Bài soạn lớp 11: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - phần tác giả

Hướng dẫn soạn bài: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - phần tác giả - Trang 56 sgk ngữ văn 11 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Câu 1: Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu...

Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh/chị cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?

Trả lời:

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) ) tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai.
  • Sinh tại quê mẹ- làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (tp Hồ Chí Minh)
  • Xuất thân: trong gia đình nhà nho
  • Cuộc đời tác giả trước và sau khi Pháp xâm lược:
    • Trước khi Pháp xâm lược: 
      • Năm 1843: Đỗ tú tài - Năm 1849: nghe tin mẹ mất -> bỏ thi -> chịu tang -> bị mù 
      • Sau đó về Gia Định mở trường dạy học, bốc thuốc, sáng tác thơ văn 
    • Sau khi Pháp xâm lược (1859)
      • Tham gia cuộc kháng chiến chống ngoại xâm 
      • Sáng tác thơ văn phục vụ kháng chiến .
      • Thực dân Pháp mua chuộc, dụ dỗ -> kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù.
      • Năm 1888, ông mất trong sự tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước

=> Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương trong sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí, về lòng yêu nước ,thương dân và thái độ kiên trung ,bất khuất trước kẻ thù.

Câu 2: Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Trả lời:

  • Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa:
    • Thể hiện rõ trong tác phẩm Lục Vân Tiên
    • Vừa mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc.
    • Mẫu người lí tưởng:

Nhân hậu, thủy chung

Bộc trực, ngay thẳng

Trọng nghĩa hiệp…

    • Thể hiện qua thơ văn yêu nước chống Pháp
    • Ghi lại chân thực giai đoạn lịch sử đau thương, khổ nhục của đất nước
    • Khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta
    • Biểu dương, ca ngợi những anh hùng đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc

=> Thơ văn của nguyễn đình chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời, có tác dụng động viên, khích lệ tới tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân.

Câu 3: Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu,...

Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh/chị cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này?

Trả lời:

Đối với Nguyễn Trãi:

  • Nhân nghĩa, trong quan điểm của Nguyễn Trãi, trước hết được gắn chặt với tư tưởng vì dân và an dân: “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, “dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”, “đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân”(1). Như vậy, nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, là đánh giặc cứu nước, cứu dân. Nguyễn Trãi đã coi “an dân” là mục đích của nhân nghĩa và “trừ bạo” là đối tượng, là phương tiện của nhân nghĩa.
  • Có một khía cạnh rất đáng quý trong tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, đó là tư tưởng trọng dân, biết ơn dân. “Dân chúng” vẫn luôn được ông nhắc tới và chú ý đề cao ngay cả sau khi kháng chiến đã thành công, đất nước đã giành được độc lập và bước vào xây dựng cuộc sống mới.  Do đó, ông đã nhận thấy rất rõ những đức tính cao quý của nhân dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân, thấy rõ được sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong sáng tạo lịch sử.
  • Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng, thậm chí đối với cả kẻ thù.
  • Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn tiến xa hơn một bước nữa, đó là ý tưởng xây dựng một đất nước thái bình, bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu.

Đối với Nguyễn Đình Chiểu:

  • Nhân nghĩa là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi rèn dũa con người. Tư tưởng cao đep ấy được Nguyễn Đình Chiểu chuyển tải vào trong truyện thơ rất gần gũi với nhân dân nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Như vậy, phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.
  • Ông ca ngợi những đạo lí truyền thống của dân tộc, trung hiếu với vua, đặc biệt ông còn đề cao chữ tiết hạnh:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

[Luyện tập] Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu...

Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: "Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu" ?

Trả lời:

Câu nói nêu lên dặc điểm cơ bản nhất trong con người,tâm hồn và trong thơ văn Nguyễn Đình Chỉểu.Đó là lòng yêu thương,kính trọng người lao động, những con người có cuộc đời nghèo khổ nhưng tâm hồn trong sáng,luôn hường về cái thiện.

