Soạn văn 11 siêu ngắn bài: Bài viết số 6 Nghị luận xã hội

Soạn văn 11 siêu ngắn bài: Bài viết số 6 Nghị luận xã hội - sgk ngữ văn lớp 11 tập 2. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được soạn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý.

[toc:ul]

Đề 1: Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay

Trả lời

Dưới sự phát triển vội vã của cuộc sống hiện đại, những vấn đề về con người và cuộc sống của con người trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, “bệnh vô cảm” đã trở thành một trong những điểm nóng xã hội suốt nhiều năm qua.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu: “bệnh vô cảm” là gì? Bệnh vô cảm là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không nảy sinh cảm xúc đối với những sự vật, sự việc xung quanh mình. Họ hoàn toàn lạnh lùng, thờ ơ, không mảy may xúc động. Một số người gọi đây là hiện tượng “robot hóa” và thường xảy ra ở giới trẻ. Người ta gọi đây là một căn bệnh đáng sợ của xã hội, một cái chết từ trong tâm hồn. Ban đầu, nó chỉ là một hiện tượng nổi lên với một ít trường hợp cụ thể. Dần dà, nó trở nên lan rộng và âm thầm trở thành một căn bệnh của con người, của xã hội. Người sống vô cảm thu mình trong thế giới ích kỉ của cá nhân, ngại va chạm, sợ phiền toái, không xót thương cho những cảnh đời bất hạnh thậm chí còn tàn nhẫn gieo rắc khổ đau cho người khác.

Thực trạng căn bệnh vô cảm diễn ra vô cùng phức tạp trong xã hội. Hằng ngày, truyền thống đa phương tiện đưa tin chóng mặt những cuộc ẩu đá đánh nhau, những mâu thuẫn cá nhân được giải quyết bằng tay chân, những vụ bạo lực học đường xảy ra hàng loại, những đứa trẻ thờ ơ đối với chính gia đình của mình, những kẻ thấy người tai nạn chỉ đưa mắt trơ trơ…. Đó là muôn hình vạn trạng gương mặt của căn bệnh nơi tâm hồn kia. Dư luận ngày càng bàng hoàng, lo lắng trước hậu quả những khôn lường. Và đã có những trả giá nặng nề bằng cả tính mạng. Còn đáng buồn hơn khi những người ngoài cuộc còn tham gia vào bằng sự vô tâm, tiếp tay quay và đăng tải những clip kèm theo những lời bình luận hời hợt, khiếm nhã, đẩy các giá trị đạo đức ngàn xưa đi vào con đường băng hoại.

Có thể lấy một số minh chứng để thấy bệnh vô cảm đã trở thành báo động chung của xã hội, trở thành câu chuyện không của riêng ai. Một con số đã khiến mọi người phải bảng hoàng: Việt Nam xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc nhất. Vụ “hôi của tập thể” của anh Vũ Trường Chính ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh bị cướp lấy 50 triệu đồng trong lúc dừng xe đường đỏ và giằng co qua lại khiến túi tiền văng tung tóe ra khắp đường. Lúc đó, những kẻ qua đường đã lợi dụng cơ hội để nhặt tiền và bỏ chạy. Và những câu chuyện máu lạnh tương tự như vụ những người “hôi bia” (hơn 1400 két) ở Đồng Nai, bỏ mặc những lời van nài thảm thương của tài xế. Một ví dụ khác để thấy sự vô cảm chẳng những xảy ra chẳng những nơi đầu ngõ, ngoài đường mà đã ăn sâu vào những mối quan hệ gần gũi hằng ngày, đó là những câu chuyện bạo lực học đường đã gây ra biết bao phẫn nộ. Kẻ trong cuộc đôi khi chỉ vì lời một xích mích nhỏ mà xử nhau ra vẻ đàn chị, đàn anh. Người bên ngoài thản nhiên quan sát, quay clip đăng tải lên mạng xã hội để câu like, câu view.

Tất nhiên, thực trạng đau lòng trên đã dẫn tới những hậu quả, những hệ lụy đầy đau thương, mất mát. Mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng trở nên lỏng lẻo, rời rạc. Những câu ca dao, tục ngữ răn dạy như “thương người như thể thương thân” ngày càng trở nên xa rời với xã hội. Căn bệnh vô cảm khiến họ sẵn sàng làm ngơ hay quay lưng với những bất hạnh, mất mát đang hiển hiện trước mắt mình. Những hành vi tư lợi cá nhân ngày càng nhiều, lối sống ích kỉ ngày càng được vun vén tốt tươi. Đã có biết bao lời lên án nhưng tất cả dường như còn quá yếu ớt. Những quan hệ đổ vỡ thậm chí là những cái chết đã gây ra biết bao nhiêu phẫn nộ và lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của những người yêu thương mình.

Vậy, nguyên nhân nào đã gây ra căn bệnh vô cảm trên? Có hai yếu tố: chủ quan và khách quan, nhưng ở đây, yếu tố khách quan gây tác động chủ đạo. Sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ cùng với những áp lực về cơm, áo, gạo, tiền trong thời buổi kinh tế thị trường đã làm cho người trở nên ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, chỉ biết chăm chút cho chính mình. Cộng với đó, thái độ tương tự “không nghe, không thấy, không biết của những người xung quanh càng đẩy vấn đề càng trở nên trầm trọng, bế tắc hơn.

Đã có nhiều giải pháp được đề xuất và thực hiện. Trước nhất, cần sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông để có thể chuyển tải từng câu chuyện thương tâm đã xảy ra đến từng người. Lời khuyên, lời cảnh báo từ những chuyên gia tâm lí hi vọng sẽ khiến mọi người có thể mở rộng lòng mình để giao hòa với xã hội, sống từng phút từng giây với những sự kiện nóng hỏi bên ngoài. Bên cạnh đó, nhân tố gia đình vô cùng quan trọng. Sự quan tâm lo lắng và răn dạy của phụ huynh sẽ góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, tình cảm của mỗi con người.

Tóm lại, câu chuyện căn bệnh vô cảm sẽ là câu chuyện dài chưa biết đến khi nào có thể chấm dứt nhưng tôi tin, những hành động nho nhỏ của mỗi cá nhân sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ cả một cộng đồng. Trước những thực trạng, hậu quả, nguyên nhân nêu trên, mỗi con người cần xây dựng sự ý thức cho mình. Và có thể, hãy lan truyền sự sẻ chia, yêu thương để cái chết từ trong tâm hồn kia mãi mãi lui vào quá khứ.

Đề 2: Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh thành tích" - một "căn bệnh" gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay

Trả lời

Dưới áp lực thi cử của cuộc sống hiện đại, khi vai trò của giáo dục và cuộc sống thực tế có sự chênh lệch nhau nhất định, nhiều vấn đề mâu thuẫn đã nảy sinh. Việc học để biết, để hình thành kĩ năng không phát huy rõ lợi ích thực tế của nó so với việc “học để điểm cao”. Từ đó, trong xã hội bắt đầu manh nha một căn bệnh bệnh mới – “bệnh thành tích”.

Đứng trước vấn đề trên, chúng ta cần có một cách nhìn chung, một cách hiểu cơ bản nhất về căn bệnh được cho là gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay. “Bệnh thành tích” là việc con người ta cố đeo đuổi và giành lấy hư danh, danh vọng không đúng với khả năng năng lực thực tế, chỉ có kết quả trên giấy tờ vô nghĩa, ngụy tạo một vỏ bọc lung linh bên ngoài thực lực còn nhiều lỗ hỏng. Trong công việc và môi trường giáo dục, bệnh thành tích đã gây ra những báo động nghiêm trọng bằng những hệ lụy nghiêm mà suốt thời gian dài người ta tưởng chừng vô hại.

