Bài soạn lớp 11: Chí Phèo (tiếp theo)

Hướng dẫn soạn bài: Chí Phèo (tiếp theo) - Trang 146 sgk ngữ văn 11 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Phần hai: Tác phẩm

  • Truyện ngắn Chí phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), nhà xuất bản tự đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày ( Hội văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên là Chí Phèo.
  • Nam Cao sáng tác từ năm 1936, nhưng đến tác phẩm Chí Phèo nhà văn mới khẳng định được tài năng của mình. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn. 
  • Tóm tắt tác phẩm:

Tác phẩm Chí Phèo kể về nhân vật Chí Phèo , hắn vốn là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Khi lớn lên Chí Phèo đi ở hết nhà này nhà khác để nuôi thân. Đến năm Phèo 20 tuổi, hắn là canh điền cho nhà Bá Kiến, và tấm bi kịch cuộc đời hắn từ diễn ra từ đây. Vì bị Bá Kiến ghen nên hắn bị giải lên huyện và bị bắt bỏ tù. Hắn ở tù bày tám năm, sau khi trở về, hắn xuất hiện với bộ dạng khắc hẳn ngày xưa, với nhiều hình xăm trên mình. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Lí Kiến để chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Và Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho Bá Kiến. Trong tình trạng luôn say mèm,ai cho tiền sai gì hắn cũng làm, hắn trở thành một con quỷ dữ của làng Vụ đại luôn làm những trò tác quái phá làng, phá xóm, khiến người dân ai ai cũng khiếp sợ.

Cuộc đời hắn không lúc nào tỉnh. Vào một đêm trăng, Phèo say ra bờ sông gần nhà thì gặp Thị Nở đi kín nước ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Đêm đó, họ ăn nằm với nhau. Phèo nửa đêm đau bụng, nôn mửa, sáng hôm sau, Thị cho hắn một bát cháo hành. Cũng từ đó hắn khao khát trở về cuộc sống lương thiện và được sống cùng Thị Nở. Nhưng một lần nữa hắn bị đạp xuống vực vì bà cô của Thị không đồng ý. Phèo tuyệt vọng, lại uống và lại xách dao ra đi, vừa đi hắn vừa chửi rủa sự đời. Hắn cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi trả lương thiện cho hắn. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. 

Câu 1: Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa...

Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn mở đầu thiên truyện. 

Trả lời:

  • Nam Cao đã mở đầu thiên truyện một cách độc đáo, ấn tượng đó chính là tiếng chửi của Chí Phèo. Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời […].  Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. […] Đã thế, hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Chí Phèo chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cha đứa nào đẻ ra hắn. Hắn chửi vậy, nhưng không có ai chửi nhau lạị với hắn bởi ai cũng nghĩ “chắc nó trừ mình ra!. Chí Phèo chửi phải chăng là hắn say rượu? Nhưng không!  hắn càng uống càng tỉnh. Bởi thế tiếng chửi của Chí Phèo chính là sự giao tiếp của hắn với đời, hắn muốn được nói chuyện, muốn nói chuyện giao tiếp với mọi người.
  • Tiếng chửi của Chí Phèo chính là phản ứng của hắn trước toàn bộ cuộc đời bất hạnh. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị xã hội ruồng bỏ. Những tiếng chửi vô nghĩa, không được xã hội đón nhận, lắng nghe. Một khi đã bị tước mất quyền làm người thì mọi tiếng chửi rủa, than khóc, tỉnh táo hay say xỉn đều vô tác dụng. Chí Phèo thích kêu làng kêu xóm, đối với một người bình thường thì những tiếng kêu ấy ngay tập tức gây được sự chú ý của mọi người; nhưng đối với Chí lại khác, dù hắn kêu làng như một người bị đâm thì giỏi lắm chỉ làm cho Thị Nở kinh ngạc còn cả làng vẫn không ai động dạng… mà đáp lại lời hắn chỉ có lũ chó xắn xôn xao trong xóm. Tiếng chửi là khao khát được giao tiếp với con người của  hắn dù là hình thức hạ đẳng nhất. Nhưng cũng không ai đáp lại nên Chí phẫn uất. Tiếng chửi vừa thể hiện đỉnh cao tấn bi kịch cô đơn, bị từ chối quyền làm người của Chí vừa dẫn dắt câu  chuyện đến hoàn cảnh xuất thân và số phận bất hạnh của Chí Phèo.
  • Những chi tiết này cho thấy một kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ, không còn tư cách làm người. Chí Phèo tồn tại như một "bóng ma" nhưng là một "bóng ma" lạc lõng và không gây kinh sợ cho ai cả.

