1. Quan sát ảnh cổng trời
2 - 3 - 4. Đọc, giải nghĩa và luyện đọc
5. Thảo luận, trả lời câu hỏi
(1) Vì sao địa điểm miêu tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
(2) Hình ảnh cổng Trời được miêu tả trong khổ thơ đầu đẹp như thế nào?
(3) Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ 2, 3 và 4.
(4) Điều gì đã khiến cánh rừng sương giá ấy như ấm lên?
(5) Trong những cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
Trả lời:
(1) Địa điểm miêu tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời” vì: đó là một đèo cao giữa hai vách đá; từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
(2) Hình ảnh cổng trời được miêu tả trong khổ thơ đầu đẹp như ở cõi tiên trên trời, có gió thoảng, có mây trôi bồng bềnh
(3) Tả vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ 2, 3, 4 là:
Từ cổng trời nhìn xuống là một không gian mênh mông, bát ngátvới những rừng cây ngút ngàn và muôn sắc màu cỏ hoa. Ở phía xa là thác nước như dải lụa trắng đổ xuống từ triền núi cao, tạo nên âm thanh ngân nga như khúc nhạc trời ban. Bên dòng suối mát trong lành, đàn dê sau buổi gặm bỏ, đang thong thả soi bóng xuống đáy nước trong lành. Chiều về trên vùng núi cao, những đám mây bồng bềnh như làn khói mỏng tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, mơ màng cho thiên nhiên nơi đây. Trên những sườn đồi là những vạt nương ngô, nương khoai tốt tươi chờ ngày thu hoạch. Màu vàng của lúa dưới lòng thung như một tấm thảm vàng trải dài bát ngát.
(4) Cảnh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh sinh hoạt và lao động của con người, ai nấy tất bật, rộn ràng với công việc: người Tày từ khắp ngả đi gặt lúa, trồng rau; người Giáy, người Dao đi tìm măng, hái nấm; tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã; những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều.
(5) Trong bức tranh thiên nhiên được miêu tả, em thích nhất cảnh:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
=> Bức tranh đó vừa gợi lên màu sắc, báo hiệu một mùa màng tốt tươi vừa gợi lên cuộc sống ấm no, thanh bình vùng núi cao.
1. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em
Trả lời:
Ví dụ mẫu: Lập dàn ý tả cánh đồng
Mở bài: Một buổi sáng đẹp trời, tôi rảo bước trên đường làng quen thuộc và ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng rộng mênh mông
Thân bài:
Kết bài: Đứng giữa cánh đồng như đứng giữa một bức tranh, hứa hẹn một mùa bội thu cho người nông dân.
2. Dựa theo dàn ý đã lập, viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em
Trả lời:
Cánh đồng quê em đẹp như một dải lụa vàng óng mỗi khi vào mùa lúa chín.Đi học trên con đường làng nhỏ hẹp, hai bên là cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát một sắc vàng em như thấy mình lạc vào thế giới cổ tích ngày xưa. Em rất thích ngắm nhìn đồng lúa chín vào những buổi sáng mai. Chao ôi! Khung cảnh ấy mới đẹp làm sao. Trong không gian yên tĩnh, cánh đồng lúa đắm mình trong làn sương sớm lành lạnh của buổi sáng mùa thu. Những giọt sương sớm, như chưa hít đủ mùi hương lúa mới để rồi cứ vấn vương, đọng mãi nơi đầu bông lúa chín vàng. Toàn bộ cánh đồng được bao phủ bởi một màu vàng óng của lúa chín, lác đác một vài ruộng lúa cấy muộn vẫn còn màu xanh. Những bông lúa trĩu nặng hạt đều tăm tắp, chắc và mẩy uốn cong mềm mại, ngả vào nhau thì thầm trò chuyện. Mỗi khi có gió, những sóng lúa lại nhấp nhô, xô đuổi nhau chạy mãi vào bờ. Một mùi thơm dịu dàng, thoang thoảng của hương lúa bay xa, hoà lẫn trong mùi của đất mang đến một cảm giác thanh bình, yên ả của chốn đồng quê.
3. Kể một mẩu chuyện (đoạn truyện) đã nghe (đã đọc) về quan hệ giữa con người với thiên nhiên
Trả lời:
Những ngày thơ bé, em thường thích nằm vào lòng bà, bên chiếc chõng tre để nghe bà những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Và trong đêm nay trăng sáng, bà đã kể về sự tích chú Cuội cung trăng. Câu chuyện khiến em vô cùng thích thú và chú ý lắng nghe từng lời của bà.
Truyện kể rằng, ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.
Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó, Con hãy nhớ nhé!
Nói xong rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở phía đônggóc vườn nhà mình, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn nên ngày nào chú CUội cũng tưới cây bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn. Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm, Nhưng có một hôm, vợ chàng bị ngã vỡ đầu, chàng phải lấy đất sét làm một bộ óc giả thay vào đầu cho vợ rồi dùng lá thuốc quý chạy chữa. Thế mà vợ chàng vẫn tỉnh lại nhưng mắc chứng hay quên.
Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Dù đã dặ vợ không được tưới nước giải vào cây quý nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về,, do quên lời chồng dặn, vợ Cuội đã tưới nước giải vào gốc cây thuốc quý làm nó từ từ rời khỏi mặt đất bay lên cao. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….
Nhìn lên vầng trăng sáng trên bầu trời, em như thấy hình ảnh chú Cuội ngồi đó bên cạnh gốc cây quý. Câu chuyện cổ tích không chỉ ca ngợi tấm lòng nhân hậu của chú Cuội, đã dùng cây thuốc quý để cứu người khi bị bệnh mà còn thể hiện ước mơ của loài người được bay lên không trung, vào vũ trụ rộng lớn bao la. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta khi làm việc gì cần thận trọng trong mọi công việc, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc như gia đình nhà Cuội.
6. Thảo luận: Con người cần làm gì để thiên nhiên mãi tươi đẹp?
Trả lời:
Mỗi chúng ta ai cũng hiểu được sự cần thiết của thiên nhiên trong cuộc sống của con người, thì phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn thiên nhiên như một người hạn quý. Cho nên hơn lúc nào hết, chúng ta hãy thực hiện cấp bách nhiệm vụ “Hãy bảo vệ thiên nhiên” để tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên.