi đầu cành mới thấy ló ra vài ba chiếc lá tươi non, mỡ màng đang e ấp chưa dám bung rộng cánh. Khách đến nhà em chúc Tết, ai cũng phải trầm trồ.

Mới đó mà đã 5 cái Tết trôi qua, 5 cái Tết cây đào kiêu hãnh đón Xuân cùng gia đình em. Những năm về sau, nó còn đậu cả quả. Quả đào hình thuôn thuôn, được bọc 1 lớp lông tơ mịn màng, nhưng chúng chỉ to được bằng ngón tay cái thì lại rụng mất. Ông em bảo, vì đây là loại đào chỉ ra hoa thôi, không phải đào ăn quả. Ông còn bảo: “Bây giờ ở Nhật Tân, người dân đã bán hết đất trồng đào đi rồi. Vì thế, có lẽ mai kia, con cháu sẽ chẳng còn được nhìn thấy một cây hoa trường tồn cùng mùa xuân của dân tộc nữa. Nếu có điều kiện, mỗi nhà nên trồng lấy một cây, để giữ gìn loài hoa thân thuộc ấy!”

Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, của sức trẻ mơn mởn, của những người con gái đẹp. Một mùa xuân nữa lại sắp về! Cả nhà em đang háo hức đón chờ cây đào lại tưng bừng nở hoa, báo hiệu một năm mới hạnh phúc, tốt lành.

Bài mẫu 2: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Đề văn 7: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Dàn ý

1. Mở bài

  • Dẫn dắt, giới thiệu về mùa xuân, về cây hoa đào những dịp tết
  • Khi cơn gió lạnh lẽo của mùa đông thưa dần, thay bằng những hạt mưa phùn lất phất trên chồi xanh của hoa đào mới nhủ, ta chợt nhận ra: xuân sắp về. Và hoa đào, từ bao giờ đã trở thành sứ giả của mùa xuân!

2. Thân bài

  •  Miêu tả khái quát
    • Cây đào phai được bố đến tận vườn hoa để chọn và đưa về trong ngày 24 tết, đặt trong chiếc chậu sứ màu trắng với những hoa văn đơn giản nhưng rất tinh tế.
    • Nhìn từ xa, cây đào như một cây nến không lồ với những búp hoa hồng như những búp nến tươi hồng đang đốt lửa trong lòng xuân và đất trời
  •  Miêu tả chi tiết
    • Gốc đào xù xì, to bằng bắp tay con người
    • Thân cây màu nâu sẫm, sần sùi với một trục chính và các thân nhỏ tỏa ra từ đó. Bên ngoài màu nâu cằn cỗi kia là nhựa sống của mùa xuân đang chảy không ngừng.
    • Lá hoa đào xanh mơn mởn, giúp cho những chiếc cành không trở nên khẳng khiu, trơ trụi. Lá đào nhỏ, xung quanh viền lá là những chiếc răng cưa nhỏ.
    • Những cánh hoa hồng nhạt, mong manh còn e ấp nở dần từng cánh hoa để trông mắt nhìn ra thế giới tươi đẹp bên ngoài. Cánh này bao bọc cánh kia để che chở cho nhị hoa màu vàng tươi ở trong.
  • Ý nghĩ của hoa đào
    • Hoa đào mang màu hồng của sự tươi mới, ấm áp và màu xanh của những chồi non mơn mởn là đem lại sự ấm áp cho gia đình, xua đi cái lạnh lẽo của mùa đông buốt giá, là biểu tượng của sự sống, của hi vọng về một khởi đầu tốt lành.

3. Kết bài

  • Nêu suy ngẫm và cảm nghĩ bản thân.

Bài làm

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chợ hoa lại nô nức, náo nhiệt những người đi mua sắm cây hoa, cây quất. Khắp một vùng bạt ngàn những cành đào, cành mai được chở từ khắp nơi về để bán. Giữa một rừng hoa như vậy, mẹ tôi cũng chọn được một cành đào phai đẹp nhất cho nhà tôi.

Vì là đào rừng nên nó rất lớn và có dáng vẻ tự nhiên, sinh động hơn bất kì cành đào nào trồng ở vườn dưới xuôi. Từ một cành chính rất to, các cành con mọc ra chi chít xung quanh. Cành nào cũng uốn cong một vẻ mềm mại, uyển chuyển.

Nó không chỉ nhiều nụ mà còn vô vàn lộc xanh mơn mởn. Một vài chiếc lá xanh mọc ở đầu cành non, điểm xuyết những bông hoa màu hồng nhạt. Đó mới là cành đào những ngày gần Tết.

Đến 30 Tết, hoa đào bắt đầu nở. Những nụ hoa trước kia giờ là những bông hoa rực rỡ. Các cánh hoa mỏng manh màu hồng xoè ra thật mảnh mai, nhẹ nhàng. Ngay giữa bông là nhị vàng rung rinh. Mỗi khi hoa lay động, những hạt phấn vàng nhỏ li ti bay khắp nơi. Những cánh hoa mong manh đến nỗi chỉ cần cành hơi rung là chúng lập tức rơi xuống đất thật vội vã, không chút do dự. Không chỉ hoa mà lá cũng mọc đầy. Từng chiếc lá nhỏ đẫm một màu xanh man mát, làm bừng sáng góc nhà. Những chiếc lá đó kết thành chùm mọc ở đầu cành, cạnh những bông hoa gần chồi nách. Nhưng hoa vẫn còn thưa thớt, chưa phải là đã nở hết.

