Đề văn 7: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Đề văn 7: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Đề văn 7: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Dàn ý

1. Mở bài

  • Nhân dân ta từ bao đời nay vốn coi trọng đạo lí. Ngay cả trong lĩnh vực học tập cũng thế.
  • Hiện nay, ở hầu hết trường học, mỗi ngày bước qua cổng trường là người học sinh nhìn thấy ngày một hàng chữ lớn: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

2. Thân bài

  • Giải thích câu tục ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”
    • Hiểu đơn giản có nghĩa là: Học lễ trước, học văn sau.
    • “Lễ” là cách cư xử, trên tinh thần tôn trọng con người, kính trên nhường dưới trong các mối quan hệ xã hội. “Lễ” là tính cách là đạo đức của con người trong xã hội.
    • “Văn” là văn chương, hiểu biết, kiến thức, kĩ năng giúp người ta có học vấn ngày xưa là để đỗ đạt làm quan phò vua giúp nước. Ngày nay, “Văn” là kiến thức văn hóa, khoa học kĩ thuật, kĩ năng cần thiết được giảng dạy trong nhà trường.
  • Học lễ trước, học văn sau có ý nghĩa gì?
    • Đạo đức, hạnh kiểm là yếu tố cần được đặt ra trước để dạy dỗ và rèn luyện.
    • Cái đức của người học sinh là điểu cần yếu nhất không thể thiếu, là cơ bản của con người là nền tảng để tiếp thu kiến thức.
  •  Vì sao “Tiên học lễ, hậu học văn”?
    •  Đạo đức, phẩm chất của người học trò quyết định tinh thần, thái độ học tập và cũng quyết định luôn hiệu quả của việc học tập của mỗi người.
    •  Cũng chính yếu tố này quyết định việc sử dụng năng lực của con người vào cuộc sống thường ngày.
    • Có “văn”, không có “lễ”, có “tài không có “đức” thì tác hại đối với xã hội sẽ vô cùng to lớn.
  • Thực hiện tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”, chúng ta phải làm gì?
    •  Đặt việc rèn luyện đạo đức tác phong lên hàng đầu, trên cơ sở đó phát huy học tập nâng cao kiến thức văn hóa, trình độ kĩ thuật và kĩ năng thực hành.

3. Kết bài

  •  Phải chú ý công việc học tập vì đây là điều kiện giúp ta trở thành người công dân hữu ích cho xã hội mai này.

Bài làm

      Con người trước khi muốn khai phá kho tri thức, cần phải học hỏi lễ nghĩa mới có thể trở thành một người có ích, như người xưa từng nói: “Tiên học lễ hậu học văn”.

Nghĩa đen của câu tục ngữ này muốn nói rằng việc đầu tiên cần phải học lễ nghĩa và sau đó mới học văn hóa. Nhưng ý nghĩa sâu xa và hàm ẩn trong đó chính là lời dạy dỗ đầy sâu sắc. Con người trước tiên cần phải học đạo đức, học lễ nghi để làm một người tốt. Sau đó mới học văn hóa, học những trí thức của nhân loại để làm người có ích.

Bác Hồ đã từng nói “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng chẳng nên”. Vì vậy trong quá trình học tập và rèn luyện, con người không nên nới lỏng bất cứ một việc nào. Rèn luyện đạo đức phải đi đôi với việc học tập văn hóa.

Từ khi biết nhận thức đến khi trở thành một người công dân thực thụ của đất nước, chúng ta cần rèn luyện, luôn có quá trình đánh giá, tự nhận diện về bản thân và xem xét những yếu tố quan trọng nhất giúp mình trở thành một con người toàn diện hơn. Ngoài việc chú trọng học tập chúng ta cũng không nới lỏng việc rèn luyện đạo đức. Cần ý thức rằng có nhân cách tốt, chúng ta mới thực sự trở thành một con người của xã hội hiện đại này. Một xã hội càng hiện đại sẽ cần có những lễ nghi ứng xử cho phù hợp.