Các phương tiện truyền thống đại chúng đã không ít lần phanh phui thực trạng đáng buồn của căn bệnh này. Trong mọi ngõ ngách của đời sống, bệnh thành tích tồn tại một cách âm ỉ và dai dẳng, đôi khi trở thành thâm căn cố đế trong tư tưởng của những kẻ chuộng bề ngoài, chuộng hình thức. Nhiều địa phương đưa ra những con số phát triển đầy lý thuyết về những con số gia đình văn hóa, thành tích xóa đói giảm nghèo; nhiều công ty đưa báo cáo để “đáp ứng yêu cầu” và đặc biệt môi trường giáo dục, bệnh thành tích đã trở thành một nỗi đau chung. Từ học sinh, phụ huynh cho đến giáo viên, bệnh thành tích đã chi phối, tác động mạnh mẽ. Nạn mua điểm mua danh, mua bằng bán cấp đã không còn quá xa lạ và đôi khi được….công khai! Số lượng học sinh ngồi nhầm lớp dường như đã quá “bình thường” và những danh hiệu khá, giỏi ngày càng tăng vùn vụt về số lượng và chất lượng… Hiện tượng ọc sinh lớp 4,5 không viết nổi tên mình, học sinh lớp 7,8 đọc còn ê a đánh vần, học sinh lớp 12 không thể giải nổi bài toán nhân chia đơn giản...tồn tại song song cùng những con số báo cáo lí tưởng hằng năm như 100% học sinh thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, 100% đạt về năng lực, 100% đạt về phẩm chất, 99% học sinh lên lớp thẳng hay 90% đạt hạnh kiểm Tốt, 10% đạt hạnh kiểm Khá... Phụ huynh chuộng cho con mình những bảng điểm đẹp, những danh hiệu tốt, trường chuyên, lớp chọn nên đã không ngại vung tiền bạc hay quan hệ để đổi lấy thành tích ảo! Giáo viên vật vã chạy theo những “chỉ tiêu” của trường, của Phòng, của Bộ nên thản nhiên “giúp đỡ” các em lên lớp đều đặn với bảng điểm đẹp như mơ. Và còn rất nhiều, rất nhiều những hiện tượng khác của căn bệnh trầm kha đang ngự trị xã hội này.

Từ thực trạng trên, những hậu quả đi kèm đã gây ra nhiều đau thương cho người trong, lẫn ngoài cuộc. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao đất nước mình chậm chân lại trước đà phát triển của thế giới? Có bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao với số lượng báo cáo khổng lồ hằng năm mà việc vận dụng thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay? Và có bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao với số Giáo sư, Tiến sĩ nhiều nhất ASENAN dường như lại thiếu những cống hiến xứng đáng kèm theo? Chúng ta tự hào với số lượng cử nhân, Thạc sỹ choáng ngợp nhưng tỉ lệ thất nghiệp dường như mang lại những suy nghĩ ngược lại. Có quá nhiều bằng cấp, quá nhiều cuộc thi đua nhưng những gì đã, đang và sẽ hiện thực lại là một lời hứa hẹn viển vông. Ở môi trường phổ thông các cấp, học sinh và giáo viên dường như là nạn nhân vô tội của các chỉ tiêu. Hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, hiện tượng “vớt học sinh” đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Cơ sở vật chất ở những trường vùng sâu vùng xa đã được cải thiện rõ rệt dường như cũng chỉ nằm trong báo cáo! Rốt cục, trình độ học sinh chẳng những không cải thiện mà ngày càng đi vào bế tắc, giáo dục lại quẩn quanh trong công cuộc cải cách không mấy khả quan. Bên cạnh đó, nhiều công ty nhận nhân viên qua những yêu cầu bằng cấp, rốt cục lại ngã ngửa ra khi phải… đào tạo lại từ đầu!

Vậy, bệnh thành tích vì đâu mà xuất hiện? Có phải nó đã và đang ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của mọi người? Chính bởi những kẻ chuộng địa vị, chuộng hình thức hào nhoáng mà không quan tâm đến năng lực thực sự đã gây ra căn bệnh xã hội này. Hơn nữa, ở Việt Nam, việc yêu cầu bằng cấp rập khuôn đã vô tình đẩy vấn đề trở nên nghiêm trọng. Bài viết “Phụ huynh đi xin giấy khen cho con để gia đình bớt xấu hổ” được đăng trên báo giaoduc.net năm 2016 đã khiến dư luận bàng hoàng thức tỉnh. Thói hám danh, hám lợi đi kèm sự giả dối đã giết chết sự phát triển của xã hội, của con người.