Câu 2: Việc gặp gỡ Thị Nở đã có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chi Phèo?...

Việc gặp gỡ Thị Nở đã có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời Chi Phèo? Những gì đã diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ đó?

Trả lời:

  • Khi Chí Phèo uống rượu ở nhà cụ Tư Lãng xong rồi hắn không về nhà mà ra bờ sông gần nhà. Tại đó, hắn gặp thị Nở - một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng – ra sông kín nước ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Họ ăn nằm với nahu rồi ngủ say dưới trăng. Đến nửa đêm, Chí Phèo đau bụng nôn mửa. Thị Nở dìu hắn vào trong lều, đặt lên chõng, đắp chiếu cho hắn rồi ra về…[…] Thị vào cắp một cái rổ, trong đó có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Những giây phút gặp thị Nở, Chí Phèo được sống những giấy phút làm người. Thị Nở - một người phụ nữ xấu xí về ngoại hình nhưng thị là người phụ nữ đẹp, thị có lòng thương người. Thị nghĩ “mình bỏ hắn lúc này cũng bạc”. Lúc gặp được thị Nở, hắn được sống những phút giây của con người, được ước mơ suy nghĩ và tỉnh táo thực sự. Khi bị ốm, hắn được thị Nở chăm sóc, rồi nấu cháo hành cho ăn. Được quan tâm chăm sóc tâm trạng của Chí phèo bắt đầu chuyển biến phức tạp hơn. Sự chăm sóc của người đàn bà xấu xí đã khơi dậy cái lương thiện trong con người Chí bấy lâu nay bị vùi dập. Nam Cao thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc đối với người nông dân bị tha hóa khi sáng tạo chi tiết Chí Phèo gặp thị Nở.
  • Sau khi gặp Thị Nở diễn biến tâm trạng của Chí Phèo trở nên phức tạp. Lần đầu tiên, từ những ngày ở tù về, Chí thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và lần đầu tiên sau những cớn say triền miên, kể từ ngày ở tù về giờ hắn mới  nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường. Và khao khát được sống lương thiện đã trỗi dậy trong hắn.. Chí bắt đầu nghĩ về đời mình về những ngày đã qua và những ngày sắp tới. Anh cảm nhận rõ sự cô độc và bất hạnh của đời mình. Chi mong ngóng Thị Nở, khao khát được cùng Thị xây dựng một gia đình. Hắn cũng từng là anh điền hiền lành, từng có ước mơ là có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Hắn nhận ra mình đã già mà vẫn cô độc. Hắn them lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao.

Câu 3: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối  chung sống...

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối  chung sống. Vì sao Chí Phèo có hành động thật dữ dội, bất ngờ (uống rượu,  xách dao đi giết Bá KIến rồi tự sát) ?

Trả lời:

  • Cuộc đời Chí Phèo là một chuỗi những đau khổ, những bất hạnh. Hắn có mặt trên đời cũng đã khổ "trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch cũ", rồi hắn cũng từng là anh canh điền lành, không thích cái người ta khinh. Âý vậy mà, từ một anh nông dân hiền lành hắn trở thành tên tù, tên lưu manh, con quỷ dữ mất hết nhân hình, nhân tính. Bi kịch, cuộc đời hắn quả là một bi kịch. Đỉnh điểm của bi kịch ấy là sau khi hắn được gặp thị Nở. Thị Nở đã đánh thức cái lương thiện trong con người hắn, hắn khao khát lương thiện, khao khát được làm hòa với mọi người, khao khát được sống cùng thị Nở. Hắn ước được "làm người" được trở về cuộc sống lương thiện. Những tưởng ước mơ, khao khát của hắn sẽ được thị Nở mở đường nhưng Thị lại từ chối hắn và hắn cũng không có cách nào níu giữ được. Thế là  Chí Phèo rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, mọi hy vọng cho một tương lai “làm người” bỗng chốc hóa thành mây khói. Trong cơn tuyệt vọng ấy, Chí Phèo như tỉnh hẳn và chua xót nhận ra bi kịch tinh thần của cuộc đời mình – người vốn sinh ra là người nhưng lại không được làm “người”. Hắn vật vã, đau đớn. Càng tuyệt vọng, hắn càng uống rượu; nhưng càng uống rượu, hắn càng tỉnh ra. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, hắn ý thức được nỗi đau thân phận của mình. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành. Chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm niềm khao khát tình yêu thương, khát khao cuộc sống lương thiện và cũng nhấn mạnh bi kịch tinh thần không cách có thể cứu vãn.
  • Trong tột cùng bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi nhân hình và nhân tính của mình, biến mình thàng một con “quỷ” của làng Vũ Đại. Chí Phèo xách dao ra đi, thay vì đến nhà bà cô Thị Nở như dự định, tâm trí lại điều khiển hắn đến nhà Bá Kiến – người đã gây ra bao bất hạnh cho cuộc đời hắn. Khác với các lần trước, lần này, hắn đòi Bá Kiến trả cho hắn cái thứ quý giá mà hắn đã mất từ lâu – đó là làm người lương thiện. Hắn uống đến say mềm rồi hắn đi. Hắn đi với một con dao thắt ở lưng. Hắn lảm nhảm: " Tao phải đâm chết nó! tao phải đâm chết nó!". Nhưng hắn lại thẳng đường đi. Hắn không rẽ vào nhà thị Nở, hắn rẽ vào nhà Bá Kiến - lần này hắn đòi lương thiện. Điều này cho thấy, hắn đã thức tỉnh, hắn nhận ra mọi điều, hắn khao khát được trở thành người lương thiện. Hắn đòi lương thiện, nhưng hắn nhận ra ai cho hắn lương thiện, làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?. Hắn không thể trở thành người lương thiện được nữa. Hắn biết rằng chỉ còn một cách là giết Bá Kiến rồi tự sát. Sở dĩ, hắn hành động như vậy bởi vì hắn hiểu rõ được tấn bi kịch của đời mình, hắn bị đẩy vào bước đường cùng khi không thể trở lại thành người lương thiện. 

Câu 4: Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa...

Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, hãy làm rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao (chú ý việc khắc họa tính cách và nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật).

Trả lời:

Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc, mới mẻ. Tác phẩm đã thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng những nhân vật điển hình bất hủ; nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt  là việc xây dựng nghệ thuật điển hình hóa nhân vật.

Chí Phèo và Bá Kiến là hai nhân vật điển hình cho các tầng lớp xã hội cơ bản của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng, vừa là những người có cá tính độc đáo và có sức sống mạnh mẽ. Tâm lí nhân vật được miêu tả sắc sảo, tinh tế, đi sâu vào nội tâm để diễn tả những diễn biến phức tạp phát sinh trong cuộc đời. Bá Kiến là đại diện cho thế lực cường hào ác bá. Mối quan hệ của Chí Phèo và Bá Kiến thể hiện quá trình bị tha hóa của Bá Kiến từ anh canh điền, hiền lành bị Bá Kiến đẩy vào tù và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. 

Khắc họa thành công nhân vật Chí Phèo - người nông dân hiền lành, lương thiện bị xã hội tàn bạo đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa, bị tàn phá cả nhân hình nhân tính. Hắn sinh ra đã là một bi kịch, từ một anh nông dân hiền lành hắn trở thành tên lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ, cuối cùng trở thành con quỷ dữ. Đời hắn chưa bao giờ tỉnh. Sau đêm gặp thị Nở tâm lý của Chí Phèo đã thay đổi phức tạp. Hắn cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống đời thường, hắn nhận ra mình đã già nhưng vẫn còn đơn độc. Hắn muốn sống chung với thị Nở, thèm lương thiện.  Với khát vọng được làm người lương thiện của Chí Phèo sau cái hôm gặp thị Nở tác giả vẫn luôn khẳng định bản chất lương thiện của người nông dân ngay cả khi bị vùi dập. Qua đây, Nam Cao thể hiện được tư tưởng nhân đạo, lòng yêu thương, niềm tin yêu của ông vào những con người khốn khổ. Chí Phèo còn là tiếng kêu cứu của những con người khốn khổ, bí bách cùng quẫn không lối thoát bị xã hội ruồng bỏ để xã hội hiểu được hãy cho họ - những con người lầm đường lạc lối cơ hội trở về với cuộc sống lương thiện, cơ hội được hòa nhập cộng đồng. 

Câu 5: Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này có gì đặc sắc?

