Giải tiếng việt 5 VNEN bài 12B: Nối những mùa hoa

Giải chi tiết, cụ thể tiếng việt 5 VNEN bài 12B: Nối những mùa hoa. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn tiếng việt lớp 5.

A. Hoạt động cơ bản

1. Dựa vào những bức ảnh bên dưới và các câu hỏi trong vòng tròn ở giữa sơ đồ, nói những điều em biết về loài ong

Trả lời:

Ong là loài côn trùng, sống theo đàn. Hằng ngày, ong sử dụng đôi cánh của mình để đi kiếm ăn. Thức ăn của loài ong chính là phấn của các loại hoa. Sau khi hút phấn, ong sẽ mang về tổ và tạo nên những giọt mật vô cùng thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Chúng ta có thể sử dụng mật ong để pha nước uống, để chế biến món ăn và thậm chí còn để giúp các chị em phụ nữ làm đẹp. 

2 - 3 - 4: Đọc bài, giải nghĩa và luyện đọc

5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

a. Những chi tiết nào nói lên hành trình vô tận của bầy ong?

b. Bầy ong đến tìm mật ở những nơi nào?

c. Nơi rừng sâu, biển xa, quần đảo mà bầy ong đến có vẻ đẹp gì đặc biệt?

d. Em hiểu câu thơ “Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào” ý nói gì?

e. Qua hai dòng thơ cuối bài, tác giả muốn nói điều gì về sự cần cù và công việc của loài ong?

Trả lời:

a. Những chi tiết nói lên hành trình vô tận của bầy ong là:

  • Không gian: Với đôi cánh đẫm nắng trời ; Không gian là nẻo đường xa.
  • Thời gian: Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa, Thời gian vô tận mở ra sắc màu.

b. Bầy ong đến tìm mật ở rừng sâu thăm thẳm, bờ biển, quần đảo của đất nước.

c. Nơi rừng sâu, biển xa, quần đảo mà bầy ong đến có vẻ đẹp đặc biệt là:

  • Nơi rừng sâu: bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
  • Nơi biển xa : hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.
  • Nơi quần đảo: loài hoa nở như là không tên.

d. Câu thơ "Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào" muốn nói đến bầy ong rất chăm chỉ, giỏi giang, đến nơi nào dù là mảnh đất khô cằn hay xa xôi, cũng tìm ra được hoa để làm mật, đem lại hương vị ngọt ngào cho cuộc đời. 

e. Qua hai dòng thơ cuối bài, tác giả muốn ca ngợi công việc của bầy ong. Bầy ong mang lại những giọt mật thơm ngon, tinh túy cho con người, con người cảm nhận được những mùa hoa đã tàn phai còn lại trong mật ong.

6. Học thuộc lòng hai khổ thơ cuối bài

7. Tìm hiểu cấu tạo bài văn tả người.

1. Đọc bài văn “Hạng A Cháng” (SGK/127).

2. Mỗi phần 1, 2, 3 của bài văn trên có nội dung gì? (Nối tên mỗi phần của bài văn ở cột A với nội dung tương ứng ở cột B trong phiếu bài tập để trả lời).

Trả lời:

3. Tác giả giới thiệu Hạ A Cháng bằng cách nào?

4. Ngoại hình của A Cháng có những điểm gì nổi bật?

Trả lời:

3. Tác giả giới thiệu Hạng A Cháng bằng cách đưa ra lời khen của các cụ già trong làng về thân hình khoẻ và đẹp của anh. 

4. Ngoại hình của A Cháng có những điểm nổi bật là: ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân chắc như trắc, gụ, vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cột đá.

5. Qua đoạn văn miêu tả hoạt động của A Cháng, em thấy A Cháng là người như thế nào?

6. Ý chính của đoạn kết bài là gì? Chọn ý đúng để trả lời:

a. Ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình của Hạng A Cháng.

b. Ca ngợi sức lực tràn trề của Hạng A Cháng.

c. Ca ngợi tài năng Hạng A Cháng.

d. Ca ngợi dòng họ của Hạng A Cháng.

Trả lời:

5. Qua đoạn văn miêu tả hoạt động của A Cháng,  cho thấy A Cháng là người lao động khỏe, giỏi giang, cần cù và say mê lao động.

6. Ý chính của đoạn kết bài là:

Đáp án: b. Ca ngợi sức lực tràn trề của Hạng A Cháng.

