Bài soạn ngắn ngữ văn 10 kết nối bài Xúy Vân giả dại

Soạn ngữ văn 10 tập 1 sách Kết nối tri thức siêu ngắn bài Xúy Vân giả dại. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trình bày soạn ngắn gọn, súc tích mà vẫn đầy đủ ý. Mời các em tham khảo.

[toc:ul]

[Đọc] Câu 1: Hình dung khi thể hiện lời thoại này, diễn viên sẽ có động tác diễn xuất tương ứng như thế nào?

Trả lời: Khi thể hiện lời thoại, diễn viên sẽ múa theo nhạc, động tác dứt khoát, đi lại loạng choạng, …

[Đọc] Câu 2: Lời thoại này thể hiện trạng thái tâm lí gì của nhân vật?

Trả lời: Lời thoại này vừa cho thấy sự hối hận, lại vừa cho thấy sự đau khổ, tủi phận, xấu hổ của Xuý Vân khi trót làm kẻ bạc tình, phụ lại Kim Nham để chạy theo một tên sở khanh là Trần Phương.

[Đọc] Câu 3: Chú ý cách nhân vật chèo xưng danh, tự giới thiệu trước khán giả.

Trả lời: Các nhân vật tự xưng “tôi”, xưng tên họ một cách khiêm nhường, từ tốn. Ngoài ra còn giới thiệu các đặc điểm của bản thân như “dại dột”, “tài cao vô giá”, “hát hay đã lạ”,…

[Đọc] Câu 4: Hình ảnh vợ chồng quấn quýt xuất hiện ở đây có ý nghĩa gì?

Trả lời: Cho thấy mong muốn về một gia đình hạnh phúc, êm ấm của Xúy Vân nhưng đồng thời lại càng khắc họa rõ nét hơn sự hối hận và đau khổ của nàng.

[Đọc] Câu 5: Chú ý sự ý thức của nhân vật về chính mình. 

Trả lời: Nhân vật đã nhận ra được hoàn cảnh và sai lầm của bản thân hiện tại: vừa cô đơn, vừa hối hận, lại vừa là kẻ bị phụ tình, bị lừa dối.

[Đọc] Câu 6: Lưu ý ngôn ngữ và cách liên hệ bất thường của người điên hoặc giả điên.

Trả lời: Lời thoại thể hiện rõ sự “điên” của Xúy Vân khi liên tục nói tới những điều vô lý, sai sự thật, chứng tỏ nhân vật đã không còn giữ được sự tỉnh táo, dần mất đi ý thức và không phân biệt được sự việc.

[Trả lời câu hỏi] Câu 1:Nêu nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân.

Trả lời: Vì khi nàng ở nhà chờ chồng cô đơn thì được một người đàn ông là Trần Phương tán tỉnh, hứa hẹn, Xúy Vân đã giả dại với hi vọng được thoát khỏi Kim Nham để đi theo Trần Phương.

[Trả lời câu hỏi] Câu 2: Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, đoạn lời thoại nào thể hiện rõ nhất “ngôn ngữ điên” của nhân vật? Vì sao bạn xác định như vậy?

Trả lời: 

  • Đó là đoạn cuối hát ngược từ “Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông” đến “cưỡi con gà mà đi đánh giặc”.
  • Vì dựa vào hình thức: chú thích hát ngược; và nội dung lời nói: những sự vật hiện tượng trong lời nàng được hiện lên một cách ngược đời. Nhân vật dường như rơi vào trạng thái hỗn loạn, điên dại, rối bời, mất phương hướng.

[Trả lời câu hỏi] Câu 3: Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại để làm rõ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân.

Trả lời: 

“Tôi là đò, đò nỏ có thưa

Tôi càng chờ, càng đợ, càng trưa chuyến đò”

Xúy Vân đã cất tiếng hát than thở với bà Nguyệt về tình duyên của mình, sau đó Xúy Vân đã mượn hình ảnh con đò tình duyên để nói về mình, một người phụ nữ mòng mỏi chờ chồng, hạnh phúc dang dở. Lời hát xuất phát từ trạng thái nửa tỉnh nửa ngây nhưng qua lời hát ấy vẫn thấy tâm trạng đầy đau khổ, day dứt của một cô gái đang lo lắng trước tuổi xuân đang trôi qua, hình ảnh của cô gái ấy như một người lữ khách đứng trên bến đò vắng nhưng chưa thấy bóng dáng con đò.

[Trả lời câu hỏi] Câu 4: Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho biết những điều gì về cảnh ngộ đời sống cũng như niềm mong ước của Xúy Vân?

Trả lời: 

  • Cảnh ngộ đời sống của Xúy Vân lúc này vừa “đắng cay” lại vừa uất ức, nàng đang phải sống trong nỗi đau đớn, tủi hổ vì bị người đời chê cười là bỏ chồng, dan díu với nhân ngãi, để tiếng xấu cho cha mẹ, bị láng giềng đàm tiếu, dị nghị, dằn vặt và hối hận vì hành động của mình.
  • Mong ước về cuộc sống gia đình của Xúy Vân, nàng muốn chờ tới khi “bông lúa chín vàng”, “anh đi gặt”, “nàng mang cơm”, đây là hình ảnh về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, gia đình hòa thuận, vợ chồng sớm tối có nhau, đồng thời cũng là mong ước của nhiều người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

[Trả lời câu hỏi] Câu 5: Qua đoạn xưng danh của Xúy Vân, có thể nhận ra được những đặc điểm gì của sân khấu chèo (cách xưng danh, sự tương tác giữa người xem và người diễn…)?

