Bài soạn lớp 11: Vào phủ Chúa Trịnh

Hướng dẫn soạn bài: Vào phủ Chúa Trịnh - Trang 3 sgk ngữ văn 11 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

Tác giả:

  • Lê Hữu Trác(1724- 1791), hiệu Hải Thượng Lãn Ông;
  • Quê: Liêu Xá, Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương;
  • Gia đình: có truyền thống khoa bảng;
  • Bản thân: 
    • Thông minh, hiếu học;
    • Không màng danh lợi;
    • Vừa là một danh y, vừa là một nhà văn, nhà thơ.
  • Thời đại: 
    • Vua Lê- chúa Trịnh;
    • Xã hội rối ren, lắm phe nhiều phái, nội chiến liên miên, nhân dân điêu linh, đất nước phân liệt.
  • Sự nghiệp: Bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” 
    • Gồm 66 quyển, 28 tập;
    • Cảm xúc chân thực trong những lần lặn lội chữa bệnh ở các miền quê;
    • Thể hiện sự trăn trở của một người lấy việc Cứu người và coi y đức làm trọng.

=> Tác phẩm được coi là “Bách khoa toàn thư y học thế kỉ XVIII”

  • Tác phẩm “ thượng kinh kí sự”.
    • Hoàn thành năm 1783, là quyển cuối của bộ “Hải thương y tông lĩnh”.
    • Thể loại: Kí sự
    • Giá trị tác phẩm: Quang cảnh kinh thành, phủ chúa và thái độ của tác giả.

Đoạn trích vào phủ Chúa Trịnh:

  • Vị trí: Ghi lại cảnh tác giả vào phủ chúa để bắt mạch, kê đơn cho thế tử Trịnh Cán(1/2/1782)
  • Bố cục: 
    • Bức tranh hiện thực sinh động trong phủ chúa;
    • Hình ảnh người thầy thuốc.

Câu 1: Quang cảnh trong phủ chúa được miêu tả như thế nào?...

Quang cảnh trong phủ chúa được miêu tả như thế nào? Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa ra sao? Những quan sát, ghi nhận này nói lên cách nhìn, thái độ của Lê Hữu Trác đối với cuộc sống nơi phủ chúa như thế nào?

Trả lời:

Quang cảnh trong phủ chúa được miêu tả:

  • Cảnh bên ngoài:
    • Cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương;
    • Những dãy hành lang quang co nối tiếp, người qua lại như mắc cửi.

=> Khung cảnh phủ chúa thơ mộng như chốn bồng lai tiên cảnh.

  • Cảnh nội cung (bên trong):
    • Là một nơi thâm nghiêm: Nhà lớn cao rộng, kiểu cách xinh đẹp;
    • Màu sắc chủ đạo: đỏ và vàng rực rỡ
    • Không khí: ngào ngạt mùi hương(nến, hoa) nhưng tù đọng, ngột ngạt

=> Quang cảnh phủ chúa cực kỳ xa hoa, tráng lệ, lung linh, huyền ảo, không đâu sánh bằng biểu hiện một cuộc sống vương giả nhưng tù hãm, thiếu sinh khí.

Thông qua đây, tác giả nhận xét nơi phủ chúa cái gì cũng đẹp, cái gì cũng sang nhưng thái độ của tác giả lại tỏ rõ sự dưng dưng, không đồng tính với cuộc sống quá tiện nghi, quá sang trọng, khác thường như vậy. Đó là cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc xa xỉ nhưng lại chẳng có tự do sinh khí. Điều đó giúp ta khẳng định Lê Hữu Trác không thiết tha gì với danh lợi, với quyền uy cao sang.

Câu 2: Phân tích những chi tiết trong đoạn trích mà anh/chị cho là “đắt”,...

Phân tích những chi tiết trong đoạn trích mà anh/chị cho là “đắt”, có tác dụng làm nổi bật giá trị hiện thực của tác phẩm.

