Bài soạn lớp 7: Tìm hiểu chung về văn biểu cảm

Các bạn đang đến với bài soạn: "Tìm hiểu văn bản biểu cảm". Đúng như tên gọi của nhan đề, thông qua bài học, bạn đọc sẽ hiểu thêm, biết thêm về thể loại văn biểu cảm. Đó là thể loại mà chúng ta vẫn thường gặp và thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Với cách soạn bài ngắn gọn nhưng đủ ý, xúc tích, baivan.net hi vọng đó là những thông tin bổ ích cho người đọc.

[toc:ul]

I. Nhu cầu biểu cảm và văn biểu cảm

1. Nhu cầu biểu cảm của con người

Ví dụ1. 

“Thương thay con cuốc giữa trời

Dầu kêu ra máu có người nào nghe.”

=> Nỗi đau của chim quốc không được ai đoái hoài => Gợi liên tưởng đến tiếng kêu nao lòng, vô vọng của người nông dân.

Ví dụ 2. 

“Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát.

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.

Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.”

=> Niềm hạnh phúc của người con gái được đứng giữa cảnh đẹp.

Kết luận:

  • Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.
  • Văn biểu cảm gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút….

2. Đặc điểm chung của văn biểu cảm

(Đọc hai đoạn văn trang 72 - sgk)

Nội dung của hai đoạn văn:

  • Đoạn 1: Người viết thư đã nhắc lại những kỉ niệm giữa mình và Thảo, qua đó thể hiện nỗi niềm thương nhớ. 
  • Đoạn 2: Sự liên tưởng và sự xúc động thiêng liêng của nhà văn Nguyên Ngọc khi nghe tiếng hát dân ca trong đêm khuya.

Sự khác nhau giữa nội dung của văn bản tự sự, miêu tả và biểu cảm:

  • Tự sự: kể một câu chuyện hoàn chỉnh
  • Miêu tả: chỉ có miêu tả
  • Biểu cảm: không kể hoàn chỉnh câu chuyện nhưng có sử dụng miêu tả để so sánh liên tưởng và gợi cảm xúc

Ghi nhớ: sgk – trang 73 

[Luyện tập] Câu 1: So sánh hai đoạn văn sau, đoạn nào là văn biểu cảm?...

So sánh hai đoạn văn sau, đoạn nào là văn biểu cảm? Dựa vào đâu mà em cho là như vậy? Hãy chỉ ra nội dung biểu cảm của đoạn văn ấy.

a. Hải đường: Loài cây nhỡ, họ chè, lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ một đến ba đoá ở gần ngọn cây, ngọn cành, có cuống dài, tràng hoa màu đỏ tía, nhị đực rất nhiều. Hoa nở ở Việt Nam vào dịp Tết âm lịch, đẹp, không thơm. Thường trồng làm cảnh.

(Theo Từ điển bách khoa nông nghiệp)

b. Từ cổng vào, lần nào tôi cũng phải dừng lại ngắm những cây hải đường trong mùa hoa của nó, hai cây đứng đối nhau trước tấm bình phong cổ, rộ lên hàng trăm đoá ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc. Nhìn gần, hải đường có một màu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm. Tôi vốn không thich cái lối văn hoa của các nhà nho cứ muốn tôn xưng hoa hải đường bằng hình ảnh của những người đẹp vương giả. Sự thực ở nước ta hải đường đâu phải chỉ mọc nơi sân nhà quyền quý, nó sống khắp các vườn dân, cả đình, chùa, nhà thờ họ. Dáng cây cũng vậy, lá to thật khoẻ, sống lâu nên cội cành thường sần lên những lớp rêu da rắn màu gỉ đồng, trông dân dã như cây chè đất đỏ. Hoa hải đường rạng rỡ, nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ, cánh hoa khum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền. Bỗng nhớ năm xưa, lần đầu từ miền Nam ra Bắc lên thăm đền Hùng, tôi đã ngẩn ngơ đứng ngắm hoa hải đường nở đỏ núi Nghĩa Lĩnh.

(Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoa trái quanh tôi)

Trả lời:

Đọc hai đoạn văn trên ta thấy, đoạn b là văn biểu cảm vì đoạn văn tả hoa để bộc lộ cảm xúc.  Trong khi đó, đoạn a chỉ miêu tả đến đặc điểm cây hoa hải đường dưới góc độ sinh học.

Khi ta đọc đoạn văn b, gợi cho ta những liên tưởng chân thực cho dòng cảm xúc. Vẻ đẹp của hoa hải đường được tái hiện qua một sự cảm nhận tinh tế, in đậm dấu ấn cảm xúc của tác giả. Trên thực tế, sự phân biệt rạch ròi giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả chi mang tính tương đối. Đoạn văn về hoa hải đường cho ta thấy sự hoà trộn đến thuần thục giữa miêu tả và biểu cảm để đem lại một bức tranh về cảm xúc trước vẻ đẹp của hoa.

[Luyện tập] Câu 2: Hãy chỉ ra nội dung biểu cảm trong bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh.

Trả lời:

Bài sông núi nước Nam có nội dung tự hào khẳng định chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ tổ quốc trước mọi kẻ thù xâm lược.

Bài phò giá về kinh thể hiện hào khí chiến thắng của quân và dân ta, đồng thời thể hiện khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc.

[Luyện tập] Câu 3: Kể tên một số bài văn biểu cảm (trữ tình) hay mà em biết.

Trả lời:

Văn bản biểu cảm là một thể loại rất phổ biến mà ta vẫn thường gặp hàng ngày. Chỉ nói đến chương trình ngữ văn 7 thôi cũng đã có rất nhiều tác phẩm. Ta có thể kể đến như: Những câu hát về tình cảm gia đình, về tình yêu quê hương, đất nước, con người, Cổng trường mở ra, Viếng lăng Bác, cuộc chia tay của những con búp bê….

[Luyện tập] Câu 4: Sưu tầm và chép ra giấy một số đoạn văn xuôi biểu cảm

Trả lời:

 “Đối với đồng bào tôi, mỗi tất đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mong trong đó kí ức của người da đỏ”.

(Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xi –át – tơn)

“…Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đến đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi…Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng lựu như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền…”

(Cốm –Thạch Lam)

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 7


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com