Trả lời: 

  • Cách xưng danh: nhân vật tự thuật, tự xưng danh báo tính, tự bình luận về hành động hoặc nhân cách của chính mình.

  • Sự tương tác giữa người xem và người diễn: gọi là những đoạn thoại hướng ngoại, làm cho sân khấu chèo gần gũi, người xem có thể thêm các tiếng đế để tiếp lời nhân vật.

[Trả lời câu hỏi] Câu 6: Nêu một số đặc điểm của ngôn ngữ chèo mà bạn nhận biết được qua đoạn trích (thể thơ quen dùng; chất liệu ca dao, dân ca;…)

Trả lời: 

  • Ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa: “Bông bông dắt, bông bông díu/ Xa xa lắc, xa xa líu”.
  • Cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình: “Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng”, “chờ cho bông lúa chín vàng”, “con cá rô nằm vũng chân trâu/ để cho năm bảy cần câu châu vào”,…

[Trả lời câu hỏi] Câu 7: Qua lớp chèo này, bạn hiểu thêm được những điều gì về đời sống văn hóa làng xã Việt Nam thuở xưa?

Trả lời: 

  • Chế độ hôn nhân hà khắc, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
  • Tam tòng tứ đức.
  • Đời sống của dân làng chủ yếu tự cấp, tự túc, khép kín, rât ít khi tiếp xúc với bên ngoài, Hàng xóm láng giềng sống với nhau cơ bản hòa thuận, trên bảo dưới nghe, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi cần thiết.

[Trả lời câu hỏi] Câu 8: Xúy Vân giả dại để che giấu điều gì? Thử biện hộ cho hành động này của Xúy Vân?

Trả lời: 

  • Xúy Vân giả dại để che giấu sự thật rằng mình đã trót say đắm Trần Phương mà phụ bạc Kim Nham, đồng thời hành động giả dại của nàng còn có mục đích muốn được tự do, thoát khỏi Kim Nham để đi theo Trần Phương. 
  • Hành động này của Xúy Vân tuy là sai trái vì đã phụ chồng, không phải là hành vi đoan chính nhưng trong chế độ phong kiến xưa, Xúy Vân nói riêng mà những người con gái sống dưới chế độ ấy nói chung đều không có cái quyền tự định liệu cho hạnh phúc, lựa chọn cho mình tình yêu cũng như đối tượng mà mình cảm mến, mọi chuyện tình yêu, hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt theo quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Vì tình yêu ấy, nàng bất chấp vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến, những định kiến ngặt nghèo của xã hội về phẩm tiết của người phụ nữ. 

[Trả lời câu hỏi] Câu 9: Với văn bản lớp chèo Xúy Vân giả dại, ta chỉ cần khoảng 3 phút để đọc xong, nhưng để diễn trên sân khấu, cần tới gần 15 phút. Từ thực tế này, có thể rút ra được nhận xét gì về nghệ thuật chèo? (Gợi ý: chức năng của tích trò; tầm quan trọng của diễn xuất gồm hát, múa và các hình thức biểu cảm khác;…)

Trả lời: Từ thực tế diễn viên mất rất nhiều thời gian để diễn trên sân khấu so với việc đọc chèo có thể thấy nghệ thuật chèo khi diễn trên sân khấu không chỉ dựa vào văn bản gốc mà còn nhiều yếu tố khác như tích trò, diễn xuất, múa hát của diễn viên. Khi đứng trên sân khấu, tích trò là yếu tố có khả năng thêm thắt, bổ sung cho diễn viên; đồng thời các yếu tố như hát, múa cũng bổ sung nội dung cho văn bản gốc và kéo dài thời gian của vở chèo trên sân khấu.

[Kết nối đọc - viết] Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về nỗi niềm của nhân vật Xúy Vân được thể hiện qua lớp chèo Xúy Vân giả dại.

Trả lời: 

Đoạn trích: “Xúy Vân giả dại” tái hiện cảnh Xúy Vân giả điên mong thoát khỏi Kim Nham, nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi niềm tâm sự đầy nước mắt của người phụ nữ thiếu vắng tình yêu. Xuý Vân không được lựa chọn hôn nhân, lấy Kim Nham là do cha mẹ sắp đặt, nàng phải chung sống với người mình không yêu. Xuý Vân đến với Trần Phương không giữ trọn tiết làm vợ là một hành động nên phê phán nhưng cũng là một hành động mạnh mẽ, dám vì tình yêu. Chính cái ước mơ chính đáng và tình cảnh bế tắc, cô đơn, lạc lõng giữa gia đình nhà chồng đã đẩy Xuý Vân đến sự lựa chọn tự do nhưng đầy bi kịch. Xúy Vân cô đơn hiu quạnh như người muốn sang sông nhưng không thấy đò. Phần cuối hình ảnh Xúy Vân đầu tóc rối bời, đôi mắt ngây dại khiến chúng ta chạnh lòng. Những thứ nghịch lý ngang trái đó thể hiện cuộc đời Xúy Vân chỉ toàn những bất hạnh khổ đau. Ở đây cũng có nét tương đồng với ca dao hài hước châm biếm. Phê phán nhưng cũng nói nên khát vọng được yêu thương, được hạnh phúc là chính đáng, đó là ước muốn muôn thuở của con người, không lửa nóng tro tàn nào hủy diệt nổi.

Tìm kiếm google: soạn siêu ngắn văn 10 bài 5 Kết nối, soạn văn 10 bài 5 Kết nối tri thức, soạn văn 10 bài Xúy Vân giả dại

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 10 kết nối siêu ngắn


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com