Đề văn 7: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Đề văn 7: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Đề văn 7: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Dàn ý

1. Mở bài

  • Giới thiệu bài thơ: "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" hay "Thiên Trường vãn vọng" là bài thơ mang tình quê thắm thiết của Trần Nhân Tông - một vị vua, nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.

2. Thân bài

  • Cảm nhận về khung cảnh thôn quê trong hai câu thơ đầu:
    •  Không gian thôn trước, thôn sau ẩn hiện nửa hư nửa thực, nửa có nửa không trong màn sương trắng xoá.
    •  Chiều muộn thôn quê thanh bình, thơ mộng và yên ả
  •  Cảm nhận về hình ảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ cuối:
    •  Tiếng cười nói vui vẻ xen lẫn những tiếng sáo trong văng vẳng của cô bé, cậu bé chăn trâu làm cho không gian bức tranh như bừng tỉnh, rõ nét và tươi sáng hơn.
    •  Đàn trâu thong dong đi về gợi nên sự thư thái, thong thả, một nhịp sống từ tốn, nhẹ nhàng nơi thôn dã.
  •  Cảm nhận về tình yêu quê hương của tác giả

3. Kết bài

  • Khẳng định giá trị bài thơ: Bài thơ "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" đã gợi nhắc trong lòng người đọc những xúc cảm tinh tế khi nhớ về quê hương.

Bài làm

Bài thơ "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" hay "Thiên Trường vãn vọng" là bài thơ mang tình quê thắm thiết của Trần Nhân Tông - một vị vua, nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Thiên Trường là địa danh quê cũ của Trần Nhân Tông, bài thơ được sáng tác vào dịp tác giả trở về thăm quê, cảnh tượng buổi chiều nơi đây ánh lên sự hòa hợp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người, sự gắn bó máu thịt với quê hương.

Thiên Trường - thời xưa là một huyện của tỉnh Nam Định, hay nói cách khác đây là một làng quê nông thôn Bắc Bộ, hai câu thơ đầu cũng chính là lời giới thiệu về mảnh đất quê hương của tác giả:

"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên"

(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không)

Với đặc điểm thiên nhiên - khí hậu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, vào buổi chiều tà khi mặt trời đã lặn thường có sương xuống, đặc biệt là vào mùa thu, lớp sương dày đặc bao bao phủ cả bầu trời, trùm lên những ngôi làng. Lớp sương phủ trắng xóa ấy được nhà thơ ví "tựa khói lồng" bởi sự len lỏi, bao trùm và hòa quyện của sương khói, trong lớp sương ấy thôn trước, thôn sau ẩn hiện nửa thực nửa hư, nửa có nửa không. Ta cảm nhận được một không gian chiều muộn thôn quê thanh bình, thơ mộng và yên ả, cảm nhận được tình yêu, tấm lòng gắn bó với quê hương của nhà thơ. Bức tranh làng quê Bắc Bộ đã hiện hữu trước mặt người đọc qua những cảm nhận của nhà thơ, đó là một bức tranh đặc tả khung cảnh thiên nhiên để rồi từ đó hiện lên hình ảnh của con người, của cuộc sống sinh hoạt dân giã:

"Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền"

(Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).

Hình ảnh những chú bé chăn trâu ngồi vắt vẻo trên lưng trâu để thổi sáo làm cho khung cảnh làng quê trở nên sinh động, đồng thời khơi dậy tình quê gắn bó trong mỗi con người. Những tiếng cười nói vui vẻ xen lẫn những tiếng sáo trong văng vẳng của cô bé, cậu bé chăn trâu làm cho không gian bức tranh như bừng tỉnh, rõ nét và tươi sáng hơn. Đàn trâu thong dong đi về gợi nên sự thư thái, thong thả, một nhịp sống từ tốn, nhẹ nhàng nơi thôn dã, cho ta cảm nhận rõ sự yên ả của làng quê là sự yên bình chứ không phải vắng vẻ, đìu hiu. Hình ảnh đàn cò trắng từng đôi liệng xuống đồng, vừa diễn tả một không gian thoáng đãng, cao rộng lại vừa tô điểm cho bức tranh quê một vẻ đẹp nên thơ. Tác giả Trần Nhân Tông, vốn là một vị vua nhưng qua từng câu chữ, từng lời thơ và đặc biệt là từng dòng cảm xúc, tâm trạng của tác giả mà ta cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương, tấm lòng yêu thương gắn bó của Trần Nhân Tông với quê hương thôn dã. Dù có đang ở địa vị tối cao của một đất nước nhưng điều đó không làm mất đi tình quê thắm thiết của Trần Nhân Tông.