Trả lời:

Trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh có nhiều chi tiết đắt giá, thể hiện nổi bật nội dung hiện thực của tác phẩm. Sự tinh tế và sắc sảo của tác giả đọng lại trong đoạn trích là ở những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất gây ấn tượng:

  • Lối vào chỗ ở của vị chúa nhỏ "Đi trong tối om, qua năm, sáu lần trướng gấm" - Nơi thế tử ngự; đạt sập vàng, cắm nến to trên giá đồng, bày ghế đồng sơn son thếp vàng, nệm gấm. Ngót nghét chục người đứng chầu chực sau tấm màn che ngang sân, cung nữ xúm xít. Đèn chiếu sáng làm nổi bật màu phấn và màu áo đỏ, hương hoa ngào ngạt.
  • Chỉ có một ấu chúa, thực chất chỉ là cậu bé lên 5 tuổi mà vây quanh bao nhiêu là vật dụng gấm vóc, lụa là vàng ngọc. Tất cả, bao chặt lấy con người. Người thì đông nhưng tất cả đều im lặng khiến cho không khí trờ nên lạnh lẽo, băng giá. Một cậu bé bị quây tròn, bọc kín trong cái tổ kén vàng son.
    • Biết khen người giữ phép tắc: "Ông này lạy khéo"
    • Cời áo thì: "Tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, chân tay gầy gò... nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức... mạch lại tế,... âm dương đều bị tổn hại..."

=> Hình ảnh nhân vật Trịnh Cán được khắc họa bằng những nét riêng, nhưng đồng thời mang ý nghĩa khái quát. Phải chăng cuộc sống vật chất quá đầy đủ, quá mức giàu sang, phú quý nhưng tất cả nội lực bên trong là tinh thần, ý chí, nghị lực, phẩm chất thì trống rỗng. Nhà khoa học kiêm nghệ sĩ tài ba Lê Hữu Trác đã chỉ đúng cội nguồn căn bệnh của Trịnh Cán là cả tập đoàn phong kiến của xã hội Đàng ngoài ốm yếu không gì cứu vãn nổi.

Truyện còn có nhiều chi tiết khác cũng thể hiện sự miêu tả sắc sảo: chi tiết miêu tả nơi "Thánh thượng đang ngự" (có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít. Đèn sáp chiếu sáng làm nổi bật màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt), rồi chi tiết miêu tả dụng cụ để ăn uống, … Lời văn của tác giả rất tự nhiên, không hề có chút cường điệu nào. Cũng chính vì thế mà việc hưởng lạc xa hoa của nhà chúa tự nó phơi bày ra trước mắt người đọc không cần thêm một lời bình luận nào.

Câu 3: Cách chuẩn đoán và chữa bệnh của Lê Hữu Trác cùng những diễn biến...

Cách chuẩn đoán và chữa bệnh của Lê Hữu Trác cùng những diễn biến tâm tư của ông khi kê đơn cho ta hiểu gì về người thầy thuốc này.

Trả lời:

Thái độ của Lê hữu Trác nơi phủ chúa:

  • Cảnh giàu sang nơi phủ chúa khác hẳn người thường.
  • Cả trời Nam sang nhất là đây.
  • Những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy, chỉ dám ngước nhìn rồi lại cúi đầu đi,
  • Tôi bây giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia.

=> Qua đó, ta thấy mặc dù tác giả khen cái đẹp, cái sang, cái uy quyền nơi phủ chúa nhưng lại tỏ ra dửng dưng trước sự quyến rũ vật chất nơi đây và không đồng tình với cuộc sống no đủ tiện nghi nhưng thiếu sinh khí. Đồng thời, ông dự cảm về một ngày mai suy yếu tàn tạ của cái gia đình, cái tầng lớp phong kiến thống trị lúc bấy giờ. Đây chính là giá trị hiện thực của tác phẩm.

Câu 4: Theo anh/chị, bút pháp kí sự của tác giả có gì đặc sắc?...

Theo anh/chị, bút pháp kí sự của tác giả có gì đặc sắc? Phân tích những chi tiết đặc sắc đó.