Câu tục ngữ trên rất đúng đắn ở mọi thời đại nó là kim chỉ nam để mọi người học tập và noi theo. Không chỉ đúng ở lứa tuổi học sinh mà nó còn đúng với rất nhiều những đối tượng và thành phần khác trong xã hội này. Chính vì vậy, mỗi người hãy coi câu tục ngữ này là nền tảng, là những bí kíp quý báu để học tập và làm theo. Đó là những điều đã được ông cha ta để lại. Cuộc sống luôn chứa đựng những thử thách và cả những cám dỗ vì vậy nếu chúng ta biết điều chỉnh và hành động đúng đắn chúng ta sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội này.

Có rất nhiều những tấm gương sáng về quá trình rèn luyện đạo đức và học tập văn hóa, nổi bật lên đó là vị lãnh tụ thiên tài của nước Việt Nam - chủ Tịch Hồ Chí Minh. Người đã rèn luyện đạo đức cá nhân để có thể trở thành một vị lãnh tụ thiên tài của nước Việt Nam. Khi rèn luyện và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng người luôn đề cao tinh thần rèn luyện đạo đức cách mạng, ngoài rèn luyện về tri thức. Bác Hồ luôn luôn coi trọng về đạo đức, người nói “muốn làm một đảng viên tốt trước hết phải là những người có đạo đức tốt”, câu đó quả thật rất đúng đắn chúng ta cần phải rèn luyện bản thân và tu dưỡng đạo đức tốt đẹp trước khi trở thành những người tri thức của thời đại.

Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để trở thành những người công dân có ích cho xã hội, ngoài việc học tập chúng ta cũng cần phải rèn luyện bản thân, luôn luôn có thái độ phê phán với những hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức bởi đó là những thành phần làm kiềm chế sự phát triển của xã hội.

Câu tục ngữ trên đã để lại rất nhiều bài học quý báu cho mỗi chúng ta. Mỗi người cần học tập và phát huy những giá trị to lớn mà câu tục ngữ đó đã để lại, để trở thành người toàn diện chúng ta không ngừng rèn luyện và tu dưỡng bản thân để có thể trở thành những con người có ích cho xã hội hiện đại này.

Bài mẫu 2: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Đề văn 7: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Bài làm

      Khi đi học, dù ở sân trường hay trong lớp học, ta đều thấy xuất hiện một câu tục ngữ “Tiên học lễ,hậu học văn”. Trong cuộc sống, đạo đức là thói quen cần rèn luyện.

“Tiên học lễ, hậu học văn” có hai vế đi đôi với nhau nhằm bổ sung cho nhau, làm cho nội dung câu hoàn thiện hơn.

“Tiên” là đầu tiên, là trước nhất. “Lễ” chính là lễ phép hay còn gọi là đạo đức được biểu hiện cụ thể qua cách cư xử với những người xung quanh. “Tiên học lễ” có ý khuyên ta rằng chúng ta cần phải luyện tập phép tắc, ứng xử, hành động thế nào cho đúng mực, phù hợp với chuẩn mực xã hội. “Hậu” có nghĩa là sau, “văn” chính là các bài học văn hoá, các kiến thức học ở nhà trường và từ ngoài xã hội. “Hậu học văn” có ý khuyên rằng sau khi học được cách ứng xử, phép tắt thì sẽ bắt đầu học các kiến thức, chia sẻ bài học với bạn bè. Tóm lại, câu tục ngữ có ý khuyên chúng ta rằng trước khi ta muốn học hỏi những kiến thức những bài học văn hoá sự sống ta cần phải có thói quen luyện tập đạo đức lễ phép, hành động với mọi người sao cho phù hợp với lứa tuổi.