Trả lời:

Tác phẩm Chí Phèo đã thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao. Một trong số những nghệ thuật đó là nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên mà vẫn nhất quán, chặt chẽ. Đó là giọng điều trần thuật hài hòa có sự kết hợp giữa lời đối thoại và lời độc thoại, giữa gián tiếp và lời nửa tiếp. Đọc cả câu chuyện chúng ta có có thể cảm nhận được Nam Cao đang ở trong câu truyện đó, là người quan sát cả làng Vũ Đại và rồi thoảng như vào sâu trong nội tâm nhân vật Chí Phèo. Vì vậy, nhiều đoạn có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: đoạn kể về tiếng chửi của Chí, đoạn tả tâm trạng Chí sau cuộc gặp với Thị Nở và khi bị từ chối... Đối thoại Chí với Bá Kiến, Chí với Thị Nở... Giọng điệu trần thuật này là những đóng góp quan trọng của Nam Cao trong quá trình hiện đại hóa của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam.

Câu 6: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao qua truyện ngắn này?

Trả lời:

Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương. Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương và những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ. Ông quan niệm không có tình thương đồng loại thì không đáng gọi là người (Đời thừa). Đó chính là những lý do dẫn Nam Cao đến với con đường nghệ thuật hiện thực "vị nhân sinh" và tạo nên những tác phẩm thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật ấy của ông là tác phẩm Chí Phèo.  Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tố đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào đường cùng, ngợi ca phẩm chất của họ).

[Luyện tập] Câu 1: Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: "Văn chương không cần...

Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có".  Với những hiểu biết về sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về quan niệm nghệ thuật nói trên của nhà văn.  

Trả lời:

Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có đóng  góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam.Ông có quan điểm nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ đạt được thành tựu xuất sắc, ông cũng là nhà văn có phong cách độc đáo. Trong truyện ngắn đời  thừa  Nam Cao viết: " Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có". 

Câu nói ngắn gọn nhưng đã thâu tóm những yêu cầu thật là gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác văn chương. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một kiều mẫu đưa cho là cách diễn tả hình ảnh, ám chỉ thứ văn chương đẽo gọt, khuôn sáo, hời hợt, một thứ văn chụp ảnh hoặc minh họa giản đơn. Người thợ dù là người thợ khéo tay thì cùng chỉ sản xuất ra những thành phẩm hàng loạt theo mẫu mã có sẵn, dù có khéo léo cùng chỉ là một hình thức bắt chước, theo khuôn mẫu. Lao động của nhà văn thì khác hẳn. Đó là quá trình nghiền ngẫm, khám phá, tìm tòi những nội dung mới và hình thức diễn tả mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị của riêng mình, mang bản sắc độc đáo của từng nghệ sĩ. Trong một truyện ngắn khác (truyện Những chuyện không muốn viết), Nam Cao cũng đã diễn đạt một cách thật là đặc thù hình ảnh lao động của nghề văn: “Cái nghề văn kị nhất là cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" tức là nó tối kị sự sao chép, bắt chước. Với một yêu cầu thật nghiêm khắc về nghề, nhà văn quan niệm: “Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sảng tạo những cái gì chưa có”.
Đúng vậy. Mọi nghệ sĩ chân chính, có tài năng đều khao khát sáng tạo ra được những tác phẩm chân chính, sâu sắc. Nhưng không bao giờ họ bằng lòng với lối sao chép, rập khuôn hay phản ánh hiện thực cuộc sống trên bề mặt của nó. Nhà văn phải là người có cái nhìn nhạy bén và sâu xa hơn người để phát hiện những vấn đề sâu kín ở bề sâu của đời sống để đem đến cho người đọc những khía cạnh mới, những vấn đề mới đầy bất ngờ, sâu sắc, thú vị, có khả năng đánh thức vào trí tuệ trái tim, làm phong phú tâm hồn, thậm chí có thể làm thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ thông thường. Mỗi sáng tạo của một nhà văn tài năng phải là một tìm tòi mới, một khám phá mới. 

Đọc Nam Cao, ta được tiếp nhận một phong cách nghệ thuật thật là độc đáo, mới lạ: độc đáo từ cách phát hiện đề tài, xử lí đề tài đến hành văn, giọng điệu, kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ… Đến cả cái tên của nhấn vật mà ông chon lựa cũng chẳng giống ai. Đó không phải là những Lan, những Ngọc, những Nhung, những Tuyết… mà là Lang Rận, Chí Phèo, Đĩ Chuột; là Lê Văn Rự, Trạch Văn Đoành… những cái tên mà chính tác giả cũng thấy nó như chọc vào lỗ tai. Cả tên các tác phẩm nhiều khi nghe cũng thật là ngộ nghĩnh (Rình trộm, Tư cách mõ, Thôi, đi về…).