7. Từ bài văn trên, nhận xét về cấu tạo của bài văn tả người.

  • Bài văn tả người thường gồm mấy phần?
  • Đó là những phần nào?
  • Mỗi phần trong bài văn tả người thường có nội dung gì?

Trả lời:

Bài văn tả người thường có ba phần:

  • Mở bài: Giới thiệu người định tả.
  • Thân bài:
    • Tả ngoại hình ( đặc điểm nổi bật về tầm vóc, cách ăn mặc, khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàm răng,…)
    • Tả tính tình, hoạt động (lời nói, cử chỉ, thói quen, cách cư xử với người khác,…)
  • Kết bài: Nêu cảm nghĩ về người được tả.

B. Hoạt động thực hành

1. Lập dàn ý chi tiết cho bài văn tả một người trong gia đình em (chú ý những nét nổi bật về ngoại hình, tính tình và hoạt động của người đó).

Trả lời:

Dàn ý chi tiết : Tả mẹ em

1. Mở bài: Giới thiệu về mẹ

2. Thân bài 

  • Tả ngoại hình: 
    • Mẹ em 44 tuổi, mẹ cao khoảng 160 cm, người mẹ mảnh khảnh và dáng đi rất nhanh nhẹn. 
    • Khuôn mặt mẹ tròn nhìn rất phúc hậu. Đôi môi của mẹ phớt hồng
    • Mẹ để mái tóc dài óng mượt, xoăn nhẹ phần đuôi tóc.
    • Giọng nói của mẹ rất ấm áp, lúc mượt mà lúc trầm bổng, ngân vang.
  • Tả tính tình, hoạt động:
    • Công việc của mẹ em là một nhân viên văn phòng.
    • Mẹ rất khéo léo trong cách ứng xử và trò chuyện hàng ngày, mọi người xung quanh đều quý mến mẹ em.
    • Mẹ vẫn luôn sắp xếp nhà cửa gọn gàng và nấu những bữa ăn ngon cho cả gia đình.
    • Mẹ luôn nhẹ nhàng và khuyên bảo em mọi điều trong cuộc sống

3. Kết bài : 

Tình cảm của em đối với mẹ: Tình yêu thương của em dành cho mẹ thực sự không thể đo đếm bằng lời. Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn

Bài văn mẫu:

Nếu được hỏi ai là người em yêu quý nhất, thì đó chính là người mẹ của em. Mẹ cho em cuộc sống quý giá, nuôi nấng em từ thuở lọt lòng. Mẹ như vầng trăng đêm khuya, ru em vào những giấc ngủ bình yên. Với em, hình ảnh của mẹ luôn khắc sâu trong tâm trí và trái tim của mình.

Mẹ em năm nay đã 44 tuổi, mẹ cao khoảng 160 cm, người mẹ mảnh khảnh và dáng đi rất nhanh nhẹn. Mẹ để mái tóc dài óng mượt, xoăn nhẹ phần đuôi tóc. Khuôn mặt mẹ tròn nhìn rất phúc hậu. Đôi môi của mẹ phớt hồng nằm dưới chiếc mũi cao thanh tú càng tô điểm thêm nét dịu hiền trên khuôn mặt mẹ. Mỗi khi nhìn em, mẹ đều luôn nở nụ cười tươi với ánh mắt trìu mến. Đôi bàn tay mẹ không còn tròn trịa như ngày mẹ trẻ mà đã gầy guộc và chai sạn hơn, đó là dấu vết của thời gian, của những năm tháng vất vả mẹ đã hi sinh vì chăm sóc cho hai chị em em. Giọng nói của mẹ rất ấm áp, lúc mượt mà lúc trầm bổng, ngân vang. Em thích nhất thói quen ngày bé khi được mẹ đọc truyện cổ tích mỗi tối. Mẹ như hóa thân vào từng nhân vật với giọng nói truyền cảm để giúp em hiểu nội dung câu chuyện hơn.