Phân tích cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu ta dễ dàng nhận thấy được điều đó:  

Về cuộc đời: gắn bó với nhân dân, làm thầy dạy,vừa bốc thuốc,chữa bệnh cho nhân dân. Ông còn đứng về phía nhân dân, lên án thế lực tội ác (thực dân Pháp sang xâm lược nước ta trong bài thơ"chạy giặc" hay các triều đại Phong Kiến Việt Nam với cách thống trị tàn ác ,dã man("lẽ ghét thương"), không hợp tác với giặc mà vẫn giữ một lòng sắt son với nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Về sự nghiệp văn chương: tập trung khắc hoạ những người dân lao động bình thưởng nhất: ông Ngư, ông Tiều, những người nghĩa sĩ Cần Giuộc....

Gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường, Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ một quan điểm nhân dân rất tiến bộ .Từng trải trong cuộc đời , nhà thơ hiểu rất rõ cái xấu, cái ác thường lẩn khuất sau những cái tốt đẹp,dáng kính trọng ,đáng khao khát, tồn tại bền vững nơi những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa, khinh tài.....

[Luyện tập] Những cảm nhận sâu sắc của anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời...

Những cảm nhận sâu sắc của anh (chị) qua tìm hiểu cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

Trả lời:

Cuộc đời và thơ của Nguyễn Đình Chiểu  được Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét như sau: “ Trên trời có vì sao có ánh khác thường”. Điều khiến mỗi chúng ta ấn tượng sâu nhất về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu có phải là một tấm gương sáng ngời về nghị lực và đạo đức. Ông chính là một người đã chiến đấu hết mình, sống thẳng thắn, chính trực với một nghị lực sống phi thường. Một người luôn đứng về chân lí, lẽ phải, luôn đấu tranh cho nhân dân thật đáng để ngưỡng mộ.

Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822, mất năm 1888, tên thường gọi là Đồ Chiểu. Ông là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Đến năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỉ Dậu 1849 nhưng trớ trêu thay mẹ ông mất. Vì quá thương nhớ mẹ mà ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau đó Pháp câm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông vẫn tiếp tục dạy học và làm thuốc. Ông nhanh chóng có liên hệ mật thiết với những những nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là và lãnh binh Trương Định. Dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.

Ông cũng là một con người trọng đạo lý, sống nặng tình. Ông sống luôn giữ gìn và đề cao bản sắc dân tộc, yêu ghét rõ ràng. Vì cứu người cụ Đồ Chiểu có thể sẵn sàng hi sinh, không màng danh lợi. Ta thấy ở ông một ý chí kiên định, không bao giờ chịu khuât phục trước cường quyền.  Nguyễn Đình Chiểu chính là một tấm gương sáng về nghị lực. Ông dùng văn chương để đánh giặc, ngôn từ là vũ khí sắc bén.

Cái tên Cụ Đồ Chiểu đã cho thấy rằng ông chính là người đã có công đóng góp rất lớn trong giáo dục. Ông được biết đến với hình ảnh một người thầy giáo trọn đời chăm lo cho những môn sinh của mình. Trong những bài học đạo lí của ông, ta thấy được một nhân cách vĩ đại của một kẻ sĩ. Ông là một trong những người đã dành tâm huyết để cống hiến cho lĩnh vực y học. Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc giỏi, ông thông thạo sâu sắc y học phương Đông và Việt Nam và là một bầu trời y đức. Cuốn Ngư Tiều y là một trong những tác phẩm cuối đời của ông không chỉ dạy đạo làm thầy thuốc cứu người mà còn chỉ cả đạo làm người.