Tuy nhiên, cái độc đáo của Nam Cao bộc lộ chủ yếu ở cách thức nhà văn đi sâu, tìm tòi, khám phá và diễn tả cái bề sâu của đời sống hiện thực. Cũng như các nhà văn hiện thực khác, ngòi bút của ông chủ yếu cũng hướng tới những con người bần cùng, khốn khổ. ông không hề làm ngơ, hờ hững trước chuyện rách áo, đói cơm vốn là một hiện thực phổ biến thời bấy giờ. Nhiều chuyện ông viết về miếng cơm, manh áo thật cảm động, xót xa, có thể làm rơi nước mắt… Nhưng trung tâm cảm hứng của ngòi bút Nam Cao chủ yếu hướng về nỗi khổ đau, vất vả về đời sống tinh thần, những nỗi đau xót âm thầm mà đữ dội, những bi kịch nội tâm, những xung đột giằng xé trong từng con người, từng số phận, giữa cái xấu và cái tốt, cái cao thượng và cái thấp hèn; cái nhân hậu vị tha và cái ích kỉ, độc ác…

Ít có ngòi bút nào lách sâu đến chỗ tận cùng của xung đột âm thầm mà dữ dội ấy như ngòi bút của Nam Cao. Ông ít miêu tả trực tiếp những xung đột và đấu tranh giai cấp trên bề mặt của đời sống, ông thiên về diễn tả những bi kịnh nội tâm với biết bao giằng xé, cắn rứt, tủi nhục, ân hận trong từng con người. Đừng nghĩ rằng chỉ những trí thức tiểu tư sản như Thứ (Sống mòn), như Điền (Trăng sáng), như Hộ (Đời thừa)… mới có bi kịch nội tâm, mới có những vật lộn, ray rứt, ân hận… Ngay cả Chí Phèo, một con người đã mất gần hết nhân tính, lúc tỉnh rượu cũng nhận ra một trạng thái dường như ăn năn, lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó vàng cũng là cả một sự giằng xé âm thầm, dai dẳng… và khi đã bán rồi thì lão khóc hu hu vì khổ đau, ân hận. Lão không chỉ tiếc thương con chó, lão còn ân hận cắn rứt không thôi vì đã nỡ đánh lừa một con chó.

Ít có ai phát hiện, thấu hiểu và diễn tả tinh tế nỗi đau khổ, dày vò về tinh thần, những vẻ đẹp bên trong của những con người khôn khổ, tội nghiệp… như ngòi bút của Nam Cao.

[Luyện tập] Câu 2: Vì sao truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại?

Trả lời:

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ra đời đã gây một tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ. Nó là một dẫn chứng hùng hồn chứng minh cho thắng lợi của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của các nhà văn tiến bộ. Truyện ngắn xuất sắc này đã đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong đội ngũ các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945.

Qua nhiều truyện ngắn của mình, Nam Cao đã tố cáo trước dư luận tình trạng thống khổ của nông dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Họ là nạn nhân của bọn cường hào áp bức và tham nhũng. Bạo lực đen tối, sưu cao thuế nặng cùng nhiều hủ tục khác ở nông thôn đã dồn đẩy họ vào bước đường cùng, thậm chí tước đoạt quyền sống, quyền làm người của họ. Hình tượng có giá trị tố cáo xã hội sâu sắc là nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên – một nông dân lương thiện bị bần cùng hoá, lưu manh hóa. Chính vì có ý nghĩa hiện thực to lớn và giá trị nghệ thuật xuất sắc nên truyện ngắn này được đánh giá là một kiệt tác trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hơn nữa,truyện Chí Phèo  là tác phẩm đầu tiên nói về người nông dân bị " lưu manh hóa", chứ ko đơn thuần nói về số phận bị bần cùng hóa như những tác phẩm trước như: Lão Hạc, Tắt đèn,... 

Hơn nữa, Chí phèo lại như một  nhân vật mở đường cho luồng tư tưởng mới, dám đứng lên chống lại cái ác (giết chết Bá Kiến) tuy rằng vẫn tự sát nhưng đó đã góp phần to lớn cho việc thay đổi tư tưởng người nông dân thời bấy giờ, ko phại nhẫn nhục mà biết vùng dậy đòi công lí cho bản thân, chứ ko bế tắc như Lão Hạc phải tự sát, hay chạy vào đêm tối như chị Dậu.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 11


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com