Công việc của mẹ em là một nhân viên văn phòng, mẹ thường xuyên phải tiếp khách với khách hàng để xử lí công việc. Vì vậy mẹ rất khéo léo trong cách ứng xử và trò chuyện hàng ngày, mọi người xung quanh đều quý mến mẹ em. Dù công việc bận rộn là thế nhưng hàng ngày mẹ vẫn luôn sắp xếp nhà cửa gọn gàng và nấu những bữa ăn ngon cho cả gia đình. Mỗi chiều đi làm về, mẹ lại tất tả chuẩn bị bữa cơm chiều. Mẹ dạy em nấu những món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Mẹ nói niềm hạnh phúc nhất của mình là được nấu các món ăn ngon cho người mình yêu thương. Em thường giúp đỡ mẹ những việc trong gia đình như gấp quần áo, quét nhà, rửa ấm chén…. Buổi tối, mỗi khi em có bài tập khó, mẹ thường giảng cho em hiểu. Điều em nhớ nhất là những khi em ốm, mẹ luôn lo lắng, quan tâm và chăm sóc cho em. Bàn tay mẹ luôn che chở và vỗ về. Những lúc vậy, em chỉ muốn được ôm mẹ và nói: "Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm! Con thấy mình thật hạnh phúc vì có mẹ. Mẹ ơi! Có mẹ, con thấy sướng vui. Có mẹ, con thấy ấm lòng. Trong trái tim con, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuỵêt vời nhất trong cuộc đời con. Con luôn yêu thương mẹ và tự hào vì được làm con của mẹ."

Mẹ dạy em những bài học cuộc sống quý giá, biết quý trọng từng nhành cây, nâng niu từng đóa hoa hay biết nói lời chào và cảm ơn với mọi người. Mẹ còn dạy em về lòng nhân ái, biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ nuôi nấng em khôn lớn, mẹ đã giúp em trưởng thành hơn, biết yêu thương và trân trọng cuộc sống.

Em luôn tự hào về mẹ. Mẹ là tấm gương, là món quà quý giá nhất mà cuộc sống này dành riêng cho em. Tình yêu thương của em dành cho mẹ thực sự không thể đo đếm bằng lời. Em mong sao cho mình mau lớn để có thể giúp cho mẹ đỡ vất vả hơn. Em hứa sẽ chăm học và cố gắng học thật giỏi để trả ơn cho mẹ và thầy cô đã dạy dỗ, nuôi nấng em nên người.

2. Kể cho các bạn nghe một câu chuyện em đã đọc hay đã nghe có nội dung bảo vệ môi trường.

Trả lời:

Khi còn bé hẳn mỗi chúng ta đều đã biết đến cây chuyện " không nên phá tổ chim" đúng không? Hôm nay, mình sẽ kể lại cho các bạn nghe một lần nữa về câu chuyện này.

Chuyện kể rằng có một cậu bé rất thích chơi với chim. Sáng ấy, cậu lang thang sau vườn nhà, tình cờ nhìn lên cây mít, phát hiện một tổ chim chích chòe. Trong tổ có ba con chim non mới nở. Cậu mừng lắm, vội trèo lên cây, hốt luôn cả ổ chim non đem xuống, hí hửng đi vào nhà. Lúc ấy, người chị của cậu ấy đang học bài ở phía trong, nghe tiếng chim kêu “chiu, chiu” vội đi ra. Thấy cậu em trai đang phấn khỏi nô đùa với ba con chim còn đỏ hỏn, người chị đến bên em, nhẹ nhàng bảo:

- Chim non đang sông với mẹ, sao em nỡ bắt nó? Lát nữa chim mẹ về, không thấy con, sẽ buồn lắm đấy. Còn lũ chim non xa mẹ, chúng sẽ chết.

- Nhưng em thích chơi với lũ chim này. Chị thấy không, chúng thật đáng yêu!

- Ừ, chúng đáng yêu lắm. Nhưng chúng đáng yêu hơn nữa khi chúng lớn, chúng sẽ hát ca bay lượn, chúng sẽ ăn sâu bọ giúp ích cho con người. Nghe chị đi. Hãy đặt lại chim vào tổ.

Lưỡng lự một lúc, cậu bé đã đem những chú chim non đặt lại vào tổ. 

Chuyện mà tôi kế chỉ có vậy. Tôi rất cảm phục cậu bé. Có thể, cậu chưa ý thức được rằng, hành động của cậu đã góp phần bảo vệ môi trường. Cậu nghe lời chị, thương mấy chú chim non, sợ chúng chết nên trả lại tổ cho chúng. Dù sao thì hành động ấy cũng rất đẹp rồi, phải không các bạn.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải Tiếng Việt 5 tập 1 VNEN


Copyright @2024 - Designed by baivan.net