Không có thái độ quý trọng người lớn tuổi, không có sự tôn trọng với người nghèo, những người đã nuôi nấng ta lớn lên dù có học giỏi hay có tài đến đâu thì đều không có ý nghĩa. Người có nhân cách tốt thì xã hội mới quý trọng được. Một tấm gương cao cả về đạo đức đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác là một con người vĩ đại, một nhà cách mạnh lớn. Trước khi trở thành người như vậy Bác đã rèn luyện đạo đức cá nhân, tu dưỡng tâm chí. Khi trên những bục khán đài, bác đã nói đã tuyên truyền về đạo đức của mình cho các cán viên cán bộ, đề cao tinh thần khác quan, đạo đức.

Đối với một học sinh, việc rèn luyện đạo đức, phép tắc vô cùng quan trọng. Gặp thầy cô người lớn khoanh tay chào đoàng hoàng, không có thái độ cười cợt. Không nói tục chửi thề. Đạo đức là nguồn gốc con người, những việc làm tốt sẽ là thói quen đến khi ta trưởng thành,làm một người có ích cho xã hội. Trước học lễ nghĩa để làm người tốt, sau mới học văn chương để làm người hiểu biết.

Không có gì cao đẹp hơn đạo đức và phẩm hạnh ở con người. Hãy không ngừng tu dưỡng đạo đức và văn hoá ứng xử cho bản thân. Đồng thời cũng không ngừng nỗ lực học tập tốt. Chính tri thức sẽ là nguồn sức mạnh giúp ta hoàn thiện bản thân. Có vậy ta mới trưởng thành và có ích cho xã hội.

Bài mẫu 3: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Đề văn 7: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”

Bài làm

       Nhân dân Việt Nam từ xưa cho đến nay luôn chú trọng đến lễ nghĩa. Chính vì vậy mà ông cha ta mới có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu tục ngữ đem đến bài học ý nghĩa cho con người.

Ở vế câu thứ nhất, “tiên” có nghĩa là trước tiên, còn “lễ” là những lễ nghi hay hiểu đơn giản là cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống. Con người sinh ra việc đầu tiên cần phải học chính là cách cư xử với những người xung quanh. Đến về câu thứ hai, “hậu” có nghĩa là sau, còn “văn” ý chỉ vốn kiến thức có được trong các môn học hay bên ngoài xã hội. Như vậy, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ mỗi người việc cần học đầu tiên phải là học cách làm người có đạo đức, nhân cách tốt. Sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa để có thể phát triển bản thân.

Quả thật, khi muốn đánh giá một con người, đôi khi chúng ta không nhìn vào những tấm giấy khen hay những tấm bằng tốt nghiệp. Mà chúng ta đánh giá họ thông qua những hành vi rất nhỏ trong cách giao tiếp, hành xử với những người xung quanh. Nếu “học văn” cung cấp kiến thức cho con người, thì học “lễ nghĩa” sẽ giúp rèn luyện đạo đức, phẩm chất tốt đẹp. Một người vừa có kiến thức sâu rộng, lại biết cách cư xử sẽ gây được thiện cảm tốt đẹp cho mọi người. Từ đó, con đường đến với thành công của họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Họ cũng nhận được nhiều tình yêu thương và cảm thấy hạnh phúc hơn.

Có “văn” mà không “có lễ” cũng giống như có “tài” mà không có “đức”. Điều ấy sẽ gây ra tác hại vô cùng to lớn. Một người dù có học vấn cao, nhưng lại không biết cách cư xử với những người xung quanh sẽ không có được sự kính trọng, yêu thương từ người khác. Thậm chí, họ có thể gây ra những hành vi sai trái, gây nguy hại cho xã hội (đánh nhau, trộm cướp, giết người…).

Chính vì vậy, mỗi người hãy đặt việc rèn luyện đạo đức, nhân cách lên hàng đầu. Trên nền tảng đó mới học tập kiến thức. Nhà trường và gia đình chính là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải luôn ý thức được rằng rèn luyện đạo đức luôn song hành với rèn luyện kiến thức.

Như vậy, câu tục ngữ trên đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn. Mỗi người hãy coi đó như một kim chỉ nam trong quá trình rèn luyện của bản thân.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com