Không chỉ thế mà nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về nghị lực và ý chí của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, đau thương: nước mất nhà tan, bản thân bị mù, bị từ hôn... nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời chính là thái độ sống có văn hoá, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu. Nhìn từ góc độ văn hoá, Nguyễn Đình Chiểu là một con người Việt Nam trọng đạo lí, nặng tình người, tôn trọng, đề cao bản sắc dân tộc, yêu ghét rõ ràng, khen chê dứt khoát. Vì người, ông sẵn sàng hi sinh, xả thân, không màng danh lợi. Vì đời, ông chấp nhận mọi thử thách trước khó nghèo, khổ cực, không hám lợi, không sợ uy vũ, không khuất phục cường quyền. Tóm lại, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng về nghị lực và nhân cách trong lúc đất nước có ngoại xâm. Mặc dù bị mù đôi mắt, không trực tiếp cầm gươm, cầm súng đánh giặc được, ông đã dùng văn chương như một vũ khí sắc bén để chống kẻ thù, ca ngợi những tấm gương hi sinh vì nghĩa. Dù hoàn cảnh nào ông cũng nêu cao khí tiết của người chí sĩ yêu nước.

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu thật cao đẹp! Và ta càng khâm phục hơn nữa, càng cảm nhận sâu sắc hơn nữa khi tìm hiểu thơ văn của ông.  Nguyễn Đình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, thương dân và lấy đó làm vũ khí chống giặc. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sống lại phong trào kháng Pháp oanh liệt, bền bỉ của nhân dân Nam Bộ. Qua những bài văn tế ca ngợi những sĩ phu, những người nông dân Lục tỉnh, ta mới hiểu hết tấm lòng trung nghĩa của ông. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nhận xét về bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc như sau: “Bài văn của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ lại bài Đại Cáo bình Ngô củaNguyễn Trãi. Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà.Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn sống hiên ngang, sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...”.

Nếu như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca bi tráng sống mãi cùng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc thì Lục Vân Tiên lại được đánh giá là “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa”, ca ngợi “những đạo đức đáng quý trọng ở đời”. Tuy còn có ý kiến khác nhau nhưng những tác phẩm này vẫn thể hiện được cái hay, cái đẹp của về cả nội dung lẫn hình thức. Trong một thời gian khá dài từ đầu thế kỉ XX đến nay, truyện thơ Lục Vân Tiên đã là nội dung diễn xướng dân gian với các loại hình như nói thơ, hò, vè, trong sinh hoạt văn hoá quần chúng và chính đề tài Lục Vân Tiên -Kiều Nguyệt Nga đã sớm thể hiện trên sân khấu ca kịch cải lương khi bộ môn này vừa mới ra đời trên kịch trường Nam Bộ. Gần đây đề tài này đã và đang được dựng lên thành nhạc kịch hiện đại, dựng thành phim truyện...

“Trên trời có những vì sao ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Về quan điểm văn chương, Nguyễn Đình Chiểu tuy không nghị luận về văn chương nhưng ông có quan điểm văn chương riêng. Quan điểm “văn dĩ tải đạo” của ông khác với quan niệm của nhà Nho, càng khác với quan niệm chính thống lúc bấy giờ. Nhà Nho quan niệm Đạo là đạo của trời, còn Đồ Chiểu trên nguyên tắc đề cao đạo trời nhưng trong thực tế ông cho rằng đạo làm người đáng quý hơn nhiều. Văn chương chiến đấu vị nhân sinh, đầy tinh thần tiến công và tinh thần nhân ái. Đó là quan niệm bao trùm văn chương Đồ Chiểu. Cái sâu sắc, thâm thuý trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chính tà minh bạch, hợp đạo lí, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hoá Việt Nam.

Nhìn chung, các tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của quần chúng nhân dân. Lý tưởng thẩm mĩ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hoá và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đó là lối sống trọng đạo lí và công bằng xã hội, trong con người và căm ghét áp bức bất công. Hơn một thế kỉ qua, hiếm thấy nhà văn nào mà tác phẩm có tính phổ cập sâu rộng và có sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá của nhân dân như vậy

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của người chiến sĩ đã phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự nghiệp thơ ca của ông là minh chứng hùng hồn cho vị trí và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu không chỉlà bài học cho hôm nay mà cho cả mai sau.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 11


Copyright @2024 - Designed by baivan.net