Bài thơ "Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra" đã gợi nhắc trong lòng người đọc những xúc cảm tinh tế khi nhớ về quê hương, dù chẳng còn thấy mục đồng chăn trâu hay cò trắng bay từng đàn nhưng quê hương vẫn luôn thanh bình, trầm lặng và là nơi mà ta luôn muốn được gắn bó, được trở về.

Bài mẫu 2: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Đề văn 7: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Bài làm

       Nhắc tới Trần Nhân Tông, người ta nghĩ ngay tới người anh hùng cứu nước, vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ, làm nên một thời đại anh hùng trong lịch sử dân tộc - thời đại Đông A. Nhắc đến Trần Nhân Tông, người ta cũng nghĩ ngay tới vị tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nhà hiền triết của Đạo Phật. Trần Nhân Tông không chỉ là người - anh hùng cứu nước, vị vua sáng, nhà hiền triết, Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ có tâm hồn thanh cao, phóng thoáng và một cái nhìn tinh tế, tao nhã.

        Trần Nhân Tông đã từng nổi tiếng với những câu thơ rất đỗi hào hùng:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

(Tức sự)

        Và nhà vua còn làm người đời ngạc nhiên hơn bởi một hồn thơ mang nặng tình quê thắm thiết. Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra (Thiên trường vãn vọng) là một hồn thơ như thế.

        Từ Thăng Long về thăm quê cũ Thiên Trường (Nam Định ngày nay), từ trên cung điện ở phủ Thiên Trường, nhà vua phóng tầm mắt ra xa. Một cảnh tượng mở ra trước mắt ông xiết bao trìu mến:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

                                                  (Bản dịch của Ngô Tất Tố)

        Cảnh buổi chiều ở phủ Thiên Trường là cảnh của một vùng quê trầm lặng, yên bình (Cái yên bình của một cuộc sống thái bình). Trời đã về lúc chiều tối, thôn xóm chìm dần vào làn khói sương lãng đãng, mờ ảo. Có lẽ, đó là vào dịp thu đông. Có bóng chiều, sắc chiều đấy nhưng chỉ man mác, chập chờn, nửa như có, nửa như không.

        Cái thời điểm giao thời giữa ngày và đêm ở chốn thôn quê gợi lên bao cảm xúc trong lòng người. Nó bâng khuâng, xao xuyến thật khó tả:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không.

        Và vì thế, cuộc sống càng trở nên thân thương. Chỉ một hình ảnh rất bình thường: những đứa trẻ đang dắt trâu về làng, vừa đi, vừa thổi sáo, cũng khiến nhà vua chú ý và đưa vào trong thơ:

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết.

        Phải chăng tiếng sáo của bọn trẻ đã đưa nhà vua trở lại cái thời thơ ấu ngây thơ, thoả sức vui đùa? Hay tiếng sáo hồn nhiên, trong trẻo quá khiến lòng ông thư thái lại sau bao nhiêu lo toan trăn trở việc triều chính? Trong lòng vị hoàng đế mang một niềm vui tràn ngập, nó cũng bình dị và trong trẻo như chính cuộc sống nơi đây.

        Tâm trạng ấy khiến ông thấy cảnh vật càng nên thơ:

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

        Trên nền xanh của đồng nội, trong cái mờ ảo của khói sương, điểm xuyết vài cánh cò trắng đang là là hạ xuống. Chao ôi, cánh đồng quê sao mà đẹp thế!

        Hai câu thơ cuối với bút pháp miêu tả bằng những nét chấm phá, đã vẽ ra trước mắt người đọc cả một vùng quê yên bình và thơ mộng. Con người và cuộc sống ở đây bình dị quá, hồn hậu quá! Bức tranh cảnh vật với những nét chấm phá tài hoa của thi nhân trở nên thật có hồn: có âm thanh ngọt ngào, sâu lắng; có sắc màu tao nhã, sáng trong, có hoạt động nhẹ nhàng êm ả... Một bức tranh thôn dã được cảm nhận bằng một tâm hồn thi nhân tinh tế và nhạy cảm; hơn nữa, bằng tâm hồn của một con người thiết tha yêu làng quê, yêu cuộc sống.