Trả lời:

Nét đặc sắc của bút pháp kí sự:

  • Ký sự là một thể của ký thiên về tự sự, thường ghi chép các sự kiện, hay kể lại một câu chuyện khi nó mới xảy ra. Trong đoạn trích, tác giả đã thể hiện khả năng quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động. Lối kể khéo léo ,lôi cuốn bằng những sự việc chi tiết đặc sắc. Có sự đan xen với tác phẩm thi ca làm tăng chất trữ tình của tác phẩm.
  • Giọng điệu: kể chuyện khách quan, pha chút hài hước, tạo được sự thú vị cho người đọc: nín thở đứng chờ, bị sóc một mẻ, một chỗ tối om không có cửa ngõ gì cả… Giọng kể của ông rất tự nhiên xen kẽ giữa lời kể và lời bình, tác giả chú ý nhiều đến tả cảnh, đến tường thuật sự việc.
  • Về nhân vật, ngoài những người mang họ Trịnh, các nhân vật khác, tuy quyền hành và phận sự khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ cùng dựa dẫm, nịnh bợ nhà chúa nhằm củng cố địa vị cá nhân. Các quan ngự y ngày đêm chầu chực để liệu phương thuốc chạy chữa cho Trịnh Cán, nhưng lại sợ trách nhiệm, chỉ theo ý của quan Chánh đường để ra toa. Ngay cả quan Chánh đường cũng không khá hơn, ông hoàn toàn đặt mọi hi vọng vào thế tử ốm yếu, bệnh hoạn.

Câu 5: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Vào phủ chúa Trịnh...

Giá trị nội dung và nghệ thuật trong Vào phủ chúa Trịnh (Trích Thượng kinh kí sự) của Lê Hữu Trác?

Trả lời:

Nội dung: 

  • Đoạn trích đã dựng lên một bức tranh sinh động, chân thực về cuộc sống xa hoa, quyền quý ở phủ chúa Trịnh đồng thời bộc lộ rõ nét thái độ, tâm trạng, nhân cách Lê Hữu Trác.

Nghệ thuật:

  • Kết hợp kể, tả tập trung điểm xuyết
  • Chọn lọc những chi tiết đắt giá
  • Giọng kể khách quan, trang nghiêm, đan xen thái độ: Ngạc nhiên, hàm ý phê phán kín đáo chúa Trịnh
  • Khéo léo kết hợp văn xuôi và thơ ca.

=>Tài quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động.

[Luyện tập] So sánh đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh với một tác phẩm...

So sánh đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh với một tác phẩm (hoặc đoạn trích) kí khác của văn học trung đại Việt Nam mà anh (chị) đã đọc và nêu nhận xét về nét đặc sắc của đoạn trích này.

Trả lời:

Phương diện so sánh

Vào phủ chúa trịnh

Chuyện cũ trong phủ chúa trịnh

Thể loại

Kí sự

Tùy bút

Nội dung

Nhân việc được triệu kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, ghi lại quang cảnh và cuộc sống cực kì xa hoa của chúa Trịnh Sâm lúc bấy giờ.

Kể lại những thú vui ham chơi của Trịnh Sâm: Đi chơi ngắm cảnh đẹp, ngự ở các li cung, xây dựng núi nói, chậu hoa cảnh, vơ vét, chiếm đoạt của cải tiền bạc của nhân dân với những tệ nạn nhũng nhiễu của bọn hoạn quan một cách thô bạo và trắng trợn.

Thái độ của tác giả

Không đồng tình với cuộc sống xa hoa, tỏ ý phê phán cuộc sống nơi phủ chúa và những con người ở đấy. Đặc biệt là chúa Trịnh Sâm, thế tử Trịnh Cán và quan lại quyền quý.

Không đồng tình với cuộc sống xa hoa, tỏ ý phê phán cuộc sống nơi phủ chúa và những con người ở đấy. Đặc biệt là chúa Trịnh Sâm, thế tử Trịnh Cán và quan lại quyền quý.

Đặc sắc nghệ thuật

Quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, chọn được những chi tiết sắc sảo, có ý nghĩa sâu sắc, cám xúc, suy nghĩ bộc lộ một cách độc đáo, gián tiếp.

Sự việc, cảnh vật, chi tiết con người được miêu tả tỉ mỉ, sinh động, sắc sảo, nhà văn hóa vừa kể vừa bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ nhiều hơn, thậm chí có thể nói trực tiếp những suy nghĩ của mình về “triệt bất thường” của một chế độ đang đi đến chỗ suy tàn.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 11


Copyright @2024 - Designed by baivan.net