Bây giờ là lúc mỗi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra giải pháp cho vấn đề bệnh thành tích đang diễn ra tràn lan trong cuộc sống hiện tại. Trước nhất, mỗi cá nhân phải tự thức tỉnh mình, phải tự nhìn nhận vào thực tế để thấy được hệ lụy của chúng. Từ đó, việc thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy cần được thực hiện một cách đến nơi đến chốn, đừng để việc chống thành tích chỉ là hô hào trong suốt thời gian qua. Hãy dừng lại việc cho con học bài văn mẫu, việc mua đề trước mỗi kì thi, mua bằng cấp giả để ngụy tạo năng lực… Và hãy dừng ngay những chỉ tiêu lí tưởng, những báo cáo mang tính chất phong trào… Và để thực hiện điều này, chúng ta cần sự nỗ lực của cả cộng đồng chớ không chỉ riêng lẻ cá nhân.

Tóm lại, thực tế đã chứng minh bệnh thành tích gây những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội nói chung, của con người nói riêng. Nó chẳng những mài mòn năng lực mà còn mài mòn đạo đức và niềm tin. Chỉ can đảm trải qua quá trình tôi luyện lâu dài, quá trình cố gắng không ngừng nghỉ con người mới thực sự chiếm lĩnh cái được gọi là năng lực, là kỹ năng.

Đề 3: Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh/ chị làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

Trả lời

Trong thời đại ngày nay, giáo dục là một phần quan trọng nhằm phát triển con người, hướng đến cải tạo xã hội, giúp xã hội văn minh hơn. Trong quá trình học tập, thi cử là một hình thức nhằm giúp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nhưng dường như hình thức này vẫn không triệt để và khách quan vì thái độ thiếu trung thực trong thi cử của một bộ phận học sinh hiện nay. Đáng lưu ý hơn, hiện tượng này ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề nhức nhối trong nhà trường.

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu “thái độ thiếu trung thực” là gì. Để hiểu được nó, ta phải hiểu khái niệm “trung thực”, trung thực là luôn tôn trọng sự thật , tôn trọng chân lí , lẽ phải; sống ngay thẳng , thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Vậy, “thái độ thiếu trung thực” là làm không đúng, không tôn trọng những gì đã có, đã xảy ra. Trong thi cử, thiếu trung thực được thể hiện dưới hình thức gian lận, coi trọng điểm chác mà bỏ qua kiến thức thực. Việc học sinh đi thi mang theo và sử dụng tài liệu hiện nay trở nên khá phổ biến. Trong thời hiện đại ngày nay, gian lận trong thi cử ngày càng trở nên tinh vi hơn, học sinh sử dụng các phương tiện điện tử để quay cóp, mở tài liệu có tổ chức, sử dụng tai nghe để trao đổi thông tin...

Trung thực là một trong những đức tính quý giá mà con người được xây đắp ngay từ nhỏ. Thế nhưng, khi đã trưởng thành, học sinh vẫn bất chấp thiếu trung thực để được điểm cao. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?  Có hai yếu tố cần bàn ở đây: khách quan và chủ quan. Khách quan là những yếu tố từ bên ngoài, trước hết là từ xã hội, xã hội hiện nay ngày càng đề cao bằng cấp. Mọi người nhìn vào điểm số để đánh giá một người, đánh giá năng lực và thậm chí đánh giá cả nhân cách. Nếu học sinh điểm thấp, thì họ sẽ cho rằng học sinh này thật lười biếng, mà không nghĩ rằng học sinh đã cố gắng rất nhiều nhưng chỉ có thể được như vậy, hoặc vào ngày kiểm tra đã có một sơ suất nào đó. Yếu tố thứ hai nằm ở gia đình, cha mẹ xem con là bộ mặt của họ, yêu cầu con cái phải được điểm cao để thỏa mãn cái tôi bản thân, hay để đi theo con đường sự nghiệp mà cha mẹ đã vạch sẵn cho con mình. Chính điều này vô hình chung đã tạo nên áp lực điểm số, khiến người ta bất chấp tất cả sử dụng tài liệu trong thi cử. Nhưng nguyên nhân quyết định lại nằm ở yếu tố chủ quan: bản thân học sinh thiếu ý thức trong quá trình học tập. Nhiều học sinh do lười học hay học bài chưa kĩ, đến lớp gặp bài kiểm tra, vì muốn được điểm cao nên đã thiếu trung thực, quay cóp, xem bài bạn… Ngoài ra, họ có tinh thần không vững, không đủ dũng cảm để nhìn nhận khả năng của chính bản thân mình, họ muốn có điểm cao để che lấp năng lực thật sự.

