[toc:ul]
Bài tập 1: So sánh bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, tìm những chỗ chưa sát với nguyên tác.
Trả lời
- Câu thơ thứ hai trong bản dịch nghĩa là “chòm mây trôi lững lờ” thì trong bản dịch thơ được dịch là “chòm mây trôi nhẹ” ở đây trong câu thơ dịch chưa sát nguyên tác. Hơn nữa ở nguyên tác còn có từ “cô” cô ở đây là cô đơn, mới chỉ dịch từ “vân”, điều này làm câu thơ chưa thoát ý.
- Câu thơ thứ ba trong bản dịch nghĩa là “Thiếu nữ xóm núi xay ngô” còn trong bản dịch thơ được dịch là “Cô em xóm núi xay ngô tối” thêm chữ tối vào câu thơ làm mất đi tính hàm xúc trong câu, bởi không cần thêm chữ tối thì người nghe vẫn hiểu được là trời tối.
Bài tập 2: Phân tích bức tranh thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trong hai câu thơ đầu.
Trả lời
- Cánh chim là một hình ảnh tiêu biểu trong thơ văn cổ điển, vừa thể hiện không gian vừa thể hiện thời gian, sau một ngày mệt mỏi chim bay về tổ để nghỉ ngơi cũng như con người sau một ngày lao động vất vả tìm về nhà.
- Chòm mây lúc này dường như cũng đã quá mệt mỏi nên trôi chầm chậm nhẹ nhàng. Tuy nhiên tiếc rằng câu thơ này được dịch không thoát ý nên không gợi lên được sự cô đơn cho người đọc cảm nhận.
- Ta thấy tất cả các sự vật sau một ngày hoạt động đều như đang rơi dần vào trạng thái nghỉ ngơi (trạng thái tĩnh), duy chỉ có Bác vẫn phải bước đi. Trong tình cảnh tù đầy gian khổ, Bác vẫn lạc quan làm thơ và một lòng hướng đến ngày mai cũng chính là buổi bình minh của nước nhà.
Bài tập 3: Bức tranh đời sống được cảm nhận trong hai câu thơ sau như thế nào?
Trả lời
Trong hai câu thơ này tác giả miêu tả những hình ảnh quen thuộc trong sinh họat hằng ngày. Đây là những hoạt động của một bản làng đang chuẩn bị cho buổi tối.
Hình ảnh cô gái xay ngô toát lên vẻ trẻ trung, khoẻ mạnh, sống động.
Hình ảnh “lò than đã rực hồng” báo hiệu buổi chiều đã kết thúc và buổi tối đã bắt đầu. Từ đó cũng cho thấy tấm lòng người xa quê, dù có gian lao thế nào vẫn hướng về quê hương, đất nước.
Bài tập 4: Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ.
Trả lời
Nghệ thuật tả cảnh trong bài thơ vừa có những nét cổ điển (bút pháp chấm phá, ước lệ với những thi liệu cũ như hình ảnh: chim, mây,…) vừa có nét hiện đại (bút pháp tả thực sinh động với những hình ảnh dân dã, đời thường).
Bài thơ chủ yếu là gợi tả chứ không phải là miêu tả, vì thế mà có thể cảm nhận tính chất hàm súc của bài thơ rất cao.
Ngôn ngữ trong bài thơ được sử dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Một số từ ngữ vừa gợi tả lại vừa gợi cảm (quyện điểu, cô vân). Biện pháp láy âm vắt dòng ở câu 3 và câu 4 tạo nhịp thơ khoẻ khoắn.