        Ít ai có thể nghĩ được rằng, một vị vua ở tận nơi lầu son gác tía, lại gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã như vậy. Vì thế, càng đọc kĩ bài thơ, ta càng hiểu được cái tình quê, tình người lai láng đậm đà trong tâm hồn một bậc vĩ nhân, càng thêm quý trọng và mến phục ông.

        Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, thật xứng đáng là một áng thơ hay, tiêu biểu cho bản sắc và tâm hồn Việt Nam.

Bài mẫu 3: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Đề văn 7: Cảm nhận của em khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông

Bài làm

Thiên nhiên giản dị, tươi đẹp miền thôn dã muôn đời nay vẫn là người bạn gắn bó của các thi nhân – dù cho thi nhân ấy có là một nhà vua đi chăng nữa. Trong bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” tức "Thiên Trường vãn vọng" của nhà vua Trần Nhân Tông, khung cảnh thiên nhiên hiện lên thanh bình yên ả khiến lòng người thấy tĩnh tâm lạ thường.

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có đường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Trần Nhân Tông là một vị vua nổi tiếng đời nhà Trần sống ở thế kỉ XIII của dân tộc. Ông là người yêu dân, yêu nước và nổi tiếng khoan hòa, êm ái. Dưới triều đại của mình, ông chẳng những đã đoàn kết được tướng sĩ, nhân dân đánh thắng giặc Mông – Nguyên mà còn xây dựng cho nhân dân đời sống ấm no, yên ổn. Sau khi rời ngai vàng, ông lên núi Yên Tử tĩnh tu và được tôn là tổ sư của thiền phái Trúc Lâm… Tương truyền rằng sau khi lãnh đạo dân ta chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi, đất nước trở lại yên bình, nhân dịp thăm quê cũ ở Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông đả tức cảnh sinh tình mà viết nên “Thiên Trường vãn vọng”. Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt, âm điệu bài thơ nhẹ nhàng, hài hòa, thanh thoát.

Phủ Thiên Trường, Nam Định vốn là quê cũ của nhà Trần. Đó là một miền quê yên ả, thanh bình. Trong bài thơ, tác giả đã vẽ lên một bức tranh thôn dã vào lúc chiều tả, hoàng hôn đang kéo đến:

"Trước xóm sau thôn tựa khói lồng 
Bóng chiều man mác có dường không"

Trong nguyên văn chữ Hán, cụm từ bán vô bán hữu nghĩa là nửa như có nửa như không gợi phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói. Thôn xóm, nhà tranh, làng quê nối nhau, san sát, sum vầy phía trước, phía sau, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, nửa như có, nửa như không. Khói tỏa ra từ đâu vậy? Phải chăng, đây chính là khói bếp nhà tranh và lớp sương chiều làng đang hòa quyện với nhau thành một làn sương – khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng khiến người ta cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có lúc không? Tâm hồn người lâng lâng bởi cảnh hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy xóm làng thanh bình, êm ả đến? Cảnh tượng trong hai câu thơ đầu trầm lặng làm sao! Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo lên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo của câu thơ.

Đến hai câu sau đã có sự xao động trong cảnh vật:

"Mục đồng sáo vẳng trâu về hết 
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng".

Cách nơi nhà vua đứng không xa, mấy chú bé chăn trâu đang lùa trâu về làng, vừa ngồi trên lưng trâu vừa thổi sáo. Tiếng sáo vi vu, văng vẳng, cất lên làm xao động lòng người. Xa xa, trên cánh đồng lúa, mấy cánh cò trắng đang từng đôi một sà xuống như muốn tìm mồi hay định nghỉ ngơi! Người, vật, đồng ruộng, màu sắc, âm thanh…, tất cả đã hòa nhập với nhau để vẽ non bức tranh quê hương thanh bình, êm vắng mà thật có hồn.

Qua bức tranh được miêu tả, có thể nhận thấy cảnh tượng nhìn từ phủ Thiên Trường thật nên thơ. Đứng trước cảnh thiên nhiên ấy, tác giả như chìm đắm say sưa trong cảnh vật. Ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của xóm thôn mà vui mừng với cuộc sống không vướng bận binh đao.

Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh dược nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

"Thiên Trường vãn vọng" (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) của Trần Nhân Tông là một bức tranh phong cảnh làng quê xinh xắn. Nó đã gợi được cái hồn, cái cốt của làng quê Việt Nam. Bài thơ phảng phất chất thiền thể hiện tâm hồn sâu lắng, thanh cao của bậc vua hiền tài nhân ái Trần Nhân Tông.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 7


Copyright @2024 - Designed by baivan.net