Những điều này cần phải bị lên án một cách mạnh mẽ, bởi thiếu trung thực trong thi cử sẽ để lại nhiều hậu quả to lớn. Sử dụng “phao” thi, tài liệu là điều cấm kỵ, phạm vào quy chế thi. Trong thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp thí sinh cố tình đem và sử dụng tài liệu trong phòng thi bị giám thị, hội đồng coi thi…phát hiện, lập biên bản, đình chỉ thi. Có nhiều trường hợp học sinh nuối tiếc, ân hận vì việc làm sai trái của mình dẫn đến bị cấm thi các môn thi tiếp theo, bị trượt tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia, bản thân bị tai tiếng, phụ huynh thất vọng, buồn bã… Nhưng nếu trong trường hợp bạn không bị phát hiện, thì nó cũng dẫn đến rất nhiều vấn đề. Trước hết, bạn sẽ bị lệ thuộc vào những kiến thức ảo. Tâm lý dựa dẫm này sẽ khiến bạn bị lệ thuộc vào tài liệu. Bạn làm bài phụ thuộc vào sách vở, vào kiến thức của người khác, vì thế kết quả ban đầu có thể tốt, nhưng về sau, bạn ngày càng bị hổng kiến thức, đến một lúc nào đó, những lỗ hổng đó sẽ không bao giờ có thể lấp được nữa. Những kiến thức ảo ấy khiến bạn không thể nhận thức được năng lực thực sự của bản thân, đồng thời cũng không biết mình đang ở đâu, đang cần gì. Kiến thức ảo dẫn đến tấm bằng ảo, tiến sĩ ảo, và cuộc đời của bạn cũng sẽ chẳng có gì là thật, nếu bạn cứ theo đuổi những thứ không có thật. Hơn thế nữa, gian lận sẽ tạo điều kiện cho bạn mắc vào nhiều thói xấu khác đó là lười nhác, ỷ lại và lừa dối. Nếu gian lận một lần mà trót lọt sẽ khiến bạn có ý định tái phạm thêm một, hai và có thể nhiều lần nữa. Vì bạn thấy: cần gì phải ra sức học làm gì cho mệt người. Một khi đã trở thành một con người dối trá, sau này ra đời, bạn sẽ không thể trở thành một người thành công bằng con đường tử tế. Bởi, xã hội không thể chấp nhận sự dối trá, đến lúc ấy, sẽ chẳng có ai tin tưởng bạn nữa, và chính bản thân bạn đã tự đào hố chôn mình. Không chỉ dừng lại ở đó, những người xung quanh bạn cũng không xem trọng bạn, họ cho rằng bạn là người lười nhác và không có gì đáng để tôn trọng.

Vậy, làm thế nào để giảm thiểu thái độ thiếu trung thực trong thi cử? Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra những biện pháp, chủ trương mới, được mọi người đồng tình. Muốn có nền giáo dục tốt phải có thế hệ giáo viên tốt, làm gương cho học sinh noi theo kiên quyết xử lí những hành vi gian lận; sẵn sàng cho học sinh học lại để cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh… Có như vậy mới mong sẽ ít đi những hành vi sai trái. Ngoài ra, nhà trường có thể khen thưởng những người gương mẫu trong vấn đề gạt bỏ mặt tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả là học sinh phải tự rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Phải dũng cảm nhìn nhận mình đang ở đâu để cải thiện việc học tập, chăm chỉ học tập thật tốt để có thể tự tin trong việc làm bài kiểm tra, đánh giá và trung thực trong thi cử.