Đến độ mùng một, mùng hai Tết, hoa mới nở tràn trên cành. Cành nào cũng có hoa, có lá. Không khí xuân sang bừng trên cành đào. Hơi ấm mùa xuân phả vào những bông hoa làm chúng thêm phần rực rỡ, lá thêm phần xanh tươi. Cành đào đã trút bỏ lớp áo cũ với những lộc non còn e ấp, thay vào đó là bộ áo mới với muôn vàn hoa xinh nở tưng bừng. Vẫn dáng đứng mềm mại, tự nhiên đó, cành đào giờ đây đã trở thành nét đẹp duyên dáng của ngày Tết. Nó đưa ta đến với thiên nhiên, với một mùa xuân vui vẻ, hạnh phúc. Nó làm ta cảm thấy được sự êm dịu của những hạt mưa ngoài trời, những cơn gió lành lạnh thật dễ thương của mùa xuân đích thực.

Rồi hoa bắt đầu rụng dần. Từng cánh hoa nhẹ rơi xuống nền nhà. Chỉ loáng thoáng một vài bông xinh xinh nở muộn như muốn níu giữ lại chút không khí Tết. Cành đào lúc này tuy không tràn đầy sức sống nhưng vẫn có vẻ đẹp thanh thoát, dịu dàng. Nó cố khoe nốt vẻ đẹp. cuối cùng trước khi hoa rụng hết. Với vẻ đẹp còn giữ được, cành đào đó vẫn nằm một góc trong căn nhà tôi. Nó vẫn là sứ giả của mùa xuân, đem đến cho gia đình tôi không khí và nét đẹp ngày Tết. Hình ảnh một cây đào to lớn, sần sùi nằm ở gần cầu thang đã trở thành thân quen với tôi và mọi người trong nhà.

Sẽ còn lại nỗi trống vắng bâng khuâng khi những ngày Tết thật sự qua đi mà cành đào còn ở đó…

Bài mẫu 3: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Đề văn 7: Tả cây hoa đào ngày tết vào mùa xuân

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về loài cây mà em dự định miêu tả? 

2. Thân bài

  •  Miêu tả các bộ phận của cây (thân, lá, hoa).
  •  Thời gian hoa nở?
  •  Loài hoa ấy tượng trưng cho điều gì trong ngày tết.
  •  Nhà em có hay chơi loại hoa ấy vào ngày tết không? Hình ảnh của loài hoa ấy làm cho không khí tết có thêm hương vị như thế nào?

3. Kết bài

  • Mỗi khi nhìn loài hoa ấy nở cảm xúc của em như thế nào? Ấn tượng sâu sắc nhất mà loài hoa ấy để lại trong em là gì?

Bài làm

"Anh trồng cây đào trên quê hương ta

Khi mùa xuân đến hoa nở ngát rừng"

Lời bài hát vang lên từ đài phát thanh của xóm, ôi tết đã đến, em lại được ngắm những cây đào xinh tươi mẹ mua về trong những ngày xuân về.

Cây đào mẹ em mua về có gốc cây to, sần sùi như da cóc, nổi lên những u cục. Nhưng ít ai biết rằng, trong gốc cây ấy là một dòng nhựa đang chảy khắp nuôi cây. Những cành cây nhỏ tỏa tròn được cắt tỉa gọn gàng, cong cong như con tôm, chứa đầy sức sống mãnh liệt. Ở trên những cành cây mới xuất hiện những chồi non xanh mơn mởn. Lá đào rất mỏng, mang một màu xanh ngọc thanh thoát gợi cho ta cảm giác thoải mái khi ngắm nhìn. Hoa đào khi nở chúm chím, lúc bung ra khoe hương sắc trước gió mùa xuân như một cô thiếu nữ nhẹ nhàng e thẹn trước người mình yêu Hoa đào đẹp tinh khiết và thuần túy. Hoa đào tuy không thơm ngát như hoa li, không nồng nàn như hoa hồng, không thoang thoảng như lan tím nhưng có vẻ đẹp dịu dàng làm người ta đắm say. Hoa đào có nhiều cánh, mỏng như cánh bướm non đang bay lượn mơn man cùng gió xuân. Mẹ thiên nhiên tô điểm cho đào một màu phớt hồng như gò má người con gái. Nhụy hoa màu vàng lấp ló trong cánh hoa, được che chở và e ấp như đang gìn giữ một thứ quý giá.

Đào mang một vẻ đẹp khác biệt. Nhắc đến cây đào, em nhớ về những truyền thuyết mà ông kể cho em. Ngày xưa, phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê tràn đầy sức sống khác thường, bóng râm che phủ cả một khoảng rất rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.

Đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ, trồng những cây đào trong nhà. Từ đó Đào trở thành loại cây phổ biến trong những hội đầu năm, những ngày lễ tết, đào và những cây khác như mai, cúc, quất mỗi cây mang một vẻ đẹp khác nhau. Chúng hài hòa tạo nên một bức tranh xuân tươi mới và tràn đầy sức sống.

Có lẽ, Đào trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Và em cũng yêu quý cây đào, thích ngăm sắc đào ngày xuân.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com