Có thể hành trình chống lại thiếu trung thực trong thi cử sẽ là một con đường dài với nhiều nỗ lực lớn để thực hiện. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta ai cũng đóng góp bằng những hành động nhỏ, những tiếng nói góp ý, động viên thì tình hình thi cử sẽ được cải thiện, và ngày mà những bài kiểm tra thật sự trở thành một hình thức đánh giá khách quan nhất sẽ không còn xa nữa.

Đề 4: Hãy viết bài tham gia cuộc vận động tìm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Trả lời

Hằng ngày, trên các trang báo lớn, chúng ta lại xót xa khi đọc những thông tin về tai nạn giao thông, những tai nạn thương tâm mà không chỉ để lại di chứng cho nạn nhân mà còn khiến bao gia đình phải đau khổ. Đã đến lúc mỗi người chúng ta phải kiên quyết hơn, phải có những giải pháp triệt để để giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông, hướng đến một xã hội an toàn và văn minh hơn.

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu “an toàn giao thông” là gì? An toàn là bình yên trọn vẹn, không xảy ra bất kì sơ suất gì ảnh hưởng đến bản thân và người xung quanh. Thế nào là an toàn giao thông? Là những người tham gia giao thông tuân thủ đúng luật giao thông, không để xảy ra bất cứ tai nạn nào ảnh hưởng đến tính mạng đến của cải vật chất của bản thân mình và của người khác.

Tình trạng giao thông hiện nay ở nước ta đang diễn ra phức tạp với những biểu hiện mất an toàn tăng cao. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông. rong đó, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ. Hiện nay dang diễn ra một thực trạng là phần lớn học sinh tham gia giao thông có ý thức chưa cao như phóng nhanh, vượt ẩu, đi bộ và băng qua đường không đúng quy định, chạy xe đạp dàn hàng hai, ba, thậm chí là năm, sáu trên đường gây cản trở giao thông...; phụ huynh lấn chiếm lòng đường để đưa đón học sinh vẫn tái diễn. Một số em chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe trên 50 phân khối đến trường. Nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, mô tô và vượt đèn đỏ khi đi qua các nút giao thông có đèn tín hiệu..., đi tắt bục, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, sử dụng điện thoại khi đi xe...

Vì sao bài toán an toàn giao thông ngày càng trở nên nan giải? Vậy nguyên nhân ở đây là gì? Có hai yếu tố cần bàn ở đây: khách quan và chủ quan. Khách quan là những yếu tố từ bên ngoài, bản thân luật giao thông hiện nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế, người dân đôi khi vẫn vô tư dàn hàng chạy xe, bán hàng lấn chiếm vỉa hè, gây mất trật tự tình hình giao thông. Ngoài ra, cơ sở vật chất không được đảm bảo. Những con đường đầy ổ gà, lồi lõm, khiến nhiều xe bị lật bánh, dẫn đến tai nạn thương tâm. Là đường liên tỉnh, đường quốc lộ nhưng chỗ này đống đất, chỗ kia đống cát. Đường làm cả năm bảy năm chưa xong. Nhưng quan trọng hơn cả là nguyên nhân chủ quan đến từ người tham gia giao thông. Nhiều người bất chấp tất cả, lao đèn vàng đèn đỏ, uống rượu say xỉn khi lái xe. Lại có người ngủ gật, không đủ tỉnh táo điều khiển xe máy, xe tải...  Bên cạnh đó cũng có không ít người không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe máy, ô tô. Trong đó phần nhiều là những bạn học sinh còn đang độ tuổi học sinh: tay lái còn yếu, phản xạ còn kém nên việc tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Nguy hiểm hơn, có nhiều bạn học sinh hoặc các nhóm thanh niên mới lớn tổ chức đua mô tô, xe máy… gây mất trật tự trị an, nguy hiểm đến tính mạng những người xung quanh và cho ngay cả bản thân họ.

Những hành vi này cần bị xử phạt thật nặng, vì chúng sẽ gây ra hậu quả to lớn cho toàn xã hội. Nó dẫn đến thiệt hại lớn về người và của. Đó là thiệt hại về sinh mạng, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Các gia đình mất đi những người thân, xã hội mất đi những thành viên, những bàn tay lao động. May mắn hơn có người chỉ bị thương. Nhưng trong số ấy cũng có người phải mang bất hạnh suốt đời: bị mất đi một phần cơ thể, bị liệt, phải sống đời sống thực vật...  Hơn cả, không gì đau khổ hơn là mất mát về tinh thần, con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con... cả một gia đình phải hứng chịu hậu quả nặng nề chỉ vì một phút không tập trung khi điều khiển phương tiện giao thông

Vậy, chúng ta phải làm gì để có thể cải thiện được tình hình này? Trước hết, cần phải tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến luật giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông... Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư...

Để có thể đảm bảo an toàn giao thông, có thể nói đó là con đường dài và cần nhiều nỗ lực. Nhưng tôi tin rằng, nếu mỗi người trong chúng ta có ý thức khi tham gia giao thông thì ngày mà giao thông Việt Nam trở nên an toàn và văn minh sẽ không còn xa nữa. Hãy cùng nhau sẻ chia thông điệp này: “Nhanh một phút, chậm một đời.”

Đề 5: Theo anh (chị) làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp?

Trả lời

Con người đã sống trên Trái đất hàng triệu năm, trải qua một thời gian dài, môi trường sống của chúng ta ngày càng bị đe dọa. Đã đến lúc con người cần phải hành động để bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu môi trường sống là gì. Tất cả sự sống trên Trái Đất này và mọi thứ xung quanh ta đều là nhân tố tạo nên môi trường sống. "Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên." (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam). Môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,……Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,… Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân ô nhiễm hầu như đều xuất phát từ lý do chủ quan của con người: Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau. Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gọp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên. Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Một ví dụ đã từng được dư luận quan tâm là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền.

Chúng ta có nhiều lý do để bảo vệ môi trường. Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật. Trong quá trình tồn tại và phát triển con người cần có các nhu cầu tối thiểu về không khí, độ ẩm, nước, ánh sáng,... cũng như các hoạt động vui chơi giải trí khác. Tất cả các nhu cầu này đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên khả năng cung cấp các nhu cầu đó của con người là có giới hạn và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia và ở từng thời kì. Môi trường còn là nơi cung cấp các nhu cầu về tài nguyên cho con người như đất, đá, tre, nứa, tài nguyên sinh vật. Tất cả các tài nguyên này đều do môi trường cung cấp và giá trị của tài nguyên phụ thuộc vào mức độ khan hiếm của nó trong xã hội. Môi trường là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải của con người trong quá trình sử dụng các tài nguyên thải vào môi trường. Các tài nguyên sau khi hết hạn sử dụng, chúng bị thải vào môi trường dưới dạng các chất thải. Các chất thải này bị các quá trình vật lý, hóa học, sinh học phân hủy thành các chất vô cơ, vi sinh quay trở lại phục vụ con người. Tuy nhiên chức năng là nơi chứa đựng chất thải của môi trường là có giới hạn. Nếu con người vượt quá giới hạn này thì sẽ gây ra mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.

Để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp; mỗi người cần phải hành động từ bây giờ. Chúng ta cần nhớ rằng bảo vệ môi trường không hề khó khăn. Nó không hề phức tạp, và thậm chí một vài thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Việc đầu tiên góp phần bảo vệ môi trường đó là nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết, và hành động vì môi trường cùng chúng ta. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đối với cá nhân, chúng ta có thể trồng cây xanh, sử dụng túi giấy hoặc bao nilong tự hủy thay cho những chiếc túi nilong phải mất nhiều năm mới phân hủy được. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho xăng, dầu nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hiện nay.

Có thể nói, bảo vệ môi trường là một công việc cấp bách, nhưng nó đòi hỏi một quá trình lâu dài để vừa bảo vệ, vừa khắc phục những tổn hại mà con người đã gây nên. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nhau sẻ chia, đóng góp những hành động dù là nhỏ nhất, thì ngày mà môi trường chúng ta trở nên xanh, sạch, đẹp sẽ không phải là một điều không thể.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 11 siêu ngắn


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com